15/01/2023
865
Các Bài Giáo Lý Về Phân Định Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô_  Bài 14: Đồng hành thiêng liêng












 


 


Thứ Tư, ngày 04/01/2023
 

Bài 14
Đồng hành thiêng liêng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trước khi bắt đầu bài giáo lý này, tôi mời anh chị em hiệp ý với những người đang ở bên chúng ta để cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI, và tôi cũng muốn nhắc đến ngài, ngài là một bậc thầy vĩ đại về giáo lý. Tư tưởng chính xác và nhẹ nhàng của ngài không nhằm tô vẽ bản thân, mà là Giáo Hội, bởi vì ngài luôn mong muốn đồng hành với chúng ta đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và sống lại, Đấng hằng sống và là Chúa, là điểm mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã dẫn chúng ta đến, ngài dìu dắt chúng ta. Xin ngài giúp chúng ta tái khám phá nơi Chúa Giêsu niềm vui vì có được niềm tin và hy vọng trong cuộc sống.

Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta khép lại loạt bài dành cho chủ đề phân định, và chúng ta sẽ kết thúc với bài nói về những trợ giúp có thể và phải có để nâng đỡ việc phân định: đó là việc nâng đỡ tiến trình phân định. Một trong những việc này là đồng hành thiêng liêng, nó có tầm quan trọng trên hết để biết mình – biết mình là điều kiện phải có để phân định như chúng ta đã thấy. Một mình nhìn mình trong gương không phải lúc nào cũng có ích, như kiểu người ta chỉnh một hình ảnh. Thay vào đó, nhìn vào mình trong gương với sự giúp đỡ của một người khác, điều này hữu ích rất nhiều bởi vì người kia cho anh chị em biết sự thật – khi người ấy chân thật – và như thế giúp ích được cho anh chị em.

Ơn Chúa trong chúng ta luôn luôn hoạt động theo bản tính của chúng ta. Lấy dụ ngôn trong Tin Mừng, chúng ta có thể luôn so sánh ơn sủng với hạt giống tốt và bản tính với mãnh đất (xem Mc 4,3-9). Trước hết, điều quan trọng là cho biết về bản thân, không sợ chia sẻ những khía cạnh tinh tế nhất, là chỗ chúng ta thấy mình dễ tổn thương, yếu đuối hơn hoặc sợ bị xét đoán. Cho biết về bản thân, bộc lộ bản thân cho một người đồng hành với chúng ta trên hành trình cuộc sống. Đó không phải là người quyết định cho chúng ta, không phải: mà là người đồng hành với chúng ta.

Thật vậy, sự yếu đuối là kho tàng của chúng ta: chúng ta giàu sự yếu đuối, tất cả chúng ta, đó là sự giàu có thật sự mà chúng ta phải biết tôn trọng và tiếp nhận, bởi vì khi nó được dâng hiến cho Thiên Chúa, nó khiến chúng ta có khả năng dịu dàng, thương xót và yêu thương. Khốn cho những người không cảm thấy yếu đuối: họ khắc nghiệt, độc đoán. Thay vào đó, người khiêm tốn biết những yếu đuối của mình thì hiểu người khác nhiều hơn. Tôi dám nói rằng sự yếu đuối làm chúng ta thành người. Không phải ngẫu nhiên, cám dỗ đầu tiên trong ba cám dỗ Chúa Giêsu chịu trong sa mạc – cám dỗ liên quan đến cái đói – cố lấy đi sự yếu đuối của chúng ta, trình bày sự yếu đuối như một sự dữ cần phải tránh, một cản trở mình trở thành Thiên Chúa. Tuy nhiên nó lại là kho tàng giá trị nhất của chúng ta: quả thật, để làm chúng ta nên giống Ngài, Thiên Chúa đã muốn chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta đến mức tối đa. Hãy nhìn thập giá: đó là Thiên Chúa hạ mình xuống vào trong sự yếu đuối. Hãy nhìn cảnh Giáng Sinh, nơi đó Ngài đến trong sự yếu đuối lớn lao của con người. Ngài chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta.

Về sự đồng hành thiêng liêng, nếu biết ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần, sẽ giúp tháo cởi những hiểu lầm, ngay cả những hiểu lầm trầm trọng, trong việc tự lượng giá bản thân và tương quan của chúng ta với Chúa. Tin Mừng giới thiệu nhiều ví dụ về những cuộc trò chuyện với Chúa Giêsu đem lại sự soi sáng và giải thoát. Chẳng hạn, hãy nghĩ về những lời đối thoại với người phụ nữ Samaria, mà chúng ta đã đọc đi đọc lại nhiều lần, luôn có sự khôn ngoan và dịu dàng của Chúa Giêsu; hãy nghĩ đến cuộc đối thoại với Zakêu, hãy nghĩ về người đàn bà tội lỗi, hãy nghĩ đến Nicôđêmô, và các môn đệ Emmaus: đó là cách tiếp cận của Chúa. Những người thật sự gặp gỡ Chúa Giêsu không sợ mở lòng ra, để bộc lộ điểm dễ bị tổn thương, sự bất xứng, sự yếu đuối của họ. Bằng cách này, việc họ chia sẻ về bản thân trở thành một kinh nghiệm về ơn cứu độ, về ơn tha thứ đã được lãnh nhận cách nhưng không.

Kể lại những gì chúng ta đã sống hoặc đang tìm kiếm, trước một người khác, giúp mình thấy rõ, sáng soi nhiều tư tưởng đang ẩn bên trong chúng ta, chúng thường khiến chúng ta bất an bằng những điệp khúc dai dẳng. Biết bao lần, vào những lúc trống vắng, các tư tưởng như thế xuất hiện trong chúng ta: “Tôi đã làm hỏng mọi sự, tôi không xứng đáng, không ai hiểu tôi, tôi sẽ không thành công, tôi chỉ phải thất bại thôi”, biết bao nhiêu lần chúng bắt chúng ta nghĩ về những điều này. Những tư tưởng độc hại và giả trá ấy sẽ bị vạch trần khi trao đổi với một người khác, vì thế chúng ta có thể cảm thấy chúng ta được thương và có giá trị đối với Chúa vì con người của chúng ta, có khả năng làm việc thiện vì Ngài. Chúng ta ngạc nhiên khám phá mình có nhiều cách nhìn sự vật, nhìn thấy những dấu chỉ tốt lành luôn có đó bên trong chúng ta. Đúng là vậy, chúng ta có thể chia sẻ những yếu đuối của mình với người kia, với người đồng hành chúng ta trong cuộc sống, trong đời sống tâm linh, dù họ là một giáo dân hay một linh mục, và nói: “Coi, điều gì đang xảy ra cho tôi nè: Tôi là một người lầm lạc, tôi gặp phải những chuyện này”. Rồi người đồng hành trả lời: “Vâng, tất cả chúng ta đều gặp phải những sự ấy”. Việc này giúp chúng ta minh giải chúng rõ ràng, để thấy gốc rễ của chúng và nhờ đó mà thắng vượt được chúng.

Người đồng hành không thay thế Chúa, không làm thay việc của người được đồng hành, nhưng song hành với người ấy, khích lệ người ấy giải thích những sự đang khuấy động tâm hồn họ, là nơi tinh tế để Chúa ngõ lời. Người đồng hành thiêng liêng, mà chúng ta gọi là người linh hướng – tôi không thích từ này, tôi thích người đồng hành thiêng liêng hơn, từ này rõ hơn – họ nói: “Được rồi, nhưng hãy nhìn đây, hãy nhìn đây”, họ hướng sự chú ý của anh chị em đến những điều có lẽ anh chị em chỉ thấy lướt qua, họ giúp anh chị em hiểu rõ hơn những dấu chỉ thời đại, tiếng của Chúa, tiếng của tên cám dỗ, tiếng của những khó khăn mà bạn không thể vượt qua. Do đó, đừng đi một mình là điều rất quan trọng. Châu Phi có một châm ngôn khôn ngoan – vì họ có khả năng thần nghiệm của bộ tộc – nói rằng: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình; nếu bạn muốn đến nơi an toàn, hãy đi với những người khác”, đi với nhau, đi với những người của anh chị em. Đó là điều quan trọng. Trong đời sống tâm linh, tốt hơn là được đồng hành bởi một người biết chuyện của chúng ta và trợ giúp chúng ta. Đó là đồng hành thiêng liêng.

Sự đồng hành này có thể mang lại hoa trái nếu cả hai phía đều có kinh nghiệm về tình cha mẹ và tình gia đình. Chúng ta nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa vào lúc chúng ta nhận ra chúng ta là anh chị em, là con cái của cùng một Cha. Đó là lý do phải là thành phần của một cộng đoàn lữ hành. Chúng ta không một mình, chúng ta thuộc về một dân tộc, một quốc gia, một thành phố đang tiến triển, một Giáo Hội, một giáo xứ, nhóm này. . . một cộng đoàn tiến hành. Người ta không đi tới Thiên Chúa một mình: đi một mình sẽ không có hiệu quả. Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Như trong trình thuật về người bất toại, chúng ta thường được nâng đỡ và chữa lành nhờ đức tin của người khác (xem Mc 2,1-5), họ giúp chúng ta đi tới, bởi vì hết thảy chúng ta thỉnh thoảng bị tê liệt nội tâm và cần có người giúp chúng ta vượt qua xung đột đó, với sự giúp đỡ. Không ai một mình đến được tới Chúa, chúng ta hãy nhớ kĩ điều này; vào những lúc khác chúng ta là người phải dấn thân vì một anh chị em khác, chúng ta thành người đồng hành giúp đỡ người kia. Không có kinh nghiệm về tình cha mẹ và tình gia đình, sự đồng hành có thể nảy sinh những kỳ vọng không chân thật, những hiểu lầm, mang những hình thức phụ thuộc giữ người ấy trong tình trạng trẻ con. Đồng hành, nhưng phải với tư cách là những người con của Thiên Chúa và anh chị em với mình.

Đức Trinh Nữ Maria là bậc thầy phân định: Mẹ nói ít, nghe nhiều, và suy đi nghĩ lại trong lòng (xem Lc 2,19). Ba thái độ của Đức Mẹ là nói ít, nghe nhiều, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Trong ít lần Mẹ lên tiếng, Mẹ đều để lại dấu ấn. Ví dụ, trong Tin Mừng Gioan có một câu rất ngắn do Mẹ Maria nói như lệnh truyền cho các Kitô hữu ở mọi thời: “Ngài bảo gì các con cứ làm theo” (xem 2,5). Thật ngạc nhiên là có lần tôi nghe một bà rất tốt, rất đạo đức, bà không hề học thần học, bà rất đơn sơ. Bà nói với tôi: “Cha có biết Đức Mẹ luôn làm gì không?”. Tôi không biết, Mẹ ôm bà, Mẹ gọi bà. . .  “Không phải, Đức Mẹ làm cử chỉ thế này” [bà dùng ngón tay chỉ chỉ]. Tôi không hiểu, nên hỏi: “Làm vậy là làm sao?”. Bà cụ mới trả lời: “Mẹ luôn chỉ qua Chúa Giêsu”. Thật đẹp: Đức Mẹ không nhận gì vào mình, Mẹ chỉ qua Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bảo gì các con cứ làm theo: Mẹ là thế đó. Mẹ Maria biết Chúa nói với tâm hồn của mỗi người, và đề nghị chuyển những lời ấy thành hành động và lựa chọn. Mẹ làm việc này giỏi hơn bất cứ ai khác, thật vậy Mẹ hiện diện trong mọi thời khắc quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu, đặc biệt trong giờ phút cao điểm khi Chúa chết trên thập giá.

Anh chị em thân mến, chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý về phân định: phân định là một nghệ thuật, một nghệ thuật có thể học được và có luật riêng của nó. Nếu được học cho tốt, nó làm cho kinh nghiệm thiêng liêng được sống một cách có trật tự và tốt đẹp hơn nhiều. Trên hết, phân định là một ân ban của Chúa, mà chúng ta phải cầu xin luôn mãi, và không bao giờ tự mãn cho mình là chuyên môn. Lạy Chúa, xin ban cho con ơn phân định trong mọi lúc, việc con phải làm, điều con phải hiểu. Xin ban cho con ơn phân định, và cho con có người giúp con phân định.

Luôn có thể nhận ra tiếng Chúa; tiếng ấy có một kiểu độc đáo, đó là tiếng đem lại bình an, khích lệ và củng cố trong lúc khó khăn. Tin Mừng liên tục nhắc chúng ta: “Đừng sợ” (Lc 1,30), đây là lời thiên thần nói với bà Maria sau khi Chúa Giêsu phục sinh; “Đừng sợ”, “Đừng hốt hoảng”, đó là cách của Chúa, “Đừng sợ”. “Đừng hốt hoảng!”, hôm nay Chúa cũng nói với chúng ta như thế; “Đừng hốt hoảng”: nếu chúng ta tin vào lời của Người, chúng ta sẽ làm tốt vai trò của mình trong  cuộc sống, rồi chúng ta có thể giúp những người khác. Như thánh vịnh nói: Lời Chúa là đèn soi bước chân con, là ánh sáng chỉ đường con đi (xem 119,105).

Nguồn: Vatican.va

Chuyển ngữ: Nhục Tâm