22/08/2020
1042
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXI TN A: NGÔI NHÀ TRÊN NỀN ĐÁ


 














 

NGÔI NHÀ TRÊN NỀN ĐÁ

Chúa nhật XXI thường niên – Is 2,19-23; Rm 11,33-36; Mt 16,13-20           

 

 

Đền thờ thánh Phêrô ở Rôma là đền thờ được xây dựng trên phần mộ của thánh Phêrô, bên dưới bàn thờ là cầu thang dẫn xuống hầm mộ, nơi chôn cất các vị Giáo hoàng. Từ bàn thờ ngước nhìn lên là vòm mái tròn (dome) vĩ đại, dọc theo đường viền của vòm mái tròn có dòng chữ La tinh “Tu es Petrus et super hanc petram aedificabo Ecclesiam meam”, tức là những lời Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay: “Con là Phêrô, nghĩa là Đá, và trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Còn nơi đâu thích hợp cho bằng nơi đây để nhắc lại lời tuyên bố quan trọng như thế của Chúa Giêsu? Lời tuyên bố đó vừa bày tỏ mầu nhiệm Hội Thánh vừa dẫn lối cho sinh hoạt của Hội Thánh.

 

1. Khi nói với thánh Phêrô: “Con là Phêrô, nghĩa là đá, và trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”, Chúa Giêsu nói thêm: “và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”! Nghe những lời này và đối chiếu với con người thánh Phêrô trong đời thực, sẽ thấy sự tương phản rất lớn. Trong Tin Mừng Matthêu, ngay sau những lời khen Chúa Giêsu dành cho Phêrô, Ngài loan báo sẽ lên Giêrusalem, sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết; thánh Phêrô đã ngăn cản và bị Chúa Giêsu mắng rất nặng: “Satan, lui lại đằng sau Thầy!” (16,23). Một người được đặt làm đá nền của Hội Thánh mà bị mắng như thế thì làm sao lại bảo là quyền lực tử thần không thắng nổi! Thế rồi trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thánh Phêrô chối Chúa ba lần. Mà có phải là vì bị ông lớn ông bé nào đe dọa đâu, chỉ có đứa con gái làm đầy tớ trong nhà hỏi nhẹ một câu là Phêrô đã chối ngay, “tôi không biết cô nói gì” (Mt 26,69); thế thì làm sao lại bảo là quyền lực tử thần không thể thắng nổi?

Thế nhưng chính sự tương phản đến khó tin ấy lại làm nổi bật mầu nhiệm Hội Thánh: Hội Thánh là Hội Thánh của Chúa chứ không phải của Phêrô, “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” chứ không phải Hội Thánh của anh! Sự khôn ngoan mà Phêrô có không phải là do bản thân ngài nhưng do Thiên Chúa mặc khải: “Con thật có phúc vì không phải phàm nhân mặc khải cho con điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Đó chính là lý do làm cho Hội Thánh vững bền mãi mãi, quyền lực tử thần không thắng nổi.

Trong tác phẩm Quo vadis, nhà văn Henryk Sienkiewicz, giải Nobel Văn chương năm 1950, đã diễn tả mầu nhiệm này bằng hình ảnh thật thấm thía. Thánh Phêrô khi ấy điều hành Hội Thánh dưới thời hoàng đế Rôma là Nêrô, ông vua đã ra lệnh bách hại các Kitô hữu rất ác liệt. Một ngày kia Nêrô ra ngoài thành cùng với đoàn tùy tùng hùng hậu tiền hô hậu hét, còn thánh Phêrô cùng với bao nhiêu người dân nghèo, đứng nép bên vệ đường ngắm nhìn uy quyền và sự sang trọng của Nêrô. Khi Nêrô đi ngang qua, thánh Phêrô cúi đầu thầm thĩ : Lạy Chúa, mọi sự là của ông ta, quyền lực là của ông ta, quân đội là của ông ta, vàng bạc thuộc về ông ta… còn con chỉ một ông già nhà quê, con không có gì hết! Thế nhưng lịch sử đã chứng minh, Nêrô đã qua đi như một giấc mơ đẫm máu, còn Phêrô mãi trường tồn.

 

2. Cùng vời lời tuyên bố xây Hội Thánh trên Đá Phêrô, Chúa Giêsu nói thêm: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời” (Mt 16,19). Bài đọc 1 nói đến “chìa khóa nhà Đavít” (Is 22,22), và Chúa Giêsu nói đến “chìa khóa Nước Trời”. Đây chính  là nguồn cảm hứng cho những họa phẩm và tượng ảnh mô tả thánh Phêrô với chùm chìa khóa trên tay. Chìa khóa là hình ảnh diễn tả nhiệm vụ của người quản lý, đóng và mở cửa cho người ra vào, vì thế Chúa Giêsu nói thêm : “Dưới đất, con ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (16,19).

Hội Thánh là Hội Thánh của Chúa nhưng Hội Thánh đó quy tụ những con người cụ thể đang sống trên trần gian, vì thế cần có một quyền bính hữu hình để duy trì, bảo vệ và phát huy sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Trong quyển Bách khoa toàn thư về Kitô hữu trên thế giới (World Christian Encyclopedia), David Barrett cho biết hiện nay có tới 33.820 chi phái Tin Lành trên toàn thế giới, đang khi đó chỉ có một Hội Thánh Công giáo duy nhất với hơn 1 tỉ tín hữu. Như thế đã rõ, sự hiệp nhất trong Hội Thánh Công giáo có được là vì quyền bính Chúa trao cho thánh Phêrô và những đấng kế vị ngài là các Giáo Hoàng: “Giáo Hoàng Rôma, Đấng kế vị Thánh Phêrô, là nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn, hữu hình của sự hợp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu” (Lumen Gentium, 23).

 

3. Hội Thánh là Hội Thánh của Chúa chứ không phải của người phàm, cho nên “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Lời hứa của Chúa Giêsu làm cho chúng ta vững tâm trước những thử thách và sóng gió Hội Thánh phải đương đầu. Bách hại tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng không chỉ xảy ra dưới thời hoàng đế Nêrô nhưng trải dài suốt lịch sử thế giới. Ngay trong thời đại được coi là văn minh tiến bộ ngày nay, những cuộc bách hại ấy vẫn diễn ra, kể cả trong những quốc gia được gọi là thế giới tự do. Ngoài ra, còn phải nói đến kẻ nội thù là chính con cái trong Hội Thánh, kể cả những người được trao trách nhiệm cao trong Hội Thánh, có thể tàn phá Hội Thánh từ bên trong vì những hành xử theo thói thế gian. Tất cả có thể làm cho chúng ta nản lòng nhưng chính lúc ấy, cần nhớ lại lời hứa của Chúa Giêsu: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy… và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.

Nhớ lại Lời Chúa để vững tâm nhưng không có nghĩa là không làm gì cả. Cũng ở đây, thánh Phêrô trở thành mẫu gương cho các tín hữu. Thánh nhân đã phạm những sai lầm đáng trách vì yếu đuối, nhưng ngài đã thành tâm sám hối và dành cả cuộc đời còn lại để thi hành sứ vụ chăm sóc đoàn chiên Chúa Giêsu trao phó, và đã hiến dâng mạng sống để minh chứng niềm tin và tình yêu với Chúa và Hội Thánh. Ước gì chúng ta cũng biết thường xuyên canh tân đời sống và tích cực góp phần xây dựng Hội Thánh theo trách nhiệm và khả năng của mình.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm