08/07/2022
2845
Đức ái là nguồn sống_Bài số 43: Ăn năn tội trong tình yêu





 

ĐỨC ÁI LÀ NGUỒN SỐNG

Nguyên tác của Léopold Bertsche

 

Lời tựa

Quyển sách này không là một “Thảo luận” về tình yêu Chúa mà chỉ là một tuyển tập nhỏ những “Viên ngọc tình yêu”. Nó được trao tặng bạn để giúp và hoàn thiện cuộc sống bác ái của bạn.

Trong những trang sách này, từ Tình yêu hay Bác Ái không chỉ điều gì khác hơn là Đức Mến đối thần.

Những ý tưởng trong tập sách này được đánh số riêng biệt nhau, cách nhau bằng một hoa thị để kêu mời bạn kéo dài việc suy nguyện về mỗi ý tưởng ấy. Các bạn sẽ hiểu biết sâu xa hơn và mãnh liệt hơn.

Tuy nhiên cũng nên đặt mỗi viên ngọc ấy trong chương tổng quát để tìm thấy sức mạnh đầy đặn của nó.

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Tình yêu cá vị nối kết Chúa Cha và Chúa Con đoái thương nhen lửa mến trong tâm hồn tất cả những ai đọc tập sách nhỏ bé này.

                                                                                      Tác giả.

 

 

 

 

Bài số 1: Sống là Yêu - Nhưng là Yêu mến Thiên Chúa
 

Bằng chứng Thánh Kinh

1- “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết khả năng ngươi”. (Đệ nhị luật 6,5)

2- “Ta yêu thương những kẻ yêu thương Ta”. (Thánh vịnh 8,17)

3- “Ta dẫn dắt chúng bằng những mối dây êm đềm, với những mối dây tình yêu”. (Tiên tri Hôsê 11,4)

4- “Ai thương cha mẹ… hơn Ta. Người ấy không xứng đáng với Ta”. (Mt 10,27)      

5- Ngài đã yêu thương những người thuộc về Ngài. Ngài đã yêu họ đến tận cùng. (Ga 13,1)

6- “Ai giữ giới răn của Thầy, đó là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu thương Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến và Thầy cũng yêu thương người ấy và sẽ tự tỏ mình cho người ấy”. (Ga 14,21)

7- “Vì tội ác càng ngày càng gia tăng, tình yêu sẽ nguội đi trong nhiều tâm hồn”. (Mt 24,12)

8- “ Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. (Ga 15,9)

9- Tình yêu Chúa được đổ tràn trong tâm hồn chúng ta.(Rm 5,5)

10- Với những ai yêu mến Chúa, Thiên Chúa cộng tác trong mọi sự để mưu cầu thiện ích. (Rm 8,28)

11- “Đúng thế, tôi chắc rằng, dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay quyền thần, dù hiện tại hay tương lai, dù vũ lực, dù cao xa hay sâu thẳm, dù một tạo vật nào khác đi nữa, cũng không thể tách tôi ra khỏi tình yêu Chúa, được tỏ bày trong Đức Giêsu Kytô, Chúa chúng ta”. (Rm 8,38)

12- “Khi tôi nói được tiếng nói của loài người và các thiên thần, nếu tôi không có lòng mến, tôi chỉ là tiếng đồng rền vang, hay tiếng kiểng ồn ào mà thôi. Khi tôi được ơn nói tiên tri và thấu hiểu mọi mầu nhiệm và tất cả  các thứ hiểu biết trên đời. Khi tôi được đức tin sung mãn, một đức tin chuyển núi dời non, nếu tôi không có lòng mến, tôi cũng chỉ là không. Nếu tôi phân phát tất cả gia sản tôi cho người nghèo, khi tôi liều thân cho lửa đốt, nếu tôi không có lòng mến, những việc đó không làm ích gì cho tôi.” (1Cr 13,1-3)
 




 

 

Bài 2: Bằng chứng Thánh Kinh

 

Anh em hãy tìm kiếm Đức Ái (1Cr 14,1)

Nếu ai không yêu mến Chúa, người ấy phải bị chúc dữ

Anh em hãy theo con đường của tình yêu, noi gương Đức Kitô, Đấng đã yêu thương anh em (Ep 5,2)

Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em về tình yêu Thiên Chúa (2Tx 3,5)

Ai không yêu thương, người ấy ở trong sự chết (1Ga 3,14)

Ai ở trong tình yêu là ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy (1Ga 4,16)

Yêu là sống theo giới luật của Ngài (2Ga 1,6)

Anh em hãy giữ mình trong tình yêu Chúa ( thơ Giuđa 1,21)

Cho thì hạnh phúc hơn là nhận (Cv 20,35)

Ghi chú : Ở đây chỉ xin trích dẫn một vài đoạn Kinh Thánh về đức ái. Những đoạn khác sẽ được trích dẫn trong những chương sau.

Những trích dẫn nầy theo bản dịch của cha Thuấn DCCT.




 

 

Bài 3: Tình yêu Chúa đối với chúng ta

Chính vì để chúng ta yêu Người mà Chúa đã đến ở với chúng ta.

Chính vì thế mà Người đã chết trên thập giá và luôn ở giữa chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.

Bạn cần phải tự hỏi: “Đối với bạn, Chúa đã thành công trong ý định của Người chưa?”

Bạn thiếu…

một tiện nghi vật chất nào đó, và tâm hồn bạn cảm thấy không được thỏa mãn về nhiều phương diện. Đó phải chăng là ý định quan phòng của Chúa, để bạn chỉ tìm sự anh nghỉ NƠI CHÚA MÀ THÔI? Đúng thế, vì Chúa yêu thương bạn. Bạn chỉ tìm được sự an vui và sự an toàn của bạn nơi Người mà thôi.

CHÚA LÀ TÌNH YÊU (Ga 4,16) và từ đời đời, Ngài đã yêu thương bạn. Đó là sự thật. Ngài đã yêu thương bạn trước khi bạn biết đáp lại tình yêu của Ngài: “Ta đã yêu thương ngươi bằng một tình yêu vĩnh cửu, vì thế Ta đã thương xót ngươi và kéo ngươi về với Ta”. (Gr 31,3). Lời thần linh đó liên can đến bạn.

Lời ấy, Chúa nói riêng với từng người trong chúng ta.

Vì yêu, Chúa đã tạo nên chúng ta.

Vì yêu, Ngài đã nhờ Con của Ngài cứu chuộc chúng ta.

Vì yêu, Ngài đã thánh hóa chúng ta trong Chúa Thánh Thần.

Vì yêu, Ngài đã thúc giục, đe phạt và tha thứ cho bạn.

Nhưng Chúa vẫn chưa thỏa lòng. Chúa là tình Yêu và bạn không thể nghi ngờ tình yêu của Ngài. Thật là tuyệt diệu!

Tuy nhiên, bạn đừng quên: Tình Yêu muốn được yêu lại.

Thiên Chúa là Cha của bạn.

Đó là chân lý không thể nghi ngờ được đến nỗi nó thành một với cả Mạc Khải. Đó cũng là một Chân Lý lớn lao, đến nỗi không một ngôn ngữ nhân loại nào có thể diễn tả được vẻ đẹp huy hoàng và hay sự êm dịu của nó.

Thiên Chúa là Cha của bạn.

Biết được điều đó cũng đủ làm cho bạn không bao giờ có thể nghĩ rằng bạn bị bỏ rơi hay bị lãng quên, vì chân lý tuyệt diệu này mang lại một ý nghĩa siêu việt cho tất cả mọi sự, cho cả những buồn phiền và đau khổ, cho cả những tai ương bạn gặp phải. Vào những lúc mệt mỏi chán chường, nó cho bạn sức mạnh cần thiết để trao trọn cho Ngài, để phó thác trước cho Ngài, và trong tin yêu, tất cả những bí ẩn của đời bạn. Bạn hãy lấy chân lý ấy làm chủ đích của đời sống bạn và chóp đỉnh của cái chết của bạn. Chúa gìn giữ bạn khỏi muôn ngàn tai họa và dẹp chúng khỏi con đường bạn đi. Ngài lắng nghe và nhận lời bạn cầu xin. Ngài ban cho bạn muôn vạn phúc lành, bạn và cả những người thân yêu của bạn nữa. Vì ngài không chỉ mang danh là CHA mà Ngài lại là Người Cha đích thực. Biết được điều đó là hạnh phúc rồi.





 

Bài 4: Tình yêu Chúa đối với chúng ta (tiếp theo)

Dù khó tin hay lạ lùng đến thế nào chăng nữa, một điều chắc chắn là Chúa đang tin vào tình yêu của bạn và Ngài nỗ lực không ngừng để chinh phục quả tim bạn.

Ngài mời gọi bạn yêu Ngài… bằng những lời hứa. Ngài hấp dẫn bạn đến với Ngài… nhờ những thiện hảo mà bạn có thể thâu lượm nơi tình yêu của Ngài.

Ngài cưỡng bách bạn… bằng muôn vàn ân phúc,

Ngài thúc bách bạn… bằng những lời kêu gọi không ngừng.

Ngài bắt buộc bạn… bằng những giới răn của Ngài và răn đe bạn… bằng những lời đe dọa của Ngài. Bạn bằng lòng để cho những cố gắng ấy của Chúa trở nên vô hiệu sao?

Nếu thế thì khốn cho bạn!

Xin bạn nhớ điều này: không có gì đáng sợ cho bằng một tình yêu bị khinh rẻ.

*

Chúa nắm bạn trong bàn tay cha lành của Ngài, và ngài che chở bạn. Ngài là như thế chỉ vì Ngài yêu thương bạn. Tất cả Ngài đã tiên liệu cho bạn, trong từng chi tiết. Ngài hướng dẫn và định hướng tất cả mọi sự vì ích lợi cho bạn. Chúa săn sóc bạn như thể bạn là người duy nhất trên trần gian này, và Ngài ban cho bạn vô vàn ơn lành.

Lẽ dĩ nhiên là bạn phải phó thác cho tình yêu Ngài và mỗi ngày bạn hãy nói với Ngài nhiều lần rằng: “Chúa là mục tử tôi, Tôi không bao giờ thiếu thốn gì” (Tv 22,1)

Bạn hãy nói với Ngài như thế với một lòng tin sôi nóng và khẩu hiệu của bạn phải là: “Tôi sẽ sống như Ngài hướng dẫn tôi!”

*

Thiên Chúa yêu thương bạn, trong giây phút này, bằng một tình yêu vượt xa tất cả mọi tình yêu tạo vật. Ngài đã yêu thương bạn bằng một tình yêu mà ngay cả các thiên thần cũng không đo lường được và hình như Chúa cũng không kềm hãm được. Tình yêu Chúa yêu bạn lớn lao đến nỗi, đôi lúc, cũng nên nguy cơ cho đức tin của bạn, vì sự vô biên của nó. Tình yêu của Chúa lớn lao biết bao vì nó là vô biên và  nó hòa nhập với bản thể thần linh của Ngài.

Đứng trước tình yêu vô biên ấy, không gì có thể đáng cho bạn chú ý nữa. Chúa yêu thương bạn, bạn có thể yên tâm lãnh đạm với mọi sự khác, lãnh đạm đối với những lo lắng cũng như hạnh phúc, cực phiền cũng như niềm vui, thành công cũng như thất bại. Tất cả là đó, và, rốt cùng bạn có thể nhắm mắt, vì chết cũng là một mối lợi. Có lẽ bạn còn rụt rè chưa dám nói lên như thế, nhưng trái tim bạn đã cảm thấy và hiểu rồi.

*

Tìm được một tâm hồn biết thông cảm với mình là một ân huệ, và ai cũng biết được giá trị của nó. Thiên Chúa cho bạn kho tàng quí báu ấy nơi Con yêu dấu của Ngài. Người Con bị nộp vì bạn. Theo bản tính nhân loại, con tim thần linh của Ngài đồng nhịp với con tim của bạn. Quả tim Ngài tràn đầy nhân ái đối với bạn và Ngài đang kéo bạn về với Ngài.

Đáp lại, bạn có đem lại cho Ngài một tình yêu chân thành không? Chúa yêu thương bạn như thế, bạn có yêu thương Chúa như thế không?

*

Một lưỡi đồng đã đâm thâu Trái Tim Chúa Giêsu, để xuyên qua vết thương trong xác thịt ấy, bạn có thể nhìn thấy và chiêm ngưỡng “vết thương vô hình của tình yêu Ngài” (Thánh Bônaventura)

*

Chúa chỉ cho bạn thấy tình yêu của Ngài là để trao ban nó cho bạn, nhưng cũng để nhận lại tình yêu của bạn. Ngài đợi chờ nơi bạn

- Một tình yêu mạnh mẽ, không bao giờ yếu mềm,

- Một tình yêu được tinh luyện khỏi những ích kỷ nhỏ nhen,

- Một tình yêu tuyệt đối, cho Ngài tự do hoạt động trong đời bạn,

- Và một tình yêu vâng phục, chỉ biết một điều là ý Ngài thôi.





 

Bài số 5: Tình yêu Chúa đối với chúng ta (tiếp theo)

 

Chúa van xin tình yêu của bạn”.

Mầu nhiệm ấy phải rọi sáng con đường của bạn và làm cho đời bạn tràn đầy một niềm hạnh phúc duy nhất. Nó nâng cao bạn lên và đặt bạn trước vào một tâm tình thiên quốc, tâm tình “được Chúa Cha gìn giữ”.

Bạn càng sống mầu nhiệm ấy, bạn càng không có chỗ nào trong lòng bạn có thể dành cho một tâm tình thiếu thốn hèn hạ nào khác. Bạn sẽ lạnh nhạt trước những mời gọi trần thế, vì trái tim bạn đã tràn đầy rồi. Chúa muốn bạn yêu Chúa.

Biết được điều đó và thực hiện, là giải quyết mọi vấn đề của đời sống nội tâm của bạn, san bằng những gai góc của sự tầm thường thắp kém của bạn, và không ngừng tung bạn đến những mục tiêu cao cả hơn, trong một tiến bộ không biên giới. (Cha Faber)

****

Vì thương bạn, đôi khi Chúa Giêsu tỏ ra lãnh đạm và xa cách và lạnh nhạt đối với bạn, vì Ngài muốn nhờ đó, đưa bạn đến một tình yêu hoàn toàn tinh sạch và dứt khỏi mọi  tình kiếm chính mình. Cũng chỉ vì yêu thương bạn mà Chúa vẫn giả điếc làm ngơ trước những lời van xin của bạn, nếu những điều ấy có thể gây tai hại cho bạn, và cũng vì yêu mà Ngài gửi đến bạn những thánh giá có thể thánh hóa bạn hơn. Trong tất cả những việc Ngài làm cho bạn và trong bạn, Chúa Giêsu không để điều gì hướng dẫn Ngài ngoài tình yêu vô biên đối với bạn.

****

Thánh Kinh là mạc khải của Chúa, nhưng không duy nhất chỉ có nó. Có một thứ mạc khải khác, hoàn toàn riêng biệt vả hoàn toàn cá nhân. Bạn nhận ra nó trong cách thế riêng biệt mà Chúa quan phòng đã điều khiển đời bạn. Bạn hãy nhớ chuỗi dài ơn lành mà bạn đã lãnh nhận từ ngày chịu phép rửa tôi. Điều đó sẽ làm cho bạn ngỡ ngàng. Bạn cũng có thể nhận thấy tại sao nhiều biến cố thuận lợi cho bạn, nhiều chướng ngại thoạt tiên xem ra không thể vượt qua nổi, tự nhiên biến mất như do một phép mầu nào, nhiều cơn cám dỗ trở nên ích lợi cho bạn và bao nhiêu thử thách được biến đổi thành hồng ân. Những cực phiền cũng có tầm quan trọng tiền định của chúng, và sau khi  đã chịu đựng đầy kết quả, lắm lúc bạn cũng có thể nhận thấy rằng nếu bạn không gặp những cực phiền đó, có lẽ bạn sẽ mất mát nhiều. Đôi khi bạn cũng thấy rằng, nhưng biến cố trong đời bạn nối tiếp nhau một cách tốt lành đến mực độ bạn tưởng Chúa không thể sắp đặt cách nào tuyệt hảo hơn. Thường thì bạn chỉ nhận thấy sau khi chuyện đã xảy ra và lúc ấy, bạn đâu nhận thấy rằng Chúa đã yêu thương bạn đến thế. Bạn hãy nhớ điều nầy : không có gì được che giấu kỷ cang cho bằng những hành động của một tình yêu cao cả.

****

Chúa ghét tội lỗi, nhưng tình yêu của Ngài luôn kêu gọi người tội lỗi. Ngài không thôi hối thúc họ, gõ cửa tâm hồn họ, theo đuổi họ và dùng ân sủng của Ngài để lay động họ. Chúa không ngừng soi thấu tâm hồn tội nhân để khơi lên nguồn nhớ nhung trở về, và để cho họ hiểu rằng, Ngài sẵn sàng đón nhận họ với tất cả tình yêu khi những người khác quay lưng với họ và loại bỏ họ.

Khi người tội lỗi thành thật hối cải để trở về với Chúa, một điều kỳ diệu nầy xảy ra, đó chính là sự tha thứ của Chúa đang cúi nhìn xuống tội nhân với tất cả lòng yêu thương và không bao giờ trách cứ hay tỏ ra nghiêm ngặt. Không ai có thể tha thứ rộng rãi bằng Chúa. Đại dương còn có ranh giới, nhưng lòng thương xót của Chúa là không bến bờ. Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Ngài không thể miễn chuẩn cho tội nhân khỏi ước muốn thành thật ăn năn.

****

Đấng chịu đóng đinh thần linh nói với chúng ta: Hãy nhìn về Cha và con sẽ thấy rằng Cha thương con bằng một tình yêu không ai đo lường được. Không thể nào nghi ngờ được, khi nhìn thấy Cha ở đây! Cha bị đóng đinh vào thập giá, bị treo dựng giữa trời và đất và Cha đang nhìn xuống chúng con. Cha giang tay ra là để ôm con vào lòng. Cha chấp nhận bao nhiêu đau đớn không tưởng được và Cha đã để cho tim Cha bị đâm thâu là để mở ra cho chúng con một nơi nương náu. Những khổ đau của Cha đều được dâng hiến, và máu Cha đổ ra chan hòa cho các con, thực thế, Cha yêu thương chúng con đến mực độ vô cùng. Còn chúng con…?

Bảo chúng con dùng tình yêu đáp trả tình yêu là điều quá đáng hay sao? Cha không có quyền đòi hỏi điều đó hay sao? Chúng con hãy biết rằng, Cha không đòi những lễ vật của chúng con, nhưng là chính trái tim của chúng con. Cha đã chọn lấy thân phận con người bị đóng đinh, chính là để chinh phục quả tim chúng con, và chúng con không thể từ chối, vì hơn ai hết, Cha có quyền đòi hỏi điều đó. Tất cả những đau đớn, những thương tích Cha đều không ngừng kêu gọi chúng con: hãy yêu thương Cha hết lòng chúng con. Trao ban cho chúng con tất cả, mà Cha không được yêu thương hơn những phù phiếm trần gian là một bất công đối với Cha. Chúng con hãy phó mình cho tình yêu và hãy yêu mến Cha như Cha đã yêu thương chúng con.

****

Nơi Chúa có rất nhiều mầu nhiệm, nhưng mầu nhiệm cao cả nhất là mầu nhiệm tình yêu của Ngài. (Cha Faber)

****

Phép thánh tẩy là một chọn lựa. Chúa chọn và cho bạn thành Kitô hữu từ khi nào? Từ ngày bạn chịu phép thánh tẩy? Không đâu. Từ ngày tạo nên trời đất? Cũng không. Từ đời đời. Tại sao Chúa lại chọn bạn? Chỉ có một câu trả lời duy nhất mà thôi: Vì Chúa yêu thương bạn. Tình yêu nào cũng vô lường cả, nhưng tình yêu Chúa là vô cùng. Tình yêu yêu là vì nó là tình yêu, không ai có thể nói gì hơn nữa.







 

Bài số 6: Tình yêu Chúa đối với chúng ta (tiếp theo)

 

Tình yêu Chúa tăng trưởng vô lường trong tâm hồn có nghĩa với Chúa, vì tình trạng ân sủng ấy khơi nguồn cho những mối liên lạc sâu xa và mật thiết hơn giữa Chúa và bạn.

Thực vậy,tình trạng ân sủng thiết lập giữa Chúa và bạn, một mối tương giao yêu thương và làm cho bạn trở nên bạn thiết của Chúa. Hạnh phúc và cao cả biết bao khi chúng ta có Chúa là bạn thân ! Và người bạn thần linh ấy không bao giờ rời bỏ bạn ; Ngài không làm bạn thất vọng đâu, vì Ngài biết và hiểu bạn. Tình yêu của Ngài không nhằm những mục tiêu ích kỷ. Ngài chỉ có một ước muốn mà thôi là hạnh phúc của bạn.

*

Và đây là những lo lắng của Ngài cho bạn:

Chúa Giêsu là sự cứu trợ của bạn trong mọi điều cần thiết,

Chúa Giêsu là Đấng cầu bàu cho bạn trước mặt Chúa Cha,

Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc bạn,

Chúa Giêsu là lương ý chữa lành mọi bệnh tật linh hồn bạn,

Chúa Giêsu là người chăn dắt, biết tiên liệu và tĩnh thức của bạn,

Chúa Giêsu là người bạn thân tình và trung thành của bạn.

Chúa Giêsu là người giúp đỡ bạn vô điều kiện,

Chúa Giêsu là thầy dạy bạn nên hoàn thiện,

Chúa Giêsu là quan xét bạn ngày bạn qua đời,

Chúa Giêsu là tất cả của bạn đời đời.

Vậy: Chúa Giêsu khắp nơi.

 Chúa Giêsu trên hết mọi sự,

 Chúa Giêsu trước hết mọi sự,

 Chúa Giêsu hơn tất cả mọi sự,

 Chúa Giêsu mà thôi.

*

Chính vì bạn

Mà Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu dân Ngài ghét bỏ và nhục mạ, chịu phản bội và nộp bằng một cái hôn, chịu trăn trói và dẫn đi xử tử như con chiên đem đến lò sát sinh.

Chính vì bạn

Mà Ngài bằng lòng chịu đem ra trước mặt Anna, Caipha, Philatô và Hêrôđê, Ngài bằng lòng chịu những người chứng gian tố cáo, chịu nhục mạ, chịu vả mặt, chịu nhạo báng, đánh đòn, chịu khạc nhổ đầy mặt, chịu trần truồng, chịu đóng đinh vào thập giá và treo dựng lên…

Chính vì bạn

Mà Ngài bị coi như hạng tội nhân, chịu uống giấm chua mật đắng và bị đâm thủng quả tim (thánh Âutinh).

Nhiều người bảo rằng thương bạn, nhưng có người nào bằng lòng chịu như thế cho bạn? Chắc không ai chịu như thế. Chúa Giêsu đã chịu vì bạn. Bạn dám từ chối không đáp lại tình yêu khôn sánh của Ngài sao?

*

Những người trong hỏa ngục nói: “Hỏa ngục sẽ dễ chịu hơn nếu Chúa đã không yêu chúng ta như Ngài đã làm. Được yêu đến mực độ như thế thì đau khổ đến chừng nào! (thánh G-M. Vianney)

*

Không có gì mà không được an bài. Mỗi khi bạn hưởng một hồng ân, hãy tự nhủ: đó là một hồng ân của Chúa đối với tôi. Nhưng bạn không quen làm như thế, và bắt đầu xem ra khó. Nhưng bạn hãy tập quen đi, bạn sẽ thấy rằng bạn được vô số ân huệ. Bạn sẽ tìm thấy sức mạnh để yêu mến Chúa hơn.

*

Chúa yêu tôi.

Chúa mong mỏi tình yêu của tôi. Ngài nài xin tình yêu tôi, vì Ngài biết giá trị của nó hơn tôi. Đó là sự thật và an ủi biết bao! (Cha Faber)

*

Dù Chúa cao cả vô cùng, nhưng Chúa vẫn yêu thương những điều thật nhỏ và không ai đo lường được chiều sâu của tình yêu Ngài. Ai đã làm cho hoa nở, ngay cả trên những chóp núi cao vời vợi? Nếu không phải là Ngài? Vậy hãy tin cậy, bạn cũng thế, bạn sẽ không bị bỏ rơi đâu!

*

Ngọn lửa ao ước nung nấu quả tim của Chúa mãnh liệt biết bao! Đến nỗi Ngài chú trọng đến ngọn lửa nhỏ bé tình yêu Ngài mong đợi trong quả tim con người. (Cha Schryvers)

*

Đừng ảo tưởng, không thể nào Chúa yêu chúng ta đến khổ hình núi sợ mà chúng ta không bị ràng buộc với Ngài.

(còn tiếp)






 

Bài số 7: Đức Ái là nguồn sống

Khuyến giục vào tình yêu.

Hỡi tâm hồn khốn khổ, bị lạc hướng, hãy trở về! Nhưng Chúa còn chú ý đến tôi chăng?

Chắc chắn như vậy. Tình yêu của Ngài đối với bạn thật vô biên. Hãy trở về… Hãy trở về với Ngài!

*

Thực ra Chúa chỉ xin bạn một điều: tình yêu của bạn.

*

Bạn không thể dâng cho Chúa cái gì mà không phải là của Chúa, ngoại trừ sự ưng thuận yêu Ngài.

*

“Xin cho tôi uống chút nước” (Ga 4,7)

Chúa cũng xin như thế với mỗi người chúng ta, và lời ấy có nghĩa là: “Hãy cho Cha tình yêu của con”.

*

“Khát khao!” (Ga 19,28)

Tiếng kêu ấy của Chúa Giêsu trên thánh giá cũng có nghĩa là: Cha khát trái tim con.

*

Theo Tin Mừng  tức là sống để yêu mến Chúa.

*

Chúa vui sướng ngự trong tâm hồn những kẻ yêu mến Người

*

Bạn đừng phân tán tâm hồn khắp nơi, vì chỉ có một điều cần thiết mà thôi: yêu mến Chúa.

*

Thiên Chúa là Tình Yêu.

Chân lý ấy là trung tâm của Kinh Thánh. Vì chân lý ấy, tất cả mọi liên hệ của bạn với Chúa phải bắt đầu bằng tình yêu. Tiếp tục bằng tình yêu và kiện toàn trong tình yêu. Định luật ấy còn có thể giải thích như sau: Phải bắt đầu chống lại tất cả những gì là tìm mình, đeo đuổi cuộc chiến ấy cho đến hơi thở cuối cùng.

*

Ai cũng được yêu vô cùng, nhưng không mấy ai yêu lại cân xứng.

*

Tình yêu sáng tạo nên bạn. Nếu bạn yêu mến Chúa, bạn sẽ trở nên “thần linh”. Nếu bạn thích tạo vật, bạn sẽ trở nên “trần tục”.

*

Ai không yêu mến Chúa, người ấy tôn thờ ngẫu tượng.

*

Bạn đã được chịu phép rửa tội, bạn chỉ có một bổn phận duy nhất: yêu mến Chúa. Tất cả những gì khác chỉ dùng để nhen thêm ngọn lửa tình yêu mà thôi. Vì thế, tư tưởng và ước muốn, những quyết định và hành động của bạn đều phải tập trung về Chúa Giêsu và khắng khít quanh Thánh Danh Người mà thôi. Nếu bạn sống đúng với nguyên lý ấy, bạn sẽ tiến nhanh trên con đường thánh thiện.

*

Thánh Tâm chúa Giêsu tỏ mình ra cho bạn như “lò lửa tình yêu nồng cháy”, nhưng Ngài cũng đòi hỏi một tình yêu tuyệt hảo báo đáp lại.

*

Khi đời sắp tàn, đến với Chúa, bạn sẽ nghe Chúa nói: “Hãy chỉ cho Cha những vết thương của con”. Hãy nhớ lấy lời ấy và khắc ghi vào tim bạn. Chỉ có Chúa mới đốt cháy tình yêu của bạn.

*

Đức Mẹ cũng kêu gọi bạn, nhưng trước khi nghe Ngài, bạn hãy hỏi lòng mình xem nó có bằng lòng nghe theo tiếng gọi đó không. Nếu không thì biết cũng vô ích. Đây là câu hỏi của Mẹ: “Mẹ yêu mến Giêsu hết lòng, còn con?”

*

Đời sống của một tâm hồn đạo đức và kết hợp với Chúa chỉ gồm trong từ duy nhất này: yêu.

*

Như Chúa Thánh Thần đã xâm chiếm tâm hồn của các tông đồ dưới dấu hiệu một lưỡi lửa, việc rao giảng Tin Mừng cũng chỉ nhắm một mục đích duy nhất ấy là nung nấu quả tim con người.

*

Tình yêu đáp trả tình yêu. Không thể có một câu trả lời nào có thể có giá trị.

*

Thánh Phanxicô Salê, ngày kia về thăm người thân, nói với một đứa cháu gái năm tuổi: “Con búp bê to tướng của con đâu rồi?” Nó trả lời: “Con đốt nó cháy rồi.” Thánh nhân hỏi: “Sao con đốt nó?” Đứa trẻ đáp: “Vì nhiều lần con bảo con thương nó mà nó không bao giờ trả lời.” Và nếu Chúa Giêsu nói với bạn như thế, bạn nghĩ sao? “Biết bao nhiêu lần Cha đã chứng tỏ tình yêu của Cha, nhưng chẳng thấy con trả lời bao giờ!”

*

Chúa nói với bạn bằng tất cả vạn vật: “Cha thương con, con hãy thương Cha!”

*



 

Bài số 8: Khuyến giục vào tình yêu (tiếp theo)

 

Đôi khi tội lỗi đưa đến chán nản. Một lần nữa, tôi đã làm Chúa thất vọng rồi, bạn tự nói như thế và buồn chán dâng ngập hồn bạn và bạn cảm thấy nặng nề. Khi ý muốn đã ưng thuận tâm trạng ấy, thì thiệt hại to cho tâm hồn, vì một khi bạn chán nản lần thứ nhất thì những lần sau cũng vậy, chán nản sẽ trở lại, bạn hãy mạnh mẽ chống lại.

Bạn hãy ăn năn thống hối thành thật và hứa với Chúa Giêsu sẽ yêu mến Ngài hơn vì lỗi phạm ấy. Bạn hãy làm như vậy khi gặp thất bại, khi thấy một lỡ lầm, khi phạm một tội cả lòng và cả khi phạm tội trọng. (Trong trường hợp nầy, cần phải xưng tội trước khi rước lễ). Việc ăn năn tội cách trọn sẽ chữa lành tâm hồn và có thể bù lại phần nào lỡ lầm của bạn, đang lúc sự chán nản không đưa đến đâu cả. Sự dốc lòng yêu Chúa hơn nữa sẽ đền bù tất cả những thiếu sót lỡ lầm sẽ trở nên một đà tiến mới, một sự tiến triển mới của bác ái. Trong viễn tượng ấy, lỗi lầm sẽ trở thành chiến thắng và như thế, bạn không còn lý do gì để chán nản hay buồn phiền vô ích.

*

Đau khổ hay thất vọng, bạn cảm thấy tâm hồn đầy cay đắng. Sự buồn phiền, mệt mỏi và chán nản xâm chiếm tâm hồn bạn. Đừng để chúng chen chân vào tâm hồn. Bạn biết điều ấy, nhưng không biết làm thế nào để làm chủ tình thế. Hai phương pháp sau đây sẽ giúp bạn:

Điều trước tiên là nói chuyện thẳng thắn và tin cậy với Chúa, và bạn trình bày cho Chúa biết rằng hoàn cảnh nầy làm cho bạn đau khổ. Một cuộc đàm thoại thân tình, sẽ làm yên lòng và cởi mở được gút mắc của tâm hồn. Hơn nữa, cuộc đàm thoại ấy sẽ cho bạn thấy rõ và sẽ giúp bạn quyết định tuân theo ý Chúa. Nó sẽ giải thoát bạn và chắc chắn bạn sẽ kết luận như sau: Lạy Chúa, con chấp nhận cơn buồn phiền nầy vì yêu Chúa.

Điều thứ hai có thể hữu hiệu hơn điều trước: Bạn đã dùng những lời nguyện tắt. Khi buồn nản đến xen vào tâm hồn, bạn hãy chậm rãi đọc đi đọc lại một vài câu kinh được chọn lọc và quy về tình yêu Chúa mà thôi. Tính nhạy cảm của con người cũ sẽ rên siết, nhưng bạn đừng chú ý đến đó mà cố gắng lấy hết nghị lực lặp đi lặp lại những câu kinh ngắn ấy. Chắc chắn bạn sẽ chiến thắng cơn buồn khổ ấy.

*

Khi nhìn về dĩ vãng, bạn sẽ thấy một chuỗi dài lỡ lầm. Đừng chán nản, trái lại, hãy cương quyết yêu mến hơn. Làm như thế, bạn đền bù những gì hư hao trong dĩ vãng vừa thăng tiến trên con đường thánh thiện.

*

Một linh hồn sa vào hỏa ngục sẽ được an ủi biết bao nếu ý có thể tự nhủ: dù sao, trong đời sống, ít ra tôi đã không ngừng yêu mến Chúa.

*

Rất ít người yêu mến Chúa, vì rất ít người biết được những đau khổ vô biên Chúa đã chịu cho họ.

*

Bạn có nhớ những ngày đầu đi học không? Bạn chưa biết đọc biết viết gì cả đang lúc những anh chị lớn đã từng làm việc trên những quyển sách to dầy. Thấy vậy, bạn có nản lòng không? Hoàn toàn không. Nhiều lý do có thể đưa bạn đến chán nản, nhưng bạn không chú ý đến đó, chỉ nghĩ đơn sơ: không có lý do gì để thất bại trong lãnh vực mà mọi người đều có thể thành công. Bạn có lý để nghĩ như thế. Đứng trước ơn gọi của bạn, tại sao bạn lại đầu hàng? Công việc xem ra quá to tác, nhưng với ơn Chúa, bạn vẫn có thể thành công. Đừng sợ! Hãy cầu nguyện. Hãy tranh đấu, hãy cố gắng và bạn sẽ thấy thành công; bạn sẽ thành công chắc chắn, nếu bạn luôn giữ tâm hồn bạn đúng tầm mức của “mối tình đầu”. Chính đó là điểm bạn phải chú ý huy động mọi nỗ lực của bạn.

*

Yêu, yêu hơn mãi, yêu đến tuyệt hảo, đó là điều quan trọng nhất phải làm.

*

Tài năng chẳng quan trọng gì, nhưng thành công và kết quả cũng chẳng giá trị gì. Chỉ có cái “hơn nữa” và cái “tốt hơn” của tình yêu bạn là nặng kí và đáng giá.

*

Nếu bạn không có thể quì nhiều giờ để cầu nguyện, bạn vẫn có thể yêu mến Chúa nơi bạn đang ở. Có thể bạn không có thì giờ để dự lễ mỗi ngày, nhưng yêu mến Chúa, bạn vẫn có thể làm được. Tình trạng sức khỏe của bạn không cho phép bạn ăn chay, nhưng nó không ngăn cản bạn yêu Chúa. Những hy sinh cực nhọc sẽ làm bạn mệt mỏi, nhưng yêu mến Chúa sẽ không làm bạn mệt bao giờ.

Bạn có thể chấp nhận cơn bệnh vì yêu mến Chúa, biến đổi những mệt mỏi của bạn thành dâng hiến, và những công việc thành của lễ. Dù làm gì, bạn cũng có thể làm vì yêu mến Chúa, vì nếu bạn có nghĩa với Chúa, thì hoàn cảnh nào, bạn cũng có thể yêu mến Chúa được. Chân lý đó thực an ủi và giúp bạn làm những gì bạn phải làm: là yêu mến Chúa hơn mọi sự.

*

 

Bài số 9: Khuyến dụ vào Đức Ái (tiếp)

Trên đường phố, nơi văn phòng hay ở nhà, bạn có thường tự hỏi như thế này không? Tim tôi đang ở đâu? Đặt câu hỏi này theo thói thường: bạn đang nghĩ gì? không đi sâu vào vấn đề. Quả thế, ngoài những công việc nghề nghiệp, tư tưởng của bạn, ý kiến và những kế hoạch của bạn thường được khơi nguồn từ quả tim và tình yêu của bạn.

Đặt câu hỏi: quả tim bạn ở đâu, quy hướng tất cả vào điều thiết yếu nhất. Như thế bạn khỏi vướng vào những lo nghĩ của mỗi lúc và thúc giục bạn thực hiện một cuộc sống kết hiệp với Chúa Kitô và xứng đáng với Ngài. Những lợi ích ấy đáng giá. Vậy bạn đã thường xuyên đặt câu hỏi đó chưa? Quả tim bạn có thực sự thuộc về Chúa chưa?

*

Thì giờ qua mau, phút giây, giờ ngày, năm tháng trôi qua rất nhanh, và cuộc đời bạn cũng trôi qua với thời gian. Dài hay ngắn, không quan trọng khi việc thiết yếu đã có sẵn: tình yêu.

Lao nhọc, đau đớn hay lo lắng đều qua, bạn đừng quên nắm bắt chúng để biến thành một hiến dâng đầy yêu.

Những khổ đau cũng sẽ hết. Bạn hãy cố chịu đựng vì yêu.

Sinh hoạt của các giác quan sẽ mòn hao và một ngày kia sẽ chấm dứt hẳn. Tất cả đều là lợi lộc nếu hoạt động ấy bắt nguồn từ tình yêu của bạn.

Những tiếng nói của bạn tan biến, điều đó có hệ gì, nếu chúng được mang trên đôi cánh của tình yêu?

Một ngày kia, bạn sẽ từ bỏ địa vị của bạn, bạn sẽ không còn hành nghề của bạn nữa. Nếu bạn đã chấp nhận và đã sống những điều ấy trong yêu thương, thì không có gì là luống công cả.

*

“Tôi là một ngọn lửa”. Ông F. Nietzsche đã kết thúc một trong những bài thơ triết luận của ông bằng mấy từ đó và ai cũng công nhận là đúng. Vị tiên tri của phản-kitô ấy là một chất nổ. Ông đã nung nấu và kéo theo ông hàng vạn con người. Nhưng không phải để đưa họ lên đỉnh chóp cao thượng, mà là để dìm họ vào vực thẳm của vô đạo và vô thần. Bạn đã được thanh tẩy và thêm sức, bạn hãy nhớ lấy câu ấy vì nó xứng hợp với địa vị và sứ mệnh của bạn: “Tôi là một ngọn lửa.” Chớ gì đó là ngọn lửa yêu thương đang nung đốt lòng bạn.

*

Từ tuổi nhỏ, bạn đã tự hiến cho Chúa rồi. Lúc bấy giờ bạn diễn tả dễ dàng việc tận hiến của bạn và quả quyết rằng Chúa là gia nghiệp duy nhất của bạn, việc ấy thật dễ dàng. Lý tưởng ấy hôm nay đã ra sao, khi bạn đã đo lường được sự nặng nề của lao nhọc hằng ngày, khi bạn chạm trán với những khó khăn đủ loại, khi bạn hiểu rằng cần phải can đảm lắm mới có thể sống trung thành mọi nơi? Lúc này tình yêu của bạn đối với Chúa Giêsu đã trở thành ý thức hơn và cá biệt hơn, bạn phải tìm lại cái đà tiến quảng đại của thời tuổi nhỏ, và hiến dâng lại cho Chúa tất cả cuộc đời với cùng một sự hăng say như thế. Bạn hãy lấy lời sau đây của Đức Piô XI để giúp bạn: “Thiện và ác luôn giao chiến khốc liệt. Trong giờ phút quyết định này, không ai được sống ươn hèn.” Bạn không có quyền đứng hạng trung bình, vì trong những giờ phút đau đớn và thử thách cam go, những ai đứng lưng chừng có thể trở thành những kẻ phản bội.

*

Bạn hãy nhắc mãi cho con tim bạn nhớ câu hỏi của Chúa Giêsu với thánh Phêrô: “Con có thương Thầy hơn những người này không? (Ga 21,15).

*

Khốn thay khi một người bằng lòng với những gì kém hơn Thiên Chúa và nếu họ yêu những gì khác hơn là yêu mến Chúa

*



 

Bài số 10: Khuyến giục vào tình yêu (tiếp)

 

Tất cả cho Chúa Giêsu! Tất cả những gì bạn không làm cho Ngài là vô ích. Lòng biết ơn của con người thay đổi, đang khi Chúa Giêsu khắc ghi vào sổ hằng sống tất cả những gì bạn làm cho Ngài. Vậy bạn hãy cho Ngài tất cả, cho đến những chi tiết nhỏ mọn, và để thực hiện điều đó, bạn hãy lặp đi lặp lại hai từ sau đây để thánh hóa tất cả: Cho Chúa.         

*

Bạn hãy làm việc với Chúa Giêsu. Từ ấy, bạn hãy áp dụng cho đúng. Chớ gì Chúa Giêsu chiếm phân nửa những gì bạn làm, vì Ngài luôn luôn hiện diện bằng ân sủng của Ngài vì ước muốn của Ngài là giúp đỡ bạn trong mọi sự. “ Cả hai chúng ta, Giêsu” – đó là khẩu hiệu đúng với bạn đấy.

*

Nếu bạn mong ước đạt tới những đỉnh cao oai hùng thì đừng sợ chóng mặt.

*

Khi Chúa chiếm trí óc bạn và ngự trị trong tim bạn, khi thế giới dưới chân bạn và ý Chúa ở trong mọi hoạt động của bạn, lúc ấy, bạn sẽ tỏa sáng và chiếu dọi đức bác ái (thánh Catarina)

*

Tỏ lòng yêu mến Chúa bao giờ cũng hữu ích. Vì điều đó ích lợi trong mọi hoàn cảnh và mọi lúc.

*

Các thánh, tất cả các thánh đều có một ước vọng mà thôi : yêu mến Chúa Giêsu như không bao giờ ai đã yêu.

*

Tình yêu đặt Chúa trên hết mọi sự. Đời sống của bạn có chứng tỏ điều ấy không? Nếu có một người vô thần lượng giá đời sống bạn, người ấy sẽ bị bắt buộc quả quyết rằng Chúa là trung tâm và là chóp đỉnh của đời bạn không? Điều đó chỉ được thực hiện khi bạn đặt tình yêu Chúa trong mọi nơi.

*

Ai có thể quả quyết rằng mình đã làm mọi sự chỉ vì yêu mến Chúa và không có một tâm tình nào pha lẫn vào đó? Nếu trong quá khứ, thiện ý ấy đã quá ít, bạn sẽ giữ nguyên tình trạng ấy mãi sao?

*

Chúa cho bạn khả năng để yêu Ngài và Ngài đang chờ bạn thi hành điều đó.

*

Tình yêu Chúa phải là động lực duy nhất của mọi hành động của bạn.

*

Bạn hãy bắt đầu bằng uống say tình yêu Chúa và sau đó, bạn hãy dìm mọi tâm tình khác vào trong tình yêu thần linh đó.

*

Khi liên hệ đến tình yêu, những chướng ngại không là một ngưng trệ mà là một đà tiến.

*

Hãy ao ước tình yêu và những đau buồn chịu đựng cho Chúa. Điều  đó đủ để làm cho bạn nên hoàn thiện.

*

Ai dám trầm mình trong đại dương tình yêu của Chúa, sẽ không bao giờ thất vọng trong công việc ấy.

*

Tất cả những gì trở thành sợ sệt hay ngưng trệ đối với tình yêu phải được xem như một nguy cơ quan trọng.

*

Ai yêu mến Chúa đều cố gắng hết mình để tự làm cho mình nên trống không, nhưng là để được đầy Chúa mà thôi. (Cha Voillaume)

*

Tình yêu Chúa là một đòi buộc toàn diện, nhưng đồng thời cũng là một lời hứa tuyệt đối.

*

Bạn hãy tin vào tình yêu. Nếu bạn gặp nhiều đau khổ, đó là chính vì bạn được yêu hơn bạn tưởng. (Thánh Êlisabet Chúa Ba Ngôi).

*

Hãy luôn tăng thêm tình yêu giữa Chúa và bạn.

Hãy luôn cẩn thận đề phòng giữa thế gian và bạn.

Hãy luôn thêm hận thù giữa tội lỗi và bạn.

Hãy luôn thêm tin cậy giữa thiên đàng và bạn.

*

Mục đích duy nhất của đời bạn là yêu mến Chúa và tha nhân. Nhưng trên con đường nầy, bạn không thể đạt đến điều đó, vì những giới hạn của tình yêu là không bao giờ biết đến giới hạn.

*

Công việc thiết yếu nhất của mọi người là nuôi dưỡng mãi lửa yêu mến Chúa đang cháy trên bàn thờ của trái tim bạn.

*

 




 

  Bài số 11: Bản chất của đức ái

Đức Ái không bao giờ vui đủ vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

*

Đức Ái chỉ nhằm việc sáng danh Chúa và không bao giờ bị chi phối bởi những việc phù phiếm.

*

Đức Ái buồn sầu vì một lỗi nhỏ đối với Chúa.

*

Đối với những ai sống đức ái, tất cả mọi sự chỉ là hư vô, ngoại trừ Thiên Chúa.

*

Bác ái mà chỉ nói ngoài miệng mà không có việc làm là một ảo tưởng.

*

Đừng bao giờ bạn nên nghi ngờ tình yêu của Chúa Giêsu, nếu bạn mong ước mối thân tình của Ngài.

*

Tình yêu giống như một vòng tròn. Như vòng tròn, nó không có cùng. (Thánh Diônisiô).

*

Chúa là vô biên, tình yêu của chúng ta đối với Ngài không thể có biên giới. (Thánh Lêo cả).

*

Bác ái nhắm điều hoàn thiện, nghĩa là những gì làm vui lòng Chúa hơn hết.

*

Bậc thang đầu tiên của đức ái là không yêu mến gì nghịch lại với Chúa, không yêu gì bằng Chúa, cũng không yêu gì hơn Chúa.

*

Đức ái tôn thờ, tự hủy hoàn toàn và nhường hết chỗ cho Người Yêu.

*

Đức ái đòi hỏi sự hỗ tương.

*

Chuyển động của đức ái là xa lìa tạo vật và đi về với Chúa, đang khi chuyển động của tội lỗi là ngược lại.

*

Ai yêu mến Chúa thì vui mừng vì danh dự người ta làm cho Chúa hơn vinh dự riêng mình, và người ấy cảm thấy đau đớn ghê gớm vì một xúc phạm nhỏ đối với Chúa hơn là những lời thóa mạ người ta làm cho chính mình.

*

Ích kỷ là cái chết của đức ái.

*

Rốt cùng, đức ái hệ tại sự trao đổi “cái Tôi riêng” với “cái Tôi thần linh”.

*

Tình yêu mà thiếu lòng tin cậy là sợ hơn là yêu. Khi nỗi sợ ấy phát sinh từ sự nghi ngờ, nó sẽ biến thành xúc phạm.

*

Yêu mến Chúa, chính là tự nguyện từ bỏ tất cả những gì không phải là Ngài.

*

Chiếm hữu và sống đức ái thì giá trị hơn là biết được định nghĩa của nó.

*

Đồng tiền nhỏ của bà góa trong Tin Mừng dạy cho chúng ta biết rằng đức ái không đo bằng những gì người ta cho mà bằng sự nhiệt tâm kèm theo của cho.

*

Ai lớn hơn Chúa? Ai quyền phép cao cả, giàu sang, quảng đại, nhân từ và biết ơn hơn Chúa? Vậy trước hết và trên hết, Chúa có quyền được chúng ta yêu thương trước khi có ai đó đòi hỏi điều đó.

*

Trong mọi tình yêu, nhất là trong đức ái, cái “tôi” tự xóa mình và biến mất để cho cái “Bạn” được sáng tỏ.

*

Bạn cảm thấy những cực phiền của bạn mà không luôn cảm thấy  mình yêu mến Chúa. Tuy nhiên bạn vẫn muốn yêu mến Ngài. Muốn yêu chính là yêu thật rồi. (Ch,de Foucauld

*

Yêu là tự hiến.

*

Yêu tức là tự quên mình và chỉ nhớ đến người mình yêu. Câu hỏi duy nhất mà tình yêu luôn dùng là: “Bạn muốn gì?”

*

Khi nào bạn còn thích quà tặng hơn người tặng quà, tình yêu của bạn còn kém, nhưng tình yêu sẽ trọn hảo khi bạn yêu người tặng quà hơn là quà tặng của họ.

*

Đức ái chỉ nhắm vô biên và vĩnh cửu.

*

Yêu mến Chúa mà không cảm thấy được là một đau khổ lớn. Trong tình trạng khô lạnh ấy, nhiều người không tỏ tình bằng những lời nguyện nữa, tưởng rằng làm như thế là dối lòng. Họ lầm, vì yêu không phải là bốc cháy trong tim. Điều quan trọng đáng chú ý là ý chí muốn yêu.

*




 

 Bài số 12: Những dấu chứng của đức ái

 

Nhiều người rơi lệ vì cảm thấy mình không yêu mến Chúa đủ - Những giọt lệ ấy là một dấu chứng chắc chắn là họ yêu mến Chúa nồng nàn. (Cha sở họ Ars).

*

Tình yêu đích thực là không tìm hạnh phúc cho mình mà làm cho người khác hạnh phúc.

*

Sợ không yêu Chúa đủ, lo lắng vì sợ mình yêu quá ít và ao ước yêu Chúa hơn, là những bằng chứng rõ rệt là tim bạn đã thuộc về Ngài rồi.

*

Đức ái là một thứ “anten” thu hút những ơn lành của Chúa.

*

Không có mức nào gọi là “đủ” khi nói đến tình yêu. Tình yêu đòi hỏi mức vô chừng, vì  để có thể cho đi tất cả, nó phải không ngừng cho đi hơn nữa.

*

Một thời gian nghỉ ngơi là một điều cần thiết trong mọi lãnh vực, nhưng trong lãnh vực tình yêu thì không thể được. (Cha Faber).

*

Tôn giáo đích thực, tôn giáo duy nhất đích thực, chính là yêu mến Thiên Chúa vì Ngài muốn được yêu, là yêu mến Ngài, vì Ngài đã yêu chúng ta trước, sau cùng là yêu Ngài vì chính Ngài, vì sự trọn lành tuyệt hảo của Ngài.

*

Tình yêu nào trốn tránh trong lúc đau khổ chỉ là ích kỷ trá hình.

*

Người nào biết rằng mục tiêu duy nhất của mình là ước vọng chiếm hữu Thiên Chúa, người đó đã hiểu tất cả.

*

Bạn phải yêu mến Chúa bằng một tình yêu đầy lo lắng, ý thức rằng bạn không bao giờ yêu mến Chúa đủ. Bạn phải yêu mến Chúa với một tình yêu can trường tin tưởng vào ơn trên và không sợ sệt trước những chướng ngại. Sau cùng, bạn phải yêu mến Chúa bằng một tình yêu nồng nhiệt, giống như một cây to, càng đâm rễ sâu vào lòng đất thì càng vươn cao lên trời.

*

Những tâm hồn yêu Chúa thường thấy mình hèn mạt và kém cỏi, nhưng thực ra họ đầy công nghiệp, họ thấy mình như thật xa Chúa, lạc loài và bị bỏ rơi, nhưng thực ra họ là những tâm hồn ưu tuyển và tiền định. Niềm đau mà họ đang chịu chính là do tình yêu của họ đối với Chúa quá cao cả, thế nhưng họ không biết điều đó. Khi xếp mình vào hạng xấu xa nhất, các tâm hồn đó thật trong sáng, và đẹp lòng Chúa và được Chúa yêu hơn ai hết. (Một nhà thần bí vô danh)

*

Yêu mến Chúa và yêu sự tĩnh lặng và sự thanh tịnh với Chúa là những bình thông nhau. Cái này đo lường cái kia.

*

Hỡi các tâm hồn đang mong yêu mến Chúa, hãy tin cậy vì chính vào những lúc các bạn sợ rằng mình không thể yêu Chúa đủ, lại là lúc các bạn yêu Ngài nhiều nhất.

*

Không xin gì cho mình, không giữ gì cho mình, nhưng dâng hiến tất cả cho người mình yêu. Đó chính là đặc điểm của tình yêu.

*

Có đức ái, chính là liên lỉ ước mong yêu mến Chúa hơn thêm mãi. Không cảm thấy nỗi nhớ nhung đó, chính là chưa yêu mến Chúa đủ.

*

Những tâm hồn đạo đức không ít. Những tâm hồn yêu Chúa tha thiết lại ít hơn nhiều.

*

Ai đã yêu thì không bao giờ mãn nguyện về mình, vì họ muốn có thể cho thêm nhiều hơn và yêu tuyệt hảo hơn.

*

Nếu bạn không hài lòng về chính mình, thì chắc là bạn không yêu mến Chúa. Bạn chỉ không hài lòng ít thôi là yêu mến ít, nếu bạn càng không hài lòng về mình thật nhiều, thì bạn mới yêu mến trọn vẹn.

*

Yêu là không bao giờ thỏa mãn tất cả những đòi buộc mà nó làm nảy sinh, yêu là không biết đến việc nghỉ ngơi, không thể sống “yên tâm và vô lo”. Tình yêu là không nghỉ yên bao giờ.

*



 

Bài số 13: Đàng Thánh Giá của Đức Ái.

Chặng thứ nhất: Đức Ái luôn tuân theo thánh ý Chúa Cha.

Chặng thứ hai: Không có hy sinh nào, không có thánh giá nào mà gọi là năng nề.

Chặng thứ ba: Đức Ái lướt thắng mọi trở ngại.

Chặng thứ bốn: Trong mọi dịp, Đức Ái luôn tìm được phương thế để mưu tìm hạnh phúc cho kẻ khác.

Chặng thứ năm: Đức Ái không hỗ thẹn trước mặt người đời.

Chặng thứ sáu: Đức Ái ân thưởng quảng đại từng việc thật nhỏ người ta giúp mình.

Chặng thứ bảy: Đức Ái không than vãn bao giờ.

Chặng thứ tám: Dù đau khổ tràn đầy, Đức Ái tìm mọi cách để an ủi người khác.

Chặng thứ chín: Đau khổ dưỡng nuôi và tăng cường Đức Ái.

Chặng thứ mười: Đức Ái cho đi tất cả.

Chặng thứ mười một: Đức Ái vẫn kiên trì dưới những tai nạn thử thách.

Chặng thứ mười hai: Tình yêu mạnh hơn sự chết.

Chặng thứ mười ba: Đức Ái luôn luôn hy vọng và tin tưởng dù tất cả những người khác đều nản lòng.

Chặng thứ mười bốn: Yên nghỉ đối với Đức Ái là phóng mạnh đến một tình yêu cao đẹp hơn.






 

Bài số 14: Giá trị của Đức Ái

 

Đức Ái mang lại cho Kitô hữu giá trị đích thực, giá trị họ có trước mặt Thiên Chúa.

Đức Ái mang lại cho đời họ ý nghĩa và chiều sâu, làm cho họ đủ sức lướt thắng và chống lại những nết xấu.

Đức Ái đổi mới con người của họ và giúp họ hướng thẳng về Chúa mà thôi.

Đức Ái là chiến thắng của Kitô hữu, vì nhờ nó, họ đủ can đảm chọn đau khổ, kể cả việc tử đạo, hơn là “vườn địa đàng”.

Chính trong sức mạnh của Đức Ái, và chỉ trong đó mà thôi, người Kitô hữu có thể nói: “Tôi bằng lòng mất mạng miễn là Chúa hiển trị và được yêu mà thôi!.”

*

Không có Đức Ái, những việc lành của chúng ta giống như bóng đèn điện mà không có điện.

*

Một chiếc xe tự động không thể chạy được nếu không có máy. Hoạt động của con người cũng chỉ là  những xôn xao vô ích, nếu không có Đức Ái.

*

Đức Ái là bản thể của đời sống người công giáo. Nó là thái độ nền tảng của họ và là vòng hoa tưởng thưởng của nhân đức và là lường để đo sự sống nội tâm của họ.

*

Thà sống yêu hơn là sống lâu. (Thánh Têrêxa Avila).

*

Những công đức của bạn có giá trị hay không là tùy Đức Ái mà bạn đổ vào đó.

*

Chỉ có tình yêu Chúa của bạn mới có thể bẻ gãy những xiềng xích của ích kỷ. Tác động của Đức Ái là hường về Người Khác, nhờ đó bạn  có thể đủ điều kiện chiến thắng tính ích kỷ.

*

Đức Ái tồn tại đời đời, nó sẽ là sự sống của bạn trên trời. Bạn chỉ bỏ lại những gì là giả dối ở ngoài cửa thiên đàng, những gì bạn đã yêu không đúng, và những gì đã ngăn cản không cho bạn yêu mến Chúa hết lòng và yêu mến tha nhân như chính mình bạn.

Chúa và Tình Yêu là một thực tại duy nhất, và vì Chúa tồn tại, Tình Yêu cũng tồn tại và những gì nó đã tạo ra.

*

Giá trị của một việc làm được cân bằng giá trị của tình yêu. Chỉ có điều đó là đáng chú ý, và bạn sẽ bị phán xét về tình yêu.

*

Một tác động , một đà tiến Đức Ái thuần túy sẽ ích lợi cho Giáo Hội hơn hàng ngàn hoạt động mà không có đức ái. (Thánh Gioan Thánh Giá)

*

Bạn yêu mến Chúa đến mức độ nào, bạn nên thánh đến mức độ ấy.

*

Chỉ có Đức Ái mới giúp bạn thăng tiến trên con đường trọn lành. Tự nó, sự khó nhọc trong những việc hy sinh phạt xác không có giá trị, nhưng chỉ có giá trị khi được Đức Ái bảo đảm. Cũng thế, mức độ Đức Ái của bạn sẽ làm cho bạn được vòng hoa chiến thắng trên thiên quốc, chứ không phải sự nhẫn nại trong đau khổ, cũng không do sự im lặng trước những lời nhục mạ hay sự bách hại, cũng không do sự bền vững trong việc truyền giáo.

Chỉ có Đức Ái là quyết định và có giá trị trước mặt Chúa và vì lẽ ấy, Chúa mong đợi nơi bạn một tình yêu càng ngày càng sâu đậm hơn mãi. Ý thức điều ấy, bạn không nên hướng về một mục tiêu nào khác hơn là Đức Ái.

*

Yêu mến Chúa là một điều quí giá. Quí giá hơn nữa là yêu Ngài thêm hơn. Điều quí giá trên hết là đem người khác vào tình yêu của Ngài và cùng nhau yêu Ngài.

*

Tội lỗi bao giờ cũng khởi đầu bằng một sự thiếu lòng yêu mến Chúa.

*

Lúc gần chết, không có gì an ủi hơn cho bằng nhớ rằng Đấng phán xét bạn là Đấng mà bạn đã yêu tha thiết. (Thánh Têrêxa Avila)

*

Không có hành động nào cao cả hơn, tốt đẹp hơn đối với một linh hồn có ơn nghĩa với Chúa là yêu mến Chúa (Scheeben)

*

Tất cả vạn vật không có giá trị gì đứng trước tình yêu của Chúa, Đấng đã tạo nên nó. Cũng vậy, hoạt động anh hùng nhất của con người cũng không thể sánh với một hành động nhỏ bé chỉ vì tình yêu. ( Scheeben).

*

Hoạt động duy nhất xứng đáng với một người con Chúa là thực thi Đức Ái. (Scheeben).

*

Tất cả bí quyết của các thánh nằm trong sự kiện duy nhất nầy: các ngài sống Đức Ái. (Lacordaire).

*





 

Đức Ái 15: Giá trị của Đức Ái (tiếp theo)

 

Đức Ái mở cửa trái tim Chúa.

*

Cuối cùng, mọi sự đều tùy thuộc vào Đức Ái.

*

Nếu bạn có thể nhìn thấy sự phong phú vô biên của tình yêu Chúa, bạn không thể nào khép kín tâm hồn trước tình yêu ấy.

*

Không có gì là hoàn hảo và cũng không có gì là trọn vẹn nếu thiếu Đức Ái.

*

Sự thánh thiện không hệ tại sự sâu xa của tư tưởng, hay trong việc suy gẫm lâu giờ, mà ơ nơi Đức Ái. (thánh Tôma Aquinô).

*

Không có tình yêu Chúa, cuộc sống thật lạt lẽo, vô nghĩa và không đáng sống. Mối tương giao tình ái với Chúa là điều tối cần cho cuộc sống của bạn.

*

Cảm thấy mình thiếu sót trong tình yêu Chúa là lỗi phạm mà những người bạn của Chúa cảm thấy mãnh liệt nhất.

*

Đức Ái càng thấm nhập sâu vào cuộc sống của bạn, vào từng chi tiết, đời bạn sẽ càng phong phú và tươi nở.

*

Không có gì có thể thay thế Đức Ái, trong lúc Đức Ái có thể thay thế tất cả. (Cha Mattêô).

*

Nếu bạn có thể nhận thức được Đấng đã nói với bạn câu này: “Hãy thuộc về Ta”!

*

Phúc thay tâm hồn thực tình yêu Chúa, vì chính Chúa sẽ trở nên tù nhân của họ! (Thánh Êlisabet Chúa Ba Ngôi).

*

Những lúc hiệp lễ của bạn đủ sức biến đổi bạn nhờ yếu tố này: đó chính là Dức Ái đang dào dạt trong tâm hồn bạn trước khi, đang khi và sau khi hiệp lễ. (Cha Mattêô).

*

Đức Ái là liều thuốc thần diệu cho mọi sự.

*

Không có gì có thể so sánh với Đức Ái. Sự hữu hiệu của nó vượt xa mọi hoạt động khác.

*

Đức Ái của bạn phải tuyệt hảo, vì chính Chúa là Đấng thu nhận lấy nó.

*

Sau khi chết, bạn mới biết rằng bạn có lý đến mức nào vì đã đặt tất cả vào Đức Ái.

*

Khi bạn chưa được Đức Ái chiếm hữu bạn hoàn toàn, những việc ở đời có thể gây cho bạn những vết thương và gây thiệt hại cho bạn. Nhưng khi bạn hoàn toàn bị Đức Ái chiếm hữu, ảnh hưởng của chúng sẽ không còn nữa và cũng vô hiệu.

*

Chúa Kitô không biết sử dụng những tâm hồn thông thái để làm gì khi họ không có Đức Ái.

*

Satan chỉ sợ những tâm hồn có Đức Ái không biên giới.

*

Khi con người còn chạy theo những phú phiếm trần gian và quên hiến thân cho Chúa, họ chỉ là những người khốn cùng đang lừa đối chính mình.

*

Lời khen thưởng tuyệt hảo nhất mà người ta có thể tặng cho bạn là nhận thấy rằng bạn đã yêu mến Chúa trên hết mọi sự.

*
 





 

Bài số 16: Hiệu quả của đức ái

 

Quả tim nào được ngọn lửa yêu mến Chúa nung nấu, sẽ không còn ưa thích những lợi lộc trần gian.

*

Lòng sốt sắng là một sản phẩm của Đức Ái. Đúng thế, một tâm hồn nguội lạnh không thể là một tâm hồn đầy yêu.

*

Người yêu đang trông chờ một lá thư, không bao giờ để ý đến những ưu điểm hay khuyết điểm của người phát thư. Vậy, nếu bạn yêu mến Chúa thực sự, bạn sẽ chấp nhận một cách vui lòng, tất cả những gì Chúa gởi đến cho bạn, vui cũng như buồn. (Spirago)

*

Đức Ái cũng như một ngọn lửa, đốt cháy mọi thứ, dù vậy vẫn không thỏa mãn.

*

Tình yêu làm cho ta nên hùng mạnh.

*

Tình yêu làm cho ta hạnh phúc. Một tình yêu mãnh liệt đem lại một hạnh phúc lớn lao.

*

Bạn hãy tưởng tượng ra một khối tuyết trước cửa sổ của bạn. Nó sẽ chống lại được với ánh sáng mặt trời mãi sao? Bắt buộc nó phải chảy tan. Đối với những nết xấu của bạn cũng thế. Tình yêu Chúa Giêsu đốt cháy tâm hồn càng nhiều, những nết xấu của bạn phải biến tan, vì một con tim đầy yêu sẽ không chấp nhận làm buồn lòng Chúa mình bao giờ.

*

Đi vào những gì Chúa thích sẽ giúp bạn tìm những gì là đơn sơ và âm thầm.

*

Tất cả mọi sự trong đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới một khi Đức Ái đã ngự trị.

*

Vì tình yêu hiệp nhất, cuộc sống vĩnh cửu sẽ là một cuộc sống mà trong đó yêu và được yêu sẽ không có ngày tàn.

*

Ai sống Đức Ái, người ấy có thể xin Chúa những gì mình muốn.

*

Đức Ái là lời ngợi khen Chúa tuyệt hảo nhất.

*

Tâm hồn đầy yêu luôn luôn run sợ trước uy danh Chúa, ngợi khen Chúa trong bản thể vô biên của Ngài và gia tăng lòng sốt sắng trước tình yêu của Ngài.

*

Đức Ái ước vọng Chúa, vui mừng trong Chúa, tôn kính Chúa, tin cậy nơi Chúa, luôn luôn thề ước trung tín với Chúa và biết ơn Chúa không ngơi.

*

Đức Ái xua đuổi, tàn phá và bứng gốc tất cả những gì làm mất lòng Chúa Giêsu.

*

Đức Ái đem lại cho tâm hồn can đảm cần thiết

- để chống lại sự thối nát của thế gian,

- để sống trong sạch giữa bùn nhơ,

- để sống thành thật ngay thẳng đang khi sự dối trá bao quanh,

- để sống khoan dung và nhân từ giữa những sự cứng cỏi, tàn nhẫn và sự vô tâm,

- để sống trung thành giữa một thế giới hèn nhát.

*

Dù sống vô danh và không ai biết đến, người sống Đức Ái là một mạch suối tràn đầy sức mạnh, nghị lực và can trường cho người chung quanh và cả những người khác.

*

Không gì có thể làm cho con người sống theo đường lối của Đức Ái phải nản lòng.

*

Nếu tâm hồn yêu mến Chúa ao ước mãnh liệt nên thánh thiện, linh hồn ấy sẽ đạt tới sự thánh thiện dễ dàng hơn họ tưởng.

*

Lửa mến sẽ giữ bạn khỏi lửa luyện tội.

*

Các thánh luôn nghĩ đến Đức Ái.

*

Bạn sẽ không lo lắng để yêu thương nếu bạn đã yêu rồi. (H. Bremond).

*

Nếu bạn yêu, thì không gì có thể làm phiền bạn cả, nếu có một nỗi buồn thì chính bạn cũng yêu nỗi buồn ấy.

*

Chúa không bao giờ bỏ rơi một linh hồn cố gắng yêu mến Chúa.

*

Tất cả đều được đổi thành tình yêu, dù những chướng ngại luôn luôn ngăn cản con đường bạn đi, nhưng với điều kiện là bạn phải luôn luôn hướng về Đức Ái và chỉ hướng về đó mà thôi.





 

Bài số 17: Hiệu quả của Đức Ái

Tình yêu Chúa đích thực mang lại:

- Vinh danh cho Thiên Chúa,

- Sự cứu rỗi các linh hồn,

- Và sự thánh thiện cho người yêu mến Chúa.

*

Đức Ái, sau khi đã giúp linh hồn lột hết tất cả những dây ràng buộc trần thế, đem linh hồn đến kết luận nầy: “Lạy Chúa, yêu ai bây giờ nếu không là yêu mến Chúa mà thôi?”

*

Thánh Phanxicô Salê nói:

“Khi cháy nhà, người ta ném tất cả ra cửa sổ”, và điều đó có ý nghĩa: tâm hồn nào say mê Chúa thì tự cởi bỏ mọi vấn vương tạo vật để chỉ tin cậy nơi Chúa mà thôi.

*

Nhờ Đức Ái, bạn sẽ khinh chê những bực dọc của mình, cởi bỏ mọi tự ái và như thế, bạn có thể bước vào việc tông đồ.

*

Đức Ái kéo thiên đàng xuống trần gian và nâng trần gian lên đến thiên đàng.

*

Điều gì chúng ta ưa thích bao giờ cũng đẹp.

*

Tình yêu Chúa ngập tràn tâm hồn tự hiến cho Chúa đến nỗi họ không còn biết gì hơn ngoài Chúa.

*

Con người đầy bác ái có lẽ sẽ không biết định nghĩa ánh sáng, nhưng cần gì! Điều đó không ngăn cản họ tỏa lan ánh sáng.

*

Có rất nhiều hoàn cảnh có thể đưa bạn đến gần Chúa, nhưng kết hiệp với Chúa thì chỉ có Đức Ái mà thôi.

*

ĐỨC ÁI VÀ SỰ SUY PHỤC Ý CHÚA

Tình yêu của bạn đối với Chúa được đo bằng tình yêu của bạn đối với thánh ý Người.

*

Mấy kẻ thừa tự của bạn chắc cũng sẽ tự hỏi sau khi bạn qua đời: “Không biết ông bà ấy để lại cho mình bao nhiêu của cải?” Trong lúc ấy, các thiên thần trên trời cũng tự hỏi: “Không biết linh hồn ấy đã cất dành trong kho của mình bao nhiêu công đức?” Với điều kiện là sống theo Đức Ái suốt cả đời bạn thì câu hỏi của các thiên thần không làm bạn âu lo bối rối nào cả.

*

Bạn biết câu nói: “Thiên đàng trên mặt đất”. Tùy theo mực độ mà lời ấy được thực hiện, thì tâm hồn nào kính phục và thờ phượng thánh ý Chúa trong mọi sự, sẽ được như thế.

*

Nếu bạn thành thực nói câu nầy: “Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, thì đồng thời bạn không còn quyền than van về cách Chúa đối xử với bạn nữa.

*

“Chớ gì ý Chúa được thể hiện mọi nơi mọi lúc”. Sống theo nguyên lý ấy, bạn sẽ nên thánh rất nhanh.

*

Sự thánh thiện là bổn phận đầu tiên của bạn. Bạn đừng để mất đi một giây phút nào, hãy lên đường đi về mục đích cao cả ấy. Và đây là con đường phải theo: những gì Chúa nuốn… Như Ngài muốn… khi nào Ngài muốn… nơi nào Ngài muốn… và vì Ngài muốn thế. Không con đường nào khác, dù quá khứ, dù hiện tại hay tương lai, không có con đường nào dẫn đến sự thánh thiện cả.

*

Làm những gì Chúa muốn. Bỏ quên điều đó, mọi cố gắng của bạn đều vô hiệu, vì những gì bạn thực hiện ngoài thánh ý Chúa, dù bạn chịu tử đạo, cũng trở nên vô ích và không sinh được công ích nào.






 

Bài số 18: Hiệu quả của Đức Ái (tiếp)

Bạn hãy hiểu rõ tầm quan trọng của câu này: bạn chỉ sống là để thực hiện ý Chúa, và nếu bạn từ chối làm điều ấy thì bạn mất cả quyền sống.

*

Bạn càng sống xa ý Chúa, bạn càng xa sự thánh thiện.

*

Những gì Chúa đòi hỏi nơi bạn, bạn phải thực hiện như Chúa muốn. Để làm điều đó, bạn hãy tập quen làm những việc tầm thường với một cách siêu thường. Những chi tiết nhỏ nhặt mỗi ngày sẽ trở nên nguồn suối phúc lành.

*

Bạn hãy sống theo thánh ý Chúa đúng lúc Chúa tỏ ra cho bạn và thực hiện những điều Ngài muốn đúng lúc Ngài muốn. Điều thiết yếu là thánh ý Chúa phải gặp thấy nơi bạn một tâm hồn “luôn luôn sẵn sàng”.

*

Nơi nào” điểm này cũng quan trọng, vì chỗ đứng duy nhất của bạn là nơi nào Chúa muốn.

*

Hãy thực thi ý Chúa Chúa muốn và chớ gì đó là động lực duy nhất của mọi hoạt động của bạn. Với điều kiện ấy, sự thánh thiện ở trong tầm tay bạn. Biết bao hoạt động khác của bạn, bạn đã làm để được người đời khen tặng, yêu mến, không kể những hành động bạn làm vì muốn tự thỏa mãn. Hãy chấm dứt cuộc đùa cợt ấy và hãy thực thi thánh Ý Chúa Chúa đòi hỏi bạn, dù trong lời cầu nguyện, dù trong việc làm hay trong đau khổ. Làm thế, bạn làm vinh danh Chúa, làm cho các thiên thần vui mừng và bạn tiến nhanh trên con đường thánh thiện.

*

Để có thể yêu mến Chúa và trở nên hoàn toàn hợp với Người, bạn phải tưởng nghĩ như Chúa Giêsu, xét đoán và quyết định như Chúa Giêsu, chấp nhận những gì Người chấp nhận, từ bỏ những gì Người từ bỏ. Bạn phải yêu thích những gì Người yêu thích, mong ước những gì Người mong ước, và muốn những gì Người muốn.

*

“Vâng” là một tiếng nói ngắn ngủi và xem ra quá thường, tuy thế, nó đã đi đến tận cùng thời gian và không gian. Khi bạn nói tiếng ấy để chấp nhận thánh ý Chúa, nó mang lấy một giá trị vô cùng.

*

Không có lúc nào trong ngày sống mà Chúa Giêsu không đòi hỏi sự ưng thuận của bạn đối với thánh ý Ngài. Những hình thức thì muôn mặt: Hãy nói thật… Hãy im lặng… Hãy ưng thuận đi… Đừng khó chịu… Hãy hi sinh một chút… Hãy giúp đỡ công việc ấy… Đừng ganh tị… Mỗi khi bạn nhận thấy, hãy đáp trả bằng một tiếng “xin vâng”, bằng tiếng xin vâng hết lòng…

*

Khi nào bạn đã quen “xin vâng”, lúc nào Đấng chăn Chiên Lành cũng nói như thế, và bạn hãy nói “không” khi Ngài cũng nói như thế, bạn sẽ là một con chiên ngoan trong đàn chiên của Ngài. Lúc ấy, bạn sẽ thật là con chiên trung thành theo Ngài khắp nơi và Ngài có thể tín nhiệm trong mọi hoàn cảnh.

*

Trong suốt tám năm, một người kia đã cầu xin Chúa cho mình gặp một người có đủ khả năng dạy cho mình “sự khôn ngoan đích thực trong đời sống”. Sau tám năm, người ấy gặp thấy một cụ già ngồi trước cửa thánh đường, quần áo tả tơi, chân không và đầy vết thương. Người ấy cúi đầu chào cụ già và nói: “Xin Chúa cho ông một ngày vui tươi trong lành”. Cụ già trả lời: “Cám ơn ông, tôi luôn luôn gặp toàn những ngày trong lành vui tươi.” Người kia lại tiếp: “Xin Chúa cho ông gặp may mắn.” Cụ già trả lời: “Sự rủi ro đối với tôi hoàn toàn xa lạ”. Ngạc nhiên và hơi lúng túng, người kia chúc thêm một câu: “Chúc ông hạnh phúc”. Cụ già trả lời: “Tôi luôn luôn hạnh phúc”. Không thể chịu được nữa, người kia xin cụ già giải thích và cụ rất vui lòng thỏa mãn ông ấy. Cụ nói: “Mọi ngày sống của tôi đều tốt đẹp, vui tươi, vì sáng ngày, khi thức dậy, tôi cảm thấy đói bụng, tôi liền tạ ơn Chúa. Nếu tôi lạnh rét, tôi cũng cảm tạ Chúa, và nếu người ta xua đuổi, hất hủi và khinh miệt tôi, tôi cảm ơn và chúc tụng Chúa về những điều ấy.

Tôi chẳng bao giờ gặp sự không may cả, vì tôi chấp nhận tất cả những gì Chúa gửi đến cho tôi, vui cũng như buồn, dễ chịu cũng như khó chịu, như những hồng ân quí báu, chắc chắn rằng những gì Chúa dành để cho tôi đều là thiện hảo cả.

Sau hết, tôi không bao giờ vô phúc vì luôn luôn tôi cố gắng sống theo thánh ý Chúa. Chúa muốn gì, tôi cũng muốn như vậy”. Đời sống của bạn sẽ thay đổi một cách tốt đẹp nếu bạn noi gương cụ già ăn xin ấy và theo đường lối của ông! (theo Tauler)


*


 

Bài số 19: Hiệu quả của Đức Ái (tiếp)

 

Hãy nhớ và lặp đi lặp lại câu này. Đó là con đường bạn phải theo: “Lạy Chúa Giêsu, chớ gì ý Chúa và ý của con luôn là một”.

 

 “Chớ gì ý Chúa được thể hiện”. Mong rằng điều ấy đúng như thế và bạn sẽ nên thánh.

*

Bạn hãy suy gẫm điều này: không có gì sáng danh Chúa bằng việc sống theo ý Chúa. Việc ấy là nguồn mạch cho sự thánh thiện cao cả và là con đường không bao giờ đưa tới thất vọng.

Sống theo ý Chúa là một trường dạy sức mạnh trong đức tin, trường dạy bền chí trong đức cậy và một nguồn suối sự trong trắng, thanh khiết trong đức ái.

Không có việc tu đức khổ hạnh nào có thể thanh tẩy tâm hồn bằng việc vâng phục ý Chúa. Việc đó nắm vững tâm hồn bạn trong một trạng thái “nguyện cầu liên lỉ”, làm cho bạn chú ý đến từng thánh giá nhỏ nhặt để biến thành những viên ngọc công đức.

Sau hết, lúc bạn sắp lìa trần, nó sẽ mang lại cho bạn sự bình an, thanh tịnh.

Nó sẽ là con đường đúng cho bạn. Vả lại Chúa đang thức giục bạn bước đi trong con đường này.

*

Những phật ý của bạn, những lời than phiền và những oán trách của bạn đã làm mất đi nhiều ân huệ và làm mất hoàn toàn những ân huệ ấy. Đó là vì bạn gặp nhiều khó khăn trên con đường của bạn. Tuy thế, những khó khăn cực nhọc ấy đều nằm trong chương trình của Chúa đối với bạn, và đáng lý ra chúng phải đem bạn đến gần Chúa hơn. Nếu bạn chấp nhận những điều ấy một cách nhẫn nại, thì, điều ấy sẽ dễ dàng. Nhưng những phản ứng của bạn không đúng như thế. Có lẽ bạn không bao giờ, trong những hoàn cảnh như thế, bạn đã nhớ đến cuộc gặp gỡ đau thương của Đức Mẹ và Chúa Giêsu trên đường Núi Sọ. Nếu bạn có nhớ đi nữa, chắc bạn cũng không hiểu được bài học chứa đựng trong biến cố đó. Bây giờ bạn đã quyết định sống tốt hơn. Vì thế, bạn hãy tập thói quen lặp đi lặp lại lời nguyện này: “Lạy Chúa, chớ gì ý Chúa là kim chỉ nam duy nhất của đời con”.

*

Cũng như thánh Catarina thành Gên, bạn hãy yêu thích hoàn cảnh Chúa đã sắp đặt cho bạn. Hễ ai hỏi bà: “Bà ao ước gì?” Bà luôn trả lời: “Tôi chỉ ao ước những gì hiện tại đang đem đến cho tôi”.

*

Ông Gióp, con người của đau khổ, là một tấm gương trong về sự phó thác theo ý Chúa. Giữa những cơn thử thách nặng nề nhất, ông chỉ cầu xin một điều: “Chúa đã cho, Chúa lấy lại, xin thánh ý người được nên trọn” (G 1,21). Khi ông ngồi trên đống phân, mình đầy ung nhọt hôi thúi, vợ ông trách móc ông vì lòng đạo đức của ông. Bà bảo ông phạm đến Chúa và chết đi. Ông chỉ trả lời: “Bà nói như một người điên! Nếu chúng ta nhận điều tốt Chúa ban, tại sao lại không nhận những điều không tốt? (G 2,10). Chúa có quyền quyết định vì Ngài là chủ. Còn chúng ta, đầy tớ của Ngài, bổn phận của chúng ta là vâng phục thánh ý Ngài.

*

Một nhà đạo đức có thói quen đáng vần tất cả mấy vần từ A đến Z và sau đó ông nói: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa muốn ráp chữ nào tùy ý Chúa”.

*

Ở Rôma, một giáo sĩ kia rất danh tiếng, thường gặp nhiều chuyện khó khăn và những chuyện rắc rối luôn bao quanh ông. Ông chấp nhận không một lời than trách và trái với dự định của những người chung quanh, ông luôn tươi cười và bằng lòng. Một vị đồng nghiệp hỏi bí quyết của ông, làm sao ông lại vui tươi bình tĩnh giữa bao nhiêu khó khăn như vậy. Ông trả lời: “Trong mọi hoàn cảnh, trước hết, tôi ngước mắt lên trời, nhớ rằng mục đích của tôi ở đó. Sau đó, tôi nhìn xuống trần gian để nhìn thấy chỗ bé nhỏ nơi tôi sẽ nằm sau khi chết. Sau cùng, tôi nhìn người khác và nhớ rằng còn bao nhiêu người khác đang ở trong những hoàn cảnh bi đát hơn tôi nhiều. Bao nhiêu đó đủ để dạy tôi biết hạnh phúc thật ở đâu và hững lo lắng của tôi sẽ đi về đâu và than phiền là một điều quấy”. Bắt chước gương lành này, bạn sẽ dễ dàng theo thánh ý Chúa hơn.

 *






 

Bài số 20: Hiệu quả của Đức Ái (tiếp)

 

Có nhiều hạng người đạo đức cũng như có nhiều hạng củi. Nhưng người đạo đức thật thì hấp dẫn, những người giả, làm cho người ta tránh xa. Nhưng làm sao biết thật hay giả? Dễ dàng lắm! Chỉ cần xem họ phản ứng khi ý muốn của họ bị ngăn trở hay khi người ta bảo họ làm điều gì trái ý họ. Nếu bạn thấy họ ưng thuận, sẵn sàng làm những điều người ta yêu cầu mà vẫn yên vui, bình tĩnh, người ấy là người đạo đức thật. Nếu, trái lại, bạn thấy họ cự tuyệt, than phiền, rên siết và chỉ trích, lòng đạo đức của họ chẳng có giá trị gì đâu, dù người ta có ca tụng họ thế mấy đi nữa. Chỉ người nào luôn luôn kiên trì trong nghịch cảnh và cố gắng tận diệt dấu vết của tự ái, người đó có thể là một môn đệ của Chúa Giêsu. Bạn hãy lượng giá mình với cây thước đó.

*

“Chúng ta ở trên đời này để làm gì?” Đó là câu hỏi đầu tiên của sách giáo lý và câu trả lời luôn được tóm vào mấy lời sau đây: “Chúng ta ở trên đời này là để phụng sự Chúa và để hưởng phúc thiên đàng”. Chúng ta có thể bỏ câu cuối, vì ai sống mà phụng thờ Chúa suốt đời thì không mất hạnh phúc đời đời đâu. Phải ghi tạc công thức đó vào thâm tâm ta. Sống trên trần gian là để thờ phượng Chúa hầu có thể đo lường tất cả sự dấn thân nó đòi hỏi. Đúng thế, công thức tóm tắt tất cả vấn đề của vận mệnh của bạn rồi đấy. Chỉ cần cố gắng để xem cuộc sống thực tế của chúng ta có đúng với lý thuyết không.

*

Đây là một vài ý tưởng mà bạn nên suy gẫm: Bạn tham dự thánh lễ thường xuyên chứ? Và có lẽ bạn đã tham dự mỗi ngày, nhưng nếu bạn không quyết chí thực hiện thánh ý Chúa trong suốt ngày sống, thì việc tham dự thánh lễ của bạn không mang lại cho bạn ích lợi nào cả - cho dù chịu lễ mà bạn không sống theo ý Chúa thì cũng không làm gia tăng nhân đức nào cho bạn – Những giờ suy gẫm, đọc sách đạo đức cũng vô hiệu nếu không có điều kiện thiết yếu đó. Như bạn cũng có thể thấy rõ, tất cả phụng vụ và tất cả những việc đạo đức khác không có chủ đích nào hơn là đưa đến việc sống đúng theo ý Chúa mà thôi. Tất cả là ở đó.

*

Đây là một cảnh tượng mà mấy cô ý tá công giáo đã sống. Trong một dưỡng đường H., một ông mục sư của một phái Tin Lành đang đau nặng. Lúc ông gần chết, bảy đứa con ông vây quanh giường ông. Đứa con lớn của ông độ 15 tuổi, cầm tay đứa nhỏ nhất dắt đến bên giường cha mình, vừa khóc vừa nói với đứa em: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho cha như cha đã thường dạy chúng ta: “Lạy Chúa, nguyện xin ý Cha được nên trọn.”

Đã chịu phép rửa tội, đã được Thêm Sức, bạn lại thua những người anh em đó sao? Hãy suy phục ý Chúa, dù mọi sự không được như chúng ta ước mong.

*

Sự dâng hiến của bạn thường chỉ tóm vào câu này: “Lạy Chúa, con hiện hữu và con muốn thuộc trọn về Chúa. Xin Chúa cứ hành động thế nào tùy ý Chúa”. Một cuộc dâng hiến như thế là một cam kết trọng đại và linh thiêng, phải giữ. Nếu sau đó bạn thêm vào chữ “nếu” hay chữ “nhưng”, Chúa sẽ thất vọng vô cùng, vì không ai hứa với Chúa rồi rút lời lại.

Có lẽ bạn thấy rõ tầm quan trọng của một cam kết như thế, rồi bạn ngại ngùng không dám dấn thân; sự ngại ngùng của bạn không có nền tảng. Nếu bạn sợ như vậy, chỉ cần nghĩ rằng: việc hiến dâng của bạn, bạn trao phó cho một người cha tuyệt vời. Ai sẽ giữ bạn an toàn hơn vòng tay quyền phép của Ngài?

*

Ai muốn đạt đến sự tự giác, cần phải kiểm soát những lý lẽ sâu xa của hành động của mình, phải biết cái gì đã khiến mình quyết định. Bạn tìm những gì bạn thích và loại bỏ những gì bạn không thích ư? Bạn nghĩ rằng những gì bạn thích chắc chắn là sẽ đúng với ý Chúa và chắc rằng những gì bạn không thích lại sẽ không đúng ý Chúa? Bạn hãy coi chừng: vì tìm những gì thích hợp với tính tình và sở thích của bạn và trốn tránh những gì trái với ý mình, chỉ là tự ái và tìm mình chứ không là thực hành nhân đức đâu! Đối với Kitô hữu, chỉ có một cây thước mà thôi: đó là thánh ý Chúa. Vấn đề không phải là xem việc nào đúng theo ý mình hay không mà là đúng theo ý Chúa hay không. Chỉ có điều đó là tiên quyết đối với bạn. Bạn phải làm những gì Chúa muốn dù điều ấy có trái với ý bạn và loại bỏ những gì Chúa không ưng, dù điều ấy có hấp dẫn bạn đến đâu. Đó chính là sống theo ý Chúa.

*

Chấp nhận thánh ý Chúa, tức là chấp nhận chính Chúa vậy.

*




 

Bài số 21: Bác ái thuần túy và bác ái quên mình

 

Trong sạch và thanh sáng biết bao, tâm hồn chỉ tìm Chúa Giêsu và chỉ tìm một mình Ngài mà thôi!

*

Quả tim bạn đã đầy tràn ước muốn kết hiệp với Chúa. Ước muốn ấy sẽ thành sự thật ngày nào Chúa Giêsu thấy bạn xả thân phục vụ Ngài.

*

Ý muốn ngay lành quyết định giá trị của mỗi hành động của bạn, cũng như thiếu nó, là một yếu tố bất thành giá trị.

*

Công việc chiếm phần lớn ngày sống của bạn. Chúa muốn bạn dùng nó như một phương thế hữu hiệu để nên thánh. Công việc của bạn sẽ thành nguồn mạch sự thánh thiện, nếu bạn nhìn đó không chỉ là một sinh hoạt nghề nghiệp, nếu bạn chú ý đừng để bạn chìm ngập trong đó, và nếu bạn đừng chia đôi công việc và cầu nguyện. Tất cả sẽ không trọn vẹn hoàn tất khi công việc đã làm xong, còn thiếu một điều thiết yếu, đó là kết hiệp mật thiết và liên tục giữa cầu nguyện và hoạt động. Đó chính là điều bạn phải lo lắng. Ý ngay lành sẽ giúp bạn mặc dù nó không là tất cả. Ý ngay lành ấy hệ tại việc cố gắng luôn luôn để làm mọi sự vì yếu mến Chúa mà thôi.

*

Trong khi làm việc, dù công việc nhỏ nhặt đến đâu, bạn phải  thường xuyên nhắc lại ý định của bạn là dâng hiến tất cả cho Chúa Giêsu. Bạn có thể nói như thế này: tất cả vì yêu mến Chúa mà thôi. Khi bạn bắt đầu cầu nguyện hay một công việc nào, đừng quên nói: Tất cả vì yêu mến Chúa. Khi bạn gặp đau khổ hay bệnh hoạn, khi người ta lãng quên bạn, khi người ta bắt bạn làm công việc này đến công việc khác, đừng quên nói: Tất cả vì yêu mến Chúa, phát xuất từ thâm tâm của bạn, trong mọi hoàn cảnh. Khi bạn giải trí nghỉ ngơi, bạn đừng quên: tất cả vì yêu mến Chúa. Bạn hãy cố gắng làm như thế mọi nơi và mọi lúc.

*

Diễn tả bằng lời nói ý định lành thánh làm mọi sự cho Chúa Giêsu là một việc dễ dàng. Giữ ý lành ấy trong sáng vẹn tuyền sẽ không dễ như thế, vì điều đó dòi hỏi một sự từ bỏ hoàn toàn những lợi lộc cá nhân và những sự thỏa mãn ích kỷ. Để thực hiện tình trạng ấy, bạn phải luôn luôn nhắc lại cho mình ý lành ấy và trở về với khẩu hiệu: tất cả vì yêu mến Chúa, khi một khuynh hướng xấu làm lạc hướng, suy giảm và cả khi nó tàn phá ảnh hưởng của ý định ấy.

*

Khi ý ngay lành đã trở nên một thói quen trong ngày sống của bạn, lúc ấy, Thánh Thần Chúa sẽ thấm nhuần cuộc sống hằng ngày của bạn, công việc bạn làm sẽ trở nên sự sống và bạn sẽ được đầy tràn phúc lành của Chúa. Nhờ thực hiện câu: Tất cả vì yêu mến Chúa, bạn sẽ làm đúng như lời căn dặn của thánh Gioan trong những trang cuối của sách Khải Huyền: “Chớ gì người công chính sẽ được công chính hơn và người thánh thiện sẽ nên thánh càng ngày càng hơn”. (Kh 22,11).

*

Bạn sẽ lan tỏa Đức Ái khi rễ của nó ghim sâu vào tâm hồn bạn.

*

Trong ý định của Chúa, tất cả đều quy về tình yêu thuần khiết, nhưng ân huệ Ngài ban cho bạn, những thử thách Ngài cho bạn trải qua, và những hy sinh Ngài đòi hỏi nơi bạn.

*






 

Bài số 22: Bác Ái thuần túy và Bác Ái quên mình (tiếp)

 

Cuộc sống nào không dành lại điều gì cho mình, mà dâng hiến tất cả cho Chúa, là một cuộc sống phong phú tình yêu.

*

Nếu không cảm thấy sự đổi thay thăng trầm của tâm hồn, và nếu, đôi khi, không cảm thấy những trạng thái hoàn toàn tương phản với nhau trong bạn, bạn sẽ không bao giờ đạt tới sự toàn thiện. Bạn đừng vô ích lắng lo và tự hỏi: “Tại sai tôi lại khô khan như thế này? Tại sao tôi bị bắt buộc phải hướng về điều thiện? Tại sao tôi không còn muốn điều gì nữa? Cũng như sự thay đổi của mùa màng cần thiết cho cây cối đâm hoa kết trái, tất cả những điều trên đều liên hệ đến việc tiến thân của bạn trên đường nên thánh. Điều cần thiết là bạn phải chấp nhận trong yêu thương mỗi cuộc biến chuyển đó.

*

“Đức Ái không bao giờ tìm mình” (1Cr 13,15). Điểm này là then chốt của Đức Ái và phân biệt rõ rệt Đức Ái với tất cả những gì chỉ là lớp vỏ, hình dáng hay danh từ của Đức Ái, mà thực ra chỉ là tìm mình và tự ái. Có một thực tại trong đời sống nội tâm mà sự hiện diện của nó làm cho thiên đàng hân hoan, trái đất lắng nghe và ma quỉ chạy trốn: “sự từ bỏ chính mình. Nếu bạn sống theo nguyên lý này, bạn sẽ thực hiện điều mà thánh Phaolô đã nói về mình: “Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Tiến tới trong chiều hướng đó là một mối lợi chắc chắn cho bạn.

*

Trên phương diện tổng quát, không ai có thể biết một người đã tiến hay lui trên con đường nên thánh. Tuy nhiên, chúng ta có thể quyết chắc rằng tâm hồn nào từ bỏ chính mình thì luôn luôn đi tới chứ không lùi bước bao giờ, vì người nào chỉ tìm vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn mà thôi, người ấy sẽ biến tan trong Chúa và Chúa trong người ấy.

*




 

Bài số 23: Bác Ái thuần túy và Bác Ái quên mình (tiếp)

 

Bằng những ơn soi sáng nội tâm, trong những dịp đọc sách đạo đức hay nghe giảng, Chúa dạy cho bạn lý thuyết về sự bỏ mình. Sự hiểu biết lý thuyết ấy rất cần, vì, bạn càng hiểu biết về sự tốt lành, ý nghĩa, sự cao cả và giá trị của sự bỏ mình, bạn sẽ được nhiều may mắn nhận lấy ảnh hưởng của sự bỏ mình ấy trong đời sống thực tế của bạn. Tuy nhiên, hơn bạn, Chúa biết rõ rằng lý thuyết suông không đủ. Ngài chủ ý đặt bạn vào những tình huống đặc biệt để dạy cho bạn những bài học thực tế về nhân đức không thể thay thế đó. Để dễ biết điều đó, bạn chỉ cần nghĩ đến những lúc khô khan trong tâm hồn, những giờ mà bạn cảm thấy chán chê mọi sự, những giờ phút bạn cảm thấy như bị bắt buộc phải hướng về điều lành. Bạn hãy nhớ những lúc bạn bị hiểu lầm và thiện chí của bạn bị từ chối, bị xuyên tạc. Những hoàn cảnh tương tự cũng được tìm thấy trong đời sống cầu nguyện của bạn, nửa giờ suy gẫm hay dự lễ như dài vô tận, và đôi lúc làm bạn phải rên siết vì bạn không tài nào cầm trí được. Trong tất cả những biến chuyển ấy, Chúa vẫn đeo đuổi một mục đích mà thôi: giúp bạn bỏ mình. Những hoàn cảnh cực nhọc ấy thử thách và chứng tỏ phẩm lượng của tình yêu của bạn. Trong những lúc phiền phức khô lạnh ấy, bạn đừng bao giờ nhìn về mình mà chỉ nhìn vào Chúa Giêsu mà thôi, bạn đừng tìm thỏa mãn riêng cho mình, nhưng tìm vinh danh Chúa mà thôi, và cố gắng trung thành, dù bạn không thấy có lợi lộc gì cho mình. Những bài học thực tế ấy cần thiết cho tâm hồn nào muốn học biết rằng Đức Ái không bao giờ tìm mình.

*

Cái “tôi ích kỷ” của bạn càng tan nát , Đức Ái của bạn càng trong sáng.

*

Ai đã phó thác cho tình yêu Chúa thì khong còn quyền thuộc về mình nữa.

*

Tình yêu Chúa và tự ái không bao giờ sống chung trong một tâm hồn. Một trong hai phải nhường chỗ. Chúa gởi đến cho bạn nhiều thử thách, Ngài để cho bạn phải bị hiểu lầm, và đôi khi bị đối xử bất công nữa, là để bạn đừng thờ Chúa và xông hương cho cái “tôi thờ bụt thần” của bạn cùng một lúc nữa. Những thử thách cam go ấy có một sứ mệnh không thay thế được trong đời của bạn và được xem như những ân huệ đặc biệt của Chúa cho bạn. Bạn biết lượng giá đúng mức chưa? Phải như thế, vì tính ích kỷ đâm rễ sâu vào con người đến nỗi, sức riêng chúng ta không thể bứng gốc nó được. Chúa phải trợ lực cho bạn. Ngài trợ lực bằng cách gởi những nhục nhã, vì nhờ đó bạn nên thánh dễ dàng hơn. Mỗi khi gặp như thế, bạn hãy biết rằng tình yêu Chúa đang hoạt động trong đời bạn. Bạn hãy vui lòng chấp nhận, ít nữa là trong ý chí, dù cảm tình của bạn không thích lắm, vì không như thế, bạn không bao giờ hết ích kỷ được.

*

Đứng trước một bức tượng trong bảo tàng viện, bạn có thể nghĩ ra một cuộc đối thoại như sau:

- Tại sao bạn ở trong cái khung ấy?

- Vì chủ tôi đặt tôi ở đây.

- Sao bạn không làm việc gì cả vậy ?

- Vì công việc của tôi là đứng ở đây thôi, không hơn nữa.

- Bạn làm như vậy có lợi gì cho bạn ?

- Tôi ở đây không phải được lợi mà cũng chẳng có hại gì, tôi chỉ phục vụ cho chủ tôi mà thôi.

- Nhưng ở chỗ của bạn, chẳng ai nhìn đến bạn, ông chủ cũng chưa chắc là đã chú ý đến bạn.

- Đó không là điều quan trọng. Tôi làm theo ý chủ tôi là đủ rồi.

- Bạn có thích ở một nơi khác thích hợp hơn để phục vụ chủ bạn hữu hiệu hơn không?

- Không. Tôi chỉ có một ý định là chủ tôi muốn thế nào, tôi vâng như vậy thôi.

- Bạn chỉ muốn là một pho tượng bất động và đứng trong khung đó thôi sao?

- Đúng thế. Tôi chỉ cần như thế thôi và ở đây mà thôi vì đó là ý muốn của ông chủ tôi.

*

Người nào chấp nhận sự hư vô của mình, người ấy làm vinh danh Chúa.

*

Càng từ bỏ những thỏa mãn tự nhiên của mình, tâm hồn càng lớn lên trong Đức Ái.

*





 

Bài số 24: Đức Ái và Hy Sinh

 

Chính vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta mà Chúa Giêsu đã chấp nhận thập giá. Thập giá đó đè nặng trên đôi vai thần linh của Ngài vì nhiều lý do. Thập giá ấy cân nặng từ 50 đến 100 kí lô. Nó nặng vì Ngài phải vác lấy nó sau một đêm không ngủ, bị hành hạ đánh đòn, đội mão gai vv… Nó nặng vì con đường dốc đá đi đến đỉnh núi Sọ, vì những gì đang chờ đợi Ngài ở đó: đinh nhọn sẽ đóng Ngài vào cây khổ hình, và những giờ hấp hối dài vô tận. Nhưng không có gì có thể làm cho Ngài lùi bước, và với tất cả tình yêu, Ngài đã nói lên tiếng “xin vâng” trước thập giá, “xin vâng”… vì yêu thương bạn. Đứng trước thái độ ấy của Chúa Giêsu, thái độ của bạn có khác chăng? Bạn có thể trả lời bằng một tiếng “xin vâng” đầy yêu khi gặp những thánh giá chăng? Bạn có thể làm như thế một cách dễ dàng, một cách quảng đại khi bạn hiểu rằng cuộc gặp gỡ thánh giá chỉ là cuộc gặp gỡ với Đấng chịu đóng đinh mà thôi.

*

Yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến thánh giá của Ngài.

*

Với cái nhìn của Chúa, mỗi sự khó khăn bạn gặp trên đường là một hồng ân của tình yêu Chúa. Vì thế, chắc chắn nó sẽ tăng thêm giá trị và chắc chắn sẽ giảm đi sự khó chịu của nó. Mỗi lần bạn biến thánh giá của bạn thành yêu thương, cả thiên đàng sẽ vui mừng vì vinh quang bạn mang lại cho Chúa. Đúng thế, mọi khó khăn của bạn đều dùng vào việc vinh danh Chúa mà thôi.

*

Ngay giữa những cơn bão tố, bạn đừng bao giờ ngừng tiếng ca lên bài ca tình yêu.

*

Sống bằng Đức Ái, đó là điều thiết yếu. Không ai nói về điều ấy cho đủ được, vì nhân đức ấy thấm sâu vào tận con người, tất cả mọi gánh nặng sẽ trở nên nhẹ nhàng đối với bạn và sự hi sinh được biến đổi thành của lễ dâng lên Chúa với một tâm hồn đầy hạnh phúc, sẵn sàng và hạnh phúc. Đi trên con đường này, sẽ có một lúc bạn sẽ thấy mình không đủ hi sinh. Lúc trước, khi thánh giá làm bạn sợ hãi, bây giờ nó sẽ khơi lên trong tim bạn một ước muốn mãnh liệt hơn. Chỉ có Đức Ái mới có thể thay đổi như thế. Hãy sống Đức Ái, nó sẽ đưa bạn vượt hẳn tinh thần kiên trì cho đến tinh thần tử đạo.

*

Dễ cười thay tình yêu mà từ chối nên giống nhau! Nếu tình yêu của Chúa Giêsu đã mỏi mòn trong cơn tử nạn, tình yêu của chúng ta có thể từ chối không chịu đau khổ hay sao ? Nếu Ngài đã ôm lấy cây thập giá, bạn có thể loại bỏ nó sao và nếu Ngài đã chịu sự đắng cay của đau khổ, bạn có thể tránh né sao?

*

Bạn phải tạ ơn Chúa đã cho bạn hồng ân là đau khổ. “Bạn nói gì thế? Tạ ơn vì những thánh giá vây quanh và đè nặng trên bạn ư? Nếu tôi chịu đựng được phần nào, tôi đã quá bằng lòng với kết quả đó rồi”. Nhưng, nếu ở trong tâm trạng đó mà thôi, thì bạn không bao giờ vượt qua ranh giới của sự ươn hèn. Bạn có thể tự mình kiểm chứng điều đó, biến nó thành kinh nghiệm do chính bạn. Đừng lấy làm khó chịu khi chịu đau khổ và hãy tuân theo ý Chúa  đang đóng đinh bạn, dù tính tự nhiên đã hư đốn của bạn có lồng lộn, hãy nói với sự xác tín trong ý chí: “Lạy Chúa Giêsu, xin tạ ơn Chúa đã cho con chia sẻ những đau khổ của Chúa và đã cho con tham dự vào cuộc Khổ Nạn của Chúa”. Lời kinh ấy, lặp đi lặp lại sẽ giúp bạn chiến thắng tất cả những buồn phiền cay cực, gian nan của bạn.

*

Tình yêu nào cũng phải có những chứng từ của nó. Thánh Kinh đã dạy chúng ta rằng: “Vàng được thử trong lửa và những người Chúa chọn được truy luyện trong lò lửa nhục nhã” (Gv 2,5)

*




 

Bài số 25: Đức Ái và Hy Sinh (tiếp)

Chúa Giêsu thích nghe bạn nói: “Chúa có thể tin nơi con, con sẽ không để Chúa một mình đâu!” Nói được như vậy cũng tốt, nhưng phải thực hiện trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những lúc điêu đứng buồn phiền, thiếu thốn và bị khinh miệt. Bạn hãy bao quanh những gì bạn không thích bằng khẩu hiệu đó. Hãy nhẫn nại trong những giờ phút mệt mỏi về thân xác, trong những lúc bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, trong những giờ thất vọng và khô khan trong tâm hồn, nhất là trong những lúc thấy người ta đanh ác gây cho bạn nhiều vết thương. Đúng thế, hãy yêu thương nhẫn nại, bình tĩnh trong tất cả những hoàn cảnh ấy và hãy nói với Đấng chịu đóng đinh: “Con sẽ không để Chúa một mình với cây thập giá đâu!”.

*

Đến đỉnh núi Sọ, Chúa Giêsu bị lột áo ra. Ngài để cho bọn lý hình muốn làm gì tùy ý, mặc dù Ngài đủ quyền phép để ngăn cản. Việc ấy cũng là một bằng chứng mới của tình yêu Chúa. Điều đó chứng minh rằng Chúa Giêsu không giữ một cái gì cho mình, cả đến áo xống.

Một gương lành cao quí và một sự hiến dâng tốt biết bao, nhưng đồng thời cũng là một tiếng gọi đối với lương tâm của bạn! Cho đi tất cả, đó là bài học của chặng thứ mười trong đàng thánh giá này. Bạn sẽ thực hành và bằng lòng hiến dâng những gì bạn yêu quí nhất không? Không có Đức Ái, bạn sẽ không làm được, vì tính toán là vấn đề buôn bán, đang lúc đó đặc điểm của tình yêu là cho đi tất cả. Chúa Giêsu đang trông chờ nơi bạn sự hiến dâng toàn vẹn ấy, sự toàn hiến cuộc đời của bạn. Chúa đã cho bạn tất cả trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, Ngài có quyền đòi hỏi sự hiến dâng của bạn. Cho đi một phần không đủ, vì Chúa Giêsu chỉ bằng lòng ưng nhận một sự hiến dâng toàn vẹn mà thôi. Đó là một đòi hỏi của Đức Ái.

*

Thánh lễ, cuộc tái diễn đó của hy lễ núi Sọ đòi buộc và giao hóa nơi bạn sự sẵn sàng theo thánh ý Chúa, vì những giai đoạn chính yếu và đặc biệt của thánh lễ phải được tái diễn trong đời sống của bạn: lúc dâng của lễ được tái diễn trong việc hiến dâng toàn vẹn của bạn cho Chúa Giêsu, lúc truyền phép, trong cái chết của con người cũ của bạn và sự tăng trưởng của con người mới, sau cùng, lúc hiệp lễ, bằng một cuộc sống ngày càng trọn vẹn và một sự kết hợp ngày càng mật thiết với Chúa Giêsu.

*

Không bao giờ bỏ qua một dịp nào mà không sống bác ái, trở nên một việc thực tập tốt lành việc quên mình.

*

Tình yêu nào mà không có dịp hi sinh là một tình yêu thất nghiệp.

*

Khi bị đau khổ đè nặng, bạn biết nói với Chúa Giêsu: “Chúa là tình yêu của con, Chúa là lòng nhân ái”. Đó là một lời ngợi khen chính đáng đối với Chúa.

*

Đau khổ tỏ lộ sự trong sạch của tâm tình và ai từ chối đau khổ cho tình yêu của mình thì không thể cho mình là yêu thương thực sự.

*

Nói yêu mà không từ bỏ tự ái là tự ru ngủ mình trong ảo tưởng.

*

Không phải sự dễ dàng hay tiện nghi mang lại giá trị cho cuộc sống và làm cho đời đáng sống, nhưng là yêu chuộng hi sinh.

*



 

Bài số 26: Đức Ái và hy sinh (tiếp)

Nếu bạn ăn năn đền tội – đó là một điều cần thiết và không thể trốn tránh – nhưng hãy ăn năn trong tinh thần yêu mến. Bạn sẽ mau được thoát khỏi cảm giác nặng nề và cực nhọc mà những chữ “ngươi phải…” gây nên. Đấng chiếm hữu tâm hồn bạn sẽ nói: “Ta muốn…  Ta có thể cho…”. Lúc ấy bạn sẽ làm việc đền tội, vì đức ái sẽ cho bạn đủ nghị lực để làm.

*

Một đứa trẻ đang chăm chú với một trò chơi, thấy mẹ đi xa mới về, liền bỏ đồ chơi và vui mừng ôm chằm lấy mẹ. Thực ra, bỏ cuộc chơi, đối với em bé, là một hy sinh, và trong những trường hợp khác, em sẽ khó lòng rời bỏ. Nhưng bây giờ, việc hi sinh ấy quá dễ, vì tình thương thúc đẩy em đến với mẹ em chế ngự tất cả. Chúng ta thấy rõ câu kết luận. Khi tình yêu Chúa bao phủ và tràn đầy tim bạn, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận bất cứ việc hi sinh nào.

*

Những điều sau đây sẽ giúp bạn chấp nhận thánh giá của bạn với tất cả tình yêu:

- Ước muốn trở nên giống Chúa Giêsu, điều này được thực hiện trước hết bằng đau khổ.

- Ý Chí muốn tìm vinh quang cho Chúa. Đau khổ được nhẫn nhục chịu đựng sẽ là phương tiện tốt nhất.

- Tâm thức xác tín rằng mọi đau khổ được kết hợp với đau khổ của Chúa Giêsu là một kho tàng vô giá. Ai chịu đau khổ trong Chúa Giêsu Kitô thực sự là một con người đáng ganh đua hơn là đáng thương hại.

- Sự thật hiển nhiên là không thể có “ơn cứu chuộc nếu không có đổ máu” và bạn có nhiệm vụ “làm trọn hảo những gì còn thiếu trong cuộc Tử Nạn của Chúa Kitô”.

- Sau cùng sự kiện này là tình yêu chỉ lớn lên trong đau khổ. Bạn đừng quên rằng lòng yêu mến thánh giá là đỉnh chóp của sự trọn lành trong cuộc đời trần thế của chúng ta.

*




 

Bài số 27: Đức Ái và hy sinh (tiếp)

 

Đây là kinh cầu, cảm tạ vì hồng ân đã lãnh nhận trong đau khổ. Bạn có thể thay đổi những lời nguyện sau đây tùy tâm trạng của bạn trong mỗi lúc, và tùy hoàn cảnh thực tế của bạn.

Nếu bạn đọc với tất cả tâm hồn của bạn, những lời nguyện sau đây sẽ là “bài ca ngợi Chúa” (magnificat) mà các thiên thần sẽ vui mừng đem dâng lên trước ngai tòa Chúa và từ trời sẽ mang lại cho bạn vô số hồng ân ưu tuyển.

Cần phải nhớ rằng bạn hãy đọc với ý chí chứ đừng đọc với cảm tình:

- Con cảm thấy con hèn mạt và nhỏ bé quá! Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa.

- Con đau khổ quá! Lạy Chúa Giêsu, con cảm ơn Chúa.

- Nhiều người sẽ nghĩ hay tưởng tượng rằng con trốn tránh công việc. Lạy Chúa Giêsu, con cảm ơn Chúa.

- Con bị cám dỗ dữ dội và mệt mõi. Lạy Chúa Giêsu, con cảm ơn Chúa.

- Trong tương lai, con sẽ không còn được dự lễ nữa. Lạy Chúa Giêsu, con cảm ơn Chúa.

- Nay con trở thành gánh nặng cho mọi người chung quanh. Lạy Chúa Giêsu, con cảm ơn Chúa.

- Chậm rãi nhưng chắc chắn, sức lực của con yếu mềm. Lạy Chúa Giêsu, con cảm ơn Chúa.

*

Đau khổ là mối dây kết chặt bạn vào Trái Tim Chúa Giêsu.

(Thánh Magarita).

*

Chúa Giêsu đặt cây thánh giá của Ngài giữa Ngài và bạn. Khi Ngài siết chặt bạn vào Ngài bao nhiêu, thì cây thánh giá càng ăn sâu vào da thịt bạn để đóng đinh bạn.

*

Sự chấp nhận đầy yêu của bạn trước những cực phiền nội tâm như một ngọn lửa thiêu hủy tất cả những gì trong tâm hồn bạn có thể làm đau lòng Chúa Giêsu. (Thánh Magarita). 

*

Người sống đức ái đích thực chẳng những hiến dâng những gì họ có mà còn hiến dâng tất cả bản thân mình nữa.

*

Khi tâm hồn bạn cảm thấy bị bỏ rơi và cô đơn, bạn tự hỏi không biết lúc nào Chúa Giêsu sẽ trở lại. Đây là câu trả lời: Chúa Giêsu chỉ trở lại khi cái tôi của bạn đã rời vị trí của nó, vì Ngài chỉ muốn duy nhất một mình Ngài ngự trị trong tâm hồn bạn mà thôi.

*

Tình yêu càng thanh khiết khi nó không còn tự thỏa mãn về chính mình nữa.

*

Quyền được đau khổ vì Chúa tự nó đã là một phần thưởng vô giá rồi. Thánh Gioan Thánh Giá nói với bạn như thế và ngài còn thêm; quả tim nào đang yêu, sẽ hiểu tôi nói gì.

*

Chỉ người nào lên đến đỉnh của Đức Ái mới bằng lòng hi sinh tất cả.

*

Hãy trông cậy, dù khi bạn bị chìm ngập trong những niềm đau nội tâm. Đúng thế. Chúa Giêsu, Đấng yêu thương bạn, muốn để bạn ở trong bóng tối một thời gian hơn là để cho bạn hướng về một ánh sáng nào khác mà không phải là của Ngài. (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu).

*

Được mời gọi giải khát nơi dòng suối trong lành của tình yêu Chúa, đòi hỏi bạn phải đồng thời chấp nhận kề môi vào chén đắng của Ngài, khi Ngài trao cho bạn.

*

Chúa Giêsu đã muốn cứu thế gian bằng thập giá, đó là điều làm cho những ai muốn sống Đức Ái mà không muốn qua đau khổ, phải suy nghĩ.

*

Tình yêu nào cao đẹp đều cần phải được thanh tẩy bằng đau khổ.





 

Bài số 28: Đức Ái và Cầu Nguyện

 

Cầu nguyện là chấp nhận Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là phó thác cho Chúa.

*

Chúng ta cầu nguyện với tình yêu của mình và với khả năng của mình.

*

Con người cầu nguyện là người yêu mến Chúa và biết mình được Chúa yêu.

*

Nếu bạn muốn cầm trí, phải bắt đầu xem những gì là thần linh như những điều vô giá. Tâm trạng phúc đức ấy phát xuất từ Đức Ái và không bắt nguồn từ đâu khác ngoài tình yêu Chúa. Đúng thế, khi bạn có Đức Ái chắc chắn là bạn có ơn thánh hóa. Ví chính là nhờ ơn này mà Chúa Ba Ngôi đến cư ngụ trong bạn và chính trong tâm hồn bạn xảy ra những “nhiệm xuất của Ba Ngôi Thiên Chúa”. Quả thế, trong tâm hồn bạn, Chúa Cha tự đời đời vẫn sinh ra Chúa Con và từ nơi Cha và Con, phát xuất Ngôi Vị Thánh Thần. Vậy người nào đặt những kho tàng vĩnh cửu ấy trên hết mọi sự, biết rằng, trước mặt Chúa, hàng ngàn vũ trụ này cũng chẳng có giá trị gì, biết rằng chỉ có Chúa là cao cả và tất cả mọi sự khác chỉ là hư không, là người duy nhất hiểu biết rằng tìm kiếm sự gì khác ngoài Chúa chỉ là luống công vô ích mà thôi. Và Thiên Chúa vô cùng đó, kho tàng độc nhất đó, họ tìm thấy trong chính tâm hồn mình. Vì thế, người ấy lượng giá thật đúng giá trị của thực tại thần linh đó, và luôn trở về trong tâm hồn mình để chiêm ngắm và thờ lạy Thượng Khách thần linh đang ngụ trong đó. Người nào làm như thế là sống trầm lặng và đời sống của họ được quy tụ trong sự trầm lặng. Bạn hãy làm như thế.

*

Chính sự yêu thích cầu nguyện là thước đo mức độ và sự chân thật của ước vọng tâm hồn muốn làm đẹp lòng Chúa.

*

Chiêm ngắm và yêu thương trong im lặng là lời cầu đẹp nhất, vì việc ấy làm cho tâm hồn dễ chấp nhận những tiếng nói âm thầm của Chúa Thánh Thần.

*

Bạn không thể nào vui hưởng sự thân mật với Chúa trong cầu nguyện, nếu bạn không tỏ lòng yêu mến thường xuyên trong suốt ngày sống của bạn.

*

Lời cầu nguyện tuyệt hảo là lời cầu nguyện chứa đầy tình yêu.

*

Để cầu nguyện, một tình yêu mãnh liệt không cần đến tiếng nói. (Romano Guardini).

*

Lời cầu nguyện càng mặn nồng tha thiết, càng trở nên yêu thương, để kết thúc,về lâu về dài, nó chỉ còn là tình yêu mà thôi.

*

Lạy Chúa,

Xin hãy làm cho con yêu mến Chúa đến vô biên, cho con yêu Chúa đến hơi thở cuối cùng và chớ gì con thà chết còn hơn là sống, dù chỉ một giây lát, mà không yêu mến Chúa. (lời nguyện vô danh 1848)





 

Bài số 29: Đức Ái và cầu nguyện (tiếp theo)

 

Mây không chỉ có ở trên trời, trong tâm hồn cũng có mây. Lúc đó tất cả đều xem ra u tối, lạnh nhạt và không niềm vui. Những trạng thái ấy cũng không làm cho con hồ nghi về tình yêu của Chúa, vì chúng cũng mau tan như mây trên bầu trời. Chúng có thể kéo đến đây như ý Chúa đã sắp định, vì Chúa có thể định đoạt về con tùy ý Chúa và con muốn luôn luôn trung thành với Chúa trong hết mọi trạng thái Chúa dành cho con.

*

Đây là cốt tủy của tâm hồn yêu Chúa.

Tâm hồn ấy nói với Chúa :

Xin tinh thần Chúa hoạt động nơi con.

Xin Trái Tim Chúa nung đốt tim con.

Xin những đau khổ của Chúa an ủi con trong những lúc phiền sầu.

Xin cái chết của Chúa lay động hồn con.

Xin giáo thuyết của Chúa thấm nhập vào con.

Xin ơn Chúa dìu dắt con.

Xin cho ý Chúa lấn át ý muốn của con.

Xin ánh sáng Chúa soi dẫn con.

Xin sự khôn ngoan của Chúa làm cho hồn con sung mãn.

Xin sự thánh thiện của Chúa nắn đúc con.

Xin chân lý Chúa thanh tẩy con.

Xin sự nhẫn nại của Chúa thêm sức cho con vững mạnh.

Xin lòng khiêm nhượng của Chúa thánh hóa con.

Xin sự vâng phục của Chúa dạy dỗ con.

Xin lòng nhân hậu Chúa cho con thêm sinh lực.

Xin lòng trung tín của Chúa tha thứ cho con.

Xin sự nghèo nàn của Chúa nên sự giàu sang của con.

Xin lòng thương xót Chúa ban cho concan đảm.

Xin sự bình an của Chúa chế ngự lấy con.

*

Lạy Chúa, tình yêu duy nhất của con !

Chúa là tình yêu duy nhất của con, xin Chúa hãy mãi mãi là như thế, vì không bao giờ con sẽ yêu một tạo vật nào bằng Chúa, và tệ hơn thế nữa, hơn Chúa. Toàn thân con là của Chúa hoàn toàn và cho đến từng sớ thịt con. Sự sống con là của Chúa, và sự chết của con cũng vậy. Amen.

*

Lạy Chúa Thánh Thần! “Ai đã ban Chúa Thánh Thần cho ta?” Đó là luận đề của mầu nhiệm năm sự mừng.

Lạy Thần Linh Chúa.

Chúa đã tái sinh con trong phép rửa tội và đã viếng thăm con cách đặc biệt trong ngày chịu phép Thêm Sức. Nhưng dù được như thế, cuộc sống đạo đức của con vẫn còn hèn mạt xấu xa: biết bao nhiêu tội lỗi, sự nguội lạnh, toàn là hời hợt bên ngoài, toàn là chiếu lệ trong việc “tuyên xưng” đức tin của con, rồi bao nhiêu thói quen, bao nhiêu việc máy móc không hồn! Nào đâu con đã làm sáng tỏ ngọn lửa tình yêu Chúa và can đảm cần thiết trong việc Nước Chúa? Nhìn đến đâu, con chỉ thấy những thiếu sót của con mà thôi, nhưng lạy Thánh Thần Chúa, Chúa có thể chữa lại tất cả. Con hoàn toàn phó thác trong hoạt động và ảnh hưởng thần linh Chúa. Xin Chúa dẹp tan những nghi ngại làm con dừng bước, xin Chúa bù đắp những thiếu sót của con. Xin Chúa hãy kiện toàn những gì con bỏ dở, và xin Chúa xóa đi tất cả những gì cặn bã làm cho bước tiến của tâm hồn con phải ngưng trệ. Con nhường cho người khác những ước muốn giàu sang, sức khỏe, sống lâu và dễ dàng. Còn con, con chỉ có một đối tượng là sự sung mãn của nguồn ơn Chúa, sự sung mãn của tình yêu Chúa, vì nơi đó, tâm hồn con được tất cả những gì con ao ước.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến. Amen.

*



 

Bài số 30: Đức Ái và cầu nguyện (tiếp)

 

Lời cầu quyết định.

Lạy Chúa con!

Con đọc thấy trong Kinh Thánh một lời làm cho tâm hồn con tan nát: “Ta trách người vì ngươi đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4) Tình yêu thuở ban đầu ấy con đã đánh mất rồi,… con đã đánh mất rồi, vì lòng ích kỷ của con đã giết nó, và bây giờ con chỉ biết đứng nhìn ngôi mộ nó thôi. Con có thể đánh mất cái gì quí hơn không?

Đánh mất mạng sống có lẽ không quan trọng bằng. Sự mất mát ấy càng phơi bày cho con thấy hết sức rõ ràng rằng cuộc đời của con chỉ có ý nghĩa khi con yêu mến Chúa mà thôi. Bây giờ con đau xót vô cùng, và hình như con thấy rõ rằng trong quá khứ, con chưa sống thực sự. Con đã không hoàn toàn thuộc về thế gian và con đã không muốn hoàn toàn thuộc về Chúa. Bị xô đùa tứ phía, nghiên ngã giữa bên nầy bên kia, cái đà sống của con đã bị sờn mòn và gãy đổ. Hôm nay, lạy Chúa, con đau khổ vì đã đánh mất tình yêu, tình yêu thuở ban đầu ấy, lòng ích kỷ đã cướp mất của con.

Lạy Chúa, còn con đường nào nữa để tháo lui và con mãi mãi xa Chúa, không bao giờ được sống kết hợp với Chúa nữa sao? Con sẽ thất vọng biết bao, nếu về điểm chính xác nầy, kẻ chết sẽ không sống lại! Con khẩn nài Chúa, lạy Chúa của con, xin Chúa hãy hồi sinh trong con những gì đã chết, xin hoàn lại cho con những gì con đã đánh mất vì lỗi con: tình yêu của thuở ban đầu.

*

Bạn hãy thường xuyên nói với Chúa : Con yêu mến Chúa trọn vẹn. Chúa sẽ trả lời với bạn như một tiếng vọng từ trời : Còn Cha, Cha thương con còn hơn thế nữa.

*

Những lời nguyện tắt.

Lạy Chúa, Tình yêu Chúa bốc cháy và không ai có thể dập tắt. Xin hãy nhen lửa mến trong tâm hồn con, để lửa ấy bùng cháy lên cho Chúa mà thôi.

*

Tất cả của con là của Chúa, và chỉ là của Chúa mà thôi, những công việc và cực phiền của con.

*

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa là tình yêu duy nhất của con, và mãi mãi Chúa là tình yêu của con mà thôi.

*

Vậy, lạy Chúa, cho đến bao giờ con sẽ đạt đến giây phút tuyệt diệu nầy là lúc Chúa là tất cả của con, tất cả trong tất cả.

*

Đúng thế, lạy Chúa, Chúa với con, chúng ta yêu nhau hết lòng.

*

Lạy Chúa, Con yêu mến Chúa, Chúa và thánh ý Chúa.

*

Lời cầu của một người hấp hối: “Con đi vào ánh sáng, vào tình yêu và sự sống”. (Thánh Êlisabet Ba Ngôi).

*

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cho con được chết vì yêu Chúa Giêsu, trong ngày cuối cùng đời con.

*

Trong những lúc tâm hồn khô lạnh.

Dù khô lạnh, lạy Chúa Giêsu, con vẫn yêu mến Chúa, nếu Chúa biết rõ tình yêu của con, điều đó đã quá đủ cho con rồi.

*

Lạy Chúa, Chúa hoàn toàn là của con và con hoàn toàn là của Chúa.

*




 

Bài số 31: Đức Ái và trông cậy.

 

Nếu bạn muốn sống vì yêu Chúa Giêsu, bạn nên suy nghĩ ba câu nói sau đây của thánh nữ Gemma Galgani, trong bức thư cuối cùng của đời bà: “Tôi không còn ai cả, chỉ còn Chúa Giêsu mà thôi”. Bạn có thể nói như thế không? Các thần tượng đã biến khỏi đời bạn chưa? Chỉ một mình Chúa Giêsu ràng buộc bạn hay còn ai khác?

Nói đến sự nồng nàn của tâm hồn mình, thánh nhân nói tiếp: “Hỡi tầng trời, nơi mà tôi chỉ có một việc là yêu mà thôi!” Nếu trái tim bạn có thể nói như thế và chỉ chú tâm làm công việc duy nhất và quang vinh ấy mà thôi.

Và thánh nữ kết luận: “Chúa Giêsu có lẽ đã nhìn thấy rằng tôi không còn có thể sống được nếu không có Ngài.” Đó cũng là trường hợp của bạn? Nếu không, bạn phải nhắm đến đó, phải yêu mến Chúa Giêsu và yêu Ngài thêm mãi.

*

Nếu bạn mê say Đức Ái, trần gian này sẽ không còn có thể thỏa mãn tâm hồn bạn và những gì đẹp nhất trong trần gian sẽ làm cho bạn nói rằng: “Lạy Chúa, Chúa chỉ ban cho con bao nhiêu đó thôi sao? Tại sao Chúa không ban cho con chính mình Chúa?

*

Nhiều lý do khiến tâm hồn thiếu sót và lỗi phạm. Nhưng tất cả chỉ gồm vào điều này: tâm hồn ấy không được đầy Chúa, và cũng không thấm nhuần đủ tình yêu Chúa. Tâm hồn ấy trống rỗng và thiếu lòng đạo đức. Làm sao bổ khuyết? Nhiều người cho rằng phải chống lại nết xấu và thực hành nhân đức nào chống lại đam mê chính của con người. Lời khuyên ấy rất đúng, vì chiến đấu là một điều thiết yếu. Nhưng chỉ bao nhiêu đó mà thôi thì chưa đủ. Đó chỉ là việc tô thêm những chỗ khuyết chứ không là việc tái tạo hữu hiệu. Nếu tâm hồn muốn được lành mạnh hẳn, phải yêu mến Chúa, và yêu mến Chúa đến mức độc tình yêu ấy trở nên điểm quy tụ và kết tinh tất cả sức lực của mình, nên trung tâm và quyền lợi độc nhất của mình.

*

Điều đáng chú ý là bạn phải cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc trong việc trao đổi với Chúa, và trong trường hợp ấy, tạo vật sẽ không còn hấp dẫn bạn nữa. Tạo vật sẽ không còn ảnh hưởng gì trên bạn nữa, vì bạn sẽ thấy nó xanh xao và hèn mạt. Không có gì có thể so sánh với vẻ đẹp vĩnh cửu mà bạn sẽ nhận lấy như gia sản của bạn, một khi đời sống bạn đáp ứng với những mong đợi của tình yêu Chúa.

*

Người đời tưởng rằng tình yêu làm cho con người hạnh phúc, và họ có lý, vì điều đó rất đúng. Nhưng tình yêu của con người, dù đẹp đến đâu, to tác đến đâu, sung mãn và lý tưởng đến đâu cũng không thể nào là sung mãn con người toàn diện. Dù yêu đến mức độ cuối cùng của con người đi nữa, tình yêu của con người vẫn còn một khoảng trống mà chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy được. Vì con người được tạo nên cho Chúa. Chớ gì tình yêu của con người tràn đầy tâm hồn bạn. Đúng thế, tình yêu mang lại hạnh phúc, nhưng chỉ khi nào quả tim con người hoàn toàn bám vào Đấng mà bản thể là YÊU THƯƠNG. Và tình yêu vô biên của Chúa sẽ đích thân đến với bạn trong Chúa Giêsu, và nếu bạn tiếp nhận Ngài trong một sự hiệp nhất toàn vẹn, bạn đã tìm thấy kho tàng quí giá nhất trần gian rồi đấy. Bao lâu bạn chưa đạt đến trạng thái tuyệt hảo ấy, bạn hãy hướng về đó với tất cả nghị lực, hãy hướng tâm hồn về đó trong mọi lúc, vì một khi đã đạt đến đó, bạn sẽ cảm thấy rằng mọi nguyện vọng của tâm hồn bạn được thỏa mãn và lúc ấy, bạn mới hoàn toàn hạnh phúc.

*



 

Bài số 32: Đức Ái và trông cậy (tiếp)

 

Chỉ có Đức Ái sôi nồng mới có thể cứu thế giới và chúng ta phải sống bác ái đến mức độ mà những người chống đối chúng ta gán cho chúng ta cái tên là mơ mộng, là quá khích và điên khùng. (Đức Cha Fulton Sheen).

*

Bạn không bao giờ đủ sức để ca tụng sự cao cả hay giá trị của tình yêu đầy tin cậy đối với Chúa Giêsu và tất cả sinh lực của tâm hồn bạn phải được tập trung nơi Ngài. Mỗi ngày, hàng trăm lần, câu nói của Chúa Giêsu phải luôn làm bốc cháy ngọn lửa tâm hồn bạn: “Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó”.       

*

Ý chí  là quyết định trong tình yêu Chúa. Chân lý ấy phải được xác quyết rõ ràng luôn mãi. Tuy nhiên điều ấy không có nghĩa là quả tim sẽ luôn luôn vắng mặt, vì nếu sự hăng say của tình cảm không phải là thiết yếu, nó vẫn có một giá trị không nhỏ. Đúng thế, thường thường, những ước vọng nội tâm thúc đẩy bạn trên con đường thánh thiện nhiều hơn là sự hiểu biết thuần túy, dù là hiểu biết Thánh Kinh cũng vậy.

*

Điều gì người đời cho là “việc của con tim”, dù phải đương đầu với muôn ngàn khó khăn. Đúng như nguyên lý ấy, bạn phải xem việc yêu mến Chúa là việc của con tim bạn.

*

Chính Đức Ái làm sinh động tâm hồn của người Kitô hữu đã chịu phép Thêm Sức, Đức Ái trong sạch và đích thực đối với Chúa Giêsu.

*

Bạn đừng lo cũng đừng xao động khi người khác hơn bạn về hiểu biết, miễn là bạn hơn họ về Đức Ái.

*

Tình yêu là phung phí, nó cho đi không kể và không giữ lại cho mình điều gì. Nó cũng chẳng buồn khi người ta cho nó là thiếu suy nghĩ hay thiếu cân nhắc, vì tình yêu biết rằng chỉ có một cách đo lường là vượt qua mọi đo lường. (Thánh Âu-tinh).

*

Khi một người bàng quang xa lạ - nếu có thể - nhìn vào tâm hồn bạn và người ấy phải la lên: “Ô! Bạn điên rồi!” Lúc ấy, bạn biết rằng bạn đã yêu mến Chúa Giêsu như Chúa đáng được yêu. Ai có tai để nghe, hãy nghe! Một tình yêu như thế sẽ làm cho bạn thắng vượt tất cả mọi nhục nhã, mọi thiếu thốn, cực phiền, vì nó vươn cao lên khỏi cả đỉnh chóp mọi sự. Tình yêu ấy được nhìn biết nhờ hoa quả của nó.

*

Tình yêu tin cậy gồm những yếu tố nào? Nhiều lắm! Nếu thực sự bạn yêu mến Chúa, bạn sẽ nghĩ đến Chúa thường xuyên. Tâm hồn bạn tự nhiên sẽ thúc đẩy bạn đến với Chúa.

Nếu bạn yêu mến Chúa, bạn sẽ mong ước gặp gỡ Ngài ở lại lâu giờ với Ngài nơi nhà tạm cũng như trong thâm cung lòng bạn. Những cuộc gặp gỡ ấy, đối với bạn, xem ra vẫn ngắn và bạn phải cực chẳng bằng đã chấm dứt chúng.

Nếu bạn yêu mến Chúa Giêsu, bạn sẽ không bỏ qua một cơ hội nào để tỏ tình với Ngài. Tình yêu cần được nói đi nói lại, vì mỗi lần lặp lại, tiếng yêu sẽ được đổi thành một âm điệu mới và như thế, luôn luôn là mới mẻ như lần đầu mới nói yêu nhau.

Nếu bạn yêu mến Chúa Giêsu, bạn sẽ không thích trò chuyện với ai ngoài Chúa. Trò chuyện với người khác so với việc chuyện trò với Chúa như một nỗi buồn, vì niềm vui bạn sẽ nếm được trong câu chuyện với Chúa Giêsu trong nguyện cầu. Có lẽ đối với người khác, bạn sẽ thấy thời gian trôi qua chậm chạp, nhưng với Chúa, bạn sẽ thấy thời gian qua nhanh.

Nếu bạn yêu mến Chúa Giêsu, hành động của bạn sẽ là chứng từ của tính cách thành thật và chiều sâu của tình yêu của bạn, vì tiếng nói sẽ không đủ đối với bạn. Chứng từ đích thực của tình yêu, bạn sẽ trưng ra bằng hành động.

Nếu bạn yêu mến Chúa Giêsu, không một hy sinh nào có thể làm bạn tháo lui, khi bạn muốn làm đẹp lòng Ngài. Quả thật, hi sinh là trung tâm của tình yêu và không ai có thể không cần đến nó. Vì thế, chịu đựng hi sinh vì Chúa Giêsu yêu dấu là một niềm vui cho linh hồn.

*




 

Bài số 33: Đức Ái và trông cậy (tiếp)

Chỉ có Đức Ái sôi nồng mới có thể cứu thế giới và chúng ta phải sống bác ái đến mức độ mà những người chống đối chúng ta gán cho chúng ta cái tên là mơ mộng, là quá khích và điên khùng.

(Đức Cha Fulton Sheen).

*

Bạn không thể nào đủ sức để ca tụng sự cao cả hay giá trị của tình yêu đầy tin cậy đối với Chúa Giêsu và tất cả sinh lực của tâm hồn bạn phải được tập trung nơi Ngài. Mỗi ngày, hàng trăm lần, câu nói của Chúa Giêsu: “Kho tàng ngươi ở đâu, lòng ngươi cũng ở đó”, phải làm bốc cháy ngọn lửa của tâm hồn bạn.

*

Ý Chí có tính cách quyết định trong tình yêu Chúa. Chân lý ấy phải được xác quyết rõ ràng luôn mãi. Tuy nhiên điều ấy không có nghĩa là quả tim sẽ vắng mặt, vì nếu sự hăng say của tình cảm không phải là thiết yếu, nó vẫn có một giá trị không nhỏ. Đúng thế, thông thường, những ước vọng nội tâm thúc đẩy bạn trên con đường thánh thiện nhiều hơn là sự hiểu biết thuần túy, dù là hiểu biết về Thánh Kinh cũng vậy.

*

Điều gì người ta cho là “việc của con tim”, họ sẽ thực hiện, dù phải đương đầu với muôn ngàn khó khăn. Đúng theo chân lý ấy, bạn hãy xem việc yêu mến Chúa là việc của con tim bạn.

*

Chính Đức Ái làm sinh động tâm hồn của người Kitô-hữu đã được Thêm Sức, Đức Ái trong sạch và đích thực đối với Chúa Giêsu.

*

Bạn đừng lo cũng đừng xao động khi những người khác hơn bạn về hiểu biết, miễn là bạn hơn họ về Đức Ái.

*

Tình yêu là phung phí, nó cho không kể và không bao giờ giữ lại điều gì cho mình. Nó cũng không buồn khi người ta cho nó là thiếu suy nghĩ hay thiếu cân nhắc, vì tình yêu biết rằng chỉ có một cách đo lường là vượt qua mọi sự đo lường. (Thánh Âu-tinh).

*

Khi một người bàng quang xa lạ có thể nhìn vào tâm hồn bạn và người ấy phải la lên: “Ô! Bạn điên rồi!”. Lúc ấy, bạn biết rằng bạn đã yêu mến Chúa Giêsu như Chúa đáng được yêu. Ai có tai để nghe thì nghe! Một tình yêu như thế làm cho bạn thắng vượt tất cả mọi nhục nhã, mọi thiếu thốn, cực phiền, vì nó vươn cao lên khỏi đỉnh chóp của mọi sự. Tình yêu ấy được nhìn biết nhờ hoa quả của nó.

*

Tình yêu tin cậy gồm những yếu tố nào? Nhiều lắm! Nếu thực sự bạn yêu mến Chúa, bạn sẽ nghĩ đến Chúa thường xuyên. Tâm hồn bạn tự nhiên thúc đẩy bạn đến với Chúa.

Nếu bạn yêu mến Chúa, bạn sẽ ao ước gặp gỡ Ngài ở lại lâu giờ với Ngài nơi nhà tạm hay trong thâm cung lòng bạn. Những cuộc gặp gỡ ấy xem ra vẫn ngắn và bạn phải cực chẳng bằng đã chấm dứt chúng.

Nếu bạn yêu mến Chúa Giêsu, bạn sẽ không bỏ qua một cơ hội nào  để tỏ tình với Ngài. Tình yêu cần nói đi nói lại, vì mỗi lần lặp lại, tiếng yêu sẽ được, tiếng yêu sẽ được đổi thành một âm điệu mới và như thế, luôn luôn là mới mẻ như lần đầu mới nói thương nhau. Và hạnh phúc biết bao!

Nếu bạn yêu mến Chúa Giêsu, bạn sẽ không thích trò chuyện với ai ngoài Chúa. Nói chuyện với người khác so với việc chuyện trò với Chúa Giêsu như một nỗi buồn, vì niềm vui bạn sẽ nếm được trong câu chuyện với Chúa Giêsu trong nguyện cầu. Có lẽ đối với người khác, bạn sẽ thấy thời gian trôi qua chậm chạp, nhưng với Chúa, bạn sẽ thấy thời gian bay nhanh.

Nếu bạn yêu mến Chúa Giêsu, hành động của bạn sẽ là chứng từ của tính cách đích thực và chiều sâu của tình yêu bạn, vì tiếng nói sẽ không đủ cho bạn. Chứng từ đích thực của tình yêu, bạn sẽ trưng ra bằng hành động.

Nếu bạn yêu mến Chúa Giêsu, không một hy sinh nào làm bạn tháo lui. Khi bạn muốn làm đẹp lòng Ngài. Quả thật, hy sinh là trung tâm của tình yêu và không ai có thể không cần đến nó. Vì thế, chịu đựng hy sinh cho Chúa Giêsu yêu dấu phải chăng là một niềm vui.

*




 

Bài số 34: Đức Ái và trông cậy (tiếp)

 

Sau cùng tay trong tay có nghĩa: Nhận và bạn trả lại bằng sự tín nhiệm của bạn lấy sự tín nhiệm của Chúa Giêsu. Đúng thế, thật là một điều đáng kinh ngạc là Chúa Giêsu có thể tín nhiệm vào một người tội lỗi và hèn mạt như bạn. Nhưng Ngài đang làm như thế và chứng tỏ sự tín nhiệm của Ngài đối với bạn bằng nhiều cách, và những cách ấy đến một chóp đỉnh là sự tận hiến mình trong Bí tích Thánh Thể. Chớ gì sự tin cậy của bạn đáp trả lại sự tín nhiệm của Ngài trong mọi lúc và dù giữa những giông tố của lắng lo, trong kinh nghiệm đau thương của cơn quẩn bách, ngay cả trong những lúc lỗi phạm, sự tin cậy ấy vẫn bền vững và cứng rắn không lay chuyển được. Điều hay nhất là trong những lúc ấy, bạn hãy kể lại cho Chúa Giêsu những đau khổ của bạn, thú nhận những yếu đuối của bạn, và tỏ thật những lỡ lầm của bạn, vì như thế, bạn tỏ ra tuyệt đối tính nhiệm Ngài, dù trong suốt cuộc đăng trình trần thế, bạn vẫn là người làm cho Ngài thất vọng. Điều này là một sự thật, dù tình yêu của bạn đối với Chúa Giêsu vẫn nồng nàn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn không bao giờ thiếu vắng cho bạn, luôn mãi là người Samari thần linh, băng bó những vết thương của bạn, chữa lành và phục sức cho bạn. Hãy tin cậy nơi Ngài và như thế, càng ngày càng hơn.

*

Càng phó thác cho tình yêu Chúa, bạn càng tiến nhanh trên con đường hoàn thiện, không phải như loài bò sát nhưng là như chim phượng hoàng.

*

Đôi khi bạn có cảm tưởng là tâm hồn bạn giống như một khu rừng hoang mà những khuynh hướng xấu đan vào nhau như những dây leo, mà những lời trách móc của lương tâm làm mù tối, và nơi đó, những đam mê lúc nhúc như một đám dã thú. Cần phải đem xuổng cuốc để khai hoang cả khu rừng ấy không? Nói cách khác, bạn có cần tấn công vào những nết xấu, nhổ rễ và bứng gốc chúng bằng cách thực hành những nhân đức đối nghịch lại không? Phương thức ấy cũng không vô ích, nhưng lâu dài và thường là bấp bênh vì nó đòi hỏi nhiều cố gắng lâu bền, và có thể làm bạn mệt mỏi và sau cùng là chán nản có thể bỏ phế tất cả. Có một phương thức hữu hiệu hơn và căn bản hơn để khai hoang một khu rừng là phóng hỏa. Đối với linh hồn bạn, chỉ cần nhen nhúm lại tình yêu của bạn đối với Chúa Giêsu. Chớ gì ngọn lửa ấy lan rộng ra, và không có giới hạn nào cả, và bạn sẽ ngạc nhiên trước những tiến bộ của bạn trên con đường thánh thiện.

*

Con hoàn toàn phó thác trong tay Chúa, không dành lại điều gì và cũng không lo lắng. Con trao trọn vận mệnh của con trong tay Chúa. Xin Chúa hãy là hiện tại và tương lai của con, và cũng là dĩ vãng của con mà con đã thành công. Xin Chúa đừng để ý gì đến những ý thích riêng của con, vì trong bức thả thạch mà Chúa đang kiên tạo, và trong đó con chỉ là một viên đá nhỏ thôi, Chúa có thể tìm cho con một chỗ đứng thích hợp. Con chỉ cần nằm trong tay Chúa thôi. (Một tác giả vô danh).

*

Dù bạn có yêu mến Chúa như một thiên thần đi nữa, hãy công nhận rằng… cũng còn quá ít.

*

Hướng thẳng về tình yêu Chúa là một cuộc mạo hiểm tuyệt vời; phó thác cho tình yêu Chúa là một câu chuyện hay nhất và chìm mất trong đó là một thành công rực rỡ.

*

Để viết trên phần mộ của bạn:

“Mòn mỏi vì tình yêu Chúa chứ không kiệt sức vì bệnh tật”.

*

Sống chung với nhau là một điều kỳ diệu và yêu nhau là một sự huy hoàng tuyệt đối, khi một trong hai người là… THIÊN CHÚA.





 

Bài số 35: Đức Ái và trông cậy (tiếp)

 

Vì tình yêu của bạn thuộc trọn về Chúa Giêsu mà thôi, bạn đừng để cho những vật phù phiếm trần gian chiếm lấy hay hấp dẫn bạn. Đừng yêu tạo vật nào nữa vì bạn phải yêu một mình Chúa mà thôi. Yêu Chúa Giêsu, điều đó sẽ đem lại cho đời bạn ý nghĩa và giá trị. Ngoài Chúa không ai xứng đáng chiếm hữu quả tim bạn, vì tình yêu của Chúa Giêsu không bao giờ chết được, Ngài hiện hữu đời đời. Đối với Chúa, chính xác, có thể nói rằng bạn chỉ sống để yêu mà thôi.

*

Linh hồn nào kết hiệp với Chúa là như một bàn thờ tỏa hương yêu.

*

Chúa Giêsu đã nói với bạn: “Ta đến để đem lửa xuống trần gian và Ta mong thấy nó cháy bùng lên.” (Lc 12,49). Ngọn lửa thần linh ấy có đốt cháy tâm hồn bạn chưa? Muốn biết điều đó, chỉ cần đặt câu hỏi: “Tôi thích cái gì nhất?” hay là: “Đâu là những gì tôi yêu thích?” Bạn hãy cố làm thế nào để câu trả lời duy nhất là Giêsu mà thôi.

*

Một đàng, bạn nhìn thấy những con người hoàn toàn bận bịu vì những của cải trần thế chóng qua, và đàng khác, bạn là người đã tự hiến cho Chúa Giêsu, bạn vẫn lạnh nhạt và lãnh đạm với Ngài là một thiện hảo quí báu nhất, đáng yêu nhất, cao đẹp nhất trần gian. Vậy say mê những phù phiếm  hay  mê say những vẻ yêu kiều của bạn tình của tâm hồn bạn, điều nào dễ hơn? Hỡi người tín hữu đã chịu phép Thêm Sức, bạn chưa biết cả đến a,b,c, của tình yêu thần linh nữa, bạn cầm lửa tình yêu Chúa Kitô trong tay mà bạn không bốc cháy, Chúa Giêsu van nài quả tim bạn và bạn vẫn điềm nhiên từ chối. Ngày lúc này, Chúa vẫn còn kêu gọi bạn. Bạn nên biết rằng không có người nào đã ân hận vì đã tận hiến cuộc đời mình cho Chúa Giêsu. Tận hiến cho Chúa Giêsu không bao giờ thua thiệt. Bạn hãy sống một lòng, một ý với Chúa Giêsu.

*

Muốn sống thân mật với Chúa Giêsu và được Ngài tín nhiệm, bạn phải chống lại một cách cương quyết tất cả những ý tưởng và lời nói vô ích.

*

Những đặc điểm của sự thánh thiện đích thực chắc chắn sẽ hiển hiện trong đời sống của người yêu mến Chúa Giêsu. Quả thật tình yêu gìn giữ chúng ta khỏi tội lỗi hơn là sự sợ hãi, và hơn hết, tình yêu đầy tin cậy nhanh chóng đưa chúng ta đến sự trở lại vẹn toàn. Tình yêu ấy đưa Chúa Giêsu đến, vì Ngài là tinh thần của Chúa Thánh Thần. Không có Ngài, linh hồn sẽ không thể nào tiến được trên con đường thánh thiện. Nhưng với Ngài, tâm hồn bạn sẽ đạt đến tinh thần Kitô giáo tinh tuyền một cách nhanh chóng, được cấu tạo bằng lòng yêu mến sự đau khổ, thinh lặng trước những sỉ nhục và sự khao khát chịu mọi nhục nhã. Sau cùng, tình yêu tin cậy đó thiết lập tâm hồn bạn trong trạng thái ăn năn trọn vẹn và loại trừ mọi tội lỗi, kể cả những tội nhẹ.

*

Như Đức Maria, bạn hãy dành tất cả sự tinh túy của tâm hồn và quả tim bạn cho Chúa Thánh Thần.

*

Bạn đừng hài lòng vì đã yêu mến Chúa, phải si tình mới đúng.

*

Người nào có thể đọc được trong quả tim bạn, phải đọc thấy tên GIÊSU ở đó.

*





 

Bài số 36: Đức Ái cao thượng

 

Thiên Chúa không chấp nhận chia sẻ trái tim bạn cho người khác. Ngài muốn tình yêu của bạn nguyên vẹn và không điều kiện cho một mình Ngài mà thôi.

*

Thà chết chứ không hoàn toàn thuộc về Chúa, khẩu hiệu đẹp biết bao cho bạn!

*

Nếu bạn yêu mến Chúa đến tột cùng khả năng của bạn, bạn sẽ tiến triển trong sáu tháng hơn hai mươi năm khi theo một đường lối khác.

*

“Chớ gì Nước Cha trị đến”, phải là ước mơ sôi nồng nhất của bạn, điều khấn nguyện tha thiết nhất và tình yêu nồng cháy nhất của bạn. Chính lúc đó,bạn mới khao khát việc kết hiệp với Chúa.

*

Trong một cuộc sống liên kết mật thiết với Chúa Giêsu, tránh tội trọng chưa đủ. Bạn cũng không thể chịu được sự khô khan hay sự vô tình trong tim bạn, vì, trong cuộc sống kết hiệp này, cần để cho Đức Ái bao bọc và tràn ngập mọi sự.

*

Vào bất cứ lúc nào, vào lúc bạn đang bận công việc gì đi nữa, Chúa Giêsu hỏi bạn: “Tại sao con làm việc này?” và chắc chắn Ngài sẽ nhận được câu trả lời mà Trái Tim Ngài đang mong đợi: “Vì con yêu mến Chúa”.

*

Định luật của Đức Ái đòi buộc rằng tất cả mọi sự nơi bạn đều phải quy hướng về Chúa, những ước muốn, những niềm hy vọng, những nỗi sợ hãi, những khổ cực và cả những niềm hạnh phúc.

*

Phải tuyệt hảo chứ không chỉ tốt bình thường! Chỉ có Đức Ái mới thực hiện điều đó trong bạn. Vì, thực ra, mọi người đều mong đợi điều đó nơi bạn. Đúng vậy, thế gian rất khắc khe đối với người tín hữu. Nó lôi kéo người tín hữu vào sự chểnh mảng, nhưng không tha thứ cho họ khi họ đầu hàng, khi họ tỏ ra thiếu kém hay sa đọa. Thế gian nghi kỵ người Kitô hữu và thường đối nghịch với họ, nhưng ít ra, họ mong thấy những người này sống đúng theo lý tưởng của mình. Tuy không nói ra, thế gian cảm thấy rằng “ân sủng và ơn cứu rỗi” sẽ được ban cho họ nhờ những tâm hồn hoàn toàn tận hiến cho Chúa mà thôi, và dù họ có sa đọa đi nữa, thế gian không thể không cần đến sự hăng say của Đức Ái của bạn.

*

Với một ý hướng đạo đức, một đà tiến hăng say và một sự can đảm hoàn toàn, bạn sẽ làm cho ân sủng trong tâm hồn bạn toàn thắng.

*

Khi đã quyết tâm trở thành người tín hữu trăm phần trăm, và sống hoàn toàn theo Tin Mừng, bạn không thể cho phép mình sống không suy nghĩ hay lơ đảng. Bạn phải cho mình một lý tưởng cao đẹp, hướng ý chí bạn một cách bền vững và hãy tỏ mình xứng đáng với công việc mà Chúa trao cho bạn, đó là nên thánh. Với Đức Ái bạn sẽ thực hiện được, vì Đức Ái không chấp nhận một hạn chế nào và nó sẽ không bao giờ nói: “Đủ rồi”. Vì Đức Ái luôn hướng tới phía trước, bạn chỉ cần làm đúng những gì nó đòi buộc để thực hiện trong thực tế lý tưởng “Tất cả hay là không gì cả”.

*

Bạn càng tự hiến cho tình yêu, tình yêu sẽ thiêu đốt bạn.

*

Để cho Đức Ái thực sự thiêu đốt bạn, bạn hãy làm mỗi việc, trong từng chi tiết, với một sự hăng say nồng nhiệt. Vì những chi tiết vẫn xuất hiện mỗi lúc, bạn có thể bỏ qua những từ “trước” và “sau” để chỉ chăm chú đến cái “bây giờ”, hầu kiện toàn nó với một lòng bác ái cao độ khả thi.

*




 

Bài số 37: Lời kinh phó thác

 

Lạy Chúa, xin làm cho con luôn theo đường lối Chúa một cách mù quáng, không biết Chúa dẫn con đi đến đâu. Con không là con Chúa sao?

Lạy Cha của sự Khôn Ngoan, Cha cũng là cha của con, dù Cha có để con phải đi trong đêm tối, Cha vẫn dẫn con đến với Cha.

Xin Cha ban cho con những gì Cha muốn, con chấp nhận tất cả, chớ gì con phải sống suốt đời mà không được một chút an ủi nào. Lạy Chúa, xin làm cho ý Chúa được thực hiện, và nếu trong sự yên lặng của tâm hồn, Chúa gọi con vào hiến tế, xin nâng đỡ lòng can đảm của con, để con vâng theo trọn vẹn. Xin để con quên đi “cái tôi” của con, hầu con chỉ còn thuộc về Chúa mà thôi. (Edith Stein)

*

Không ai muốn để ngón tay mình vào ngọn lửa của một cây nến và để lâu hàng phút. Tình yêu của bạn với Chúa Giêsu có thiêu đốt cuộc sống của bạn như thế không? Tâm hồn của bạn chỉ thấy một mình Chúa Giêsu không, và thuộc về Ngài hoàn toàn không? Ngoài Chúa Giêsu, tất cả mọi thứ khác đều không còn giá trị nữa không? Chớ gì cuộc sống trần thế của bạn trở nên giống như ngọn đèn sáp gần quan tài của bạn có thể minh chứng một lần sau cùng rằng là bạn chỉ là lửa. Lúc đó, nếu được như thế, bạn sẽ chết vì yêu. Cái chết của bạn phải thực sự là một cái chết vì yêu, nhưng để được như thế, cuộc sống của bạn phải là một ngọn lửa.

*

Vì Đức Ái không biết đến ranh giới, nó không buồn nghĩ đến dư luận của người đời và không mất giờ trong những việc bàn luận vô ích để biết cái gì phải thực hiện. Nó đi thẳng vào mục tiêu và đi đến cùng. Khi nào, một người nào không đập bễ cái bình chứa đựng một cách cẩn thận cái “tôi” và không tự mình bỏ hết chính mình, họ không bao giờ hiểu được ý nghĩa, và cả tầm vóc của việc tự hiến hoàn toàn.

*

Những bộ óc hẹp hòi và những bộ óc buồn phiền luôn trở về với vấn đề cân đo. Họ không thể hiểu được sự rộng thoáng của tình yêu và nghĩ rằng người ta thêm thắt thái quá khi một tâm hồn mê say Thiên Chúa, cầu nguyện hàng giờ. Khi một tâm hồn nào, bị đè bẹp dưới tư tưởng về tội lỗi thế giới và về tội lỗi của chính mình, chấp nhận một cuộc sống đền tội, các Kitô hữu trung bình cho đó là không phù hợp, và khi nhiều tâm hồn sốt sắng miệt mài trong công việc cho Nước Chúa, những người khô đạo cho đó là điên khùng. Đúng vậy, những đầu óc hẹp hòi không thể hiểu được sự cao cả của Đức Ái. Còn bạn, ít ra bạn có thể hiểu được điều đó.

*
 





 

Bài số 38: Lời kinh phó thác (Tiếp)

 

Lời kinh này phải:

- Không mệt mỏi và không bao giờ ngừng trước khi đạt đến mục tiêu cuối cùng;

- Không vết nhơ, tự do không ích kỷ và không dính bén đến một vết nào của tinh thần thế tục;

- Thâm sâu, hầu đạt đến sự hiệp nhất toàn vẹn với Chúa;

- Không biên giới, để có thể lớn lên luôn mãi;

- Nóng sốt, hầu khắng khích với Chúa một cách vẹn toàn;

- Bất khuất, để sự hăng nồng của nó vượt qua mọi trở ngại; và sau cùng,

- Không thỏa mãn bao giờ, hầu cơn khát Thiên Chúa của nó luôn được kích động.

*

Bạn đã từ lâu ởm ờ với Thiên Chúa thay vì cương quyết và đi thẳng vào mục tiêu. Bạn đã trưởng thành rồi theo tuổi tác và dáng vóc. Trong tâm hồn bạn chỉ là một người lùn. Phải tránh những khúc quanh, và để chiến thắng, bạn phải dám. Con đường dẫn tới mục tiêu đích thực được mang tên là con đường tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu không thắc mắc, không lo lắng và không dành lại cho mình điều gì.

*

Để trúng số độc đắc, trước tiên phải trả giá vé số. Có nhiều người lưỡng lự khi phải trả mười đồng để mua tấm vé số. Tuy nhiên bao nhiêu đó có thấm gì với hành tỷ đồng khi trúng số? Đúng vậy, trong cuộc xổ số, chắc gì bạn sẽ là người trúng lô độc đắc? Nhưng khi nói về con đường trọn lành thì khác hẳn. Ở đây, bạn cũng phải đầu tư. Nó là đây: Từ bỏ trọn vẹn mọi ích kỷ, nhưng khi bạn đầu tư thì bạn sẽ có lợi chắc chắn. Vậy tại sao bạn ngại ngùng? Hãy bỏ đi những né tránh nửa vời, vì sự thánh thiện đòi hỏi mọi hy sinh.

*

Tình yêu Chúa là chuyên chế. Nó đòi hỏi quả tim của bạn với mọi nhịp của nó, tinh thần của bạn với mọi ý tưởng của nó, mọi cơ năng của bạn với mọi cảm nghiệm của chúng và sau cùng là tâm hồn bạn với tất cả mọi cơ năng của nó. Nếu bạn chấp nhận sự hiến dâng này, Thiên Chúa sẽ đáp lại bằng chính những khả năng vô biên của Ngài.

*

Tránh xa những lỡ lầm chưa đủ đối với sự trọn lành, phải có đà tiến và sự bền chí trong Đức Ái nữa.

*

Cho đi hết là phương thế duy nhất để đi đến cùng trong tình yêu.






 

Bài số 39: Lời kinh phó thác (tiếp)

 

Linh hồn nào đã đi sâu vào việc từ bỏ, nhưng không đến cùng, vì nó dành lại cho mình một thiện hảo nào đó, sẽ tự mình không thể nếm hưởng nơi mình những hoa trái thần linh của Chúa Thánh Thần.

*

Khi nào tình yêu Chúa của bạn chưa trở nên một nguồn đam mê Thiên Chúa, bạn không bao giờ có thể làm việc gì quan trọng, vì tình yêu chỉ có thể chiến thắng khi nó trở thành nguồn đam mê của cuộc đời bạn.

*

Chớ gì người ta không nói: “tình yêu là thái quá”. Đó chính là định luật thẩm sâu của nó, nhất là khi nó liên hệ đến Thiên Chúa. Trong tình yêu đối với Thiên Chúa, không thể nào đi quá xa được.

*

Từ nơi bạn đến Chúa Giêsu, đây là khẩu hiệu của bạn: Ngài đã ban cho tôi tất cả; tôi sẽ dâng cho Ngài tất cả.

*

Tất cả những gì đối nghịch với tình yêu toàn vẹn phải biến mất. Đó là điều quá rõ.

*

Thiên Chúa tự ban mình cho tâm hồn theo mức độ tâm hồn tự hiến cho Chúa.

*

Đức Ái, đó là điều phải rõ nét trong cuộc sống của bạn.

*

Những người công giáo “tốt” yêu mến ít và cho đi ít, những người “tốt hơn” yêu khá hơn và cho đi thật nhiều, nhưng những người “trọn lành” yêu không bờ bến và cho đi tất cả. Chỗ đứng của bạn phải thuộc hạng cuối cùng này.

*

Ai sợ nước sẽ không thể là một thủy quân và người nào “bò sát” không thể là một phi công được. Trong lãnh vực thiêng liêng cũng thế. Người nào chóng mặt khi nhìn thấy chiều sâu hay chiều cao của sự thánh thiện thì không thể đạt đến đức ái toàn vẹn được.

*

Hãy nhận rằng người ta có thể vượt qua bạn trên nhiều lãnh vực, nhưng đừng bao giờ chịu cho người khác vượt qua bạn về phương diện đức ái.

*

Ngoài Chúa, bạn có thể yêu nhiều người và nhiều sự vật, với điều kiện là yêu trong Chúa và Chúa.

*

Kho tàng của Đức Ái chỉ có thể có được bằng cách cho đi tất cả. Vì lẽ đó, Chúa gởi thử thách cho người công chính của Ngài, để chắc rằng họ yêu mến Chúa hơn hết mọi sự.

*

Khi bạn sống tình yêu càng lâu, không cực phiền nào có thể làm bạn suy sụp.

*

Tâm hồn của bạn phải mang lấy những dấu thánh của Chúa Kitô, nếu bạn muốn chống lại một cách hiệu quả sự hững hờ tôn giáo. Nếu nó không mang lấy những dấu vết đó, không ai có thể nhìn nhận bạn.

*



 

Bài số 40: Lời kinh phó thác (tiếp)

 

Linh hồn nào đã đi sâu vào việc từ bỏ, nhưng không đến cùng, vì nó dành lại cho mình một thiện hảo nào đó, sẽ tự mình không thể nếm hưởng nơi mình những hoa trái thần linh của Chúa Thánh Thần.

*

Khi nào tình yêu Chúa của bạn chưa trở nên một nguồn đam mê Thiên Chúa, bạn không bao giờ có thể làm việc gì quan trọng, vì tình yêu chỉ có thể chiến thắng khi nó trở thành nguồn đam mê của cuộc đời bạn.

*

Chớ gì người ta không nói: “tình yêu là thái quá”. Đó chính là định luật thẩm sâu của nó, nhất là khi nó liên hệ đến Thiên Chúa. Trong tình yêu đối với Thiên Chúa, không thể nào đi quá xa được.

*

Từ nơi bạn đến Chúa Giêsu, đây là khẩu hiệu của bạn: Ngài đã ban cho tôi tất cả; tôi sẽ dâng cho Ngài tất cả.

*

Tất cả những gì đối nghịch với tình yêu toàn vẹn phải biến mất. Đó là điều quá rõ.

*

Thiên Chúa tự ban mình cho tâm hồn theo mức độ tâm hồn tự hiến cho Chúa.

*

Đức Ái, đó là điều phải rõ nét trong cuộc sống của bạn.

*

Những người công giáo “tốt” yêu mến ít và cho đi ít, những người “tốt hơn” yêu khá hơn và cho đi thật nhiều, nhưng những người “trọn lành” yêu không bờ bến và cho đi tất cả. Chỗ đứng của bạn phải thuộc hạng cuối cùng nầy.

*

Ai sợ nước sẽ không thể là một thủy quân và người nào “bò sát” không thể là một phi công được. Trong lãnh vực thiêng liêng cũng thế. Người nào chóng mặt khi nhìn thấy chiều sâu hay chiều cao của sự thánh thiện thì không thể đạt đến đức ái toàn vẹn được.

*

Hãy nhận rằng người ta có thể vượt qua bạn trên nhiều lãnh vực, nhưng đừng bao giờ chịu cho người khác vượt qua bạn về phương diện đức ái.

*

Ngoài Chúa, bạn có thể yêu nhiều người và nhiều sự vật, với điều kiện là yêu trong Chúa và Chúa.

*

Kho tàng của Đức Ái chỉ có thể có được bằng cách cho đi tất cả. Vì lẽ đó, Chúa gởi thử thách cho người công chính của Ngài, để chắc rằng họ yêu mến Chúa hơn hết mọi sự.

*

Khi bạn sống tình yêu càng lâu, không cực phiền nào có thể làm bạn suy sụp.

*

Tâm hồn của bạn phải mang lấy những dấu thánh của Chúa Kitô, nếu bạn muốn chống lại một cách hiệu quả sự hững hờ tôn giáo. Nếu nó không mang lấy những dấu vết đó, không ai có thể nhìn nhận bạn.

*

 

 

Bài số 41: Một quả tim đầy nhân hậu

 

Người ấy không giàu khi có nhiều của cải, nhưng là người biết cho đi.

*

Sự lan tỏa của ảnh hưởng của bạn được đo bằng lòng yêu mến Chúa của bạn.

*

Không đâm rễ sâu vào tình yêu Chúa, bạn sẽ không thể giữ được sự trong sạch vẹn toàn của tình yêu tha nhân.

*

Bác ái của bạn phải thật vĩ đại lúc đó người nghèo mới tha thứ cho bạn khi bạn giúp đỡ họ (thánh Vincentê đệ Phaolô).

*

Nếu tình yêu của bạn bền đổ, dù không được đáp trả, lúc đó nó mới thực sự là bác ái.

*

Nếu bạn mua một quyển sách và bạn thích, bạn cũng muốn nó lan truyền. Cũng như thế bạn muốn Chúa được nhiều người yêu mến, nếu thực sự bạn yêu Ngài. (Spirago).

*

Khi dâng hiến cả cuộc đời bạn cho sự thánh thiện, sự hăng say của tình yêu Chúa nơi bạn sẽ đẩy bạn lên hàng đầu trong cuộc chiến cho phần rỗi các linh hồn. Bạn sẽ đi ngược lại với người chủ trương: “Tôi chỉ tìm tôi trong mọi sự, tôi sẽ hư mất!”

*

Người ta có thể là một nhà giảng thuyết mà không yêu mến Chúa. Người ta cũng có thể là một nhà hùng biện, nhà văn, nhà tổ chức, hay cái gì khác, nhưng không ai có thể là tông đồ nếu tình yêu Chúa không nồng cháy trong tâm hồn.

*

Đức Ái mà không có tinh thần truyền giáo, là không thể có được.

*

Nếu có nhiều bác ái, thì cũng sẽ có nhiều vị thánh và nhiều tông đồ.

*

Các tông đồ có thể làm cách mạng cả thế giới nếu họ yêu mến như họ làm việc và chịu khó. (Cha Matêô).

*

Bạn phải như một lò lửa phát ra những tia lửa yêu mến Chúa lan rộng trên những người khác. (Cha Schryvers).

*

Thiên Chúa tín nhiệm những người làm việc với thật nhiều tình yêu, chứ không tín nhiệm những người làm việc thật nhiều.

*

Những ai mà tâm hồn như những hỏa diệm sơn tình yêu, chỉ những người đó có thể đi sâu vào những huyền nhiệm của việc truyền giáo.

 





 

Bài số 42: Những con đường dẫn tới đức ái

 

Những điểm sau đây sẽ chỉ cho bạn con đường phải theo:

Hãy tránh một cách kỹ lưỡng tất cả những gì làm mất lòng Chúa Giêsu.

Luôn tập luyện làm những việc hy sinh nho nhỏ.

Luôn nhen nhúm ngọn lửa ước muốn yêu mến Chúa nhiều hơn.

Cố gắng suy niệm và cầu nguyện.

Chú tâm đến mọi dấu hiệu tình yêu mà Thiên Chúa ban cho trong suốt mỗi ngày.

Bám vào ý Chúa một cách chặt chẽ và trung thành.

Lặp đi lặp lại thường xuyên lời nguyện yêu mến Chúa.

Cầu xin và cầu xin mãi lòng yêu mến Chúa.

*

Ước muốn yêu mến Chúa sẽ đưa bạn đến yêu mến Chúa thật nhanh. (Thánh Phanxicô đệ Salê).

*

Không dựa trên sức mình và trên tất cả những gì không phải là Thiên Chúa, là phương tiện hữu hiệu nhất để được ngập tràn Đức Ái.

*

Mọi giây phút bạn dùng để kết hiệp với Chúa và trở nên một tâm hồn có chiều sâu nội tâm là những lúc hồng ân đấy.

*

Bạn phải tẩy sạch mọi rác rưỡi của tự ái, nếu bạn muốn thành một lò lửa yêu mến.

*

Chính khi rèn người ta sẽ thành thợ rèn, và khi yêu người ta mới trở thành kẻ si tình.

*

Tham dự thánh lễ thường xuyên, sâu đậm và sống động là trường dạy yêu mến Chúa tuyệt nhất.

*

Cầu xin tình yêu Chúa, cầu xin không ngại ngùng và liên tục là phương thế chắc chắn nhất để đạt được tình yêu.

*





 

Bài số 43: Ăn năn tội trong tình yêu

 

Việc ăn năn trọn hảo là một tình yêu chân thật và đích xác.

*

Bạn hãy thử tạo cho mình một tình trạng ăn năn trọn hảo.

Được ssinh ra từ tình yêu Chúa và được Chúa nâng đỡ, sự hối tiếc về sự xúc phạm đến Chúa đó

Gia tăng nơi bạn sự kinh tởm tội lỗi;

Loại trừ sự tệ mạt của tâm hồn bạn,

Làm giảm bớt lòng yêu thế gian,

Làm gẫy đổ những đam mê xấu xa,

Giúp bạn yêu thích những thực tại vĩnh cửu,

Giữ bạn trong tinh thần sám hối,

Làm cho bạn khoan dung hơn đối với những lỗi phạm của tha nhân,

Đưa tâm hồn bạn vào tâm tình khiêm nhượng,

Giúp bạn biết sử dụng ơn Chúa hơn,

Làm cho bạn biết Chúa nhiều hơn,

Thúc đẩy bạn vào con đường trọn lành

Làm cho bạn yêu thích thinh lặng và tịnh tâm;

Làm suy giảm sự tự tin bạn vẫn có nơi bạn, gia tăng lòng tin cậy nơi Chúa và

Giúp bạn thông dự vào cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu sâu đậm hơn. (Theo cha Faber).

*

Quá trễ, bạn mới bắt đầu yêu mến Chúa, và từ đó, biết bao thiếu sót trong tình yêu của bạn ! Như thế bạn có cần phải ăn năn thống hối không?

*

Nếu bạn muốn ăn năn thống hối, bạn hãy đến với Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu. Nơi đó, vì yêu thương bạn và vì phần rỗi của bạn, máu Ngài đã đổ ra trên mặt đất. Nhìn Ngài như thế, bạn sẽ dễ dàng hiểu rằng sự ăn năn của bạn sẽ không bao giờ quan trọng và cũng không thường xuyên cho lắm.

*

Đến khi nào chúng ta kinh hoảng khi nhìn thấy những sự nhục nhã chúng ta làm cho Thầy đáng yêu của chúng ta, lúc đó, chúng ta mới yêu mến Chúa thực sự.

*

Chuyển ngữ: Lm Trầm Phúc