20/11/2021
8830
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXXIV TN B 2021: VƯƠNG QUỐC SỰ THẬT


 














 


CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ

Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33b-37  


VƯƠNG QUỐC SỰ THẬT
 

 

1. Kết thúc Năm Phụng vụ, Hội Thánh cử hành lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, được Đức Giáo hoàng Piô XI chính thức thiết lập năm 1925. Trình thuật Tin Mừng được chọn cho năm nay (năm B) là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatô. Suy nghĩ về cuộc đối thoại này giúp ta hiểu ý nghĩa vương vị, vương quốc và vương quyền của Chúa Giêsu Kitô.

Trước hết, tại sao có cuộc đối thoại này giữa ông Tổng trấn Rôma và Chúa Giêsu vốn chỉ là một người giảng đạo? Lý do là vì Thượng hội đồng Do Thái đã quyết định giết Chúa Giêsu (x. Ga 11,53), nhưng họ không có quyền xử tử bất cứ ai (x. Ga 18,31), vì thế họ phải đem Chúa Giêsu đến Tòa Tổng trấn Rôma với cáo buộc về tội chính trị, mượn tay Tổng trấn để lên án tử cho Chúa. Về phần Philatô, ông phải xử án vì phạm nhân bị tố giác về tội chính trị: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Cesar. Ai xưng mình là vua thì chống lại Cesar” (Ga 19,12).

2. Trong cuộc đối thoại độc đáo giữa Chúa Giêsu và Philatô, người đọc dễ dàng nhận ra sự khác biệt về điểm quy chiếu của mỗi bên. Điểm quy chiếu của Philatô là quyền lực: “Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?” (Ga 19,10). Âu cũng là điều dễ hiểu vì ông là đại diện của đế quốc Rôma tại quê hương Chúa Giêsu. Đang khi đó, điểm quy chiếu của Chúa Giêsu lại là chân lý: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này, là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).

Sự khác biệt về điểm quy chiếu dẫn đến những khác biệt trong cách nghĩ và cách sống. Vì coi quyền lực là trên hết nên sự thật bị xếp vào hàng thứ yếu. Khi nghe Chúa Giêsu nói Ngài đến thế gian để làm chứng cho sự thật, Philatô ngơ ngác hỏi “Sự thật là chi?” (18,38). Thế rồi, vì sự thật chỉ là thứ yếu nên dù hai lần Philatô nói với người Do Thái rằng ông không tìm thấy lý do gì để lên án Chúa Giêsu cả (x. 18,39; 19,4), nhưng cuối cùng ông vẫn trao Chúa Giêsu cho họ đem đi đóng đinh vào thập giá (x. 19,16). Lý do là vì ông thấy quyền lực của mình bị lung lay khi người Do Thái phản ứng bằng cách la lên: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Cesar. Ai xưng mình là vua thì chống lại Cesar” (19,12). Thượng Hội Đồng Do Thái cũng hành xử y như thế, vì coi quyền lực là trên hết nên để đạt mục đích là bảo vệ quyền lực của mình, họ sẵn sàng gian dối, tố cáo Chúa Giêsu về một thứ tội Ngài không phạm. Logique ấy, chúng ta lại chẳng thấy vẫn tiếp diễn khắp nơi trong cuộc sống hôm nay sao?

Với Chúa Giêsu, sự thật mới chiếm vị trí ưu tiên, còn quyền lực chỉ là phương thế được ban cho để phục vụ: phục vụ Thiên Chúa là “ipsa summa et prima veritas” - chính sự thật đầu tiên và tối thượng” (Tôma Aquinô), và phục vụ loài người được Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài. Do đó khi Philatô lấy quyền ra đe dọa, Chúa Giêsu trả lời ngay: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn” (19,11).

3. Tuyên xưng Chúa Kitô là Vua là tuyên xưng Chúa chính là sự thật, sự thật tuyệt đối và khách quan chứ không phải thứ sự thật tương đối và chủ quan, sự thật như nó là chứ không phải sự thật bị bóp méo để phục vụ cho quyền lực và quyền lợi của bất kỳ ai. Chỉ có sự thật ấy mới dẫn con người đến “vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống” (Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua), mang lại cuộc sống công bằng, bình đẳng và hạnh phúc cho mọi người và mỗi người.

Khi được hỏi, “Nếu phải chọn một câu để tóm tắt toàn bộ Tin Mừng của Chúa, ngài sẽ chọn câu nào?” Thánh Gioan Phaolô II trả lời ngay: “Sự thật giải thoát các con” (Ga 8,32). Ngài hoàn toàn có lý khi trả lời như thế vì chính Chúa Giêsu đã phán: “Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này, là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).

Kitô hữu phải là người “đứng về phía sự thật” và “làm chứng cho sự thật”. Thế nhưng khi nhìn Chúa Giêsu trong cuộc xử án và thương khó, mới thấy “đứng về phía sự thật” và “làm chứng cho sự thật” gian nan thế nào. Có lẽ vì thế mà mỗi người chúng ta đã không ít lần làm ngược lại. Cả Hội Thánh xét như cộng đoàn tín hữu cũng thế, có những lúc Hội Thánh nói đến đối thoại nhưng lại không đối thoại như Chúa Giêsu đối thoại với Philatô, mà đối thoại chỉ vì muốn được yên ổn, muốn được xã hội thế tục nhìn nhận và tôn vinh.

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatô vẫn còn đó. Như tấm gương cho chúng ta soi mình, và như lời tra vấn về đời sống và sứ mạng Kitô hữu: Tôi đang ở đâu trên hành trình “đứng về phía sự thật” và “làm chứng cho sự thật”?

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm