04/05/2017
539
Loạt bài suy tư về lòng Thương Xót Chúa trong đời sống-4_Lm. FX Thượng
















 

LOẠT BÀI SUY TƯ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG

KỲ 04: QUYỀN BÍNH KIẾN TẠO HIỆP THÔNG VÀ THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Ngay từ đầu, Giáo hội đã được nuôi dưỡng bởi cuộc hiệp thông thâm sâu với Đức Kitô Phục Sinh. Thật vậy, cng đoàn tiên khởi cảm thấy chính mình đang tiếp nối sự kiện Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Cấu trúc sơ khởi của Hội Thánh chính là sự hiệp thông chính danh với Đức Kitô xuyên suốt con đường giảng thuyết, chữa lành, tử nạn và phục sinh. Chính Đức Kitô Giêsu đã kêu gọi đích danh từng người một bằng Thần Khí và Lòng thương xót để kiến tạo đời sống hiệp thông với chính Ngài. Cộng đoàn tiên khởi bao gồm nhiều người môn đệ khác ngoài nhóm Mười Hai, để chia sẻ cuộc sống và thân phận của Đức Kitô trong chính vai trò của mình được cộng đoàn ủy thác. Giáo hội là bí tích sự sống, kiến thiết hiệp thông mà chính Đức Kitô đã cấu trúc bằng sự sống Người. Hiệp thông chính là lý tưởng sống của mọi Kitô hữu. Giáo Hội thời sơ khai chỉ có một trái tim và một tâm hồn quy tụ chung quanh bàn tiệc Thánh Thể với một vị chủ sự đại diện cho Đức Kitô Giêsu. Vai trò lãnh đạo cộng đoàn sơ khởi chính là sự hướng dẫn tinh thần, xây dựng hiệp thông triệt để cả về tinh thần lẫn vật chất, và sống sự hiệp nhất mà chính Chúa Kitô tha thiết ước mong qua lời cầu nguyện trước Thiên Chúa Cha (x. Ga 17,20-26). Hiệp thông giữa cộng đoàn là cột trụ đầu tiên và động lực thôi thúc Hội Thánh tiến đến hiệp nhất sâu xa với Ba Ngôi Chí Thánh.

Mỗi giai đoạn lịch sử không đương nhiên tương ứng với một khuôn mẫu, bởi vì trong cùng một giai đoạn, có thể chung sống nhiều phương pháp đôi khi đối chọi với nhau. Hội Thánh sơ khởi là nhóm nhỏ rất dễ hiệp nhất liên vị đồng trách nhiệm. Tuy nhiên khi Hội Thánh lập những cộng đoàn lớn, những người nghe giảng Tin Mừng và gia nhập Kitô giáo tăng lên, người mỗi cảnh, mỗi ước mơ, mỗi cá tính, mỗi lối sống rất khó hòa hợp lợi ích. Vì cộng đoàn mang thêm nhiều màu sắc, dáng vẻ, những đặc nét riêng của từng cá nhân hình thành nên yếu tố hoà hợp trong cộng đoàn phải được đề cao. Do đó, sự phân công hay vai trò của mỗi người cần phải luôn được giữ gìn sao cho có sự quân bình thì mới có sự hoà hợp thực sự được. Và dĩ nhiên, Giáo hội phải suy tư về quyền bính để thực thi việc cân bằng lợi ích chung và giữ gìn kho tàng đức tin.

Kiểu sống của cộng đoàn Kitô tiên khởi ở Giêrusalem là mẫu gương sự hiệp nhất cho các tín hữu Kitô càng lúc rất khó thực hiện, cộng đoàn bị chia rẽ rạn nứt do xung đột giữa các nhóm. Hồi tiên khởi, Giáo Hội gia tăng mạnh, nhiều sắc dân gia nhập cộng đoàn mang theo đặc tính nhóm quyền lợi, sách Công vụ tông đồ kể lại việc các tín hữu nói tiếng Hy Lạp than phiền chống lại các tín hữu gốc Do Thái, vì các bà góa của họ bị bỏ quên trong việc phân phát lương thực hằng ngày (Cv 6,1). Vấn đề lợi ích thực phẩm không phải là yếu tính cộng đoàn trong Giáo Hội. Từ cảnh tượng này, có thể nhìn thấy nguy cơ chia rẽ trong lòng cộng đoàn Hội Thánh. Đứng trước sự cấp thiết của tình bác ái và trật tự cộng đoàn phụng vụ Thánh Thể, đảm bảo sự công bằng đối với các người yếu đuối, người nghèo, nhân danh quyền tông đồ, một công nghị cần thiết được triệu tập để giải quyết vấn đề. Chính sự phân phối nhiệm vụ bác ái và công bằng, nghĩa là bổn phận trợ giúp các bà góa, người nghèo, yêu thương lo lắng cho các tình trạng túng thiếu của các anh chị em khác đã hình thành trách nhiệm và gián tiếp thiết lập quyền lệnh cho các thừa tác viên gìn giữ đức công bình và bác ái, để đáp trả lại lệnh truyền của Chúa Giêsu: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (x. Ga 15,12.17).

Hội Thánh được chia sẻ quyền tối thượng của Thiên Chúa vì tình bác ái cụ thể và công lý. Quan điểm dứt khoát cần thiết lập người chức trách để chia sẻ công việc và ổn định cộng đoàn: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn by người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (x. Cv 6,2-4). Và kể từ đó, bầu khí cộng đoàn đã sinh động hơn: “Họ kiên trì trong việc lắng nghe giáo huấn của các Tông Đồ và trong sự hiệp nhất huynh đệ, trong việc bẻ bánh và trong các lời cầu nguyện” (Cv 2,42).

Điểm tựa chính yếu của Hội thánh là tình yêu thương, hiệp thông giữa các thành viên, nói một cách khác, Hội thánh dụng thánh ngôn: “để tất cả nên một” của Đức Kitô làm gốc, làm cơ sở để khai triển các sinh hoạt tôn giáo cũng như xã hội. Chính cơ cấu hiệp thông mang dáng dấp quyền bính (do sự gợi hứng của ân sủng) có nhiều thuận lợi để phát triển đời sống cộng đoàn Kitô hữu. Các tín hữu dễ dàng nhận ra sự hiệp nhất sâu xa trong tình anh chị em nhờ việc cử hành Thánh Thể quanh một vị chủ sự lãnh đạo cộng đoàn mang tư cách Đức Kitô là Đầu. Cũng giống như tiệc Vượt Qua được cử hành. Hiệp nhất trong trật tự là cơ sở để phát triển ý thức trách nhiệm trong cộng đoàn đức tin. Phaolô chọn các môn đệ có khả năng lãnh đạo cộng đoàn để trao phó cho họ trách nhiệm phân phát ân sủng và thực thi bác ái cộng đoàn. Như thế, nguyên tắc quyền bính trong Hội Thánh đã được đưa ra và áp dụng trong cộng đoàn Kitô hữu sơ khai tuy còn đòi hỏi nhiều nỗ lực để duy trì và thực hành trong đời sống Giáo hội với sự khiêm nhường của Đức Kitô.

Khi đề cập đến quyền bính dĩ nhiên phải thiết định sự vâng phục. Cơ chế quyền lãnh đạo, thủ chỉ sẽ làm bộc lộ những căng thẳng. Trong bối cảnh thế giới đòi hỏi dân chủ hóa mọi lãnh vực, Hội Thánh Chúa Kitô được Chúa Thánh Thần thôi thúc suy tư sâu hơn về các ý nghĩa thần học của quyền bính trên nền tảng Lòng thương xót của Chúa. Lòng Thương xót Chúa là phương pháp duy nhất để thực thi quyền bính cách tích cực mang lại lợi ích thiêng liêng trong Giáo hội. Nếu mọi quyền bính đến từ Thiên Chúa, thì mọi quyền bính đều có bản chất phục vụ. Tất nhiên điều này càng đúng khi quyền bính trong Giáo hội được thực thi với tâm hồn tràn đầy lòng thương xót như Thiên Chúa Cha và khiêm nhường, hiền lành như Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô đã khẳng định với các môn đệ: “Giữa anh em ai làm lớn hãy phục vụ mọi người. Cũng như Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ” (x Mc 10,44-45; Mt 20,26-28; Lc 22,26-27; Ga 13,14-15). Thánh Phêrô nói với các mục tử của các cộng đoàn tiên khởi: “Tôi khẩn nài anh em hãy chăn dắt đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao cho anh em và hãy nhiệt thành săn sóc đàn chiên ấy. Hãy làm công việc của anh em không phải để chỉ nhận thù lao, nhưng từ khao khát thực sự muốn phục vụ. Đừng thống trị những người được ủy thác cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đàn chiên” (x. 1Pr 5,2-3).

Quyền bính là thực tại rất có thể tốt lành và ích lợi cho công ích, nếu được dùng để phục vụ người nghèo và tất cả mọi người, với đức công bình và lòng thương xót. Nhưng khi quyền bính gắn với đặc quyền đặc lợi, với lòng ích kỷ và bạo lực, thì chúng biến thành các dụng cụ gây đổ vỡ trong cộng đoàn, làm tổn thương những tâm hồn yếu đuối. Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 24.02.2016,  nhắc lại chuyện ông Nabốt, trình thuật trong chương 21 sách các Vua I, kể rằng: vua Israel là Acab muốn mua vườn nho của một người  tên là Nabốt, bởi vì nó gần hoàng cung. Đề nghị của nhà vua xem ra hợp pháp và quảng đại nữa, nhưng bên Israel gia tài ruộng đất được coi hầu như bất khả xâm phạm. Thật thế  sách Lêvi có dy rằng: “Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta” (Lv 25,23). Đất là thánh thiêng, vì là một ơn của Chúa, phải được giữ gìn và duy trì, như dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa truyền từ đời này sang đời nọ và bảo đảm cho phẩm giá của mọi người. Như thế chúng ta hiểu tại sao ông Nabốt lại từ chối nhà vua: “Xin Giavê đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài!(1 V 21,3).

Vua Acab phản ứng lại lời từ chối đó với sự cay đắng và giận dữ. Nhà vua cảm thấy bị xúc phạm, ông là vua, là người quyền thế, bị giảm thiểu trong quyền bính tối thượng của mình và bị tước đoạt trong khả thể thoả mãn ước muốn chiếm hữu của ông. Khi thấy ông buồn phiền như vậy, vợ ông là Giêsabel, một hoàng hậu ngoại giáo đã gia tăng các tôn thờ ngẫu tượng và sát hại các ngôn sứ của Chúa (x. 1 V 18,4), bà không xấu, bà ác độc, bà quyết định can thiệp. Các lời bà nói với nhà vua rất là ý nghĩa. Anh chị em hãy cảm nhận cái gian ác đàng sau người phụ nữ này: “Vua cai trị Ít-ra-en hay thật! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Na-bốt người Gít-rơ-en.” (1 V 21,7). Quyền bính được dùng để cưỡng đoạt và giết chóc. Đó không phải ý định của Thiên Chúa và không bao giờ xuất phát từ Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Với tấm gương từ những câu chuyện Kinh Thánh, Giáo Hội không quên rằng một chuẩn mực của quyền bính là “phụng sự khiêm nhường” hay “dấn thân trong hy vọng”. Dễ hiểu hơn, quyền bính là phương tiện của Lòng thương xót Chúa để xây dựng và thăng tiến đời sống cộng đoàn. Sứ mệnh của người thực thi quyền tài phán trong Hội Thánh có ý nghĩa thâm sâu là thi hành thánh ý Thiên Chúa, tức vâng phục Lòng thương xót Chúa. Trong các sách Tin Mừng, Đức Giêsu luôn luôn được trình bày như Đấng được Cha sai đến để thi hành ý muốn của Cha, thực thi lòng thương xót trên dân chúng, cúi xuống chữa lành, nâng họ lên và khu trừ ma quỷ, phục hồi sự sống. Thế giới không thể hình dung về sứ mạng Giáo Hội mà không liên hệ thái độ của thẩm quyền và sự vâng phục Thiên Chúa. Sống quyền bính là luôn luôn hàm nghĩa việc lên đường để phụng sự, để hiến dâng chứ không phải để cai trị và chiếm hữu. Vâng phục đối với thánh ý Thiên Chúa là chỉ nam của quyền bính Hội Thánh.

Đức Kitô là Thượng tế, vừa gần gũi Thiên Chúa vừa gần gũi con người; Đức Kitô là tôi tớ, người cúi xuống rửa chân và đặt mình gần gũi với những kẻ yếu hèn nhất; quyền bính phải thấm đẫm lòng thương xót. Ở đâu có lòng thương xót, ở đó có con tim của Chúa; còn ở đâu có sự lạnh lùng hà khắc, ở đó chỉ có các cán sự xã hội mang tư cách thừa tác viên của Chúa thôi. Mục vụ bằng quyền bính thiếu Lòng thương xót Chúa thì trở thành khắc nghiệt, và đây là một nguy hiểm cho dân Thiên Chúa. Thánh Gioan Maria Vianney khẳng định: “Một mục tử tốt theo con tim của Thiên Chúa là kho tàng lớn nhất mà Thiên Chúa nhân lành có thể ban cho một giáo xứ, và là một trong những hồng ân quý giá nhất của lòng thương xót của Thiên Chúa” (x. Le Curé d’Ars, Pensées, présentés par l’abbé Bernard Nodet, DDB, Foi Vivante, 2000, pp. 101). Quyền bính được ban cấp không nhằm vinh danh cá nhân mà là để tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô, theo gương Chúa Giêsu mà trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài là Thừa Sai đầy lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, để “tất cả mọi sự nơi Người đều tỏ bày cho thấy lòng thương xót; không có gì nơi Người lại thiếu vắng lòng thương xót” (x. Misericordiae Vultus, số 8).

Cung cách phụng sự được mô tả rất cụ thể trên từng trang Tin Mừng, Đức Kitô Giêsu đã thực hành Lòng thương xót cách đầy uy quyền nhưng cũng rất cụ thể, hiện sinh: Ngài ôm các em bé vào lòng, chúc lành cho chúng và khẳng định rằng Nuớc Thiên Chúa thuộc về những người giống như chúng. Chúa Kitô không ngần ngại làm bạn với người nghèo khổ, tàn tật, quỷ ám và kẻ tội lỗi. Ngài đã chạm đến hoàn cảnh của họ với sự cảm thương bạn hữu đến độ sa nước mắt, như việc đã xảy ra với Lazarô làng Bêtania. Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông đói mệt trong hoang địa. Trái tim trắc ẩn của kẻ hành quyền trong Giáo Hội là hoàn toàn đồng cảm và mang lấy gánh buồn đau như Đức Kitô trước người góa phụ khóc thương đứa con trai duy nhất chết. Lòng thương xót đã thúc đẩy Đức Kitô đi đến gặp gỡ, đụng chạm đến những người phung hủi mà xã hội loại trừ và liệt vào hạng ô uế phải xa tránh không được tiếp xúc.

Quyền lãnh đạo cộng đoàn là để đi vào mối liên hệ cá nhân với tất cả mọi người trong cộng đoàn: những người đau ốm, những người khốn khổ, những người nghèo hèn, những người bị áp bức, những người bị loại ra bên lề, những người tội lỗi, không loại trừ ai. Hội Thánh mang lấy quyền bính thì không thể vô cảm, vô can, hay dửng dưng với bao nỗi đau buồn và nỗ lực chiến đấu trong đau đớn và sầu khổ hiện sinh. Người khốn khổ là đối tượng lời cầu nguyện của kẻ có trách nhiệm lãnh đạo họ. Lòng thương xót mới có thể giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn và an toàn hơn.

Dựa vào quyền bính toàn năng của Ðức Kitô Vua, phẩm tính vương giả Kitô là nguồn mạch của sự tự do các con cái Thiên Chúa: ở trong thế giới, người Kitô sống như là được hưởng gia nghiệp của anh cả, để …cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi sự (x. 1Cr 15:27-28). Chúa Kitô cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ. Quyền năng đích thực là để phục vụ Nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình. Trong Nước này, chính tạo vật cũng được giải thoát khỏi thân phận làm nô lệ sự hư đốn, để được hưởng tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8:21). Lời Chúa hứa thật trọng đại và lệnh Ngài truyền cho các môn đệ thật lớn lao: ‘Thực vậy, tất cả mọi sự đều thuộc về anh em, còn anh em thì thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa’ (x. 1Cr 3: 23)” (x. LG 36).

Vì Ðức Kitô chia sẻ quyền ấy với Hội Thánh, nên mỗi thừa tác viên Hội thánh được trao những quyền hạn nhất định để tiếp tục công trình xây dựng vương quốc Thiên Chúa giữa lòng lịch sử. Quyền năng cùng nhiệm vụ là để tiếp tục kiến tạo Hội thánh. Ðức Kitô đã chia sẻ vương quyền của Ngài cho họ (x. Mt 28:19-20), cho phép đòi hỏi thực hiện quyền của Lòng thương xót Chúa để “toàn địa cầu phải quy phục để gia đình loài người có được một cuộc sống đầy tình người hơn” (x. GS 38). Quyền bính Hội Thánh tham gia trong cộng đoàn đức tin và xã hội khi thấm nhuần những giá trị của  Tin Mừng, sẽ hỗ trợ thực hiện vương quyền của Ðức Kitô để Thiên Chúa trở nên tất cả trong mọi sự, để Lòng thương xót Chúa tràn ngập khắp cả địa cầu.

(còn tiếp)

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

Nhà Thờ Thới Sơn