27/03/2017
1619
Loạt bài suy tư về lòng Thương Xót Chúa trong đời sống-2_Lm. FX Thượng




















 

Kỳ 02: Thần Dược Lòng Thương Xót Hay Thuốc An Thần

Của Người Thời Nay?

Bruno Bauer trong “Nhà nước Thiên Chúa giáo và thời đại chúng ta” đã hai lần so sánh tôn giáo với thuốc phiện, và trong nhiều tác phẩm khác nhau, ông miêu tả tôn giáo như một giấc ngủ, một ảo tưởng, một chất rượu cồn, một trạng thái chiêm bao v.v...; song chính sự miêu tả tôn giáo như thuốc phiện của ông đạt được nhiều tiếng tăm nhất trong sách báo chống tôn giáo thời bấy giờ.

Chúng tôi có thể thêm rằng R.Seeger trong Nguồn gốc và ý nghĩa của câu: “Die religion ist opium fšr das Volk” cũng cho rằng Bruno Bauer là tác giả của câu này và rằng Mocke Hess và Karl Marx chỉ làm cái việc là phổ biến nó. (x. Sergio Vuscovic Rojo. “Tôn giáo, thuốc phiện của nhân dân và sự phản kháng chống lại khốn cùng thực tại – các quan điểm của Mác và Lênin”. Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2-2000, tr. 12-17.)

Sự tồn vong của Thiên Chúa trong vận mệnh của con người là một vấn đề không hề đơn giản và dễ dàng như Bruno Bauer nghĩ. Có chăng vọng tưởng đưa ra một định nghĩa tổng quát về Thiên Chúa và về Kitô giáo, hoặc đơn giản hơn, là một định nghĩa về đạo Công giáo? Công việc này có lẽ cũng không khó cho bằng đi tìm một định nghĩa chung về “Lòng thương xót” trong tôn giáo. Lý do thật đơn giản là vì mỗi thể nhn được sinh ra và lớn lên trong một bối cảnh bất ổn, dửng dưng và tàn độc không khoan nhượng, ngụy biện và giả dạng luôn cần đến chân lý và lòng thương xót đến từ một đấng thiêng liêng có khả năng ôm lấy toàn bộ lịch sử nhân loại và từng thời điểm trong mọi không gian để tái cấu trúc tâm hồn, hiệp nhất xã hội và hướng thiện, duy đức, duy mỹ. Sự khó khăn trong việc đi tìm một hiện thực của lòng nhân từ, dung mạo của Đấng Từ Bi đã được các tôn giáo thiện đức trình bày hiển hiện qua cung cách sống và nghi lễ tế tự, bởi lẽ cái nhìn của họ về tôn giáo cũng chính là cái nhìn của đức tin và lòng từ bi mà họ đã được tiếp nhận học hỏi và trải nghiệm trong chính cuộc sống mình chứ không phải nhìn từ lăng kính duy thực nghiệm, hay từ biện luận logic vật lý, toán học và vạn vật học.

Sống trong một xã hội dày đặc thông tin trái chiều, duy cảm, thích ấn tượng, thì con người luôn luôn bị uốn nắn, ảnh hưởng bởi tất cả những gì họ lãnh nhận từ bên ngoài. Sức mạnh của truyền thông tham vọng tạo thành cuộc sống và cấu trúc suy nghĩ, hành động của con người, định hướng dư luận. Lão luyện thì thắng thế, lập luận giỏi thì xoay chuyển cục diện dù sự thật đôi khi bị biến thể, ảo hóa. Con người, trước hết nửa phần được cấu thành từ những định luật vật chất tất yếu, nửa phần được tạo nên từ giáo dục, văn hóa. Cả hai phần xác thể và tâm thức bị chi phối bởi thực thể bên trên là niềm khao khát hạnh phúc, hạnh phúc trường tồn, không chỉ bên ngoài tường cao, cổng kín, an ninh mà còn bình an tự sâu thẳm trong tâm hồn với niềm hạnh phúc của tâm hồn không chìm đắm trong dục vọng thấp kém.

Tôn giáo, từng bước bị loại trừ cách tinh vi ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng, xã hội sẽ không thể vươn lên đến mức hoàn thiện như Thiên Đường mỹ đức nếu Thiên Chúa bị loại trừ, nếu lòng thương xót không được xét đến như động lực thúc đẩy thâm tâm nhân loại đi theo một lộ trình mà Thiên Chúa đã vạch sẵn trong lương tri. Lòng thương xót, một yếu tính của Thiên Chúa không còn mang một dáng dấp lập luận khoa bảng nửa mà là cách hành xử của Thiên Chúa. Lúc nào đó trong lịch sử, Thiên Chúa đã mang lấy thân phận con người và đã “xã hội hóa” lòng thương xót ấy khi truyền lệnh cho tất cả các môn đệ “hãy làm việc này, mà nhớ đến Thầy” (x. Lc 22,19). Sự tận hiến chính mình của Đức Kitô, Con Thiên Chúa qua biến cố thập giá là mẫu thức tuyệt hảo của cách hành xử lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi khi Người trao ban chính Con Một làm giá máu chuộc lấy muôn người về (x. Mt 20,28).

Do đó, lãng quên lòng thương xót, quy niềm tin vào Thiên Chúa thành một dạng thức bùa chú, ma dược mê hoặc tâm hồn nhân thế là cách nhanh nhất để con người tự phán xét và rời khỏi Thiên Chúa đời đời. Lòng Thương Xót không phải là một loại vấn đề thứ yếu nằm ở bên lề suy tư nghiêm túc, hàn lâm về Thiên Chúa; mà đúng hơn, là nền móng cho tiến trình chất vấn lương tâm của chúng ta mỗi ngày trước khi trình bày suy tư về Thiên Chúa và thể hiện niềm tin trong cuộc sống. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa phải trở nên cần thiết cho không gian số hóa, cần thiết hơn cho thời gian chóng qua và cần thiết nhất cho mỗi con người hôm nay trong một xã hội còn nhiễu loạn, phân tán, và chông chênh.

Chủ nghĩa hư vô, duy vật luận, tục hóa và duy ngã độc tôn biến các tâm hồn thơ ngây thành nạn nhân của hình ảnh tầm thường và âm mưu đi đến tầm thường hóa về một Thiên Chúa nhân từ, thánh thiện và rất mực thương xót. Tiến trình này trước hết quy kết tôn giáo thành ma dược, hủ hóa lòng từ bi của Thiên Chúa thành sự bất lực, biến Thiên Chúa xuống thành một đối tượng nghiên cứu khoa học tâm lý chiến lược và không còn coi trọng chút nào sự thánh thiện của Người. Lòng thương xót, không phải là dược liệu thượng hạng chạy chữa cho tình cảnh thối nát của công lý biến dạng mà phải được hiểu là công lý thánh của Thiên Chúa vì nó phản chiếu sự thánh thiện, tốt lành, công chính và tràn đầy từ tâm của Cha Trên Trời. Chỉ với chiều hướng này, mới có thể giải độc tư tưởng, giải độc tình trạng tục hóa, tầm thường hóa và tương đối hóa thực tại siêu linh làm cho hình ảnh người cha nhân hậu và hay thương xót của Thiên Chúa hiển dung sáng láng trong tâm hồn và trong tầm mắt hiện sinh. Lòng Thương xót là bức mỹ họa ảnh vị Thiên Chúa nhiều thiện cảm, nhân hậu và công bình. Điều này càng cần thiết gấp bội khi phải đối đầu với nhiều xuyên tạc có hệ thống đối với hình ảnh chân thực của Thiên Chúa.

Ngôn ngữ của lòng thương xót là ngôn từ tuyệt vời về Thiên Chúa có thể đem lại một giải thích hợp lý cho đức tin. Tin Mừng dạy phải công chính hóa người tội lỗi, chứ không công chính hóa tội lỗi. Vì lý do này, ta phải yêu người tội lỗi nhưng phải ghét tội lỗi. Vì Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu kẻ có tội biết thống hối ăn năn – đó là chứng dẫn hữu hiệu nhất cho lòng nhân hậu của một người Cha tốt lành.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết về “Chúa Nhật Lòng Chúa Xót Thương” như sau: “Cũng như Thánh Faustina, chúng ta tuyên xưng rằng ngoài Lòng Chúa Xót Thương, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại. Chúng ta cùng hết lòng tin tưởng kêu lên: ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa’. Lời tuyên xưng đặt trọn niềm tin tưởng nơi quyền năng và lòng thương xót của Chúa, đặc biệt cần thiết cho thời đại chúng ta hôm nay, một thời đại mà nhân loại đang phải trải qua những lo lắng hoảng sợ trước bao nhiêu sự dữ. Kêu cầu đến lòng thương xót của Chúa rất cần thiết để tự đáy tâm hồn đầy khổ đau, lo lắng, và bất ổn của chúng ta luôn trào dâng một niềm cậy trông vững chắc… Chúng ta ước ao được nhìn vào con mắt của Chúa Giêsu, Đấng đầy lòng thương xót, để nhận ra nơi sâu thẳm trong cái nhìn của Chúa, những ân sủng mà chúng ta thường nhận được và Chúa vẫn trao ban hàng ngày cho chúng ta mãi mãi cho đến tận thế…”

Ngày nay, hơn lúc nào hết, nhân loại cần đến lòng thương xót của Chúa để biết xót thương nhau. Cư xử đúng tư cách Kitô hữu yêu thương mọi người, kể cả những kẻ chống đối, để Lòng Thương Xót của Thiên Chúa có thể phản chiếu tràn đầy qua tấm lòng quảng đại phụng sự nhân sinh và môi trường sống. Nhân loại chờ đợi những kẻ tin vào Thiên Chúa phải là người trước tiên trỗi vượt trong niềm tin tưởng vào lòng thương xót Chúa và dám sống đến cùng cho lòng thương xót ấy bằng sự dấn thân, công bình, yêu thương, khiêm nhường và khả tín. Lòng Thương xót không là ma dược ru cho ngủ say mà đòi hỏi phải thức tỉnh để thực hành những hành vi nhân ái được thực hiện vì yêu mến Thiên Chúa, để phục dịch Thiên Chúa nơi mỗi người anh em chung quanh mình, yêu người thân cận như chính mình (x. Mt 22,37-39; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Ở mọi nơi và trong mọi lúc, Thiên Chúa của Lòng thương xót yêu cầu mỗi người giáo đồ hãy tỏ lòng nhân ái với những người lân cận. Thánh Faustina đã viết lời Thiên Chúa nói: “Con không được thoái thác, kiếm cớ chữa mình hay tự miễn cho mình điều ấy.” (NK 742)

Từ sâu thẳm những khổ đau của con người, lời kêu xin lòng thương xót của Chúa hằng vọng lên khắp nơi trên thế giới. Họ cần Thiên Chúa, tuy không diễn đạt thành lời đúng như khoa ngôn ngữ thần học hàn lâm. Họ đến với Thiên Chúa bằng chính nỗi cùng khổ của mình và tin tưởng rằng: “Chỉ trong Thiên Chúa từ nhân, hồn tôi hằng được nghỉ ngơi yên hàn, ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến” (x. Tv 62,2). Nơi nào tràn ngập ghét ghen, hận thù, chiến tranh, đau khổ và chết chóc nơi đó rất cần đến lòng Chúa xót thương để đem lại sự tha thứ hòa giải chữa lành và an bình. Nó không cần vũ khí, không cần chiến lược quân sự gieo thêm tai ương và chết chóc, không hề! Chiến lược ấy chỉ đánh vào niềm tin con người, làm hủy hoại công trình kiến trúc và lòng tin vào công lý xã hội. Loại dược liệu nào mà chủ trương vô thần cực hữu muốn “giết Thiên Chúa” hay xem niềm tin như thứ “ma dược – ma túy” sẽ mang đến để cứu lấy sự sống và phẩm giá con người cách triệt để nhất? Không, chỉ cần lòng thương xót Chúa để nhận ra giá trị tuyệt vời của mỗi con người, xây dựng trên hoang tàn đổ nát để phục hồi sự sống, phục hồi phẩm giá con người. Chúa Giêsu nói với thánh Faustina: “Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào quay về với lòng thương xót của Cha với niềm tín thác” (NK 3000); Lòng Thương Xót là phương dược linh nghiệm nhất của Thiên Chúa cho xã hội bị trúng độc “bài thần – diệt Chúa” đương đại. Tất cả mọi công trình Thiên Chúa thực hiện đều là tác phẩm của Lòng thương xót.

Trong bài giảng Thánh lễ phong thánh cho nữ tu Faustina, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố rằng thông điệp về Lòng thương xót Chúa phải trở nên ánh sáng soi đường cho nhân loại trong ngàn năm thứ ba. Thánh Giáo hoàng cũng phó dâng thế giới cho Lòng thương xót Chúa và truyền cho Hội thánh phải có trách nhiệm chuyển tải ngọn lửa của Lòng thương xót cho thế giới.

Khi nhấn mạnh đến Lòng thương xót như là động lực sống còn của hồn tông đồ trong thời đại mới là cách thức nói về Thiên Chúa cách xứng hợp để hình thành đức tin – điều đó có nghĩa là tái khám phá ý nghĩa chủ đạo về thông điệp Lòng thương xót trong Kinh thánh. Trong một không gian sống mà mọi người đang mất hết can đảm, hy vọng và phương hướng, thông điệp về Lòng thương xót phải mang đến cho họ niềm tin và hy vọng. Thực thế, việc cho thấy tầm quan trọng của lòng thương xót Chúa trong bối cảnh hiện tại là một thách đố lớn đối với các nhà giảng thuyết và thần học gia hiện đại. Vừa phải trình bày một Thiên Chúa nhân hậu, quyền năng, chậm bất bình và hay thương xót, vừa phải tránh dòng suy tưởng và thực hành “thỏa hiệp” làm cho lòng thương xót bị giảm thiểu thành giả tạo, ru ngủ không thể biểu lộ trọn vẹn lòng kính sợ trước Thiên Chúa, Đấng Thánh, và trước công lý và sự thẩm án của Thiên Chúa. Nguyên tắc của Tin Mừng: Công chính hóa tội nhân chứ không công chính hóa tội lỗi. Niềm tin vào một Thiên Chúa tràn đầy lòng thương xót là điều rất quan trọng và mang đến lợi ích cho mọi người có tôn giáo hay không có tôn giáo. Thực hành tâm thương xót không hề làm giảm đi chí khí con người mà càng làm sáng tỏ lương tri. Lòng trắc ẩn là thứ duy nhất chỉ được ban cho con người, dù người ấy có mất trí, thiểu năng thì đâu đó trong hành vi cư xử vẫn thể hiện được lòng trắc ẩn ấy. Dù nền thần học mang ngôn ngữ con người chưa thể suy tưởng đo lường lợi ích tối hậu tột cùng của việc thực hành tâm thương xót, thì chí ít xã hội cũng có thể thấy được nhiều lợi ích từ những tông đồ của lòng xót thương mang lại. Không có lòng thương xót thì không phải là kẻ có thiện tâm, nói chi đến làm con Thiên Chúa.

Tuy xã hội không niềm nở lên tiếng bênh vực cho nhiều phúc lợi do sự thực hành lòng thương xót Chúa này mang lại, nhưng cũng không thể phủ nhận ánh sáng từ tâm phát xuất và đi đến đâu, xã hội phồn vinh và vững vàng đến đó. Nếu mỗi người Kitô hữu chuyên chú thực hành lòng thương xót cách cụ thể qua đời sống giao tế với thân hữu, láng giềng và đối nhân trên đường đời thì điều này sẽ giúp cảm nghiệm được phúc lạc và sự an bình, đồng thời là chứng tá vĩ đại đem lại sự an tâm cho con người và môi trường sống. Lòng thương xót Chúa không những chẳng hề làm mất tự do, đè nén và làm suy yếu con người, trái lại làm tiêu tan những tư tưởng tiêu cực trong lòng như giận dữ, ganh tị, ích kỷ, và giúp khắc phục được tâm bệnh linh nghiệm lạ thường. Một môi trường sống thiếu thốn lòng thương xót, mất cảm thức sự hiện diện nhân từ của Thiên Chúa sẽ rất “bất ổn và thoái hóa” từ hành vi tiêu cực hay ác nghiệp gây ra khi tâm tánh con người bộc phát mất kiểm soát và quá chú trọng nhu cầu của bản ngã, bản năng sinh tồn. Lòng thương xót của Thiên Chúa, tính trắc ẩn của con người, hai thực hành đó có năng lực lớn lao hóa giải ác nghiệp, hướng thiện, khiển lành.

Có sai lầm không khi lập luận rằng hành tâm từ bi sẽ khiến ta yếu đuối trước người khác và chống lại lợi ích của chính bản thân ta? ĐTC Benedicto nhắc nhủ: “Ta cần phải sống lòng thương xót mỗi ngày, đồng thời cho phép Lòng Chúa Thương Xót biến đổi ta nên những người có lòng thương xót. Để rồi thế giới này đến lượt tự nó sẽ được biến đổi bởi sự khải hoàn của Lòng Thương Xót sống động”.

Nhưng Tình yêu, vốn là bản thể của Thiên Chúa, bày tỏ ra bởi Lòng Thương Xót, ngay lập tức tiến hành kế hoạch nhập thể cứu độ. Đến thời viên mãn, Con Thiên Chúa đã sinh hạ làm con một người phụ nữ Do Thái, đã đến trần gian mạc khải Dung mạo của Lòng Thương Xót (x. Misericordiae Vultus) qua chính cuộc sống, qua lời nói và hành động, cái Chết và sự Phục sinh của Người. Người Con Một ấy, vì “loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”, đã không được miễn chước khỏi đau khổ khủng khiếp của Thập Giá. Tất cả chiều sâu của mầu nhiệm Thập giá và chiều kích thần linh của thực tại cứu chuộc được bày tỏ qua lời thánh Phaolô: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (x. 2Cr 5,21).

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là vô cùng vô tận. Tiếc thay con người đã vội vàng kết tội Thiên Chúa và loại trừ Ngài. Giả thử họ mau mắn sẵn sàng đón nhận lòng thương xót của Chúa Cha thì chắc chắn quyền năng của ơn tha thứ không ngừng tuôn trào từ của lễ hy sinh vô giá của Chúa Con cũng vô cùng vô tận. Những lập luận bài xích và cách con người phủ nhận Thiên Chúa cũng không hề thay đổi quyền năng này và giới hạn lại quyền năng này. Lòng Thương xót của Thiên Chúa chỉ bị giới hạn từ phía con người thiếu thiện chí, không sẵn sàng sám hối, tức là ngoan cố thường xuyên chống lại ân sủng và chân lý, đặc biệt khi đứng trước Thập giá và sự Phục sinh của Đức Kitô.

Khi nhân loại không ý thức mình không xứng đáng và mất quyền làm con, họ sẽ không thể hiểu được lẽ công bình của Thiên Chúa rằng: mình đáng chịu những hậu quả do mình gây ra, lại được bảo đảm bởi Tình thương biến thành lòng thương xót của Chúa Cha. Người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng mạc khải Thiên Chúa là Cha, trung thành với tư cách làm cha, trung thành với tình thương tràn trề luôn dành cho con.

“Trong Đức Giêsu Kitô, thế giới hữu hình do Chúa tạo thành cho con người (x. St 1,26-30) – thế giới ‘đã bị rơi vào tình trạng phù phiếm’ kể từ khi có tội xâm nhập vào (x. Rm 8,20; x. Rm 8,19-22) – đã lấy lại mối liên hệ nguyên thuỷ của mình với nguồn mạch Khôn Ngoan và Yêu Thương là Thiên Chúa. Thật vậy, ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi tặng ban Con Một của mình’ (x. Ga 3,16). Mối liên hệ này đã bị phá vỡ trong con người Ađam, nay được hàn gắn lại trong con người Đức Kitô (x. Rm 5,12-21)”.

Vậy thì, mệnh đề triết học của Karl Max: hạnh phúc của nhân dân là bãi bỏ tôn giáo, có thật là chân lý khi hiện trạng thế giới hôm nay rất bi thương? Tuy vẫn còn đó lời van xin Thiên Chúa ra khỏi lịch sử nhân loại, thì nơi nào đó giữa kinh thành tráng lệ, hay tại vùng thâm sơn cùng cốc, lời khẩn nài hướng tới Thiên Chúa của lòng thương xót, được thúc đẩy bởi một tình yêu lớn lao vẫn hướng tới Thiên Chúa là nguồn mạch của sự cảm thông. Đó là một lời kêu than đau đớn lên Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể giải thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi khủng hoảng bi thương của thời đại: “chỉ có Chúa mới rửa sạch con, làm cho con được tinh tuyền, chỉ có Chúa là nguồn hạnh phúc đời con…” Trong lời cầu này nhu cầu đích thật của con người được biểu lộ: điều duy nhất mà chúng ta thật sự cần có trong cuộc sống đó là được yêu thương, được tha thứ, được giải thoát khỏi sự dữ và các hậu quả chết chóc của nó. Những thứ đó không có được do sức mạnh quần chúng, không thể có được do đấu tranh giai cấp, không thể có được nhờ ông Mikhail Timofeyevich Kalashnikov, cha đẻ súng AK. Cuộc sống khiến cho chúng ta kinh nghiệm biết bao lần các tình trạng này; và còn hơn thế nữa trong các tình trạng đó chúng ta phải tín thác nơi lòng thương xót. Chỉ Thiên Chúa mới là giải pháp trọng tâm cho khủng hoảng xã hội với Lòng thương xót như đại dương.

(còn tiếp)

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho