10/07/2021
4647
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XV TN B 2021: LINH ĐẠO THỪA SAI


 














 

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN

Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13  


LINH ĐẠO THỪA SAI   



 

1. Từ sau Công đồng Vaticanô II, các vị Giáo hoàng đều đặt trọng tâm vào việc loan báo Tin Mừng, thế nhưng xem ra vẫn không có kết quả bao nhiêu, cách riêng tại phương Tây là nơi có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Kitô giáo không những không phát triển mà xem ra ngày càng suy thoái đến nỗi người ta bắt đầu nói đến thế giới hậu Kitô giáo. Lý do được đưa ra là vì bối cảnh thời đại có quá nhiều lực cản như sự tục hóa, chủ nghĩa tương đối, duy vật chất, não trạng hưởng thụ…

Phải chăng bối cảnh thời các Tông đồ thuận lợi hơn? Vào thời các Tông đồ cũng như trong những thế kỷ đầu, các Kitô hữu chỉ là đoàn chiên bé nhỏ, phần lớn là những người bình dân trong xã hội, sống giữa lòng đế quốc Rôma hùng mạnh, nắm mọi quyền lực kinh tế, quân sự trong tay, lại có thái độ thù nghịch với Đạo Kitô. Nhưng các Tông đồ và những thế hệ Kitô hữu đầu tiên vẫn đứng vững và hơn nữa, còn chinh phục được cả đế quốc Rôma.

Phải chăng vì các Kitô hữu đầu tiên có những phương tiện thuận lợi hơn cho việc rao giảng Tin Mừng? Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy để đi đường xa và xua đuổi thú dữ; không mang lương thực, bao bị, tiền bạc; đi dép nhưng không mặc hai áo! So với thời nay, chúng ta có nhiều phương tiện hơn hẳn về tài chính, giao thông cũng như truyền thông để loan báo Tin Mừng.

2. Như vậy, hiệu quả truyền giáo của các Tông đồ và Hội Thánh sơ khai không hệ tại bối cảnh hay phương tiện nhưng ở phương pháp. Phương pháp ở đây cũng không chỉ là kỹ năng (bên ngoài) nhưng là linh đạo (bên trong). Linh đạo ấy được thể hiện trong những chỉ thị của Chúa Giêsu khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng.

Đó là sự gắn kết với Thầy Giêsu. Thánh Marcô ghi nhận: “Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế” (Mc 6,7). Quyền năng đến từ Chúa chứ không do con người. Để đón nhận quyền năng ấy, cần có sự kết hợp với Chúa như cành kết hợp với cây, để sức sống và quyền năng của Chúa có thể hoạt động nơi con người tự nhiên.

Đó là sự siêu thoát, được diễn tả cách hình tượng qua chỉ thị “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy”, nghĩa là không quá nặng nề với của cải và phương tiện vật chất, để thực sự tập trung vào sứ vụ, toàn tâm toàn ý với sứ vụ, coi đó là nhiệm vụ ưu tiên.

Đó là đòi hỏi chứng tá, tức là rao giảng bằng cả con người, không những bằng lời nói “kêu gọi người ta ăn năn sám hối,” thay đổi lối nghĩ và lối sống; nhưng còn bằng đời sống yêu thương và hành động phục vụ “trừ quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”.

3. Cách nào đó, nghiên cứu của nhà xã hội học Rodney Stark – một người ngoài Kitô giáo,  trong tác phẩm The Rise of Christianity (Sự trỗi dậy của Kitô giáo) lại trở thành minh họa cho linh đạo đó. Từ góc nhìn xã hội học, ông nghiên cứu lịch sử Kitô giáo và thấy sở dĩ Kitô giáo có sức cuốn hút và phát triển rất nhanh vào thời đó là vì những lý do chính sau:

- Thay đổi lối sống: vào thời đó trong đế quốc Rôma, chuyện ngừa thai, phá thai, giết trẻ con, nhất là trẻ nữ…là chuyện bình thường, là “văn hóa” thời đại, nhưng Kitô giáo không chấp nhận lối sống đó và yêu cầu các tín hữu không được ngừa thai, phá thai, giết trẻ con.

- Phục vụ: Kitô giáo đề cao sự phục vụ, cụ thể là chăm sóc người bệnh, nhất là trong hai cơn đại dịch (năm 165 và 251) được cho là đã giết 1/3 dân số trong đế quốc Rôma.

- Yêu thương: Các tín hữu Kitô sống với nhau như anh chị em một nhà, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống.

- Làm chứng: dù bị bách hại, các Kitô hữu không chống lại nhà cầm quyền bằng bạo lực nhưng họ chấp nhận chịu chết vì Đạo, và chính cái chết đó trở thành lời chứng thuyết phục về Đạo.

Ngày nay, không có gì là sai khi chúng ta sử dụng các phương tiện thời hiện đại để phục vụ việc loan báo Tin Mừng: từ những phương tiện di chuyển đến các phương tiện truyền thông… thế nhưng sẽ thật sai lầm nếu nghĩ rằng chỉ cần có đầy đủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại thì sẽ thành công!

Điều cốt lõi với sứ giả Tin Mừng ở mọi thời vẫn là sự gắn kết với Chúa Giêsu, thể hiện trong lối sống siêu thoát, dấn thân cho sứ vụ bằng cả con người và đời sống. Càng có nhiều Kitô hữu thừa sai như thế (chữ của Đức Giáo hoàng Phanxicô), càng có hi vọng sứ vụ loan báo Tin Mừng mang lại mùa gặt phong phú, dồi dào.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm