08/04/2020
2196
Đức Cha Phêrô suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2020


















 

ĐÓI KHÁT THÁNH THỂ

Thứ Năm Tuần Thánh

 

1. “Buồn quá cha ơi, không được đến nhà thờ dự lễ. Con cũng dự lễ trên màn hình nhưng vẫn thấy thiếu vắng!” Đó là tâm sự các linh mục được nghe khá nhiều trong những ngày này. Bên Mỹ, cả ngàn giáo dân ký vào Thỉnh nguyện thư xin các Giám mục cho linh mục dâng lễ với cộng đoàn; những giáo dân này còn đề nghị, để giữ “giãn cách xã hội” thì linh mục dâng lễ ở bãi đất trống và giáo dân dự lễ drive-thru, mỗi người lái xe tới đó, ngồi trong xe dự lễ!

Đúng là sáng kiến độc đáo nhưng xem ra bất khả! Dẫu sao những tâm sự trên cũng nói lên điều rất thật là sự khao khát Thánh Thể, khao khát được đến Nhà Chúa, cùng với linh mục và cộng đoàn dâng Thánh Lễ. Niềm khao khát ấy không chỉ là nhu cầu tâm lý, xã hội, nhưng phát xuất từ niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và chân lý ấy được đặc biệt nhấn mạnh trong Thánh Lễ Tiệc Ly, cử hành vào Thứ Năm Tuần Thánh.

 

2. Bài đọc 2 (1Cr 11,23-26) là một trong bốn trình thuật Tân Ước về việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể. Cũng như trong các trình thuật khác, dù có khác nhau về một vài chi tiết, Thánh Phaolô kể lại rất rõ: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi bẻ ra và nói: Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em… Người cầm lấy chén rượu và nói: Chén này là Giao Ước mới, lập bằng Máu Thầy”. Chúa Giêsu cầm lấy tấm bánh nhưng lại nói “Đây là Mình Thầy”, cầm lấy chén rượu nhưng lại nói “Đây là Máu Thầy”. Và chúng ta phải liên kết những cử chỉ này của Chúa với cuộc khổ nạn Người sẽ trải qua vào hôm sau, Thứ Sáu Tuần thánh, để thấy thực sự thân xác Chúa Giêsu đã bị đánh đòn, đóng đinh vào thập giá, bị lưỡi đòng đâm thâu, và tắt thở; để thấy thực sự Chúa Giêsu đã đổ máu ra như thế nào!

Vì thế đây không chỉ là biểu tượng nhưng là thực tại! Dù là lý thuyết thần học nào chăng nữa thì điều quan trọng là phải trình bày và giải thích cho đúng thực tại này, chứ không chỉ để thích nghi với thời đại hoặc hấp dẫn người nghe. Thế nên dù khó hiểu với con người thời nay, Hội Thánh Công giáo vẫn duy trì cách giải thích về Biến bản thể (trans-substantiatio) (GLHTCG số 1376). Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu thực sự hiện diện giữa chúng ta, mọi ngày cho đến tận thế; Chúa Giêsu thực sự là lương thực ban sự sống cho chúng ta, là của ăn đàng (viaticum) cho chúng ta trong hành trình đi đến Nước Trời.

Theo lời dạy của Chúa, các môn đệ phải “làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Nếu người Công giáo không còn “làm việc này”, nghĩa là không còn quy tụ với nhau để dâng Thánh Lễ nữa, thì ký ức về Chúa Giêsu, về giáo huấn và lối sống của Người, sẽ phai nhòa dần và có nguy cơ biến mất. Đây là thực tế đã và đang diễn ra ở một số nơi trên thế giới, những đất nước có cội nguồn văn hóa là Kitô giáo nhưng Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người ngày càng xa lạ, vì người ta không còn “làm việc này mà nhớ đến Thầy” nữa.

 

3. Hãy chấp nhận thực tế hiện nay: không được quy tụ đông người trong nhà thờ để dâng Thánh Lễ. Chấp nhận không phải để buồn phiền, chán nản, nhưng để nuôi dưỡng niềm khao khát. Cảm nhận thiếu vắng Thánh Thể có thể là cơ hội giúp chúng ta thấy rõ hơn và sâu hơn sự cần thiết của Thánh Thể trong đời sống đức tin, để Thánh Thể thực sự là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu Công giáo.

Nếu cảm nhận đó cần thiết cho mọi tín hữu thì lại càng cần thiết hơn cho linh mục. Nhiều khi vì bổn phận mục vụ đối với cộng đoàn, linh mục phải dâng lễ nhiều lần trong ngày, và vì thế, dễ trở thành máy móc. Khi giáo dân không thể đến nhà thờ dâng lễ, linh mục vẫn dâng lễ riêng một mình và đây chính là cơ hội tốt để linh mục dâng lễ với tất cả ý thức đức tin, để công việc linh mục làm in persona Christi thực sự thúc đẩy linh mục kết hợp và nên giống Chúa Kitô nhiều hơn, và mỗi ngày trở nên linh mục đúng nghĩa hơn.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm