24/07/2021
5712
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XVII TN B 2021: TẤM BÁNH NHỎ VÀ THẾ GIỚI MỚI


 














 

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN

2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15  


TẤM BÁNH NHỎ VÀ THẾ GIỚI MỚI   



 

1. Kết thúc trình thuật Chúa Giêsu làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều, thánh Gioan viết: “Chúa Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15). Sẽ đến lúc Chúa Giêsu nhận mình là vua, nhưng là trong hoàn cảnh hoàn toàn khác, khi đối diện với Tổng trấn Philatô: “Phải, tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi” (Ga 18,37).

Thật nghịch lý! Lúc thiên hạ ca tụng và muốn tôn Ngài làm vua thì Chúa Giêsu tránh né, lúc người ta hò reo đòi lên án thì Chúa Giêsu lại nhận mình là vua! Thế nhưng chính trong nghịch lý của thế gian lại sáng lên cái lý của Thiên Chúa.

Danh hiệu “Vua” gắn với vương quốc và vương quyền. Vương quốc của Chúa Giêsu là vương quốc của Thiên Chúa chứ không phải của thế gian: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu, không để tôi bị nộp cho người Do Thái” (Ga 18,36). Vương quyền của Chúa Giêsu cũng không phải là quyền lực chính trị, kinh tế, quân sự, nhưng là quyền năng của tình yêu và chân lý: “Tôi sinh ra và đến thế gian là để làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37); “Đây là điều răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).

Vì là vương quốc của tình yêu và chân lý nên vương quốc của Chúa Giêsu vượt trên mọi ranh giới địa lý (chiều rộng và dài), thấm sâu vào lòng người (chiều sâu), và vươn tới trời cao (chiều cao). Vì là vương quốc của tình yêu và chân lý nên vương quốc ấy trở thành ánh sao dẫn đường cho những nỗ lực xây dựng một thế giới mới, đồng thời là chuẩn mực để lượng giá và phê phán mọi tư tưởng và hành động của con người.

2. Vương quốc của Chúa Giêsu chính là thế giới mới Ngài mở ra cho mọi người. Hình ảnh thế giới mới đó được thể hiện cách đơn sơ mà sống động trên thảm cỏ bên bờ hồ Galilê hôm ấy: mười ngàn người (nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn), cùng chia sẻ bữa ăn thanh đạm với bánh và cá nhỏ, không ai thừa mứa, cũng không ai phải đói, thế mà vẫn còn dư mười hai thúng!

Hình ảnh thế giới mới ấy đã gợi hứng cho lối sống của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên: “Các tín hữu đầu tiên chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng… Họ hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,42-46).

Dọc suốt chiều dài lịch sử, hình ảnh thế giới mới ấy vẫn là nguồn gợi hứng cho lối sống của các Kitô hữu, cụ thể nhất là các dòng tu với đời sống chung, chia sẻ với nhau mọi sự, từ đời sống thiêng liêng đến hoạt động trí thức và đời sống vật chất.

Hình ảnh thế giới mới cũng là động lực thúc đẩy nhiều Kitô hữu ngày nay đang sống giữa đời, đến với nhau trong các cộng đoàn Giáo hội cơ bản (basic ecclesial communities) và cộng đoàn nhân sinh cơ bản (basic human communities) nở rộ trong nhiều Hội Thánh địa phương.

3. Để xây dựng thế giới mới, cần có lối sống mới.

Lối sống mới mời gọi chúng ta biết quan tâm đến người khác. Chúa Giêsu không hỏi các môn đệ ‘trời đã về chiều, anh em đã chuẩn bị bữa tối chưa’, nhưng Ngài hỏi Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6,5). Trình thuật của Matthêu kể rõ hơn: “Các môn đệ thưa với Người: nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi, xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mà mua thức ăn. Chúa Giêsu bảo: Họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn” (14,15-16). Lối sống đó hoàn toàn trái ngược với thái độ khá phổ biến trong xã hội ngày nay: dửng dưng, vô cảm, chỉ nghĩ đến bản thân đến độ sẵn sàng trục lợi trên những đau khổ của người khác.

Lối sống mới mời gọi sự sẻ chia, đóng góp, dù là nhỏ bé. Dấu lạ hóa bánh ra nhiều được thực hiện khởi đi từ những gì rất bé nhỏ: một cậu bé với năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ! Thiên Chúa vẫn thường làm những chuyện lạ lùng như thế: dùng một tù nhân như Giuse để cứu cả một dân tộc; dùng một thiếu niên như Đavít để hạ gục tên khổng lồ Gôlíat; và cuối cùng dùng chính thập giá là hình khổ dành cho tử tội để cứu sống cả nhân loại! Điều quan trọng là cậu bé đã không giữ lại phần bánh cho mình nhưng sẵn sàng trao vào tay Chúa, nhờ đó muôn người được ăn no.

Thế giới mới bắt đầu từ những điều bé nhỏ. Cứ làm điều nhỏ bé với cả tấm lòng thành, và Chúa sẽ thực hiện những điều Ngài muốn.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm