07/08/2021
1755
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XIX TN B 2021: BÁNH THÁNH THỂ


 














 

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

1V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51  


BÁNH THÁNH THỂ   




 

1. Khác với Tin Mừng nhất lãm (x. Mt 26, 26-29; Mc 14, 22-25; Lc 22, 19-20), Tin Mừng Gioan không nói đến việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly (x. Ga 13,1-20), nhưng chương 6 trong Tin Mừng Gioan lại trình bày những suy tư sâu sắc về Thánh Thể, cụ thể là trích đoạn Tin Mừng hôm nay Ga 6,41-51. Chương 6 trong Tin Mừng Gioan là một tổng thể gồm trình thuật về dấu lạ hóa bánh ra nhiều (6,1-15), sau đó là diễn từ về Bánh hằng sống (6, 22-71). Trong trình thuật dấu lạ hóa bánh ra nhiều, có hai chi tiết quan trọng, được coi là chìa khóa giải thích bản văn.

Chi tiết thứ nhất là ghi nhận về thời gian: “Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái” (6,4). Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái và trong lễ Vượt Qua có nghi thức sát tế Chiên Vượt Qua. Với chi tiết này, thánh Gioan làm nổi bật hình ảnh Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua mới, chịu hiến tế để dân được cứu sống, từ đó hiểu được lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta, cho thế gian được sống” (6,51).

Chi tiết thứ hai là cách Chúa Giêsu làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn (eucharisteo), rồi phân phát cho những người ngồi đó” (6,11). Từ eucharisteo trong tiếng Hi Lạp là gốc của từ eucharistia trong tiếng La tinh để nói về Bí tích Thánh Thể, vì thế được dịch sang tiếng Việt là Thánh Thể, làm nổi bật ý nghĩa Thánh Thể của dấu lạ hóa bánh ra nhiều. Có người còn giải thích trình thuật dấu lạ hóa bánh ra nhiều như diễn tiến trong một Thánh Lễ: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý về ý nghĩa Thánh Thể trong Gioan chương 6. Không ít người cho rằng lời Chúa Giêsu nói ở đây về “ăn thịt, uống máu” chỉ mang tính biểu tượng mà thôi. Thực ra, nếu chúng ta đọc toàn bộ chương 6 sẽ thấy chắc chắn Chúa Giêsu không chỉ nói đến “ăn thịt, uống máu” như biểu tượng mà là ăn, uống thực sự. Chính vì thế người nghe mới phản ứng mạnh: họ xầm xì phản đối (câu 41); họ tranh luận sôi nổi với nhau về việc làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ấy được (câu 52)! Dù vậy, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục khẳng định: “Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống” (câu 55). Không chỉ người ngoài mà ngay cả nhiều môn đệ của Chúa cũng thấy chói tai đến nỗi họ rút lui, không theo Chúa nữa (x. Ga 6, 60.66)! Vậy mà Chúa Giêsu vẫn không nhượng bộ, Ngài quay lại nói với Nhóm Mười Hai như thách thức: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi chứ?” (câu 67). Nếu chuyện ăn uống ở đây chỉ được hiểu như biểu tượng thì làm gì có những phản ứng dữ dội như thế!

2. Chúa Giêsu Thánh Thể là “Bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51). Bánh Thánh Thể ban tặng cho chúng ta sức mạnh để can đảm bước đi trong hành trình sống theo Tin Mừng và phục vụ Nước Trời. Cuộc đời của tiên tri Êlia, cách riêng hành trình của ngài lên núi Khôrép (bài đọc 1) gợi ý nhiều điều cho đời sống người môn đệ Chúa.

Cuộc đời sóng gió của tiên tri Elia cho thấy thế lực sự dữ rất mạnh. Vì nhiệt thành với chính nghĩa của Thiên Chúa, tiên tri Elia đã thách thức các tư tế Baal dâng hy lễ trên núi Carmel và ngài đã thắng (x. 1V 18, 20-40); thế nhưng ngay sau đó hoàng hậu Zezabel ra lệnh truy nã Elia và ngài phải chạy trốn (x. 1V 19, 1-2). Dù chân lý đã được tỏ hiện nhưng thế lực sự dữ vẫn tiếp tục tấn công để triệt hạ tiếng nói của chân lý. Đối với thế lực sự dữ, điều quan trọng không phải là chân lý nhưng là quyền lực và quyền lợi, và nó ra sức làm bất cứ điều gì để bảo vệ quyền lực và quyền lợi của mình.

Thực tế đó vẫn diễn ra ở mọi nơi và mọi thời. Trên đường trốn chạy, tiên tri Êlia thưa với Chúa:  “Xin Chúa lấy mạng sống con đi vì con chẳng hơn gì cha ông  của con” (1V 19,4). “Chẳng hơn gì cha ông con” có nghĩa là trước Elia đã xảy ra như thế rồi, và sau Elia cũng vẫn thế thôi như Kinh Thánh cho thấy thân phận nghiệt ngã dành cho các tiên tri và đỉnh cao là Chúa Giêsu. Hơn thế nữa, đó là cuộc chiến lâu dài như thiên sứ nói với Elia: “Dậy mà ăn vì ngươi còn phải đi đường xa” (19,7). Đường lên Núi Chúa còn dài, đường đến Nước Trời còn xa!

3. Trong hành trình theo Chúa và phục vụ Nước Trời, mỗi chúng ta lại chẳng có những lúc cảm thấy kiệt sức và nhụt nhuệ khí sao? Nếu chưa đến mức kêu lên như Elia: “Lạy Chúa, đủ rồi! xin cất mạng sống con đi”, thì cũng đã có những lúc cảm thấy chán nản, muốn buông xuôi, vơi cạn nhiệt tình!

Thế nhưng chính lúc ấy là lúc chúng ta cần đến Bánh Thánh Thể hơn bao giờ. Tấm bánh ấy vừa như bàn tay Giêsu chạm vào ta và khẽ nói “Thầy đây, đừng sợ”, vừa ban tặng sức sống mới cho những bước chân rã rời, mệt mỏi, để có thể tiếp tục đi tới trong hành trình đức tin và phục vụ Nước Trời: “Elia dậy, ăn bánh và uống nước, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới núi Khôrép là núi của Thiên Chúa” (1V 19,8).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm