31/10/2020
2141
Đức Cha Phêrô suy niệm : LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ


 














 

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

   

 
 

 

1.Thánh lễ hôm nay bắt đầu với lời khích lệ: “Chúng ta hãy vui lên trong Chúa”. Phụng vụ mời gọi chúng ta chia sẻ hạnh phúc của các thánh trên trời, cảm nếm niềm vui của các ngài. Các thánh không chỉ là một nhóm nhỏ những linh hồn được tuyển chọn nhưng là cả số đông không đếm nổi, và Phụng vụ thúc đẩy chúng ta hướng nhìn lên các ngài. Số đông này không chỉ gồm các vị thánh đã được chính thức nhìn nhận, nhưng còn là các tín hữu mọi thời mọi nơi đã cố gắng thi hành thánh ý Chúa cách trung thành và vì lòng yêu mến. Chúng ta không biết mặt mũi, kể cả tên gọi của nhiều vị, nhưng với cặp mắt đức tin chúng ta nhìn thấy các ngài tỏa sáng như những vì sao trên bầu trời Thiên Chúa.

Hôm nay Hội Thánh hân hoan về phẩm giá của mình là “Mẹ của các thánh, hình ảnh của thành đô muôn thưở” (A. Manzoni), và bày tỏ vẻ đẹp của mình là Hiền thê tinh tuyền của Đức Kitô, nguồn và hình mẫu của mọi sự thánh thiện. Chắc chắn Hội Thánh không thiếu những đứa con bướng bỉnh và phản nghịch, nhưng chính nơi các thánh mà Hội Thánh thể hiện những đặc tính riêng của mình và cũng ở đó Hội Thánh cảm nếm niềm vui sâu xa nhất.

Trong bài đọc 1, tác giả sách Khải Huyền mô tả các thánh là “đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (7,9). Đoàn dân này bao gồm các thánh trong Cựu Ước, khởi đi từ Abel người công chính và Abraham, Tổ phụ của kẻ tin, rồi các thánh trong Tân Ước, rất nhiều các vị Tử đạo thời Hội Thánh sơ khởi, và các Chân phúc, các Thánh trong những thế kỷ tiếp theo, cho đến các chứng nhân của Đức Kitô trong thời đại chúng ta. Tất cả các ngài có chung niềm mong ước là đem Tin Mừng vào cuộc sống của mình dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, là Thần linh ban sự sống của Dân Thiên Chúa.

 

2. Thế nhưng “lời ca tụng và tôn vinh của chúng ta, kể cả việc cử hành ngày lễ này, có ý nghĩa gì với các thánh?” Trong một Thánh lễ mừng kính Các Thánh nam nữ, thánh Bênađô đã bắt đầu bài giảng bằng câu hỏi như thế. Ngày nay chúng ta cũng nên hỏi như vậy. Và câu trả lời của thánh Bênađô vẫn rất hợp thời, ngài nói: “Các thánh không cần chúng ta tôn vinh, và sự sùng mộ của chúng ta chẳng thêm được điều gì cho các ngài…Nhưng tôi xin nói với anh chị em, khi tôi nghĩ đến các thánh, tôi cảm thấy lòng mình bừng cháy vì một khao khát mãnh liệt (Disc.2, Opera Omnia Cisterc. 5, 364ff).

Đây chính là ý nghĩa của ngày lễ hôm nay: nhìn vào tấm gương sáng ngời của các thánh để khơi dậy trong chúng ta niềm khao khát được nên giống các ngài; hạnh phúc vì được sống gần Chúa, trong ánh sáng của Ngài, trong gia đình vĩ đại của các bạn hữu Thiên Chúa. Nên thánh là sống gần Chúa, sống trong gia đình của Ngài. Và đây là ơn gọi của tất cả chúng ta, được tái khẳng định mạnh mẽ trong Công đồng Vaticano II và được cử hành cách trọng thể hôm nay để chúng ta quan tâm.

 

Nhưng làm thế nào để nên thánh, nên bạn hữu của Chúa? Trước hết chúng ta có thể đưa ra câu trả lời tiêu cực: nên thánh không đòi hỏi phải có những hành động hay công trình lạ thường, hoặc phải có những đặc sủng xuất chúng. Tiếp đó là câu trả lời tích cực: để nên thánh, điều cần thiết trước hết là lắng nghe Chúa Giêsu và đi theo Ngài mà không nản lòng, dù phải đối diện với những khó khăn như Ngài dạy: “Nếu ai phụng sự Ta, hãy theo Ta; và Ta ở đâu, kẻ phụng sự Ta sẽ ở đó; ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh người ấy” (Ga 12,26).

Như hạt lúa chôn vùi trong đất, những ai tín thác và yêu mến Chúa thì chân thành chấp nhận chết đi cho chính mình. Thật vậy, người đó biết rằng bất cứ ai tìm sự sống cho mình thì sẽ mất, còn ai cho đi chính mình, chấp nhận mất đi chính mình thì sẽ tìm được sự sống (x. Ga 12,24-25). Kinh nghiệm của Hội Thánh cho thấy mọi hình thức thánh thiện, dù bằng những đường lối khác nhau, cũng đều phải qua con đường thập giá, con đường từ bỏ chính mình. Sách Hạnh Các Thánh mô tả những người nam cũng như nữ, tuân theo kế hoạch thần linh, đôi khi phải đối diện với những thử thách và đau khổ, bách hại và đe dọa khủng khiếp. Họ kiên trì trong lời cam kết: “họ…giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Tên của họ được ghi trong Sách sự sống (Kh 20,12) và trời cao là nơi nghỉ ngơi vĩnh hằng của họ.

Gương mẫu của các thánh khích lệ chúng ta bước theo và cảm nghiệm niềm vui của những người tín thác nơi Thiên Chúa, vì đau khổ và bất hạnh lớn nhất của con người chính là phải xa cách Chúa. Sự thánh thiện đòi hỏi nỗ lực liên lỉ nhưng mọi người đều có thể đạt tới, vì thánh thiện trước hết và trên hết là ơn ban của Thiên Chúa, Đấng ba lần thánh, chứ không phải do nỗ lực của con người. Trong bài đọc 2, thánh Gioan nói: “Hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào. Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, và thật sự là thế” (1Ga 3,1). Như vậy, chính Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước và nhận ta làm con của Ngài trong Chúa Giêsu. Mọi sự trong cuộc đời chúng ta đều là ơn ban của tình yêu: làm sao chúng ta có thể dửng dưng trước mầu nhiệm vĩ đại như thế? Làm sao chúng ta lại không thể đáp lại tình yêu của Cha trên trời bằng cách sống như những người con có lòng biết ơn? Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban chính mình cho chúng ta và kêu gọi chúng ta sống mối tương quan cá vị và sâu xa với Ngài.

3. Do đó, chúng ta càng noi gương Chúa Giêsu và càng kết hợp với Ngài thì chúng ta càng đi sâu vào mầu nhiệm thánh thiện của Ngài. Chúng ta khám phá ra Ngài yêu chúng ta vô cùng, và điều đó thúc đẩy chúng ta yêu thương anh em mình. Yêu thương luôn hàm chứa sự bỏ mình, “đánh mất mình”, và đó chính là điều làm cho chúng ta được hạnh phúc.

Từ đó, chúng ta nghe lại bài Tin Mừng của ngày lễ hôm nay, là lời công bố Các Mối Phúc. Chúa Giêsu nói: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, những ai phải than khóc, những ai hiền lành; phúc cho những ai đói khát sự công chính, những ai có lòng thương xót; phúc cho những ai có tâm hồn thanh khiết, những ai kiến tạo hòa bình, những ai chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt 5,3-10).

 

Thật ra, người được chúc phúc cách tuyệt hảo là chính Chúa Giêsu. Ngài chính là người thật sự có tinh thần nghèo khó, người chịu đau khổ, hiền lành, khao khát sự công chính, có lòng thương xót, tâm hồn thanh khiết, người kiến tạo hòa bình. Ngài cũng là người chịu bách hại vì sự công chính.

Các Mối Phúc chỉ cho chúng ta thấy dung mạo thiêng liêng của Chúa Giêsu và vì thế, diễn tả mầu nhiệm của Ngài, mầu nhiệm sự chết và sống lại, cuộc khổ nạn và niềm vui phục sinh của Chúa. Mầu nhiệm này chính là mầu nhiệm về hạnh phúc đích thực, và mầu nhiệm ấy mời gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu để hướng tới hạnh phúc đó.

Tùy theo mức độ chúng ta chấp nhận đề nghị của Chúa và bước theo Ngài, mỗi chúng ta trong hoàn cảnh riêng của mình, cũng được dự phần hạnh phúc của Chúa. Với Chúa, điều không thể trở thành có thể, kể cả lạc đà cũng có thể chui qua lỗ kim (x. Mc 10,25); với sự trợ giúp của Ngài và chỉ với sự trợ giúp đó, chúng ta mới có thể nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,48).

Giờ đây chúng ta bước vào tâm điểm của Thánh Lễ, tâm điểm khích lệ và nuôi dưỡng sự thánh thiện. Chỉ ít lâu nữa, Chúa Kitô sẽ hiện diện cách trọng thể nơi đây, Ngài là cây nho thật mà mỗi tín hữu đang sống trên trần gian cũng như các thánh trên trời đều gắn kết như cành liền cây. Nhờ đó, sự hiệp thông giữa Hội Thánh lữ hành trên trần gian và Hội Thánh chiến thắng trong vinh quang sẽ gia tăng.

Trong Kinh Tiền Tụng, chúng ta tuyên bố các thánh là bạn hữu của Chúa và là mẫu gương đời sống cho chúng ta. Hãy khẩn cầu các ngài, xin các ngài trợ giúp để chúng ta noi gương các ngài và quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa. Cách riêng, hãy khẩn cầu Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và là tấm gương phản chiếu sự thánh thiện. Xin Mẹ giúp chúng ta trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô. Amen.

 

Đức Bênêđictô XVI

Lễ Các Thánh Nam Nữ, 1/1/2006.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm