07/12/2020
2504
Đức Cha Phêrô suy niệm 8/12: ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI


 















 

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

  


 

Ngày 8 tháng 12 năm 1854, qua Tông sắc Ineffabilis Deus, Đức Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội: “Rất Thánh Trinh Nữ Maria ngay từ lúc tượng thai, bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, nhờ vào công nghiệp của Đức Kitô Giêsu Đấng Cứu độ loài người, đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của tội tổ tông”. Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay cung cấp nền tảng Kinh Thánh của tín điều, giúp các tín hữu hiểu lý do tại sao Hội Thánh tuyên xưng Đức Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội, và phải noi gương Đức Mẹ ra sao.

 

1. Trước hết, cần nhắc lại Giáo lý về Tội Tổ tông truyền. Bài đọc 1 kể lại việc Thiên Chúa tuyên phạt Adam và Eva. Tại sao? Vì ăn trái cấm. Vấn đề không phải là trái cây nào nhưng là lệnh truyền của Thiên Chúa: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,16b-17). Tổ tông loài người đã không tin vào Lời Chúa nhưng lại nghe theo lời con rắn: “Chẳng chết chóc gì đâu, nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5).

 

Tội của Adam và Eva là tội cá nhân của hai ông bà, nhưng vì ông bà là Tổ tông loài người, nên tội của họ đã gây ảnh hưởng xấu đến toàn thể nhân loại: “Khi nghe theo Tên Cám Dỗ, Adam và Eva đã phạm một tội cá nhân, nhưng tội đó ảnh hưởng đến bản tính nhân loại, bản tính mà họ sẽ truyền lại trong tình trạng đã sa ngã… Do đó tội tổ tông truyền được gọi là tội theo nghĩa loại suy, nghĩa là thứ tội mà con người bị “nhiễm” chứ không phải đã “phạm”; đó là một tình trạng chứ không phải một hành vi” (SGLHTCG số 404).

 

2. Dù tổ tông loài người phạm tội, Thiên Chúa vẫn yêu thương họ, vì thế sau khi Adam và Eva phạm tội, Thiên Chúa tuyên phạt ông bà và con rắn (tên cám dỗ), đồng thời Ngài phán với con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống ấy sẽ đánh vào đầu mi, còn mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Lời hứa này được gọi là Tin Mừng đầu tiên, và Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa khi Ngài sai sứ thần Gabriel đến truyền tin cho thiếu nữ có tên là Maria ở Nazarét: “Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31). Đây chính là tên mà Đức Mẹ và Thánh Giuse đặt cho Hài nhi được sinh ra ở Bêlem, và Giêsu có nghĩa là Thiên-Chúa-cứu.

 

Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ, nhưng để lời hứa ấy thành hiện thực, cần có sự cộng tác của con người, và Đức Mẹ đã tích cực đáp lại lời mời gọi của Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Ngài thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” .Và để cung lòng của Mẹ xứng đáng là nơi ở của Ngôi Lời chí thánh, Đức Mẹ được ban đặc ân Vô nhiễm nguyên tội, thể hiện trong tên gọi mà sứ thần Gabriel dành cho Đức Mẹ là “Đầng đầy ân sủng” (Lc 1,28).

 

3. Đức Mẹ được gọi là Eva mới và Eva mới có những chọn lựa khác hẳn chọn lựa của Eva cũ. Nếu Eva cũ tin theo lời con rắn hơn là tin vào Lời Chúa thì Eva mới tuyệt đối tin tưởng vào Lời Chúa, dù chưa hiểu hết những gì Thiên Chúa muốn. Nếu Eva cũ kiêu căng muốn ăn trái cấm để “nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”, thì Eva mới lại khiêm tốn xưng mình là “nữ tì của Chúa”. Bằng sự khiêm nhường và tín thác trọn vẹn, Đức Mẹ đã xóa mình đi để Thiên Chúa sử dụng cuộc đời của Mẹ theo chương trình cứu độ của Chúa. Đó là con đường của Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, cũng là con đường mỗi Kitô hữu được mời gọi bước theo trong đời sống hằng ngày.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm