24/06/2016
618
Chút tâm tình từ trang Thánh Kinh...














 

CHÚT TÂM TÌNH TỪ TRANG THÁNH KINH…

Lời Chúa trong thư Galat (Gl 3, 23 – 29)

23 Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mặc khải. 24 Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin. 25 Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa. 26 Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. 27 Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. 28 Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. 29 Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa.

Nói đến vấn đề tuyên xưng đức tin thì không thể quên những lời thư của Thánh Phao-lô gửi các giáo đoàn, bởi chính ngài đã được thử thách triệt để qua biến cố Đa-mát, từ một kẻ mắc bệnh “mù nội tâm” (mù quáng tin tưởng vào giáo huấn của các bậc thầy về Lề luật Do-thái, chuyên đi lùng giết các người theo Ki-tô) đã trở nên một tông đồ dân ngoại kiệt xuất rao giảng về Đấng Cứu Đô Giê-su Ki-tô. Thánh nhân đã để lại một gia tài to lớn là các thư gửi các giáo đoàn mà trong đó luôn nhấn mạnh đến vấn đề thiết thân của ngài cũng như của các tín hữu: Đó là vấn đề “Đức Tin”. Mà, đoạn thư (Gl 3, 26-29) là một minh họa.

Đức tin không phải là một vấn đề phức tạp. Những hoàn cảnh vốn phức tạp, nhưng bản thân đức tin lại rất đơn giản. Tin chính là biết - biết rằng Thiên Chúa là ai, biết rằng Ngài yêu thương chúng ta và muốn giúp đỡ chúng ta, biết rằng những lời hứa của Ngài là dành cho chính mỗi người chúng ta, biết rằng Ngài đáp trả lời cầu nguyện, biết rằng Ngài sẽ thực hiện cho dù sự hiểu biết ấy trái ngược với những hiểu biết thông thường của chúng ta. Đức tin chính là biết cho dù chúng ta có nhìn thấy gì hoặc nghĩ gì.

Thánh Phaolô nói: “Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ.” (x. Gl 3,23). Đặt lề luật vào đúng vị trí của nó xem: Lề luật là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Chẳng hạn: “Ngày Sabbát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbát” (x. Mc 2,27) – Luật giữ ngày Sabat nhằm giải phóng con người khỏi nô dịch chứ không phải trói chặt con người vào ngày Sabat. Đã là phương tiện thì phải nhằm phục vụ mục đích. Để đạt một mục đích thì không chỉ có một phương tiện duy nhất. Hơn nữa, khi không thể đạt mục đích hay đang đi lệch mục đích thì phương tiện không còn cần thiết và nhiều khi phải từ bỏ nó.

Nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ phớt lờ Thiên Chúa mà bo bo giữ các tập tục nhân loại chẳng hạn như việc họ dạy người ta về luật Corban: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Người hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa”(x. Mt 15,3-6). Khi người ta nói đến chuyện Môsê cho phép ly dị thì Chúa Giêsu đã khẳng định sự bất cập của nhân luật và Người tái khẳng định sự bất biến và tính bó buộc của thiên luật về hôn nhân bất khả phân ly (x.Mt 19,1-9; Mc 10,1-12).

Lề luật vốn được giao cho vai trò môi giới trong quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Người ta được quan hệ với Thiên Chúa hay bị cắt đứt mối liên hệ ấy do tuân giữ hay không tuân giữ các điều khoản của Lề luật. Theo dòng thời gian, các luật sĩ và giới tư tế đã đề ra những điều khoản mà không phải ai cũng có thể tuân giữ được. Người ta không tuân giữ được, không phải vì thiếu thiện chí, thiếu lòng đạo đức, nhưng vì những điều kiện khách quan của cuộc sống, của nghề nghiệp không cho phép, nên quả thực, các luật sĩ đã khoá cửa Nước Trời đối với đông đảo thành phần trong dân Chúa.

Việc tuân giữ lề luật phải khởi đi từ thái độ chân thành bên trong tâm hồn. Cái bên ngoài là cách thế hữu hình rõ nét biểu lộ cái bên trong. Tuy nhiên không phải luôn luôn có sự đồng nhất về ý nghĩa giữa tâm tình bên trong và điều biểu lộ bên ngoài. Rất nhiều lần Chúa Giêsu phê phán thái độ giữ luật bằng hình thức bên ngoài mà thiếu sự chân thành bên trong tâm hồn. Người đã dùng hình ảnh “mả tô vôi”, bên ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong thì tanh hôi, để ví nhiều người giữ luật theo kiểu này. Ngưòi cũng đã dùng lời sứ ngôn Isaia để nhắc nhớ họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (x.Mt 15,7-8). Vậy chẳng phải thiếu niềm tin vào Thiên Chúa thì Lề Luật chỉ như mồ mả, tù giam con người sao? Đối với thánh Phaolô, thiếu niềm tin thì Lề luật chỉ là tù giam và là viên quản giáo, hạn chế tự do và trung thành theo tinh thần Thiên Chúa muốn.

Trong các mối quan hệ đời thường, khi ta đối diện với một ai đó, ta không thể biết họ là ai, làm nghề gì, từ đâu đến nếu ta không tin người đó, và hơn nữa, ta không có cơ hội đón nhận lòng tốt của người đó nếu ta không tin tưởng họ. Khi ta không sẵn sàng tin thì mọi sự đều đáng nghi ngờ, nghi ngờ cả đối với những thân nhân và ân nhân của ta, và thậm chí nghi ngờ cả chính ta. Lòng tin đảm bảo cho ta rằng, giữa những gì người khác nói, người khác làm, về cái nhìn nội tâm cũng như những xác tín bên trong của người đó có sự phù hợp với nhau. Chỉ nhờ tin mà ta mới hiểu biết sâu xa hơn về tha nhân và về cả chính mình.

Trong cách nhìn Công giáo, Đức tin là sự con người tùng phục Thiên Chúa với lòng tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Người, là sự gặp gỡ đích thân mỗi người với Chúa, đồng ý với các chân lý được mạc khải trong Thánh Kinh và sống theo Giáo lý được Giáo Hội sống và tuyên tín. Đức tin Công giáo sẽ trả lời cho những vấn nạn về Ý Nghĩa của cuộc nhân sinh. Và chỉ nhờ tin vào Thiên Chúa là Tình Yêu mà con người mới nhận ra được sự hữu lý của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chính mỗi người và cho cả vũ trụ này. Và nhờ tin, con người đến cùng Thiên Chúa, được giải phóng để sống tự do và “thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật” (x. Ga 4,2).

Nhìn vào đời sống văn hóa và đạo đức xã hội, ai nấy đều nhận ra mối nguy hiểm hiển nhiên đang ăn sâu vào lối sống của nhiều người, đặc biệt là các người trẻ, đó là sự tương đối hóa mọi giá trị. Đối với những người trẻ hôm nay, niềm tin của họ vào những giá trị đích thực và phổ quát dường như đã bị đánh cắp; những giá trị đích thực và các chân lý phổ quát được xem như chỉ có ý nghĩa cá nhân mà thôi.Việc soạn thảo hệ thống pháp luật rườm rà chẳng ích chi cả nếu như niềm tin, lương tâm và sự nhạy cảm của lương tâm xã hội bị đánh gãy và bào mòn từng ngày. Thiếu đức tin, vô lương tâm thì lập pháp, tư pháp, hành pháp chỉ là viên giám hộ nghiêm khắc thiếu cảm thương, và không mang tình yêu Phụ Tử như Thiên Chúa với dân Người, vốn là yếu tố ràng buộc đôi bên trong tự do và tình yêu bằng lòng thương xót vô hạn.

Thánh Phaolô đã nói rõ ra sự thật là người ta chỉ có thể nhận được sự cứu rỗi bởi đức tin.  Được công chính hóa bởi đức tin khiến chúng ta được giao hòa với Đức Chúa qua Chúa Giêsu Kitô.  Không phải chúng ta tự đi đến với Đức Chúa, nhưng là Đức Kitô đã dẫn chúng ta tới Đức Chúa; chúng ta được ơn ấy qua sự chết và Phục sinh của Ngài. Như vậy, niềm hiệp thông hòa giải với Đức Chúa mà chúng ta có không phải trên căn bản Lề Luật có hệ thống do nhân trí tạo ra nhưng trên căn bản những gì Chúa Kitô đã thực hiện cho chúng ta, để chúng ta hân hoan trong niềm hi vọng được chiêm ngắm vinh quang của Đức Chúa Trời (x. Rm 5, 2). Chúng ta lại biết mình được Chúa yêu thương vì sống trong niềm tin vào Đức Kitô tử nạn và Phục sinh, niềm tin mà Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta, đã đem tình yêu Thiên Chúa đến đổ đầy trong lòng ta bằng tấm lòng thương xót đầy tình phụ tử (5:3–5).

Nếu có ai thắc mắc rằng ‘Làm thế nào mình biết được mình sẽ không bị thất vọng khi thoát ly khỏi Lề Luật vốn là nơi trú ẩn an toàn cho dân Đức Chúa qua thời Cựu ước? Làm sao để biết rằng Đức Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi hoạn nạn thử thách để hoàn thiện hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta qua Đức Kitô và sẽ đem chúng ta đến ơn cứu rỗi vĩnh viễn?’ Theo như thánh Phaolô đã quả quyết: nếu Đức Kitô không sống lại thì lòng tin của chúng ta sẽ trở nên hão huyền; thế nhưng, vì Đức Kitô đã sống lại cho nên chúng ta đã được cứu rỗi. Đức Kitô đã đến trả nợ thay cho ta, chuộc chúng ta khỏi cảnh làm tôi mọi của ma quỷ. Trong thư Galat và Rôma, thánh Phaolô nhấn mạnh tới sự tự do (giải thoát) mà Đức Kitô đã mang lại: tự do khỏi tội lỗi và sự chết, tự do khỏi Lề luật và sợ hãi, tự do để sống theo thần khí. Thư gửi Do thái thì nêu bật tư tưởng hy lễ và giao ước mới.

Thánh Phaolô đã định nghĩa cuộc sống của mình hướng về Đức Kitô: sống trong Đức Kitô, sống với Đức Kitô, sống cho Đức Kitô. Thánh Phaolô hiến trọn thân mình cho Đức Giêsu là Chúa với tất cả lòng tin, tức là ngài đã hiệp thông cách mầu nhiệm vào sự chết và sự sống lại của Chúa, quyết định sống trong vương quyền của Ngài, quyết định một cách tự do không còn bị ràng buộc bởi Lề Luật nhưng bởi ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Giêsu là Chúa lẽ sống của đời ta, muốn sống cho Ngài chứ không còn sống cho ta nữa. Đó là bức tường thành vững chắc chống lại quyền lực của Ác thần ở trong ta cũng như ở ngoài ta.

Một khi đã trưởng thành trong ân sủng, nhân loại nhờ Đức Kitô đã trở nên đồng kế thừa có trọn quyền trên gia tài Nước Trời Thiên Chúa ban ho. Khi nại đến Lề Luật, chịu sự giám hộ của Lề Luật bao giờ cũng vẫn là non trẻ, được coi gần như nô lệ, và bị ràng buộc bằng đủ thứ luật lệ. Nhờ trưởng thành, được tự do trong sự tự do của Thánh Thần, và đã hưởng gia tài, là Thánh Thần mà Ðức Kitô Phục Sinh ban cho: “…bao lâu kẻ thừa tự còn là niên thiếu, thì không khác gì nô lệ, tuy nó là chủ cả mọi sự, nhưng nó phải ở dưới quyền bảo phụ và quản gia, mãi cho mãn hạn người cha đã định. Chúng ta cũng vậy, khi ta còn là niên thiếu, ta phải làm nô lệ dưới quyền những nhân tố trần gian. Nhưng khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài, sinh bởi người nữ, sinh dưới lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử. Mà bởi vì anh em là con cái, thì Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Ngài vào lòng anh em, Thần Khí kêu lên : Abba, lạy Cha. Cho nên ngươi không còn là nô lệ, nhưng là con, mà nếu là con, thì cũng là kẻ thừa tự thể theo ý của Thiên Chúa” (Gal 4, 1 – 7).

Đời sống mới trong Ðức Kitô thì cao thượng hơn nhiều, gần gũi, thực tế và giản đơn, nhưng chắc chắn là khó hơn nhiều khi không còn tự giới hạn mình trong Lề Luật nhưng buông mình theo Thần Khí, mà đôi khi lầm lẫn những thần khí không phải của Đức Kitô: “Đừng có thần khí nào cũng tin, nhưng hãy kiểm tra các thần khí, xem có phải bởi Thiên Chúa hay không” (x. 1Ga 3,22-24; 4,1-6).

Lề Luật, niềm tin và sự tự do giúp chúng ta thực sự thuộc về Chúa. Đây là điều không đơn giản, không dễ dàng. Chính sai lầm mù quáng trong nhận thức, trong chọn lựa, trong việc làm, đưa họ tới chỗ trở thành người thuộc về thế gian trong lúc không ngờ, tưởng mình tràn đầy tự do lại là lúc phóng túng sai lạc trầm trọng. Khao khát thuộc về Chúa một cách trọn vẹn đã là một điều không dễ. Phương chi phấn đấu vượt qua mọi trở ngại để thuộc trọn về Chúa một cách gắn bó, một cách trung tín, càng là điều không dễ chút nào.

Vấn đề đặt ra là phải làm hết sức mình để thuộc về Chúa một cách trọn vẹn và đích thực. Yên mến Đức Chúa yêu thương con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã nêu gương. Vì: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-23).

Với niềm tin, với Đức Kitô tôi giữ Luật bằng tâm hồn, bằng lương tâm, trong Thần Khí và Chân Lý chứ không phải chà đạp Luật. Vì “… đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời” (x. Mt 5,17-19). 

LM. Phanxicô Nguyễn Văn Thượng
Giáo phận Mỹ Tho