06/07/2017
342
Bút ký triết học – 06_ Lm. FX Thượng


 

Không có con đường tắt nào đi đến hạnh phúc thực sự. Trái lại, hạnh phúc giả tạo có thể đạt được một cách nhanh chóng. Một lúc nào đó, chúng ta nghĩ rằng chúng ta hạnh phúc nhưng sau đó một cảm giác trống rỗng đang kiểm soát chúng ta và đôi khi, có những hậu quả bi thảm đi kèm với nó.

Một ví dụ điển hình là việc nghiện ma túy hoặc nghiện rượu, hoặc bất cứ thứ gây nghiện nào khác. Khi dùng những chất gây nghiện này, có thể chúng ta có được cảm giác cực kỳ phấn khích, nhưng điều này nhanh chóng qua đi. Sự mất mát đi kèm với trí phán đoán và trí năng sắc bén thường kết thúc trong sự trầm cảm. Quyến rũ và hưng phấn chỉ là hạnh phúc ảo và những ảo tưởng phù du của sự thỏa mãn nhất thời mà thôi.

Một ví dụ khác của hạnh phúc giả tạo đến từ cảm xúc mạnh, nó thường theo sau sự thất vọng trong những người không có tính quyết đoán. Không có cách lý giải hợp lý nào để giải thích những nguyên nhân gây nên làn sóng thất vọng như thế. Bệnh tật hoặc nghiện ngập không bao giờ có thể dẫn đến hạnh phúc thật sự. Tất nhiên dưới điều kiện này, một lúc nào đó, người ta có thể quên đi những bất hạnh của họ nhưng tính hay quên thì không hạnh phúc.

Ngay cả những cảm giác tuyệt vời của hạnh phúc và sự phấn chấn- thường trong một nhà tiên tri- có thể xảy ra trong một giai đoạn tiến triển của chứng rối loạn tâm thần. Tác giả Gérard de Nerval (1808-1855), người được biết đến như người bị chứng tâm thần phân liệt và tình trạng tâm thần định kỳ, chính ông ta mô tả theo cách này: “Tôi đã cảm giác như thể tôi đã biết mọi sự và mọi sự đã tỏ hiện với tôi, tất cả những bí mật của thế giới tôi đã hiểu trong những giờ phút hạnh phúc.” Triết gia Karl Jaspers (1883-1969) kể rằng: một lần có ai đó nói với ông: “Tôi thức dậy vào một buổi sáng với cảm giác tuyệt vời của việc được tái sinh. Niềm hạnh phúc thần linh ấy tôi đã cảm nhận được, cái cảm giác tràn ngập của sự hiện diện tự do đối với mọi sự thì thật là nhỏ nhoi.” Nhưng những cảm giác đó cũng là hạnh phúc giả tạo.

Hạnh phúc không xuất phát từ của cải và danh tiếng. Đức Hồng Y John Henry Newman mô tả chúng rất rõ ràng: Tất cả cúi mình trước sự giàu có. Theo bản năng, người ta tỏ lòng kính trọng của cải. Họ đo lường hạnh phúc bằng của cải; và họ đánh giá việc tôn trọng tư cách bằng của cải… Đó là tôn thờ ngẫu tượng bởi một niềm tin sâu xa rằng với của cải họ có thể làm mọi việc. Của cải chiếm vị trí thứ nhất và danh tiếng ở vị trí thứ hai trong số những điều được tôn sùng trong thời đại này. Danh tiếng, hoặc được thiên hạ nói đến nhiều- nó có thể được gọi là “nổi tiếng trên giấy báo”- tự nó đã được xem như là một điều tuyệt vời, và một sự kính phục hoàn toàn.

Hạnh phúc không phải là sản phẩm phụ của triết lý “nhiều hơn nữa”- như tiền bạc nhiều hơn, thoải mái hơn, tự do tình dục hơn, kích động nhiều hơn hoặc ngay cả nhiều kinh nghiệm tôn giáo hơn. Chúng ta luôn có cảm giác thiếu thốn và có nhu cầu muốn được nhiều hơn nữa. Những người thực hành theo loại triết lý này, trên thực tế họ là những người bất hạnh bởi họ luôn luôn không hài lòng với những gì họ đang có vì họ luôn luôn muốn có nhiều hơn nữa. Hãy đi và hỏi người nào đó đã trải qua một kỳ nghỉ đắt đỏ, những người xây một ngôi nhà đẹp, hoặc mua một xe hơi sang trọng. Người ấy sẽ nói với bạn không chút ấp úng về niềm hạnh phúc đã kéo dài một thời gian, nhưng nó thì không phải là “hạnh phúc thật.”

Phải thừa nhận rằng, nếu không có cảm giác thỏa mãn thì con người không thể có cảm giác hạnh phúc. Nhưng cảm giác thỏa mãn có được bằng cách nào là yếu tố cần phải xem xét để từ đó có thể kết luận người đó có hạnh phúc thật hay không. Tất nhiên, sự thỏa mãn sẽ đến khi con người thấy những nhu cầu của mình được đáp ứng đầy đủ và cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Song, tôi muốn nói đến khía cạnh nhầm lẫn của con người trong sự thỏa mãn, hay một trong những cách mà con người tìm thấy giá trị của mình, tìm thấy cảm giác thỏa mãn của mình là qua sự so sánh. So sánh có phải là cách để con người có được hạnh phúc thật sự không? So sánh là một động lực của cạnh tranh, của việc hoàn thiện các khả năng nhưng nếu con người đi tìm cảm giác hạnh phúc trong việc xác nhận mình có ưu thế với tất cả những đối tượng so sánh thì đấy chính là khuyết tật của con người khi nhận thức về hạnh phúc. Tại sao con người phải đi tìm một cách khổ sở như vậy sự hơn người của mình? Nhìn sâu hơn vào tâm hồn, chúng ta sẽ thấy mỗi người đều có những lúc như thế. Nếu chúng ta thua trong phép so sánh cụ thể này thì chúng ta đi tìm sự thắng ở trong phép so sánh cụ thể khác.

Hãy nghĩ về tất cả những tiến bộ mà chúng ta đã làm được kể từ Thế Chiến thứ II. Thu nhập của chúng ta có thể được tăng gấp ba lần. Kích thước ngôi nhà của chúng ta ít nhất cũng gấp đôi. Nhìn chung mỗi gia đình có hai xe hơi. Hiếm người trong chúng ta không có thiết bị công nghệ cao. Việc tiêu dùng ngày càng tăng. Nhưng chúng ta không thể nói rằng ở những nơi mà nhu cầu cá nhân được thỏa mãn, hạnh phúc đã đồng thời gia tăng. Thay vào đó, sự thất vọng dường như đã tăng lên và ở mức độ đáng báo động; cứ mười lăm người Mỹ thì có một người chịu đựng tình trạng trầm cảm nặng. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu được tiến hành gần đây do giáo sư Ronald Kessler thuộc Đại Học Y Harvard. Tiền bạc không thể mua được hạnh phúc. Những thứ thật sự quan trọng trong cuộc đời thì không được bày bán tại chợ. Daniel Kahneman, giáo sư Đại học Princeton nhận xét rằng: “Hoàn cảnh dường như không tác động nhiều đến hạnh phúc.”

Hạnh phúc thì không chỉ có niềm vui, sự ham mê vui thú, hay cảm giác được thỏa mãn. Hạnh phúc dường như nằm bên ngoài những thứ có thể đo lường, đong đếm hay cảm nhận được. Nó vượt qua lĩnh vực của tiền tài vật chất và những biến cố trong cuộc sống. Nó phụ thuộc vào việc chúng ta thực sự là ai hơn là phụ thuộc vào những gì chúng ta có. Khi chúng ta cảm nghiệm được điều này, ắt hẳn niềm vui sẽ đến trong chúng ta.

Hạnh phúc không phải là cảm giác thỏa mãn thuần túy và nhất thời. Thỏa mãn là một khái niệm bản năng. Nhưng hạnh phúc không phải là một khái niệm bản năng, hạnh phúc là một khái niệm văn hóa. Muốn biết mình hạnh phúc hay bất hạnh, con người phải có được các nền tảng văn hóa hay những kinh nghiệm về hạnh phúc. Đó chính là sự từng trải của con người trước các đối tượng có thể so sánh. Những giới hạn thấp làm cho con người thỏa mãn nhưng không làm cho con người hạnh phúc, bởi vì chỉ cần nhìn lên những giới hạn cao hơn, họ sẽ đau khổ. Vì thế, không vươn tới những sự thỏa mãn lớn hơn cũng có nghĩa là con người không phát triển các nhu cầu của mình, do đó con người không phát triển. Càng thỏa mãn một cách giản đơn bao nhiêu thì chỉ tiêu để xác lập sự chậm phát triển càng rõ rệt bấy nhiêu. Do vậy, chúng ta không nên hiểu sự thỏa mãn một cách đơn giản. Sự thỏa mãn cũng có các cấp độ của nó. Nếu để xác lập một mối liên hệ giữa hạnh phúc và sự thỏa mãn thì tôi cho rằng, hạnh phúc là năng lực biết thưởng thức và gìn giữ cho bền vững tất cả những gì tạo ra sự thỏa mãn. Và phát triển chính là phá vỡ mọi sự thoả mãn đơn giản.

Lẽ phải tâm hồn làm cho hạnh phúc trở thành một cảm giác phổ biến. Suy ra cho cùng, đời sống con người là một tập hợp các cảm giác, trong đó, hạnh phúc có mặt và cần phải có ở trung tâm của mọi cảm giác còn lại. Bởi vậy, chúng ta phấn đấu để khả năng hạnh phúc là phổ quát trong mọi trường hợp tương tác giữa con người với con người, hay làm cho hạnh phúc là cảm giác phổ biến trong đời sống tinh thần mỗi người. Nếu có công cụ để tìm ra hạnh phúc trong mọi sự tương tác thì công nghệ ấy cần phải trở thành công nghệ phổ quát, vì chính sự phổ quát của hạnh phúc tạo ra sự khuyến khích con người tiếp tục tồn tại và phát triển. Một con người hạnh phúc là một con người mà cảm giác hạnh phúc phổ quát trong đời sống tinh thần. Do đó, tôi mới nói rằng hạnh phúc không phải là một khái niệm bản năng, hạnh phúc là một khái niệm văn hóa, nó phải trở thành tiêu chuẩn cho sự đúng đắn của con người trong đời sống. Điều đó có nghĩa là con người phải biết tạo dựng hạnh phúc từ lẽ phải tâm hồn của mình.

Người hạnh phúc là người chủ động, người biết rất rõ lộ trình sống, lộ trình làm việc, lộ trình cống hiến, lộ trình thưởng thức của mình và người ta thưởng thức một cách hợp lý tất cả những yếu tố mà cuộc sống đem lại. Nội dung sống của con người là kiểm soát hàng ngày những gì mình chịu trách nhiệm và cái vĩ đại của một con người chính là sự bám riết lấy cuộc sống đó. Cuộc sống mà con người chịu trách nhiệm càng dài, càng rộng bao nhiêu thì con người càng vĩ đại bấy nhiêu. Cho đến cuối cuộc đời, con người sẽ tìm đến một miền triển vọng mới, đó là Chúa, là Thượng Đế. Miền triển vọng lớn nhất và vô tận nhất của con người chính là thiên đường. Con người tự tin vào giây phút mình từ giã cuộc sống chính là tin mình sẽ đến một miền cao thượng hơn cái miền đã có. Năng lực phát triển lớn nhất của con người chính là năng lực để đi vào các miền cao thượng của đời sống con người. Mà để thiết kế ra tương lai hay để có được năng lực triển vọng, con người phải có tự do.

Lm. FX Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho