19/08/2022
1760
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXI TN năm C 2022: CỬA HẸP



 














CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN

Is 66,18-21; Hr 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30

CỬA HẸP

 

1. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, còn những người tưởng mình là dân tuyển chọn lại bị đuổi ra ngoài (x. Lc 13,28-29). Lời tuyên bố của Chúa Giêsu chắc chắn là cú sốc lớn với nhiều người Do Thái.

Thực ra trong Cựu Ước, việc Thiên Chúa tuyển chọn một người hoặc một dân luôn gắn với sứ mạng phổ quát của ơn cứu độ, chẳng hạn với tổ phụ Abraham, Chúa nói: “Nơi dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên trái đất sẽ được chúc phúc” (St 22,18). Abraham được gọi và được chọn không phải cho một mình ông hay gia tộc ông nhưng cho mọi dân tộc. Trong bài đọc 1 hôm nay cũng thế, tiên tri Isaia loan báo: “Chúa phán, Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ” (Is 66,18). Thế nên được Chúa chọn là Dân riêng không có nghĩa là dành đặc quyền đặc lợi cho mình nhưng là để phục vụ ơn cứu độ phổ quát, như men trong nắm bột.

Thế nhưng ý thức về tính phổ quát của ơn cứu độ đã bị lu mờ do chủ nghĩa yêu nước cuồng tín, nhất là sau thời lưu đày Babylon. Sự cuồng tín này càng mạnh mẽ hơn dưới thời vua Antiochus Epiphanes là vị vua muốn dẹp bỏ bất cứ cái gì là Do Thái ra khỏi đất nước Palestine. Phản ứng lại cuộc bách hại tôn giáo và văn hóa này, người Do Thái ở thế kỷ 2 trước Chúa Giêsu càng đẩy mạnh chủ nghĩa yêu nước cuồng tín, họ cho rằng mọi người Do Thái sẽ được cứu độ, ngược lại, những kẻ không phải Do Thái sẽ bị án phạt đời đời. Cụ thể là một rabbi Do Thái đã viết như sau: “Để là con cái của thế giới tương lai, phải cư ngụ trên đất Israel, nói ngôn ngữ thánh là tiếng Hípri, và sáng chiều đọc kinh Shema Israel”.

Chính trong bối cảnh này, Chúa Giêsu nhấn mạnh lại tính phổ quát của ơn cứu độ: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”.

 

2. “Thiên Chúa muốn tất cả mọi người đều được cứu độ” (1Tm 2,4). Ý muốn tốt lành của Thiên Chúa là thế, nhưng con người đáp lại ý muốn ấy ra sao? Đâu là những tiêu chuẩn để biết ai được cứu và ai không?

Để trả lời, Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta trước những ảo tưởng: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”, cứ nghĩ là như thế thì đã đủ và đương nhiên sẽ vào Nước Trời! Phải chăng cũng có thể nói như thế về người Công giáo? Đừng tưởng cứ đi lễ (dự bàn tiệc Thánh Thể) và nghe giảng là đương nhiên sẽ vào Nước Trời! Vấn đề không chỉ là đi lễ và nghe giảng mà còn là đời sống sau Thánh Lễ ra sao? Có phải là cuộc sống lương thiện theo Lời Chúa không hay là cuộc sống gian dối, bất lương, khi ấy sẽ chẳng lạ gì nếu nghe Chúa phán: “Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính”.

 

3. Cùng với những cảnh giác trên, Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”.

Trong một tác phẩm hướng dẫn đời sống đức tin, chân phước John Henry Newman nói về hai thứ ưng thuận: ưng thuận trên danh nghĩa và ưng thuận đích thực. Ưng thuận trên danh nghĩa là chúng ta chấp thuận một điều nào đó nhưng trong thực tế, điều đó không có chút tác động nào lên đời sống của mình. Còn ưng thuận đích thực là sự chấp thuận một điều và điều ấy có khả năng tác động lên toàn bộ con người và cuộc sống của chúng ta. Trong đời sống đức tin cũng thế. Đức tin của chúng ta vào Chúa là sự ưng thuận trên danh nghĩa hay sự ưng thuận đích thực? Đức tin ấy có ảnh hưởng chút nào trên cách suy nghĩ, phản ứng, cư xử hằng ngày của chúng ta không? Có khi nào vì đức tin ấy mà chúng ta chấp nhận từ bỏ điều gì đó không? Nếu đức tin ấy là sự ưng thuận đích thực, chắc chắn sự ưng thuận ấy đã nhiều lần đòi hỏi chúng ta phải chiến đấu với chính mình, chống trả những cơn cám dỗ, và bước đi trên đường hẹp.

Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca viết: “Khi ấy, trên đường đi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy” (Lc 13,22). Cuộc đối thoại về ơn cứu độ nằm trong bối cảnh lớn là chuyến đi lên Giêrusalem của Chúa, cũng có nghĩa là đi vào cuộc thương khó và tử nạn, nhờ đó công trình cứu độ được thực hiện cho mọi người. Và nẻo đường tốt nhất để đạt tới ơn cứu độ chính là “đường lên Giêrusalem”.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm