09/11/2022
161
Linh mục của Chúa Kitô_ Bài 13: Cầu nguyện




 

 






 

LINH MỤC CỦA CHÚA KITÔ

Divo Barsotti

Bài 13: Cầu nguyện

Trước khi đề cập đến những vấn đề khác, tôi muốn nhắn lại một vài đoạn Tân Ước xem ra nhấn mạnh đến mối dây liên lạc giữa thừa tác vụ tiên tri và chức tư tế. Nhưng trước hết, tôi muốn nhắc đến một đoạn về trách nhiệm rao giảng của chúng ta.

Chức vụ tiên tri này thiết yếu đến nỗi thánh Phaolô có thể quả quyết: Thiên Chúa không sai tôi đến để làm phép thanh tẩy mà là để rao giảng. Quả thực, sự cứu rỗi đời đời của chúng ta tuỳ thuộc vào tầm ý thức của chúng ta về trách nhiệm phổ cập của chúng ta đối với thế giới. Tìm thấy một mối dây liên lạc thiết yếu giữa thừa tác vụ của chúng ta và việc cứu rỗi thế giới, khi vai trò môi giới của Chúa Kitô được hiện tại hoá nhờ chúng ta, có thể là một sự tự cao không ai chịu được và vô lý, nhưng trái lại chính đó lại là một nhiệm vụ đòi hỏi chúng ta phải khiêm tốn và hoàn toàn tự hiến.

Nhưng chức vụ rao giảng và chức linh mục không thể tách rời. Đoạn thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma về chức vụ rao giảng và việc thi hành chức vụ tư tế thừa tác, ai cũng đều biết. Sách Tân Ước rất hiếm những đoạn về chức tư tế thừa tác. Thư gửi tín hữu Do thái đề cập đến chức tư tế của Chúa Kitô và Tin Mừng Gioan cũng nói đến một cách hết sức kín đáo. Chức tư tế chung do thư của thánh Phêrô đề cập đến, nhưng tư tế thừa tác không có mấy đoạn nói đến. Đây là một và có lẽ là hay nhất trong chương 15 bức thư gửi giáo đoàn Rôma: “Bởi ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi làm tư tế của Đức Kitô Giêsu nơi các dân ngoại mà hành lễ là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa ngõ hầu lễ vật của dân ngoại được Thiên Chúa vui lòng chiếu nhận bởi được tác thánh trong Thánh Thần” (Rm 15,16). Đối với thánh Phaolô, chức vụ rao giảng chính là việc thi hành chức vụ tư tế, nhờ đó các dân tộc sẽ được hiến dâng và thánh hiến cho Thiên Chúa. Việc rao giảng được quy hướng vào việc hiến tế, hơn thế nữa, rao giảng tức là hoàn tất chức tư tế, vì nếu việc rao giảng xây dựng Giáo Hội và sinh ra đức tin, thì con người Kitô hữu là một sự tham dự vào hiến tế của Chúa Kitô, nhờ đó con người nên một với Ngài trong một hy tế duy nhất, trong một hiến dâng duy nhất. Vì thế, chức vụ tư tế là chức vụ chính yếu của thừa tác vụ của chúng ta, dù ở trần gian này điều ấy không rõ rệt lắm.

Đoạn thư thánh Phaolô vừa trích dẫn đưa chúng ta vào vấn đề hôm nay.

Chúng ta cần nhớ rằng chức tư tế thừa tác, dù khác biệt hẳn với chức tư tế của dân Chúa, vẫn là một sự tham gia vào chức tư tế của Chúa Kitô, và như thế, là đã được bao gồm trong chức tư tế chung rồi. Chúng ta chỉ thi hành chức vụ tư tế thừa tác của chúng ta cho dân Chúa bằng cách hiện thực chức tư tế của Chúa Kitô , chúng ta cũng phải trước tiên, sống chức tư tế của dân Chúa đã. Chức tư tế thừa tác của chúng ta không tách chúng ta ra khỏi dân thánh, cũng không tách chúng ta ra khỏi dân thánh, nó không ngăn cách chúng ta khỏi giáo dân, nhưng thánh hiến chúng ta như những thừa tác viên phục vụ họ. Chúng ta sống cho họ, nhưng cũng như họ, chúng ta thông phần vào một vinh dự, một đức tin duy nhất, một niềm hy vọng, để thông phần với họ vào một gia sản. Chúng ta cũng là Kitô hữu , là con của Chúa.

Trước khi chúng ta muốn biết phải sống chức tư tế thừa tác của chúng ta thế nào, chúng ta hãy xem chúng ta có thể sống chức tư tế chung thế nào đã. Thánh Phêrô đã nói thế nào về chức tư tế chung? “Cả anh em nữa, ví thể những viên đá sống, hãy để Ngài xây cất anh em thành toà nhà thiêng liêng cho tế vụ thánh, để dâng lên lễ tế thiêng liêng rất đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô” (IPr 2,5). Đời sống Kitô hữu là “một cuộc xây dựng” một dân tộc cho việc hiến tế. Theo thánh Phêrô, việc “xây dựng này” quy hướng về việc thờ phượng Chúa. Thực ra, “chức tư tế vương giả” của dân Chúa mà Chúa Kitô đã mua bằng máu của mình cũng quy hướng về việc loan truyền “quyền năng cao cả của Chúa là Đấng đã gọi chúng ta từ chốn tối tăm tới nơi ánh sáng diệu kỳ của Ngài”, nhưng công việc đầu tiên của chức tư tế của tín hữu vẫn là việc “hiến dâng lễ tế thiêng liêng, đẹp lòng Chúa , nhờ Chúa Kitô”, theo thư thứ nhất của thánh Phêrô. Việc dâng hiến là tất cả cuộc sống của Kitô hữu khi họ sống quy hướng về Chúa và không còn sống cho mình mà chỉ sống cho Chúa thôi, và sự hiến dâng này được hoàn hảo nơi việc hiến tế (xem Rm 12,1; Ep 5,1-2; 2Tm 4,6). Thư gửi tín hữu Do thái cũng ý như thế: “ Nhờ Ngài, ta hãy hiến dâng Thiên Chúa lễ tế ngợi khen mọi thời, tức là hoa quả của môi miệng tuyên xưng danh Ngài”(13,15). Cũng thế, việc từ thiện và lòng quảng đại bố thí là “những lễ tế Thiên Chúa vui lòng chiếu nhận (13,16). Thánh Phêrô, thánh Phaolô, tác giả của thư gửi Do thái cũng không trực tiếp nói đến việc cầu nguyện: việc thi hành chức vụ tư tế chung được thể hiện trong hiến tế. Và tất cả cuộc sống Kitô hữu được quan niệm trong Tân Ước, như một hiến tế chỉ được dâng hiến cho Chúa mà thôi. Hiến tế trong tình yêu, trong việc hiến dâng chính mình và được kiện toàn trong sự chết. Hiến tế tuyên xưng sự cao cả của Chúa và Danh thánh Ngài. Tấ cả những điều ấy đòi hỏi trước hết việc hiến dâng cho Chúa tất cả cuộc đời không thể không được gọi là cầu nguyện sao? Và vì thế, thánh Phaolô, khi mong ước rằng tất cả cuộc sống chúng ta phải được quy hướng về việc phụng thờ Chúa, đã đồng thời mong ước cuộc sống ấy trở thành việc cầu nguyện liên lỉ.

Việc cầu nguyện là cách thực thi chức tư tế chung, chuẩn bị việc thi hành chức tư tế thừa tác trong phụng vụ Thánh Thể. Chỉ khi nào chúng ta biết cầu nguyện với tính cách là Kitô hữu, chúng ta mới biết sống Thánh Lễ và kinh Nhật tụng, kinh mà chúng ta đọc với tính cách là đại diện cho Giáo Hội, để Chúa Kitô có thể cầu nguyện nhờ chúng ta. Chắc chắn, Chúa Kitô vẫn cầu nguyện qua việc cầu nguyện của tín hữu. Các tín hữu vẫn là chi thể của Ngài, tuy nhiên, trong chức tư tế thừa tác, Đức Kitô Thủ Lãnh hiện diện một cách đặc biệt và trong lời cầu nguyện của linh mục, tất cả sự sống của Nhiệm Thể được quy tụ trong đó.

Vì thế, lời cầu nguỵện trong Phụng Vụ trỗi vượt mọi lời cầu nguyện khác. Cuộc chiêm niệm của thánh Têrêxa Avila hay của thánh Gioan Thánh Giá đều phải được kiện toàn trong phụng vụ là việc cầu nguyện cao cả nhất và hiệu năng nhất mà người ta có thể tìm thấy ở trần gian này, và trong đó sự sống của cả thế giới được đảm nhận.

Dù lời cầu nguyện của một tâm hồn đã đạt đến mức độ hiệp nhất với Chúa thâm sâu thế nào cũng không giá trị bằng việc cử hành Phụng Vụ Thánh Thể, nơi đó linh mục hành động “in personna Christi” (như Chúa Kitô). Những lời của linh mục là chính lời của Chúa Kitô. Ngài thực sự sử dụng bản tính nhân loại của chúng ta để hiện tại hóa việc hiến tế “của Ngài”, nơi đó, tuỳ thuộc việc cứu rỗi thế gian. Chính Chúa Kitô nói qua miệng linh mục. Chính Ngài phải sống trong linh mục vì Chúa Kitô là một. Chúa Kitô phải đầy tràn trong ta, không phải Ngài thay thế hay lấn át ta, nhưng là để đảm nhận chúng ta trong duy nhất tính của Bản Vị thần linh Ngài. Những lời nói đầy Chúa của các thánh không bao giờ hiệu năng bằng lời nói của chúng ta khi nói: “ Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Này là chén Máu Thầy sẽ đổ ra vì các con”. Đúng thế, việc cầu nguyện phải quy hướng về kinh nguyện Thánh Thể. Ngay cả Chúa Cha cũng không thể nhận được việc hiến tế của con người nếu việc hiến dâng ấy không kết hiệp với việc hiến dâng của Chúa Kitô. Thiên Chúa chỉ nhận nơi ta chính Ngài mà thôi. Nhưng trong việc dâng hiến của Chúa Kitô, Ngài nhận chính Con Ngài làm một với chúng ta và chúng ta là một với Ngài. Và tất cả điều ấy được kiện toàn trong chính việc hiến dâng thánh lễ, nơi đó việc cầu nguyện phải quy hướng về nếu nó muốn đạt đến Chúa và muốn là lời cầu nguyện Kitô giáo. Và việc hiến dâng thánh lễ không thể được kiện toàn nếu không có linh mục chủ toạ. Chúng ta không thể cắt đứt lời cầu nguyện của tín hữu ra khỏi phụng vụ, mặc dù nó vẫn khác biệt với phụng vụ.

Chúng ta biết cầu nguyện với tính cách là Kitô hữu không? Chúng ta có sống cuộc đời này như một hiến dâng trọn vẹn và liên lỉ cho Chúa không ?

Nơi việc cử hành thánh lễ và kinh nguyện phụng vụ phải là hành động thiết yếu của chức linh mục của chúng ta, là linh mục, chúng ta phải đạt đến bậc “kết hợp biến đổi” với Chúa là bậc cao nhất trong việc kết hợp thần bí rồi. Chức tư tế thừa tác đòi hỏi một sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô đến nỗi, muốn thi hành chức vụ này, chúng ta phải là những đấng thánh. Khi chúng ta kiện toàn những hành động của chức vụ thánh mà không là thánh, thì những hành động đó đến từ nơi chúng ta nhưng không thể là của ta. Chắc chắn Chúa biết sự yếu hèn của chúng ta, Ngài không đòi buộc chúng ta phải đạt đến bậc trọn lành mà ngay cả các đấng thánh cũng chỉ đạt được vào cuối đời mà thôi, nhưng Ngài đòi buộc chúng ta cố gắng, vì cuộc sống của chúng ta không thể là một sự dối trá được. Và chính việc thi hành chức vụ của chúng ta, nếu chúng ta sống chức vụ ấy với tinh thần trách nhiệm rõ ràng, sẽ thực hiện nơi chúng ta sự thánh thiện riêng biệt của chức tư tế, mặc dù rất chậm nhưng chắc chắn.

Đối với tôi, một linh mục nào không hướng về sự thánh hoá bản thân đã nằm trong tình trạng tội lỗi rồi. Chúng ta không thể chấp nhận rằng Chúa Kitô sử dụng chúng ta mà không tôn trọng bản tính chúng ta. Nếu Ngài đòi hỏi chúng ta những hành động đòi buộc chúng ta phải kết hiệp với Ngài,  chắc chắn Ngài sẽ thực hiện sự hiệp nhất đó, nhưng Ngài mong mỏi chúng ta hiến thân mình cho ơn Ngài và trao phó tất cả mọi sự trong tay Ngài để trở nên những dụng cụ cho Ngài hoạt động. Bây giờ Ngài đã trở về trong vinh quang thiên đàng, Ngài không hoạt động một cách hữu hình ở trần gian này với bản tính nhân loại mà Ngài nhận nơi Đức Trinh Nữ vẹn tuyền nữa, nhưng Ngài đã mượn bản tính nhân loại của chúng ta để có thể tiếp tục công trình của Ngài, để trở nên hữu hình cho thế giới nhờ chúng ta.

Chúng ta hãy trở về với việc cầu nguyện. Nếu việc cầu nguyện chuẩn bị cho mỗi tín hữu càng ngày càng tham gia một cách đầy đủ hơn vào hy tế Thánh Lễ, nếu nó tìm thấy nơi tín hữu sự hoàn hảo của nó thì, đối với linh mục, nó sẽ chuẩn bị linh mục sống chức vụ tư tế của mình thế nào nữa ?

Nhưng trước hết, chúng ta hãy tự hỏi xem, có thể nào cầu nguyện được không? Câu hỏi này không vô ích đâu.Thực tế, chúng ta hồ nghi về việc cầu nguyện đích thực rất nhiều và đây là một hiện tượng thường xảy ra trong thời đại chúng ta. Chính việc nghi ngờ này, dù ý thức ít nhiều, cũng làm cho việc cầu nguyện trở nên khó khăn, ngay cả đối với những kẻ có đức tin. Trong thời đại chúng ta đây, người ta cầu nguyện rất ít, và nhiều người không bao giờ cầu nguyện gì cả. Con người có thể liên lạc với Chúa không? Phải chăng việc cầu nguyện chỉ là một mặt nạ để tìm sự yên tâm mà thôi sao? Dù có định nghĩa thế nào, sự nghi ngờ vẫn còn đó. Một việc nâng tâm hồn lên tới Chúa? Nhưng không có con đường nào đưa con người đến Chúa cả. Phải chăng đặc điểm của Chúa là không ai đạt đến được? Ngài ở trong một sự siêu việt không cùng. Một câu chuyện, một liên lạc giữa Chúa và con người, giữa con người với Chúa? Nhưng con người không cần thiết gì với Chúa cả. Nếu Chúa liên hệ với tôi, Ngài chỉ còn là là mối liên hệ đó thôi: vì không có gì nơi Ngài mà không đồng hoá với chính bản tính Ngài. Và Chúa không thể là Chúa, nếu Chúa cần đến tôi. Vậy làm sao có thể cầu nguyện được?

Không có mối liên hệ nào với Chúa ngoài mối liên hệ hiệp nhất giữa các Ngôi vị Thiên Chúa với nhau. Tất cả đời sống ân sủng giả thiết rằng tạo vật đi vào Thiên Chúa một cách nhiệm mầu. Và vì thế, ơn sủng giả thiết phải có việc Nhập Thể của Ngôi Lời. Chính nhờ huyền nhiệm ấy mà nhân loại được liên hệ với Thiên Chúa. Mầu nhiệm Nhập Thể là việc đảm nhận bản tính con người, được quy hướng về Chúa Cha trong cùng một liên hệ của Chúa Con hằng sống trong bản tính nhân loại ấy. Các giáo phụ Hy lạp nhấn mạnh đến sự hiện diện mầu nhiệm nhưng hoạt động của Ngôi Lời trong toàn thể nhân loại. Thực ra, tội lỗi đã phá đổ mối liên hệ ấy và nó chỉ được thiết lập lại nhờ Mầu Nhiệm Khổ Giá mà thôi. Chính trong cái chết của Ngài mà Con Thiên Chúa làm người mang trong mình tất cả trách nhiệm của tội lỗi đã phá sự đối nghịch mà tội lỗi đã tạo nên và thiết lập lại mối liên hệ giữa nhân loại tội lỗi và Thiên Chúa. Vì thế, chúng tôi đã nói rằng trong việc cầu nguyện, con người thông phần vào chức tư tế của Chúa Kitô, vì thế, tại sao việc cầu nguyện mời gọi Kitô hữu phải thông phần càng ngày càng tích cực và ý thức vào hy tế của Chúa Kitô trong thánh lễ? Như thế, việc cầu nguyện là thi hành chức vụ tư tế chung, quy hướng Kitô hữu về hy tế của Chúa Kitô ; và chức tư tế chung vẫn không rứt rời ra khỏi chức tư tế thừa tác, nhờ đó hoạt động cứu chuộc của Chúa Kitô được hiện tại hoá.

Nhưng nếu mối liên hệ với Chúa chỉ được hoàn hảo nhờ hy tế của Chúa Kitô, nó bắt đầu với việc mạc khải. Tự mình, con người không thể thiết lập một mối liên hệ cá biệt với Thiên Chúa, mặc dù tuỳ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa như Đấng tạo thành. Chính Chúa đã khởi đầu liên hệ với con người khi Ngài tự do tỏ mình ra cho con người.

Thực ra, việc mạc khải của Thiên Chúa cho con người ở trần gian này không bao giờ có thể thuần tuý và không có trung gian được. Thiên Chúa tự mạc khải qua những dấu hiệu, và dấu hiệu khi tỏ hiện Chúa có thể thiết lập mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa trong đời sống tôn giáo. Như thế, mỗi khi Chúa tự mạc khải qua lời tiên tri, con người bước vào mối liên hệ với Chúa qua một lời nói, đó là lời cầu nguyện.

Nếu Chúa đã ngỏ lời với con người, tại sao con người lại không thể nói chuyện với Chúa? Nếu tiếng nói của con người có thể bày tỏ những bí nhiệm của Chúa, tại sao tiếng nói ấy lại không đạt đến Chúa? Con người đã lắng nghe Lời Chúa, giờ đây Chúa lắng nghe con người. Vực thẳm giữa Thiên Chúa sáng tạo và thụ tạo có thể ngăn cản mọi mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người và cũng thế, ngăn cản mọi việc cầu nguyện đích thực. Nhưng nếu con người không thể tự đưa mình lên tới Chúa, Chúa vẫn có thể xuống đến với con người và đã cho con người khả năng lên đến Chúa.

Việc cầu nguyện là việc có thể được, vì Chúa có thể ngỏ lời với ta. Tiếng nói ấy mà Ngài đã ngỏ lời với ta, là tiếng nói của con người nhưng đã mạc khải cho chúng ta ý định yêu thương của Ngài. Tiếng nói nhân loại ấy, đơn sơ và nghèo nàn, đã tỏ cho chúng ta biết Chúa: tại sao nó lại không thể đưa lên Chúa những lo âu phiền muộn, những nhu cầu của chúng ta ?

Chúng ta lầm khi chúng ta đòi sống ngay bây giờ nếp sống thiên đàng. Chúng ta chưa được ân huệ thấy Chúa nhãn tiền, dầu vậy, chúng ta đã mong muốn loại bỏ chương trình nhiệm tích nhờ đó Chúa tự mạc khải cho chúng ta hôm nay trong đức tin. Cách nói của đức tin không là một cách nói thích hợp là một sự kiện rõ ràng, nhưng không phải vì thế mà không có ý nghĩa vượt xa chính mình vì nó đưa về huyền nhiệm, mỗi tiếng nói siêu vượt chân lý được diễn tả. Mỗi lần như thế, nhờ sức mạnh của dấu hiệu, chúng ta có thể sống một liên hệ đích thực với Chúa. Nhưng còn hơn thế nữa Thiên Chúa không ở trên kia dấu hiệu. Những gì là xác thực trong mạc khải thiên nhiên và một phần nào đó trong mạc khải tiên tri, đều được siêu vượt trong kitô giáo. Dấu hiệu bây giờ là nhiệm tích, nghĩa là nó hiện thực huyền nhiệm của Thiên Chúa. Tiếng nói của con người không chỉ tỏ lộ con người mà thôi. Thiên Chúa đã làm người và con người không thể không có Thiên Chúa: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Ai nghe lời Chúa Giêsu là nghe lời Thiên Chúa.

Người ta có thể nêu lên vấn nạn: làm sao tiếng nói con người có thể mạc khải Thiên Chúa được? Những mẫu bánh mì có lẽ là một dấu hiệu rõ rệt hơn là tiếng nói không? Cũng như dấu hiệu của bánh mì bảo đảm sự hiện diện thiết thực của Chúa Kitô thì cũng vậy, tiếng nói bảo đảm mối liên hệ giữa Chúa và con người và giữa con người với Chúa.

Trong tiếng nói nguyện cầu, con người không chỉ sống một mối liên hệ nào đó với Chúa, nhưng nó diễn tả chiều hướng tối hậu của cả con người mình về Chúa, vì Chúa là mục đích tối hậu của con người. Đó là điều thiết yếu hơn bất cứ điềi gì khác trong việc cầu nguyện. Thánh Tôma dạy rằng: lời thỉnh nguyện là đặc điểm của con người ở trần thế này, vì con người bất toàn. Vì con người chỉ có thể sống một liên hệ đích thực với Chúa trong một tiến trình liên tục đem con người đến Chúa hơn mà thôi. Con người chỉ quay về với Thiên Chúa, mục đích tối hậu của mình, chỉ vì một niềm hy vọng tìm kiếm và khẩn nài mà thôi. Hơn thế, bản tính của việc thỉnh nguyện giả thiết sự khác biệt tuyệt đối của Thiên Chúa, Đấng con người quay tìm và như thế, việc thỉnh nguyện loại trừ hẳn một nếp sống đạo đức nội tại, quy hướng về một Thiên Chúa không khác biệt với con người, và như thế là sai lạc.

 Tôi nhớ một buổi họp hội về việc cầu nguyện mà tôi được dịp tham dự. Thật đáng buồn. Đang khi tôi cố giải thích cho người công giáo hiểu giá trị đích thực của việc cầu nguyện, thì họ lại không chịu hiểu. Họ chạy theo lý thuyết của một nhà sư Tây Tạng cho rằng việc thỉnh nguyện không thể là một cách cầu nguyện hoàn hảo, chỉ dùng cho những hạng người kém cõi mà thôi. Nhà sư Tây Tạng chủ trương rằng không thể có một mối liên hệ đích thực với Thiên Chúa. Lời cầu nguyện chỉ hiệu nghiệm khi nó tạo nên trong lòng người một tình trạng tự do nội tâm, bình an và thống nhất. Nhà sư ấy chấp nhận việc ca ngợi Chúa dễ dàng hơn và những nhà thông thái công giáo có mặt hôm ấy đã theo chiều hướng đó. Nhưng họ không hiểu gì cả. Nếu việc cầu nguyện không thiết yếu là một liên hệ, thì con người sẽ bị giam hãm trong chính mình, bị giam hãm trong nội tại tính của mình. Nhưng tâm trạng của tôi mang lợi ích gì? Điều quan trọng là biết Chúa và yêu mến Chúa. Chúa cũng chỉ muốn một điều thôi: tình yêu.

Và vì thế, đời sống Kitô hữu là một liên hệ tự bản chất với Thiên Chúa: mối liên hệ này, thay vì đem lại bình an cho chúng ta, sẽ đưa chúng ta vào một con đường không cùng, trong một niềm lo âu nội tâm, trong một nhu cầu thắng vượt tất cả những gì đã thâu góp được, và không bao giờ cho chúng ta tìm thấy yên nghỉ. Bình an của chúng ta, một ngày kia sẽ tìm thấy ở trên trời.

Cầu nguyện chính là mối liên hệ bản vị của con người với Thiên Chúa. Và người ta đừng nói rằng những ý niệm của chúng ta không thể áp dụng cho Chúa được, hay là Chúa là một Đấng có bản vị. Tân Ước dạy rằng trong duy nhất tính của bản tính Thiên Chúa, những mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần vẫn tồn tại.

Đó là những Ngôi Vị Thiên Chúa, và Thánh Truyền không cho phép chúng ta dùng danh từ nào khác để diễn tả sự sống thâm sâu của Thiên Chúa. Sự sống thâm sâu của Thiên Chúa, chính là mối liên hệ yêu thương vô cùng giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nếu sự sống thâm sâu của Thiên Chúa là một mối liên hệ thì con người, nếu Chúa muốn, có thể đi sâu vào sự sống ẩn kín của tình yêu vô biên ấy. Trong việc cầu nguyện, con người được tham dự một cách thực sự vào sự sống Ba Ngôi. Nhưng vì sự sống Ba Ngôi luôn luôn vượt xa vô cùng tất cả mọi sự thông phần, vì thế, cuộc sống của tâm hồn Kitô hữu vẫn là một cuộc đăng trình liên tục để đi đến một cách cầu nguyện cao xa hơn, sống động hơn và tha thiết hơn. Và vì sự thông phần ấy không đến từ nơi nào khác mà là một hồng ân của Chúa, vì thế, đối với con người còn trong trần thế, cầu nguyện chỉ là một lời khẩn xin luôn luôn âu lo hơn trong ước muốn, luôn luôn vững mạnh hơn trong hy vọng, luôn luôn triển nở hơn trong tình yêu.

Một bước nhảy vọt của tâm hồn, trong lời cầu nguyện linh hồn đạt đến Chúa là Đấng vô biên, ở trần gian không có gì có thể so sánh được.

 Nhưng làm sao người ta có thể sống mối liên hệ thần linh ấy? Tình yêu thúc đẩy chúng ta trên con đường này chỉ là một cách đáp trả tiếng Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta trước. Chúng ta chỉ biết cầu nguyện khi chúng ta biết lắng nghe. Việc cầu nguyện của chúng ta tuỳ thuộc vào việc lắng nghe của chúng ta. Như chúng tôi đã nói ở trên, chúng ta cần phải lắng nghe Lời Chúa, Đấng ngỏ lời với chúng ta trong tâm hồn chúng ta, qua Thánh Kinh hay qua Thánh Truyền của Giáo Hội. Khi chúng ta nói về Chúa, con người không thể có sáng kiến. Chính vì việc cầu nguyện là một câu trả lời, nó đòi hỏi chúng ta phải biết lắng nghe, trong niềm tin, lời Chúa nói. Trong việc lắng nghe ấy, hàm chứa huyền nhiệm cao cả nhất của việc cầu nguyện. Lắng nghe Chúa, tức là tiếp nhận Ngôi Lời. Và lúc ấy, việc cầu nguyện của chúng ta trở nên một sự thông phần vào mối liên hệ giữa Chúa Con duy nhất với Cha thần linh của Ngài. Khi nhận lấy bản tính nhân loại, Ngôi Lời Thiên Chúa đã thông truyền cho bản tính ấy phương thế trở nên một mối liên hệ với Chúa Cha trong Ngài. Và bây giờ, Ngài ban cho chúng ta phương thế ấy, với điều kiện là chúng ta phải nên một thân thể với Ngài. Con trong Người Con, trong Thánh Thần của Con, chúng ta quay về Chúa Cha. Như thế, cuộc sống Kitô hữu tự bản thể là cầu nguyện và cầu nguyện là âm vang xa xôi của cuộc nói chuyện yêu thương vô biên mà Chúa Cha vẫn sống với Chúa Con và Chúa Con với Chúa Cha muôn đời.

Trong vực thẳm yêu thương đó, con người bị mất hút đi, tuy nhiên, con người vẫn sống đời đời, vì Chúa Cha cũng nói với họ: “Con là Con Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con”, và vì trong họ, Ngôi Lời cũng nói “Cha”, “Và bằng chứng là các con là con, chính Chúa Cha đã sai đến trong tâm hồn chúng ta, Thánh Thần của Ngài, Thánh Thần kêu lên: “Abba, Cha ơi !” (Gl 4,6). Đó phải chăng là đời sống Kitô hữu? Vậy bây giờ, tất cả cuộc sống Kitô hữu là cầu nguyện. Sống là cầu nguyện. Lutêrô có lý khi nói: “ Như hơi thở cần cho xác thế nào thì cầu nguyện cũng cần cho linh hồn như vậy”. Hơn nữa, chúng ta phải nói cho mỗi người nhưng gì Tôma Xêlanô đã nói về thánh Phanxicô Assisi: “ Ngài không cầu nguyện, ngài đã trở nên cầu nguyện”. Cuộc sống Kitô hữu , tự bản thể, là mối liên hệ yêu thương đó.

Nhưng hơn cả Lutêrô, hơn cả Xêlanô, chúng ta hãy nghe thánh Phaolô: “Đừng thôi cầu nguyện” (I Tx5,17). Chúng ta hãy nghe lời Chúa Giêsu ; “Hãy cầu nguyện luôn không mỏi mệt” (Lc 18,1). Cuộc sống của chúng ta phải là cầu nguyện. Cũng như Chúa Con luôn luôn ở trước mặt Chúa Cha, cũng thế, chúng ta hãy ở trước mặt Chúa Cha luôn; chỉ sống cho Chúa mà thôi, chỉ là một liên hệ yêu thương mà thôi.
 

Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ