14/08/2021
3375
Đức Cha Phêrô suy niệm 15/8/2021: LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI


 














 

LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

Kn 11,19a;12,1-6; 1Cr 15,20-27; Lc 1,39-56  




 

1. Sáng Thế là quyển sách đầu tiên trong bộ Kinh Thánh và ngay từ những chương đầu của sách Sáng Thế, sau khi kể lại câu chuyện Ađam và Eva sa ngã, tác giả nói đến hình ảnh người phụ nữ mang thai qua lời Thiên Chúa tuyên phạt con rắn, được gọi là Tin Mừng đầu tiên: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Thế rồi, Khải Huyền là quyển sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh, và trong một thị kiến của tác giả, lại xuất hiện hình ảnh người phụ nữ “có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con”; bà đã sinh con, “một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt chăn dắt muôn dân” (Kh 12,5).

Như thế, lời hứa cứu độ đã được thực hiện, dòng giống người phụ nữ đánh vào đầu con rắn, Chúa Giêsu chiến thắng Sa tan, vì thế cả triều thần thiên quốc tung hô: “Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực và vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính” (Kh 12,10).

Gắn với sự chiến thắng của Đức Kitô là mầu nhiệm tôn vinh. Không phải vô tình khi thị kiến về Người Phụ Nữ sinh con trong sách Khải Huyền lại được bắt đầu bằng ghi nhận về Hòm Bia Giao Ước: “Tôi là Gioan, tôi thấy Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ” (Kh 11,19). Bia Giao Ước được đặt trong Hòm Bia, và Hòm Bia ấy hiện diện thường xuyên với Dân Chúa trong suốt hành trình sa mạc. Khi đã định cư trong Đất Hứa và thống nhất đất nước, vua Đavít long trọng rước Hòm Bia về Giêrusalem (x. 1 Sb 15,3 – 16,2). Và bây giờ, tác giả Gioan lại thấy Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ trên trời.

Đức Mẹ là Hòm Bia của Giao Ước Mới, vì trong cung lòng thanh khiết của Mẹ không chỉ là Bia đá nhưng là Thiên Chúa hiện thân; vì thế, khi Mẹ vừa cất tiếng chào bà Elisabeth thì đứa con trong lòng bà nhảy lên vui sướng (x. Lc 1,44) như Đavít nhảy mừng trước Hòm Bia Giao Ước ( 1Sb 15,29). Hội Thánh Công giáo nhìn thấy những hình ảnh rước Hòm Bia về Giêrusalem và Hòm Bia trong Đền thờ trên trời như hình ảnh báo trước mầu nhiệm Đức Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác. Niềm tin ấy đã có mặt từ lâu trong lòng Dân Chúa và được định tín cách chính thức dưới triều Đức Giáo hoàng Piô XII: “Đức Trinh Nữ vô nhiễm được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi tì vết nguyên tội, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác” (Tông hiến Munificentissimus Deus, 1-11-1950).

2. Đức Mẹ được “đưa lên hưởng vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác”, quả là hồng ân hết sức trọng đại, và cốt lõi của hồng ân ấy là do sự gắn kết với Chúa Giêsu, như thánh Phaolô viết trong bài đọc 2: “Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15,22); và Hội Thánh giải thích ý nghĩa mầu nhiệm Đức Mẹ lên trời là “sự tham dự độc nhất vô nhị vào sự Phục Sinh của Con mình, và là việc thể hiện trước sự phục sinh của các Kitô hữu khác” (SGLHTCG 966).

Hơn ai hết, Đức Mẹ ý thức rằng tất cả đều là hồng ân Chúa ban, vì thế Mẹ cất tiếng ngợi khen Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”, và ca tụng lòng thương xót của Chúa: “Đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”. Đồng thời Mẹ khiêm tốn nhìn nhận mình là nữ tì hèn mọn: “Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc… Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư; người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,48.50.53).

3. Lễ Đức Mẹ Lên Trời mời gọi chúng ta hãy đến với Đức Mẹ.

Đến với Mẹ để xin ơn trợ giúp. Đức Mẹ lên trời hưởng vinh quang thiên quốc nhưng Mẹ không quên con cái còn ở trần gian. Ngay sau ngày Truyền Tin, Mẹ đã vội vã lên đường đến thăm bà Elisabeth, điều đó diễn tả tấm lòng từ ái của Mẹ, luôn quan tâm đến nhu cầu của người khác và tìm cách giúp đỡ. Và Đức Mẹ vẫn tiếp tục thể hiện tấm lòng từ mẫu trước những nhu cầu của con cái, mọi nơi và mọi thời.

Đến với Mẹ để noi gương khiêm nhường và bác ái, nhìn nhận tất cả những gì mình có và mình là đều do ân huệ Thiên Chúa ban, vì thế sống trong tâm tình tạ ơn, đồng thời sẵn sàng chia sẻ với người khác, nhất là những ai cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

Đến với Mẹ để sống trong đời mà cặp mắt luôn hướng tới Trời cao, để mọi nẻo đường của trần thế đều có thể trở thành nẻo đường dẫn tới Trời cao.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm