20/03/2017
570
Loạt bài suy tư về lòng Thương Xót Chúa trong đời sống-1_Lm. FX Thượng


 

Kỳ 01: hồi chuông báo tử của Thiên Chúa hay tiếng kêu cứu của con người thời đại?

 

Mùa hè năm 2014, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius từng đặt câu hỏi: “Tại sao thế giới hiện nay lại chứng kiến nhiều cuộc xung đột xảy ra như vậy?”. Đến năm 2015, câu hỏi này vẫn tiếp tục được đặt ra khi các cuộc xung đột trước còn chưa có dấu hiệu suy giảm thì các cuộc xung đột mới đã bắt đầu với quy mô và mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Nhiều nhà phân tích cho rằng sở dĩ các cuộc xung đột này khó có thể ngăn chặn là bởi nguyên nhân và bản chất phức tạp của tình hình thế giới hiện đại. Các cuộc xung đột căng thẳng trên toàn cầu khiến thế giới mỗi lúc thêm bất ổn, từ hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đến sự đấu đá giữa các nhóm phiến quân tại Syria và Iraq, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đến cuộc đối đầu của Palestine và Israel tại dải Gaza. Ở châu Á những xung đột trên biển vẫn âm thầm như những cơn sóng ngầm chực bùng dậy kinh hoàng.

Ngày 9/11 nhân loại toàn thế mới thật sự nhận rõ sự hiện diện của chủ nghĩa khủng bố và thế cuộc hậu khoa học. Đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của những cỗ giết người bất chấp thủ đoạn và hành động của vô cùng hiểm ác. Thế kỷ thứ XX với hai cuộc chiến tan thương gây chết chóc cho trên 70 triệu công dân toàn cầu đã làm kinh hoàng bao thế hệ, thế kỷ XXI lại khởi đầu cách chông chênh bởi khái niệm “khủng bố” và “khủng hoảng” trên nhiều mặt. Đó là những thứ diệt chủng mới trên quy mô không kém gì của thế kỷ XX. Hàng triệu người rời bỏ quê hương, chiến cuộc vẫn lan tràn, kinh tế vẫn chưa thật sự vững vàng. Trước một thế giới của thế kỷ XXI là thế giới nhiều bất công, bạo hành và sự bất lực của con người trước thảm họa môi trường.

Sáng 5/2, trên một số trang mạng xã hội xuất bất ngờ xuất hiện một đoạn clip dài khoảng 2 phút ghi lại hình ảnh cô giáo mầm non cầm dép đánh em bé, không chỉ vậy cô giáo này còn tát, chửi mắng học sinh với những câu tục tĩu vô văn hóa. Rồi những vụ lạm dụng tính dục trẻ em ở Vũng Tàu và Hà Nội làm dậy sóng dư luận thời gian qua. Tất cả là bức tranh đa màu, ấn tượng và bi đát về xã hội của thế kỷ XXI, sự đe dọa của bóng tối sự ác. Trước tình cảnh đó, nhiều người gặp khó khăn khi nói về sự hiện hữu của một Thiên Chúa quan phòng, quyền năng, từ bi và hay thương. Vậy thì, Người ở đâu? Người đã làm gì trước sự ác đang diễn ra? Người cho phép nó xảy ra, hay bất lực trước sự dữ? Tại sao Người không can thiệp?

Vấn đề sự dữ tồn tại là một vấn đề muôn thuở. Đã có không ít giấy mực được viết ra để giải thích về chuyện này. Các đầu óc tầm cỡ của nhân loại cũng đã tốn nhiều chất xám để cố gắng đưa ra một lời giải đáp cho vấn đề vẫn luôn thách thức trí khôn và hiểu biết của con người. Đứng trước sự dữ, nhiều người, trong đó có người Công Giáo, đã đặt câu hỏi về sự hiện hữu của một Thiên Chúa nhân lành và quyền năng. Họ cho rằng Thiên Chúa không thể quyền năng được vì Ngài đã thua sự dữ, hoặc nếu Ngài quyền năng thì Ngài cũng không nhân lành, vì Ngài đã để mặc cho sự dữ xảy ra. Ở đây, chúng tôi không có tham vọng trình bày một bài luận về nó nữa, nhưng chúng tôi xin chia sẻ với bạn vài tâm tình mà mẹ Giáo Hội đã dạy chúng ta.

Nhiều người đã cố gắng đưa ra lời giải đáp. Chẳng hạn, sự dữ cũng giống như bóng tối, tự nó không phải là một cái gì đó, mà chỉ là sự thiếu vắng của điều thiện, của tình yêu, của ánh sáng. Người khác thì ví sự dữ như một chấm đen trong trật tự vũ trụ, giúp làm nên một bức tranh đẹp nhiều màu sắc. Số khác nữa thì coi sự dữ như một phương tiện mà Thiên Chúa dùng để giáo dục con người, giống như bố mẹ dùng đòn roi để sửa dạy hay nhắc nhở con cái khi chúng làm điều gì đó sai. Cũng có người cho rằng những sự dữ xảy đến trong thế giới này là lời cảnh báo hay những dấu chỉ và có khi là hình phạt mà Thiên Chúa gửi đến nhân loại. Nhưng lý thuyết vẫn là lý thuyết. Sự dữ vẫn cứ nhan nhản đó. Bất chấp bao nhiêu lời giải thích đưa ra, sự dữ vẫn nằm trong cái mà ta gọi là mầu nhiệm.

Nhiều người vô thần, kẻ ngoan đạo và thậm chí những nhà tu hành phải tự hỏi phải chăng đau khổ, sự ác, thảm họa thiên tai và đại dịch bệnh lan tràn không thể kiểm soát là lý lẽ mạnh nhất để chống lại một vị Thiên Chúa quyền năng, giàu lòng thương xót.

Có thể nói, chứng lý mạnh nhất mà những người chủ trương vô thần dựa vào đó để phủ nhận hiện hữu của Thiên Chúa, là đau khổ và sự dữ. Họ dựa vào hai phẩm tính của Thiên Chúa: Toàn năng và yêu thương, mà “lên án tử” cho Ngài. Thật vậy, một Thiên Chúa toàn năng không thể để cho đau khổ và sự dữ tồn tại trên trần gian. Lại nữa, một Thiên Chúa yêu thương không thể dửng dưng với số phận nghiệt ngã của con người… Những luận chứng như thế càng làm con người xa rời Đạo và không giúp con người lớn lên và được giải thoát.

Sự đau khổ trong thế gian là lý do mạnh mẽ nhất cho hoặc đả kích Thiên Chúa, hoặc thách thức các thần học gia tìm ra lý lẽ thuyết phục. Cơ may cho chủ nghĩa vô thần hiện đại. Giáo sư Triết học Peter Kreeft dến từ Đại học Boston có cách lý giải khác. Làm thế nào “đau khổ” có thể tồn tại mà không có một tiêu chuẩn khách quan để đánh giá nó? Nếu không có tiêu chuẩn, thì không có công lý. Nếu không có công lý, thì cũng không có sự bất công. Và nếu không có sự bất công, thì không có đau khổ. Mặt khác, nếu công lý tồn tại, thì Chúa tồn tại. những người vô thần, họ không chấp nhận được rằng những đau khổ có thể có ý nghĩa nào đó sâu sắc hơn đằng sau nó. Không có công lý cuối cùng. Chết là hết.

Nhiều người cho rằng, những đau khổ đó là bằng chứng cho việc Chúa không hề tồn tại. Và lý luận của họ thông thường là như thế này: Nếu Chúa rất tốt và toàn năng, Ngài sẽ không để những đau khổ bất công xảy ra. Tuy nhiên, hằng ngày chúng ta đều phải trải qua những nỗi đau vô lý. Do đó, ít nhất một trong hai điều trên nói về Chúa là sai. Hoặc là Chúa không tốt, hoặc là Chúa không toàn năng. Hoặc có thể Chúa thậm chí còn không tồn tại.

Chúa cho con người quyền tự do ý chí, con người được tự do hành xử theo ý mình và có thể trái với ý muốn của Thiên Chúa. Do đó, trên thực tế, họ làm điều ác không có nghĩa là Chúa không tốt. Thêm vào đó, nếu Chúa không tồn tại, thì sẽ không có tiêu chuẩn tuyệt đối cho cái tốt. Mọi phán xét đều được dựa vào một tiêu chuẩn, bao gồm cả sự đánh giá đạo đức của chúng ta. Tiêu chuẩn đánh giá cái xấu của chúng ta là gì? Nếu không có Chúa, thì tiêu chuẩn đánh giá cái xấu của chúng ta chính là chỉ dựa vào quan niệm cá nhân của bản thân mình, ví như cảm thấy không thích một điều gì đó và kết luận rằng nó là xấu, hoàn toàn không có cơ sở. Vậy nên, cái được gọi là “tội ác của con người” – chỉ tồn tại khi Chúa tồn tại.

Việc rút lui trước những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống, về Thiên Chúa rơi vào vô cảm và lạnh lùng. Nhân loại đã thất bại trong việc lý giải và ngăn chặn sự ác. Cảm giác thiếu vắng  điều gì đó vẫn là dấu chấm hỏi cho những nhà suy tư.

Mạng xã hội facebook xuất hiện tại Việt Nam, đã tạo thành một “cơn sốt” đối với giới trẻ và trở thành nơi trút những “hỉ, nộ, ái ố” của mọi người. Theo đó, nút like (thích) cũng trở nên quen thuộc với mọi người dùng khi nó thể hiện sự hưởng ứng, đồng tình, đồng cảm của mình đối với mỗi cập nhật trạng thái của bạn bè trên facebook. Sẽ chẳng có gì để nói nếu như nó được sử dụng đúng mục đích, thế nhưng nhiều người lại sử dụng khá tùy tiện, lệch lạc thậm chí có người phát cuồng. Để “câu like”, “thả thính”, “lừa tình” (ngôn ngữ @ diễn tả sự dụ dỗ bằng lời hoặc bằng trạng thái thu hút like, lợi dụng), một cô gái 13 tuổi ở tỉnh Khánh Hòa đăng trên dòng trạng thái (status) nội dung nếu đạt mức 1.000 lượt like cô sẽ đốt trường. Sự việc sau đó được cộng đồng mạng chia sẻ “chóng mặt” và chỉ sau một đêm, status đó đã vượt 1.000 like khiến cô gái lo sợ, tìm cách lẩn trốn bạn bè. Tuy nhiên, do sức ép của “nút like” từ bạn bè, cộng đồng mạng mà cô gái này đã phải thực hiện bằng hành động mang xăng vô đốt trường như đã tuyên bố. Hoặc gần đây, trào lưu “nói và làm của thanh niên Việt Nam” cũng đang nở rộ theo tuyên bố của một thanh niên sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, nam thanh niên này đã tuyên bố hùng hồn trên facebook rằng “nói và làm, cần 40.000 like để tự thiêu, nhảy cầu Tân Hóa” và thanh niên này đã thực hiện thật với sự chứng kiến của hàng trăm “tín đồ” facebook tò mò. (Theo Internet)

Nhiều người có khả năng chịu đựng và chấp nhận tình cảnh như thế và họ vượt qua được. Họ đáng được ngưỡng mộ, một số khác lại rơi vào lối sống ảo, sống vô vọng. Đứng trước một thế giới mà họ cảm thấy sự mông lung, họ tự hỏi mình: thà mình đừng xin ra thì hơn? Trong những tình cảnh như vậy, con người không chỉ chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa mà còn chối bỏ sự tồn tại của chính mình.

Theo Avvenire 20.06.2008, Italia vào tháng 11 năm 2006 phân bộ an ninh của chính quyền đã cho thành lập lực lượng cảnh sát chống giáo phái. Những năm trước đó, Hiệp Hội Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ra thông cáo nhân dịp tòa án tỉnh Monza bắc Italia kết án Mario Maccione, thành viên giáo phái “Các con thú của Satan” 19 năm tù, vì can tội dính líu tới cái chết của 18 người trẻ khác, trong đó có Chiara Marino và Fabio Tollis bị giết năm 1998, Mariangela Pezzotta bị giết năm 2004, cũng như tội bắt ép Andrea Bontade tự tử. Ông Antonio Pizzi, kiểm sát tỉnh Monza, cho biết có lẽ trong số các nạn nhân cũng có cả Cristian Frigerio nữa, và mọi vụ sát hại đều xảy ra trong vùng Brianza bắc Italia. Các người bị lọt vào mạng lưới của các giáo phái đã phải sống các kinh nghiệm không thể tưởng tượng nổi: họ trở thành những người trống rỗng không hồn, điên loạn, thực hành những điều ghê tởm không thể tả được, cho tới chỗ tự tử hay bị giết, hay tới cái chết lạ lùng không thể giải thích được.

Con người không giải thích được những khủng hoảng xã hội, đi tới chối bỏ Thiên Chúa, một Thiên Chúa đã không “can thiệp” theo đúng ý con người. Khi tâm hồn vắng bóng Thiên Chúa thì sự dữ chắc chắn sẽ làm chủ tâm hồn họ, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, thiếu vắng tình yêu này thì ma quỷ sẽ trở thành nơi nương tựa cho họ và tâm hồn họ sẽ là nơi trú ngụ tốt nhất của ma quỷ, để qua họ mà gieo rắc đau khổ đến cho tha nhân. Cuộc sống đã chứng minh điều ấy khi báo chí đăng tải nhiều điều đau lòng xảy ra, nào là con giết mẹ mình để lấy tiền hút xách, ông bố có hành vi đồi bại với con gái nhỏ của mình, vợ giết chồng.

Nhiều người có tâm huyết đã nhận ra sự nghiêm trọng của tình cảnh và bắt đầu tìm kiếm. Có nhiều người đi tìm ý nghĩa, có nhiều kẻ hành hương cách âm thầm hơn, có những người tìm đến với thế giới vật chất và tự thỏa mãn, cũng có khi các giáo phái dân gian, huyền bí là nơi đại đa số tìm cách nương dựa vào đang khi họ muốn phủ nhận một Thiên Chúa không can thiệp vào cuộc sống để che chở kẻ yếu và trừng trị kẻ thô ác, thất nhân tâm. Ý nghĩa cuộc sống không còn. Tình cảnh bi thảm bấp bênh đánh tan niềm hy vọng nhân loại về một thế giới công bằng, một thiên đường nơi bình an và công lý ngự trị. Khi ý nghĩa về cuộc nhân sinh và niềm hy vọng đời đời không còn nữa, con người trở lại với lối sống bản năng hàng trăm triệu năm trước theo một cách thức ngạo mạn, tàn độc, dửng dưng nhất. Như thế, có nguy cơ mọi thứ mang tính thiêng liêng như tình cảm gia đình, tình làng xóm, nghĩa đệ huynh sẽ trở nên chán ngấy và tầm phào. Chẳng ai buồn nghĩ đến việc thực hành điều thiện, và thôi tin tưởng vào đức công bình mà sẽ tranh đấu theo luật rừng, mạnh được, yếu thua, khôn sống, dại chết… Tội phạm và bạo lực trở nên “anh hùng”, nạn nhân chỉ được coi như “kẻ thua cuộc” phải chấp nhận thương vong, thất thoát. Công lý xã hội lúc đó biến tướng thành công lý của kẻ mạnh.

Vì lý do đó, không chỉ những người Kitô hữu có đức tin mạnh mẽ mà cả những ai thành tâm tìm kiếm minh triết đời sống, tìm phương liệu tâm linh sẽ nhận thức vai trò của Thiên Chúa trong đời sống cá nhân và xã hội. Ấy thế, Thiên Chúa một khi bị loại khỏi đời sống xã hội đã không giúp giải quyết vấn đề cách triệt để, trái lại, còn khiến cho sự dữ hoành hành tự tung tự tác. Loại trừ Thiên Chúa để được tự do? Hay lại mất tự do khi làm nô lệ cho bóng tối, sự ác, dục vọng và cuồng tín? Con đường không có Thiên Chúa là “đường về nô lệ” mà thôi. (“Đường về nô lệ” hoặc “Con đường dẫn tới chế độ nông nô” là tên của cuốn sách được nhà kinh tế và triết học người Áo Friedrich von Hayek viết vào giữa các năm 1940-1943).

Hoàn toàn khác với những gì triết gia Nietzche mong đợi, nơi nào Thiên Chúa hoàn toàn vắng bóng thì nơi đó trống vắng và lạnh lùng tăm tối. Con người tự nộp mình cho số phận tất nhiên, nộp mình cho đủ thứ học thuyết, phó mình cho những định chế xã hội và các tập đoàn kinh tế. Một tương lai đầy bất trắc, mong manh… Thiên Chúa đứng lên, rời khỏi chiếc ngai thống lĩnh xã hội và lương tri, lúc ấy mọi hy vọng vào công lý, bình an, tình thương, lòng nhân hậu tự sụp đổ tan tành. Nietzche hô hào sự chết của Thiên Chúa trong tâm hồn con người, làm cho “Thiên Chúa vắng bóng”, hay Martin Buber đề cập đến “Thiên Chúa ẩn mình”, tất nhiên con người cần cảm thấy sự sợ hãi hơn là ăn mừng vì Thiên Chúa “vắng bóng” hoặc đang “ẩn mình”. Triết gia Max Horkheimer đã viết: “Thật vô vọng khi người ta cố gắng sống một đời sống có ý nghĩa mà lại vắng bóng Thiên Chúa”. Khi vắng bóng Thiên Chúa thì đồng thời hạnh phúc thật cũng sẽ từ tạ mà đi, lúc đó sẽ là ngục tù giam hãm, các ngôi vị liên đới không còn, mọi người trở thành xa lạ với nhau dù họ có ở bên nhau; khi vắng bóng Thiên Chúa thì lạc thú tìm đến đi hoang, và lòng đạo đức, tính tự chủ, tiết độ thì đã rời xa vô vạn. Khi Thiên Chúa đã đi khỏi cuộc sống thì mỗi người tự mình là một ốc đảo tự mình bảo vệ mình, tự mình lo cho mình và trở thành đối nghịch với nhau vì một chút ích kỷ nhỏ nhen. Tất nhiên, sự dữ sẽ ập đến và sự khủng khiếp đã xảy ra: con giết cha, mẹ bắt con gái làm điếm, bạo hành trẻ con, lạm dụng thiếu niên, bối cảnh không có Thiên Chúa trở thành hỏa ngục thiêu đt mọi người đang cư ngụ trong nó.

Triết gia Immanuel Kant nhận định: Phẩm giá con người chỉ hiện hữu khi Thiên Chúa hiện hữu, một vị Thiên Chúa hay thương xót và dư tràn ân sủng. Theo Kant, con người sống để hướng đến hạnh phúc. Nếu con người đánh mất định hướng đó, chủ nghĩa hư vô sẽ xuất hiện. Khi chủ nghĩa hư vô xuất hiện và thống trị đời sống, nó sẽ nhanh đưa đến thái độ yếm thế dẫn đến bạo lực và giết chóc. Những ai nghĩ rằng hồi chuông báo tử cho niềm tin nơi Thiên Chúa đã gióng lên là họ đang tự cười nhạo chính mình. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu hoặc nếu không thể tri thức được Ngài – thì có phải tất cả tôn giáo đều là ảo tưởng và mọi thần học đều là sự vẽ vời và công lý tuyệt đối hoàn toàn là ảo tưởng?

Vấn đề nhận thức luận về tương quan giữa Thiên Chúa và ý nghĩa đời sống của con người được đặt ra từ khi con người biết suy tư về Thiên Chúa. Công lý của Thiên Chúa chính là những đường lối Người xếp đặt để đưa vạn vật tới sự trọn hảo. Thiên Chúa gìn giữ và điều khiển tất cả những gì Người đã sáng tạo trong công đạo, chân lý và tình thương. Nếu lòng thương xót phát xuất nơi Thiên Chúa là những quan tâm, lo lắng của Thiên Chúa với thụ tạo, thì câu hỏi đặt ra là liệu Thiên Chúa có luôn giữ mối liên hệ với thụ tạo? Con người có thật sự tự do định đoạt số phận mình không? Liên hệ với Thiên Chúa định đoạt mọi sự, và ý nghĩa cuộc đời nhân loại có nhất thiết liên quan trực tiếp tới sự hiện hữu của Thiên Chúa?

Nhiều người Á Châu vẫn tin thuyết Luân Hồi và Nhân Quả của Phật Đà cắt nghĩa qua lăng kính nghiệp – karma.

Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao. (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Vào năm 300 B.C, triết gia Hy Lạp Zeno lập ra phái Khắc-kỷ (Stoicism), trong đó có luận đề về định mệnh. Theo Zeno, định mệnh là luật cố định của thiên nhiên, không thể cưỡng lại. Muốn có bình an con người phải sống thuận mệnh, thuận phục ý trời. Thuyết Khắc-kỷ có tầm ảnh hưởng rất lớn trong thế kỷ I. Theo John Herman Randall, Jr., Thánh Phaolô đã chịu ảnh hưởng thuyết Khắc-kỷ khi giảng rằng mọi hành động của chúng ta đều đến từ Thiên Chúa (Cv 17,28). Không nhất thiết phải tin vào những gì thuyết Stoicism đề ra. Tuy nhiên, giữa những biến cố phức tạp đan xen tối sáng, đòi hỏi suy tư về Thiên Chúa hiện hữu và có lòng thương xót theo một cách thức mới. Vấn đề sự hiện hữu của Thiên Chúa sẽ không chỉ dựa vào “Ngũ Đạo Thánh Tôma Aquinô” hay thuyết vụ trụ là đủ. Vấn đề hiện hữu gắn chặt với niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Trước vòng vây tàn độc của sự dữ, nếu mỗi cá nhân có thể đặt hy vọng nơi một “Thượng Đế” nào đó có thể giải thoát mình thì mới có thể tìm được giải pháp cho chính mình trong một đường lối mới thoát ách tắc đương cuộc. Vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể trao tặng đức dũng để dám hy vọng giữa hiểm khuy, gian khó trùng trùng nơi thế gian.

Nhân loại thời nay đang rơi vào chủ nghĩa hư vô nhưng đồng thời cũng khát khao một “Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót” (1Ga 4,8; Ep 2,4) để họ tôn thờ, tựa nương và tìm được ý nghĩa cuộc đời. Những dòng suy tư này là cơ hội để đào sâu đức tin và canh tân chứng tá Kitô giáo. Với tôi, lòng thương xót là tình yêu thương, là lòng trắc ẩn với người đau khổ, với người nghèo đói, với người bệnh tật, với người tội lỗi. Nhân loại thời nay cần tình yêu thực sự qua hành động, đây là một dấu chỉ của thời đại.Vì thế, điều tối quan trọng đối với để làm cho lời rao giảng về “một Thiên Chúa hiện hữu và tràn đầy lòng thương xót vẫn hằng quan tâm đến số phận con người” của Hội Thánh trở nên đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của lòng thương xót là đi tới con tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (ĐGH Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus - Dung mạo Lòng Thương Xót, số 12). Đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô, trong Thư gởi cộng đoàn Dân Chúa (17.09.2015), HĐGMVN nhấn mạnh: “Mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống”. Do đó, Thiên Chúa tìm thấy dung mạo của Người nơi một Hội Thánh tận tâm với tác vụ của lòng thương xót hơn là trao giồi lập luận logic mà quên mất thực thi nghĩa cử mà Đức Kitô đã thực hiện trong đời sống của Người.

(còn tiếp)

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

(Gp. Mỹ Tho)