15/08/2020
1177
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XX TN A: NIỀM TIN CHỊU THỬ THÁCH


 














 

NIỀM TIN CHỊU THỬ THÁCH

Chúa nhật XX thường niên – Is 56,1.6-7; Rm 11,13-15.29-32; Mt 15,21-28           

 

1. Cuộc gặp gỡ giữa người phụ nữ Canaan và Chúa Giêsu là một câu chuyện vừa cảm động vừa nhức nhối. Cảm động vì tấm lòng của một bà mẹ đi tìm sự sống cho con cái, và nhức nhối vì những thử thách bà mẹ này phải đối diện.

Khi đến gặp Chúa Giêsu, người phụ nữ Canaan phải vượt qua nhiều rào cản. Có thứ rào cản về văn hóa vì dân Israel coi người Canaan là dân ngoại, đồng thời về lịch sử, có mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc. Ngoài ra còn có thứ rào cản về tâm lý. Đến với Chúa Giêsu, không những người phụ nữ Canaan không được đón tiếp mà còn có cảm giác bị xua đuổi khi các môn đệ Chúa Giêsu phản ứng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi”! Ngay cả Chúa Giêsu xem ra cũng rất lạnh nhạt, hơn nữa, còn có những lời lẽ xúc phạm đến bà : “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Dù có giải thích rằng “chó” là từ ngữ người Do Thái thời đó gọi dân ngoại, và từ “chó con” đã giảm thiểu sự nặng nề, thì vẫn không thể phủ nhận rằng những lời đó thật khó nghe.

 

2. Thế nhưng người phụ nữ Canaan đã vượt qua tất cả để nài xin cho bằng được. Sức mạnh nào giúp bà vượt qua những rào càn nặng nề đó? Thưa, niềm tin và tình yêu.

Trước hết là niềm tin, một niềm tin khiêm tốn sẵn sàng nhận mình chỉ là thân phận “chó con”, một niềm tin mãnh liệt vượt qua mọi chướng ngại, một niềm tin bền bỉ cương quyết đi đến cùng. Chúa Giêsu phải thốt lên : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!” Mới Chúa nhật tuần trước, bài Tin Mừng kể chuyện thánh Phêrô xin Chúa cho đi trên mặt nước và khi cảm thấy đang bị chìm xuống, ông hốt hoảng kêu la xin Thầy cứu giúp, sau đó Chúa mắng Phêrô là kẻ “yếu lòng tin”. Hãy nhớ lại câu chuyện đó để so sánh và thấy niềm tin nơi người phụ nữ Canaan mạnh mẽ ra sao.

Cùng vời niềm tin mãnh liệt, phải nói đến tình yêu của bà, tình yêu của người mẹ. Bà không xin cho bản thân nhưng là cho “đứa con bị quỷ ám khổ sở lắm”. Tôi nhớ đến câu chuyện cha Michel Quoist kể khi đến một bệnh viện, ở đó ông chứng kiến bà mẹ đem đứa con nhỏ đến gặp bác sĩ để chữa vết thương ở chân. Vì chỉ là tiểu phẫu nên bác sĩ cho phép bà mẹ ngồi ngay bên. Và cha Michel Quoist thấy khi bác sĩ lấy dao rạch chân đứa bé thì mặt bà mẹ tái xanh…và khi kết thúc cuộc tiểu phẫu, việc đầu tiên phải làm là đưa bà mẹ vào phòng hồi sức! Bác sĩ có rạch chân bà đâu mà sao bà đau dữ vậy? Chỉ có tình yêu mới giải thích được. Cha Michel Quoist nói thêm: học thần học nhiều năm, bây giờ tôi mới hiểu tại sao Chúa Giêsu có thể chết thay cho tôi! Chỉ có tình yêu mới giải thích được. 

 

3. “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật” (Mt 15,28). Bằng những lời này, Chúa Giêsu đã giới thiệu người phụ nữ Canaan như mô hình mẫu của niềm tin tín thác, nhất là khi phải đối diện với những thử thách trong đời. Có nhiều thử thách nhưng có lẽ thử thách lớn nhất là có những khi chúng ta cảm thấy dường như ngay cả Chúa cũng bỏ rơi chúng ta! Dường như chúng ta muốn họa lại tiếng kêu của Chúa Giêsu trên Thánh giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Nếu có những lúc như thế thì xin đừng quên rằng Chúa Giêsu đã không kết thúc cuộc sống trần thế trong tâm trạng nghi nan, nhưng là với niềm tín thác trọn vẹn: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Đó cũng là điều Ngài mong muốn nơi chúng ta, những môn đệ của Ngài: một niềm tin tín thác.

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật”. Người phụ nữ Canaan bị coi là người ngoại giáo. Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ, “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel mà thôi”, thì lời đó đã hàm nghĩa rằng người phụ nữ này không thuộc nhà Israel, dân riêng của Chúa. Thế mà kẻ ngoại giáo ấy lại được khen là có lòng tin mạnh mẽ, đang khi Tông đồ Phêrô lại bị mắng là kẻ yếu lòng tin! Nhận xét đó khiến tôi liên tưởng đến câu nói của một nhà thần học: Có những Kitô hữu vô thần và cũng có những Kitô hữu vô danh. Bị gọi là Kitô hữu vô thần vì tuy mang danh Kitô hữu nhưng không biết Chúa Kitô là ai, và sống như thể không có Thiên Chúa. Được gọi là Kitô hữu vô danh vì tuy không hay chưa được rửa tội và mang danh Kitô hữu, nhưng họ cố gắng lắng nghe và sống theo tiếng lương tâm ngay thẳng, rất gần với giáo huấn của Tin Mừng Chúa Giêsu.

Liệu chúng ta có bị liệt vào hàng Kitô hữu vô thần chăng? Hình ảnh người phụ nữ Canaan vừa tra vấn đời sống đức tin của chúng ta, vừa mời gọi chúng ta sống niềm tin chân chính, xứng danh là môn đệ Chúa Giêsu.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm