18/12/2022
304
Linh mục của Chúa Kitô_ Bài 18: Thể thức mục vụ mới




 

 






 

LINH MỤC CỦA CHÚA KITÔ

Divo Barsotti

Bài 18: Thể thức mục vụ mới

Chức vụ vương giả mang lại cho chúng ta quyền bính, dù chúng ta chỉ muốn sống chức vụ ấy như một dịch vụ. Vì thế, chúng ta đừng quên rằng, quyền bính được quy hướng về việc phục vụ, cũng thế, việc phục vụ giả thiết phải có quyền lực.

Ngày nay, người ta thường nhấn mạnh đến việc phục vụ, nhưng họ không muốn nói đến quyền lực – sự lãng quên ấy thường đến từ phía những người phải vâng lời. Dù vậy, chỉ có thể có việc phục vụ đích thực khi nó đến từ một quyền bính thực tiển, cũng thế, quyền bính trong Giáo Hội chỉ được thi hành trong bác ái, tức là trong dịch vụ. Dịch vụ ấy giả thiết trước nhất tình yêu đối với Chúa Kytô và tình yêu đối với đàn chiên Chúa đã trao phó cho chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ thêm.

Nếu chức vụ tiên tri đòi buộc một sự hiểu biết nào đó những “dấu hiệu thời đại”, điều đó càng đúng hơn đối với việc thi hành chức vụ mục tử. Thực ra, chức vụ tiên tri và chức vụ tư tế đúng nghĩa tuỳ thuộc vào những hoàn cảnh thực tế hơn là việc mục vụ. Việc rao giảng của Giáo Hội, tự nhiên, phải đáp ứng những nhu cầu riêng biệt của thời đại và các dân tộc, nhưng sứ điệp vẫn không thay đổi; và những gì liên can đến việc thờ phượng, việc canh tân phụng vụ luôn luôn được quy hướng về việc giúp giáo dân ý thức sự hiện diện thực thể của Huyền Nhiệm bất biến của Chúa Kytô, là Thiên Chúa muốn thông truyền mình cho thế giới.

Việc cai quản để phục vụ các linh hồn có chất thể dễ thay biến luôn, dù quyền lực nó giả thiết là một sự thông phần vào quyền bất biến của Chúa Kytô. Phải cai quản một Giáo Hội đang sống trong thời gian và điều khiển những người đang sống trong thời gian và thuộc về nhiều quốc gia khác nhau. Việc mục vụ đòi hỏi một cảm năng bén nhạy, một sự chú ý sống động đối với những vấn đề của mỗi lúc. Thật là một sự khốn khổ nếu Giáo Hội không hiểu biết thế giới trong đó Giáo Hội được sai đến, Giáo Hội sẽ không thể cai quản ai được vì hoạt động của Giáo Hội sẽ không thể đạt đến một cách cụ thể những người và những vấn đề thực tế và thay biến. Vì đó mà phải luôn luôn thay đổi cách thức và hình thức. Phải biết thích nghi với những gì làm thành đời sống con người.

Có thể nói rằng ngày nay phải có một cách thức mới của Giám mục và linh mục, thích nghi cho thế giới hôm nay không? Tôi tưởng rằng rất nhiều khó khăn Giáo Hội đang gặp phải đều do vấn đề này. Thực sự, cách thức mới này không thể tự tạo ra được, và chính Chúa sẽ cho chúng ta đúng thời, nhưng Ngài chỉ cho khi Giáo Hội cảm thấy nhu cầu và cầu xin Chúa ban cho mình. Mẫu Giám mục hay linh mục mới ấy sẽ đến từ những tâm hồn thánh thiện mà Chúa sẽ khơi lên trong lòng Giáo Hội và họ sẽ giúp Giáo Hội ngày mai như các thánh Charles Bôrômê và thánh Phanxicô Salê đã giúp Giáo Hội thời hậu Công Đồng Triđentinô.

Khuôn mặt của Giáo Hội ở mỗi thời đại tuỳ thuộc hơn hết – và tôi có thể nói là tuỳ thuộc tự bản chất – vào sự thánh thiện của con cái mình. Khoa thần học làm tôi khiếp đảm, và ngay cả việc mục vụ hôm nay, nếu các khoa ấy cho rằng mình là biểu tượng của sự sống của Giáo Hội mà đồng thời không mạc khải sự thánh thiện của Chúa Kytô, Thủ Lãnh của mình. Như thế cũng như con người kiểm soát Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa chiếm hữu mình. Chính các vị thánh đã cho Giáo Hội một khuôn mặt trong những thế kỷ đã qua. Không phải những luật lệ mang lại sự sống. Luật lệ chỉ giả thiết có sự sống mà thôi hay khơi lên một cách đau đớn nhu cầu về sự sống mà thôi. Itraen đã được Lề Luật, nhưng chính Lề Luật đã làm cho nó ý thức sự bất trung của nó. Nhưng, khi ý thức tội lỗi của mình, Itraen đã kêu cầu lòng từ bi Chúa và Chúa đã đáp lại lời cầu xin ấy của dân Ngài bằng cách sai Con Ngài đến. “Lề Luật đã được ban nhờ trung gian của Môsê, ân sủng và sự trung thành nhờ Chúa Giêsu Kytô”. Thánh Gioan đã nói như thế. Chính thế mà hôm nay, Giáo Hội của Công Đồng đang chờ đợi sự thánh thiện, là hồng ân của Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội Ngài và là dấu hiệu của sự hiện diện sống động của Đức Kytô trong thế giới. Tăng thêm luật lệ không đem lại kết quả tốt, vì điều đó có thể cho chúng ta ảo tưởng rằng không có gì khác phải làm nữa.

Đàng khác, tạo thêm nhiều luật lệ chỉ làm suy yếu đường gân của sự vâng phục mà thôi. Phải có nhiều đấng thánh, chúng ta phải xin Chúa ơn đó. Đó là một ơn trọng đại, Chúa chỉ ban cho khi chúng ta nài xin Ngài một cách khiêm nhường và tin cậy. Sự thánh thiện không tự tạo ra được, tất cả Giáo Hội không tạo nên một Bôrômêô, một Phanxicô Salê. Chúng ta nghĩ xem phải bao nhiêu thời gian để Giáo Hội có thể chuẩn bị và nhận lấy khuôn mặt cao cả của Đức Piô XII? Chính nơi Ngài, sự cao cả nguyên khối của chức Giáo Hoàng Rôma, như Công Đồng Vatican I đã chuẩn bị. Chắc chắn, Đức Piô XII không thể là Giáo Hoàng của Công Đồng Vatican II, trạng sư của cộng đồng tính của Giám Mục: Ngài là một Giáo Hoàng được chuẩn bị bởi một truyền thống đâm rễ sâu vào thời phục hưng của thánh Grêgôriô và đã được vững chắc trong Công Đồng Vatican I.

Các thánh của Vatican II sẽ như thế nào? Nhưng có lẽ Giáo Hội phải đau khổ nhiều trước khi có thể diễn tả sức mạnh và sự sống của mình nơi các thánh ấy, các vị thánh ấy sẽ là dấu hiệu của Giáo Hội trước mắt thế giới. Sự thánh thiện không thể ứng tạo được, nhưng tất cả chúng ta phải làm tất cả mọi sự để các thánh tươi nở lên.

Trước hết, chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân huệ đó. Nhưng chúng ta cũng phải học những văn kiện Công Đồng, vì Chúa đòi hỏi chúng ta cộng tác vào ơn của Ngài. Các văn kiện Công Đồng dạy chúng ta biết thánh ý Chúa: và Chúa chờ đợi chúng ta thi hành. Chân lý của mạc khải là một thứ chân lý được nhập thể trong thời gian, trong cuộc sống của mỗi người, trong những cơ chế và những cơ cấu của Giáo Hội. Nhiều người đã nói đến Vatican III, nhưng chúng ta chưa biết Vatican II đã dạy những gì. Phải suy gẫm những văn kiện Công Đồng, phải đồng hoá trong ta lý thuyết đó, làm sao cho chúng trở nên trong ta lời nói sống động và hiệu năng để tiếng nói ấy đi sâu vào tận thâm tâm con người và được nhập thể vào cuộc sống của các thánh. Nhiều người chỉ đọc thoáng qua mà đã tưởng mình biết tất cả. Đó là sự tự cao mà thôi. Phải để bao nhiêu thì giờ để đọc “Cuộc chiến thiêng liêng” của Scupoli? Chỉ cân một tiếng đồng hồ. Nhưng ai muốn sống những điều đó, phải hao mòn cả một đời người. Luôn luôn hấp tấp, chúng ta tưởng rằng chỉ cần đọc qua một văn kiện để có thể hiểu và áp dụng. Vừa đọc qua, mỗi ý tưởng được xem như đã cũ rồi; và chính vì thế mà Công Đồng Vatican II được xem như một di tích của thời xa xưa, vì chúng ta đã đọc những văn kiện đó rồi. Người ta nói: trong Công Đồng đã có một tiến bộ và một nhận thức thần học trước nhất đã nhường chỗ cho một nhận thức thần học khác trong những văn kiện sau. Nhưng tôi không chấp nhận ý tưởng là có một tiến bộ, thực ra, trong Công Đồng có một đa phức tính thần học nào đó. Vì người ta, với ý tưởng về sự tiến bộ, tìm cách ám chỉ rằng những văn kiện sau cùng của Công Đồng làm cho những văn kiện trước trở nên không vững chắc nữa, rằng những văn kiện trước, chiếu theo một nhận thức thần học khác, có thể sai lạc. Vậy thì Giáo Hội có thể thay đổi giáo thuyết của mình ngay trong Công Đồng sao? Vậy thì ai có thể tin tưởng vào quyền bính về giáo thuyết của Giáo Hội nữa ?

Nhiều nhà thần học đã gấp rút chuẩn bị một Công Đồng mới rồi: nhưng từ ngữ chỉ đẻ ra nhưng từ ngữ và như thế mãi không cùng. Họ cho rằng nghiên cứu những gì đã nói rồi là vô ích. Sự mới mẻ thay thế cho chân lý, sự tự tin thay thế cho việc phục vụ Giáo Hội. Và những văn kiện Công Đồng sẽ ra thế nào nếu chúng ta ở trên những tiếng nói của các nhà thần học, với  tính cách là tiếng nói của Giáo Hội? Công Đồng Triđentinô đã nuôi nền thần học trong suốt bốn thế kỷ, nhiều nhà thần học xem ra đã mệt chán về Vatican II mười năm sau khi bế mạc.

Việc suy gẫm và học tập cần thiết biết bao, trong một tình yêu Giáo Hội đích thực và một niềm tin sâu xa vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, để phục vụ một cách thiết thực chân lý và sự thiện! Nếu chúng ta yêu mến Giáo Hội, chúng ta phải sợ làm cho những người hèn kém phải vấp phạm biết bao! Chúng ta cũng phải sợ gây nên sự rối loạn cho những người không còn nhìn biết khuôn mặt của Mẹ mình là Giáo Hội trong những cái mới mà chúng ta rao giảng cho họ hay chúng ta mang vào trong luật lệ của Giáo Hội!

Đối với tôi, tôi không bao giờ hồ nghi về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, hay về sự trợ giúp của Ngài cho Giáo Hội trong Công Đồng. Những người nào đi xa hơn Công Đồng để tìm những giải pháp mới, lãnh nhận lấy nguy cơ cho mình, vì trong Công Đồng, chính tiếng nói của Chúa được phát ra cho thời đại chúng ta và cả cho những thời sau này – vì lời Chúa luôn là lời tiên tri. Đó là một loan báo, đó là một lời hứa, đó cũng là một lề luật đang chờ đợi được thực thi. Đó là những gì, đối với tôi, là niềm tin vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần khi công bố những văn kiện Công Đồng.

Thực ra, chúng ta đang sống trong một thời đặc biệt. Nhưng đó là một lý do nữa để sống vâng phục Chúa Thánh Thần một cách khiêm nhượng vì chỉ có Ngài mới giúp chúng ta giải quyết các vấn đề. Phải, chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể giúp chúng ta giải quyết các vấn đề. Phải, chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể giúp chúng ta hiểu biết những vấn đề vĩ đại của thời nay và giúp chúng ta sống vừa như người của Thiên Chúa, vừa như người của thời đại chúng ta.

Cuộc đối thoại với thế giới đã bị tắt nghẽn, và chúng ta đã mất mối dây liên lạc với nền văn hoá của thời đại chúng ta. Linh mục bây giờ là con người của thời đại mình, vì ngài được sai đến với con người, vì ngài phải sống và làm chứng cho Chúa Kytô trong thời đại này. Sự bối rối mà con người cảm thấy khi đứng trước cơn khủng hoảng của Giáo Hội ý nghĩa hơn là ý thức của Giáo Hội về sứ mệnh của mình. Hơn bất cứ một hiện tượng nào, cơn khủng hoảng của Giáo Hội là điềm báo sự cáo chung của một thế giới. Và, sống trong thời gian, con người không thể thấy những gì sẽ nối tiếp sau sự cáo chung ấy. Người đời có thể chống đối Giáo Hội, nhưng họ không thể không cần Giáo Hội, vì không có Giáo Hội, họ sẽ chết. Sự cứu rỗi con người cũng là sự cứu rỗi mọi giá trị con người. Giáo Hội sẽ không thể cứu vớt con người nếu không biết đến nhưng giá trị đó, nếu không bảo vệ chúng. Giáo Hội phải biết và gìn giữ chúng. Giáo Hội phải khuyến khích và bảo đảm việc chuyển thông chúng qua thời gian.

Là nhân chứng và là một vòng xích của một truyền thống thần linh, trong đó những truyền thống sống động của con người đến tuôn tràn như trong một con sông rộng lớn hơn, chức tư tế kitô-giáo được kêu gọi để giúp con người sống còn, tiếp nối trong lịch sử đồng thời đem lại cho con người ơn cứu rỗi.

Dung hoà hai điều đó là một việc rất khó. Muốn là con người thời đại, tôi có thể không là con người của Thiên Chúa. Nhưng lắm khi, là con người của Thiên Chúa có thể hiểu là phải khép kín đối với thế giới và cắt đứt mọi liên hệ với con người. Cuối cùng, bi kịch của linh mục là đó: ngài phải vừa là người của trần gian vừa là người của thiên đàng, bị ràng buộc với trần gian và hiệp nhất với Thiên Chúa. Ngài không thể cắt đứt liên lạc với thời gian và cũng không được xa lìa cuộc sống vĩnh cửu. Nếu linh mục mất liên lạc với Chúa, ngài không còn nói được gì nữa, và ngài không thể cứu rỗi thế giới, nhưng nếu ngài không bị ràng buộc với thế giới, ngài không còn là linh mục nữa, và huyền nhiệm nhập thể không còn tiếp tục được nơi ngài nữa. Ngài có thể sống cho thiên đàng, nhưng như thế, ngài không thi hành chức vụ tư tế đòi buộc ngài phải hiện diện và hoạt động giữa loài người nữa.

Chúng ta cần phải rộng mở đối với tất cả những gì sống trong vạn vật, đối với tất cả những gì liên hệ thực tế đến sự sống con người. Khi buộc linh mục là một người hướng dẫn, chức vụ vương giả đòi hỏi ngài không được bỏ qua một cái gì để có thể sống gần gũi với con người của thời đại, để hiểu biết và yêu thương họ, để họ thực sự trở thành anh em với nhau.

Chúng ta phải rộng mở hơn nữa, nhạy cảm hơn nữa: nếu không, chúng ta tự giam mình và dần dần trở nên xa lạ với thế giới. Đối thoại cũng chưa đủ, phải có một cái gì hơn thế nữa. Vì đối thoại, nếu nó giúp chúng ta hiểu biết người khác hơn và có thể đi đến một sự thông hiệp huynh đệ hơn, cũng không cho phép chúng ta thi hành chức vụ vương đế của chúng ta. Chúng ta phải có khả năng đảm nhận tất cả những gì sống động và tích cực trong văn hoá, trong những đòi buộc xã hội và những trào lưu chính trị hiện nay, để kitô hoá tất cả. Chúng ta phải tìm đến tận gốc rễ kitô giáo của nếp sống con người và nối liền với Giáo Hội tất cả những gì đã bị cắt đứt qua bao nhiêu thế kỷ. Không những vì bị cắt đứt khỏi cung lòng của kitô giáo, tất cả mọi giá trị của con người có thể bị mất đi, nhưng vì chính sự sống của Giáo Hội sẽ bị nghèo đi vì mất hết những giá trị đó.

Như thế, chức tư tế kitô giáo phải nổ lực hết  sức. Vì chức tư tế chỉ thi hành chức vụ hướng đạo của mình giữa mọi người được khi đảm nhận tất cả mọi giá trị, không trừ một giá trị nào. Những gì các giáo phụ dạy vẫn có giá trị: Thiên Chúa chỉ cứu vớt những gì Ngài đảm nhận; nhưng Chúa lại đảm nhận mọi giá trị của thế giới nhờ Giáo Hội, trong đó, huyền nhiệm của Đức Kytô được tiếp nối và lan rộng ra. Chắc chắn công việc đó đòi hỏi một sự chuyên biệt về phương pháp và và về những công việc mục vụ, vì những vấn đề đang khẩn trương lại quá nhiều và quan trọng. Không ai trong chúng ta có thể làm tất cả mọi sự, vì đó là công việc của tất cả các linh mục và của toàn thể Giáo Hội.

Một vấn đề khẩn trương khác: là vấn đề phải tạo lại một công đoàn Giáo Hội đích thực, không bị ràng buộc với một vùng đất, một dân tộc hay một giòng giống nào. Kitô giáo không thể đồng hoá mình với một xã hội công giáo nào, vì xã hội công giáo không là Giáo Hội. Thực ra, Giáo Hội luôn luôn ở trong tình trạng tản mát (diaspora). Điều đó không cản trở gì cho việc thực hiện một cộng đoàn kitô giáo, vì cộng đoàn này do Chúa Thánh Thần quy tụ, và Thánh Thần vượt trên mọi chia rẽ và khoản cách không gian. Trái lại, một cộng đoàn nào được thiết lập trên nền tảng của một vùng đất, một dân tộc hay một nền văn minh nào đều hàm hồ, cộng đoàn ấy không thể là dấu hiệu đích thực của Giáo Hội.

Thiết lập lại một cộng đoàn giáo hội đích thực trên những đổ nát của một xã hội kitô giáo, đó là cách sống giới răn mới. Thánh Thần sẽ vượt trên mọi phân cách, trên mọi khoản cách không gian và Ngài sẽ thêu dệt giữa mọi người những mối liên hệ huynh đệ không giam hãm họ trong những nhóm riêng rẻ chống đối nhau nữa. Chúng ta không cùng chung tuổi tác, dòng giống nữa, mà là tình yêu, sự sống của Chúa.

Thế giới hôm nay đã gây ra những khó khăn cho mối liên hệ người với người. Nếu người ta thường nói đến cộng đoàn, chính vì họ đã cảm thấy nhu cầu rồi: cộng đoàn không còn nữa. Con người sống trong xóm làng, không biết đến người bên cạnh: tất cả những cuộc gặp gỡ đều bị loại bỏ. Cộng đoàn gia đình càng ngày càng bị lâm nguy. Phải, càng ngày càng khó sống chung với nhau, trò chuyện với nhau, lo lắng đến nhau.Tất cả mọi mối dây liên lạc trở nên lỏng lẻo. Sự hoài nghi bào mòn cuộc sống. Sự sống hình như không còn ý nghĩa gì nữa. Nỗi lo âu giam hãm mỗi người trong chính mình, làm cho họ không thể yêu thương được nữa. Làm như mỗi người chỉ còn có một ước muốn là lặng chìm trong một hoạt động quay cuồng không cho họ nhớ đến chính mình nữa, vì họ không thể chịu được cái khối nặng nề của chính cuộc sống của mình.

Trong thực tế, làm sao thực hiện một cộng đoàn kitô giáo, nếu tình yêu riêng biệt của mỗi người đối với anh em mình, nếu ước muốn của mỗi người muốn hiện diện với anh em không dệt nên những mối dây liên lạc? Thế giới hôm nay rứt chúng ta ra khỏi mọi ràng buộc, ra khỏi mọi truyền thống văn hoá, để chúng ta sẵn sàng sống cho yêu thương, nếu thực sự tình yêu sống động trong chúng ta. Được tình yêu thúc đẩy, chúng ta có thể thực sự hiện diện với anh em mình trong bất cứ nơi nào, bất cứ thuộc dòng giống nào. Chính tình yêu thúc đẩy chúng ta đi tìm họ nếu họ sống tản mát, chính tình yêu thiết lập với họ một liên hệ huynh đệ và thân ái.

Chúng ta cần phải cảm thấy cái nhu cầu đó, nhu cầu đi tìm con người thay vì đợi họ đến với ta.

Có lẽ chúng ta không còn ngạc nhiên khi thấy một Giám mục đi vào một cửa hàng trò chuyện với một cô bán hàng. Cô bán hàng không thể đến với Giám mục được.  Khi một linh mục đi gặp gở người khác với tình yêu Chúa Kytô, khi gạt bỏ tất cả kiêu căng, không tìm cho mình một cái gì, lúc ấy người khác có thể tìm thấy Chúa Kytô. Lúc ấy họ sẽ không để ý, họ sẽ được giải thoát khỏi niềm khắc khoải lo âu và nỗi hoài nghi, họ bắt đầu tin tưởng lại và mở rộng cho tình yêu.

Phải, chúng ta phải tìm đến con người, dù việc ấy đòi hỏi chúng ta hi sinh. Đàng khác, sự hi sinh của chúng ta là hi sinh của tình yêu. Nó đòi hỏi những hành động thường là rất giản dị và rất thường tình, nhưng chính nhờ thế  mà thừa tác vụ của Chúa Kytô có thể nhập thể vào thừa tác vụ của chúng ta và trở nên hiện diện giữa con người. Có lẽ Chúa Kytô không giống với một vị vua bị giam hãm trong cung điện của mình, nhưng giống như một người đăng trình trên khắp mọi nẻo đường để tìm gặp con người. Ngài không giống một vị vua thi hành quyền cai trị của mình, mà chỉ giống một người anh em chia xẻ nếp sống của mọi người. Sống trên đời nầy chính sứ mệnh của Chúa Kytô, chúng ta hãy noi gương Ngài. Như thế, một cái gì mới đang nảy sinh trong Giáo Hội Chúa.

Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ