10/06/2021
5310
Đức Cha Phêrô suy niệm LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU


 




















 

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Hs 11,1.3-4.5c.8a-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 19,31-37
 

ĐỂ TÌNH YÊU NGỰ TRỊ TRONG GIA ĐÌNH

   

 

1. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được Đức Giáo hoàng Piô IX thiết lập năm 1856 và ấn định cử hành hằng năm vào Thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Năm 1956, nhân kỷ niệm 100 năm thiết lập lễ Thánh Tâm, Đức Giáo hoàng Piô XII ban hành thông điệp Haurietas aquas, trình bày hai lý do nền tảng của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu: một là Thánh Tâm không chỉ là trái tim của một con người nhưng là Trái tim của Con Thiên Chúa nhập thể làm người, vì thế rất đáng được tôn thờ; hai là trong hầu hết các nền văn hóa, trái tim là hình ảnh và biểu tượng của tình yêu, cũng thế Thánh Tâm là biểu tượng của tình yêu vô biên nơi Thiên Chúa.

Năm 2021 lại được Đức Giáo hoàng Phanxicô chọn là Năm Gia Đình Amoris laetitia, kỷ niệm 5 năm ban hành Tông huấn Niềm Vui Gia Đình (Amoris laetitia), cũng là dịp để thúc đẩy mạnh hơn việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình. Như thế, mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Năm Gia Đình là lời nhắc nhở hãy để tình yêu ngự trị trong gia đình.

2. Tình yêu Thiên Chúa được trình bày ra sao trong các bài đọc Kinh Thánh?

Đó là tình yêu hi sinh đến nỗi hiến dâng mạng sống cho người mình yêu. Trong trình thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thánh Gioan ghi lại một chi tiết đắt giá: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34). Cũng chính thánh Gioan đã mở đầu trình thuật về Bữa Tiệc Ly bằng câu: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). “Máu cùng nước chảy ra” nghĩa là gì nếu không phải là dấu chỉ của “tình yêu đi đến cùng”?

Tình yêu Thiên Chúa còn là tình yêu tha thứ. Bằng thứ ngôn ngữ của con tim chứ không phải bằng lý luận, tiên tri Hôsê đã diễn tả tình yêu tha thứ của Thiên Chúa thật tuyệt vời: “Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm” (Hs 8ac-9). Còn thánh Phaolô thì nói: “Thưa anh em, tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo Tin Mừng cho các dân ngoại” (Ep 3,8). Khi ngài viết ra những lời này, hàm chứa trong đó là trải nghiệm hết sức sống động về ơn tha thứ của Thiên Chúa dành cho một kẻ đã từng công khai chống đối và bắt bớ Hội Thánh của Chúa.

Tình yêu Thiên Chúa cũng là tình yêu kiên nhẫn. Thiên Chúa chăm sóc dân Người có khác gì cha mẹ chăm sóc con cái: tập cho nó đi, đút cho nó ăn, nâng niu ôm ấp… Ấy thế mà dân vẫn không theo Chúa đến nỗi Ngài phải than thở: “Nhưng nó không chịu về với Ta” (Hs 11,5c)! Thế nhưng, không vì thế mà Thiên Chúa bỏ rơi dân Ngài.

3. Tôi tin rằng chính nơi gia đình mà chúng ta cảm nhận được tình yêu hi sinh, tình yêu tha thứ, tình yêu kiên nhẫn như thế. Dù vẫn nghe những tin không vui về đời sống gia đình như li hôn, bất hòa, bất hiếu… nhưng tôi tin rằng đó chỉ là thiểu số, còn phần lớn các gia đình vẫn là ngôi nhà của tình yêu chân thực, tình yêu hi sinh, tình yêu tha thứ, tình yêu kiên nhẫn.

Với các gia đình công giáo, tình yêu ấy không chỉ là tình yêu theo bản năng tự nhiên nhưng còn là bí tích, nghĩa là tình yêu vợ chồng trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với dân Ngài, tình yêu của Chúa Kitô với Hội Thành, đồng thời đôi bạn được Chúa ban ơn để sống tình yêu ấy. Chính vì thế gia đình Công giáo vừa là ngôi nhà thờ phượng vừa là mái ấm yêu thương.

Cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu là lời mời gọi các gia đình Công giáo chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa và họa lại trong đời sống mình. Để tình yêu thực sự ngự trị trong gia đình, và cùng với tình yêu là bình an và niềm vui, nhẹ nhàng, sâu lắng và vững bền.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm