09/01/2023
462
Gặp gỡ Giáo Hoàng Bênêđictô (tương lai)













 





GẶP GỠ GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ (TƯƠNG LAI)

 

Dr. Christopher Kaczor – 06/01/2023

Sau khi làm sinh viên đã tốt nghiệp được một năm tại Đại học Notre Dame, tôi có cơ hội gặp trực tiếp Joseph Ratzinger lúc bấy giờ là hồng y. Tôi dự một Thánh Lễ ngắn do ngài cử hành cho một nhóm khoảng 25 người hành hương Đức tại Vatican và đến rước lễ từ tay ngài. Sau Lễ, ngài quỳ một mình cám ơn. Khi ngài ngưng cầu nguyện và đứng lên, tôi đến gần ngài, cùng với hai sinh viên tốt nghiệp khác. Tôi không đoán được mình sẽ thấy thế nào. Vào lúc đó, chỉ sau Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêsa, ngài là người Công giáo nổi tiếng nhất trên thế giới. Ngài không có người tuỳ tùng, không có bảo vệ, và cũng không có kế hoạch khởi đầu một ngày với mấy sinh viên tốt nghiệp tầm thường.

Chúng tôi tự giới thiệu, và rồi ngài hỏi từng người chúng tôi về việc học hành. Tôi chắc là ngài phải có nhiều việc để làm, có lịch đầy kín các cuộc hẹn với các nhân vật cấp cao, nhưng ngài thong thả với chúng tôi và quảng đại bình luận về những kiến thức của chúng tôi ở giai đoạn phôi thai. Francis X. Maier có những lời gói gọn được kinh nghiệm của tôi khi gặp vị giáo hoàng Bênêđictô tương lai: Tôi “đã không lường trước sự đơn sơ và khiêm tốn nơi cá nhân ngài. Thái độ của ngài không tỏ chút gì cho thấy ngài mất kiên nhẫn, không chút phân tâm, không coi mình quan trọng. Chỉ có thể nói được điều đó về rất ít nhân vật công chúng”. Sau khi Hồng y Ratzinger đi khỏi, tôi lấy làm ấn tượng rằng cái con người giữ chức vụ quan trọng thứ hai trong Giáo Hội lại dành nhiều thời gian không tính trước để nói chuyện với ba sinh viên.

Tại sao tôi muốn gặp ngài? Khi tôi còn ở Đại học Boston, một linh mục tốt lành cho tôi một quyển sách của Ratzinger, The Ratzinger Report: An Exclusive Interview on the State of the Church (Báo cáo của Ratzinger: Cuộc phỏng vấn đặc biệt về Tình trạng của Giáo Hội). Trong quyển sách mỏng này, tôi tìm được những câu trả lời rõ ràng, thuyết phục và chính xác về rất nhiều vấn đề mà tôi đặt ra về Thiên Chúa, Chúa Giêsu và Giáo Hội. Đối với tôi, đó là một sự thay đổi then chốt trong hiểu biết của tôi về rất nhiều vấn đề. Các câu trả lời của Ratzinger cho thấy một sự uyên thâm về Kinh Thánh, các tác phẩm thời Giáo Hội sơ khai, và các hình thức tư tưởng hiện đại. Sau này, tôi đọc Muối cho đời (Salt of the Earth), là một cuộc phỏng vấn khác với vị giáo hoàng tương lai; bài phỏng vấn này hay hơn và dài bằng một quyển sách. Cuộc phỏng vấn khảo sát tỉ mỉ cả đời sống của ngài và vô số vấn đề mà ngài đang quan tâm.

Tôi càng học từ con người này và về con người này, tôi càng thấy cảm kích. Ngài không muốn làm giám mục, tuy nhiên đã chấp nhận lời mời gọi phục vụ trong một phương cách mới. Hơn một lần, ngài cố bước xuống khỏi chức vụ bộ trưởng Bộ Giáo lí Đức tin, nhưng lại chấp nhận khi Thánh Gioan Phaolô II đề nghị ngài ở lại.

Cuối cùng, sau khi Thánh Gioan Phaolô từ trần, Hồng y Joseph Ratzinger giảng trong Thánh Lễ bầu tân giáo hoàng. Tất cả các hồng y cử tri đều nghe ngài nói: “Ngày nay, có một đức tin rõ ràng dựa trên Kinh Tin Kính của Hội Thánh thường bị gắn nhãn là chính thống cực đoan. Mặc dù thuyết tương đối, nghĩa là để cho mình bị ‘cuốn theo các chiều đạo lí’, dường như là thái độ duy nhất có thể đối phó với thời hiện đại. Chúng ta đang xây dựng một chế độ độc tài theo thuyết tương đối, theo đó không nhận bất cứ sự gì là tuyệt đối và chỉ lấy cái tôi và những ước muốn của riêng mình làm mục tiêu tối hậu. Tuy nhiên, chúng ta có mục tiêu khác hẳn: đó là Con Thiên Chúa, là con người thật. Người là thước đo của thuyết nhân bản đích thực”. Theo một nhà bình luận lúc bấy giờ, Ratzinger không “vận động để lên chức giáo hoàng. . . . Tôi nghĩ bài giảng này cho thấy ngài biết ngài sẽ không được bầu”. Hồng y Ratzinger muốn trở về đời sống âm thầm của một học giả.

Sau các vòng bầu giáo hoàng, ngài được hỏi: “Ngài có chấp nhận việc trúng cử đúng giáo luật chọn ngài làm Giáo hoàng không?”. Cho dù ở tuổi 78 đã cao, cho dù mong muốn về hưu để viết lách và nghiên cứu, ngài một lần nữa chấp nhận.

Khi làm giáo hoàng, ngài tiếp tục phục vụ toàn thể Dân Thiên Chúa bằng nhiều cách thế tuyệt vời. Mặc dù ngài không phải là người có khả năng tự nhiên xuất hiện trước công chúng, ngài du hành khoảng 96,560 km trong 24 chuyến đi đến sáu châu lục để thông truyền Tin Mừng. Ngài cũng tiếp tục viết các tác phẩm quan trọng và hùng hồn để củng cố đức tin của các anh chị em của ngài trong Chúa Kitô. Tôi đặc biệt nghĩ đến tông huấn rất hay là Thiên Chúa là tình yêu (Deus Caritas est) và bộ ba cuốn Chúa Giêsu thành Nazareth.

Thậm chí khi đã rời ngai toà thánh Phêrô, ngài đã dạy tôi một lần nữa bài học khiêm nhường và can đảm. Trong cầu nguyện ngài đã lắng nghe tiếng Chúa gọi và sẵn sàng làm điều mà lương tâm ngài tin chắc rằng Thiên Chúa đề nghị ngài, cho dù việc một giáo hoàng từ chức chưa từng xảy ra trong gần 600 năm qua. Tuy nhiên một lần nữa, ngài chấp thuận theo mức hiểu biết tốt nhất tiếng Chúa dành cho ngài.

Có lần Joseph Ratzinger được hỏi: “Có nhiều hay chỉ có một con đường tới Thiên Chúa?”. Câu trả lời của ngài là “Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu con đường về với Chúa”. Tôi hết sức biết ơn ngài bởi ngài đã giúp tôi trên con đường tôi đi tới Chúa, bằng những điều ngài viết và bằng những việc ngài làm.

Nguồn: Wordonfire.com

Chuyển ngữ: Nhục Tâm