19/07/2016
651
Bình an chiến thắng ác tâm_Lm Fx. Thượng

















BÌNH AN CHIẾN THẮNG ÁC TÂM

Cuộc sống xã hội hiện đại đầy dẫy sự ác, lẩn khuất như những bóng ma mà gây kinh hoàng, sụp đổ cho đời sống. Ác ngôn ngữ, ác hành vi, ác ý, tàn ác, ác độc… Thế mà, nhân loại đa phần dửng dung về sự tồn tại thực sự của cái ác. Đang sống với cái ác mà cố tình phớt lờ nó và rồi kinh hoàng khi nó lên tiếng từ hư không đến đời thực gây bao thảm trạng. Triết học Tây phương chấp nhận đặt vấn đề cái ác. Nghĩa là chấp nhận ý niệm có cái ác trong lòng mỗi con người. Đây là một vấn đề siêu hình và đạo đức lớn, cũng là của các tôn giáo lớn và các triết lý lớn. Đối với Kitô giáo, sự tồn tại của tội ác đi liền với tội tổ tông. Đó có phải là sự thực được chấp nhận rộng rãi không khi đa phần nhân loại không tin sự hiện hữu của Thiên Chúa? Không can hệ, sự kiện “tội tổ tông” này có thể hiểu bởi người không tin Thiên Chúa như biểu tượng có tính siêu hình về sự tồn tại thực sự của căn nguyên mọi sự ác, như cội cây già bất tử sinh vô số nhánh, quả. Khi tiêu trừ sự ác, người ta chỉ nghĩ đến việc chiết quả và tỉa cành. Sự ác không mất đi và căn nguyên của nó vẫn tồn tại ngay trong tâm hồn mỗi con người. Hãy thử gọi là “sự ác nguyên tổ – cội rễ mọi sự ác”.

Decartes, Lelbniz cho rằng suy tư cái ác trên nền tảng “tội tổ tông đặt ra một vấn đế đáng lo ngại. Những triết gia Kitô giáo, dòng suy tư của họ không vượt ra khỏi khuôn mẫu một Đấng Tuyệt Đối – Thiên Chúa Toàn Năng, từ ý niệm này, toàn bộ suy tư của họ xoay chiều quanh trục cố định. “Tội tổ tông” cũng là một sự kiện đi liền với ý niệm Thiên Chúa. Thiên Chúa tốt lành, toàn năng tiêu biểu cho trí huệ tuyệt đối và lòng nhân ái vô biên. Vậy, làm thế nào Người lại cho phép cái ác xuất hiện và tồn tại? Đó là một vấn đề đã đặt ra một rào cản không thể vượt qua cho các triết gia, cũng như cho các nhà thần học, và đã không được giải quyết thỏa đáng trong bối cảnh siêu hình mà nó được đặt ra. Tất cả giải pháp mà người ta đã đề nghị để vượt qua sự mâu thuẫn đó đều không thỏa đáng.

Triết học hiện đại cho rằng trên căn bản cái ác không hiện hữu. Con người là sinh vật có tư duy. Những sự dữ đều do bản năng sinh vật hạ đẳng. Tư duy hướng về chân thiện vì lẽ bản chất tối hậu của mọi tạo sinh là hoàn hảo. Sự hoàn hảo này vẫn nằm sâu trong lòng chúng ta và bị che lấp bởi dục vọng đê hèn và lòng tham lam vô bờ bến cũng như sự tối tăm mông muội của lương tri. Vấn đề cái ác thật khó giải quyết với những người xem sự sáng tạo như là công cụ của Thiên Chúa. Vì nếu như vậy ta sẽ xem Thiên Chúa như phải chịu tránh nhiệm về cái ác cũng như cái thiện.

Khi bàn về vấn đề này, tác giả Dominique Morin đã nói như sau: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người không những như một hữu thể có tự do và trách nhiệm hoàn toàn đối với cuộc sống của mình, mà còn là một hữu thể có khả năng sáng tạo nữa.”( x. Dominique Morin, Gọi tên Thượng Đế, Tủ sách chuyên đề, trang 74) Một khi Thiên Chúa đã ban cho con người có tự do, thì đồng thời Ngài cũng phải tôn trọng sự tự do của con người. Như thế cũng có nghĩa là Ngài phải chấp nhận những “rủi ro” và những “lạm dụng” khi con người sử dụng tự do của mình. Sự ác tồn tại bên ngoài Thiên Chúa, Thiên Chúa tự do, và con người cũng có tự do. Sức mạnh của sự ác chi phối thế giới vì ý chí tự do của kẻ mạnh. Khi xảy ra xung đột song phương, cái ác tồn tại trong tự do của cả hai phía. Mũi súng không bao giờ là lương thiện khi nhân danh sự thiện của bên này để bắn giết bên kia. Chỉ có sự hòa giải, tình yêu, hiểu biết và lương tâm trong sáng mới thắng được cái ác. Và, trớ trêu thay, nó lại nằm trong sự tự do của con người, hỗn độn thiện ác, giả chân.

Thật ra không có đối nghịch giữa cái thiện và cái ác, nó chỉ tùy theo cách chúng ta nhìn sự vật. Nó chỉ là một thứ ảo giác. Cái sai không thật có và cũng không phải là yếu tố tạo thành cái đúng. Cái ác chỉ là một sự sai lầm, cũng như một sự sai lầm là do nhận định sai thực tế. Sự lầm lẫn, sự thật tương đối trong đó chúng ta sống, là do một sự chia sẻ của sự thật vì lẽ chúng ta không nhìn thấy được y nguyên của sự vật và các hiện tượng.

Chính chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về các nỗi đau khổ của chúng ta. Chúng ta thừa hưởng quá khứ và làm chủ tương lai. Hơn nữa điều quan trọng không phải là khía cạnh siêu hình của cái ác và những đau khổ mà nó đem đến, mà chính là phương cách mà chúng ta khắc phục nó.

Thiên Chúa không phải là nguyên nhân sự ác, khi trạng thái quân bình lương tri ở con người đạt thành, như sự bình an của Chúa Kitô Phúc sinh, khi đó bạo lực mất đi. Bằng chứng là bạo lực không nằm trong tâm hồn bình an, sáng suốt có lương tri, vì lẽ bạo lực là cơn sốt mê man, hoang dại thể hiện con người bất lực trước khả năng yêu thương và cảm phục nên chỉ đem lại đau khổ vừa cho người bị hại, vừa cho kẻ hại người: “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang/ đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”.

Mơ ước sâu xa của con người là sống hạnh phúc. Và người ta đã chẳng nói, khi một người nổi cơn thịnh nộ là hắn đã quên mất mình hoặc là hắn không còn là con người của hắn nữa. Làm hả lòng căm ghét bằng cách giết một con người không bao giờ đem lại một sự an bình, một sự thoải mái mà chỉ là một cảm giác khoái trá ngắn ngủi. Trái lại, kẻ sát nhân luôn bị bấn loạn, lo âu và đôi khi còn đưa đến việc tự sát nữa.

Người ta cũng có thể trở nên vô cảm với tội ác giống như các trẻ em Phi châu mà bọn lính đánh thuê đã buộc các em phải giết hại người thân để tiêu diệt ở các em mọi nguồn cảm xúc và biến các em thành những kẻ giết người không gớm tay. Người ta thường bảo các tên sát nhân chuyên nghiệp là chúng không còn một chút gì thuộc về con người. Ngược lại, có những kẻ thù không đội trời chung bỗng chốc hòa giải được với nhau và họ sẽ cảm thấy cùng với một sự nhẹ nhõm là một niềm vui lớn. Bình an lành thiện đến từ lòng thương cảm, nhân từ đức độ và đầy tình yêu nhân loại.

Rouseau tin rằng con người vốn dĩ ác và chính xã hội mới biến nó thành thiện, nếu xã hội đó dựa vào luật pháp. Thỉnh thoảng có một vài mẫu xã hội khiến con người bớt đi cái ác. Vì sao? Vì cái ác là không hợp lý. Mọi nguyên nhân gây ra xung đột trên thế giới đến từ ý niệm người ta làm hại tôi và rồi căm ghét và thù hận đi theo liền đó. Vậy là ta cần làm chủ tư tưởng của ta, để chúng không phát triển khiến ta phải hành động sai quấy. Cũng giống như ta phải dập tắt ngay ngọn lửa khi nó phát khởi, trước khi cả khu rừng bốc cháy. Không đổ lỗi cho Thiên Chúa, không chạy trốn trách nhiệm của chính mình đã góp phần vào sự ác mỗi ngày do thói quen mất kiên nhẫn và thiếu tinh thần trách nhiệm trước tự nhiên và xã hội.

Nếu đau khổ luôn xuất hiện, cách duy nhất để thoát khổ là tái tạo lại con người. Kiến thiết sự bình an, xây dựng lại lương tri xã hội. Nhân loại cần được tái sinh bởi Thần Khí Bình An của Đức Kitô. Thần Khí Đức Kitô sẽ lan rộng từ cá nhân người môn đệ đến gia đình, đến làng xã và đến xã hội, làm cả khối bột dậy men Tin Mừng Bình An. Điều này có thể thực hiện được nếu mỗi người Kitô hữu biết cố gắng góp công sức, với tinh thần trách nhiệm đối với nhân loại, một nhân loại cần những chứng nhân cho nhân từ và đức độ, cho tình yêu và lòng thương xót như Đức Kitô.

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho