08/08/2020
2072
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XIX TN A: THIÊN CHÚA CỦA NHỮNG BẤT NGỜ


 














 

THIÊN CHÚA CỦA NHỮNG BẤT NGỜ

Chúa nhật XIX thường niên – 1V 19,9a.11-13a; Rm 9,1-5; Mt 14,22-33           



 

1. “Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của những bất ngờ”. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhiều lần nói như thế, và đương nhiên ngài không chỉ nói theo cảm tính nhưng là dựa trên cơ sở Kinh Thánh. Những câu chuyện trong các bài đọc Thánh Lễ hôm nay cũng là một minh họa cho khẳng định đó.

Bài đọc 1 kể chuyện tiên tri Elia được gặp Chúa trên núi Khôrép, một câu chuyện có vẻ bình thường nhưng nếu đặt trong toàn bộ cuộc đời Elia sẽ thấy khác. Elia là vị tiên tri nổi tiếng với những biến cố kinh thiên động địa, nhất là việc ngài thách thức các tư tế Baal dâng hy lễ cho thần linh mà mình tin tưởng trên núi Carmel, “vị thần nào đáp lại bằng lửa thì vị đó chính là Thiên Chúa”. Kết quả là các tư tế Baal kêu cầu suốt ngày mà không thấy gì, còn khi Elia cầu khẩn, Thiên Chúa đã cho lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ. Dân Israel chứng kiến sự kiện vĩ đại đó đã quay về với Chúa, không còn “nhảy khập khiễng hai chân”, miệng thì bảo là tin Chúa mà vẫn cứ chạy theo thần ngoại (x. 1V 18,20-40). Cũng vì thế tiên tri Elia được ví như lửa, lửa nhiệt thành : “Lòng nhiệt thành đối với Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con” (19,14).

Elia là vị tiên tri nhiệt thành như lửa và đã làm những điều kinh thiên động địa, vậy khi Thiên Chúa hiện đến gặp gỡ Elia, phải chăng Chúa cũng biểu lộ quyền năng và sức mạnh long trời lở đất? Không, Chúa đã không đến với Elia trong cơn gió bão, Chúa cũng không đến trong cơn động đất hoặc lửa cháy, nhưng Chúa đến trong tiếng gió hiu hiu (19,12). Nhẹ nhàng biết bao, êm dịu biết bao! Lại chẳng phải là điều hết sức bất ngờ sao?

Bà Tin Mừng kể chuyện các Tông đồ trên chiếc thuyền con, trong đêm tối, giữa biển Galilê, đang vất vả chèo chống vì gió ngược và sóng lớn. Chính lúc đó, Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các ông, nhưng các ông lại hoảng hốt kêu lên “Ma đấy”! Thầy Giêsu thân thương gần gũi như thế, vậy mà khi Ngài đến với các ông, các ông lại nghĩ là ma! Tại sao? Vì bất ngờ quá, vượt ngoài mọi suy nghĩ và tưởng tượng của các ông. Qua thật, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của những bất ngờ.

 

2. Thiết nghĩ khi nhìn lại đời mình, mỗi Kitô hữu cũng có trải nghiệm về vị Thiên Chúa bất ngờ đó. Nhiều lần Chúa đến trong đời chúng ta bằng những nẻo đường không ngờ tới, đôi khi qua những biến cố hoàn toàn trái ngược với những gì ta mong đợi. Nhưng tại sao lại bất ngờ? Vì có những khác biệt trong cách nhìn, suy nghĩ, và đánh giá của con người và của Thiên Chúa.

Trước hết, loài người thường nhìn vẻ bên ngoài, còn Chúa lại nhìn vào bên trong. Chúa sai Samuel đến nhà ông Giessê người Bêlem để xức dầu phong vương cho một trong những người con của Giessê. Khi đến nơi, Samuel thấy Elíap là con trai lớn của Giessê liền nghĩ rằng đây chính là người Chúa chọn làm vua thay cho Saul, nhưng Chúa nói : “Không phải. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm, người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì thấy tận đáy lòng”. Cuối cùng người được Chúa chọn lại là đứa con út trong nhà, “có mái tóc hung, đôi mắt đẹp, khuôn mặt xinh xắn” (1Sm 16,1-12). Ngay từ thời xa xưa đã thế, huống chi thời nay, thời của bao bì và nhãn mác, người ta đánh giá nhau chủ yếu dựa trên vẻ hào nhoáng bên ngoài nên xuất hiện đủ thứ giả, từ hàng giả đến bằng giả! Trong bối cảnh đó, nếu Chúa đến mà “thiếu nhãn mác” thì khó lòng nhận ra Chúa.

Kế đến, cách nhìn của con người thường nghiêng về vật chất, đang khi Thiên Chúa lại đề cao giá trị tinh thần. Thế nên mới có chuyện bà góa nghèo được ca tụng. Với người Do Thái, đền thờ Giêrusalem có ý nghĩa đặc biệt nên người ta dâng cúng vào đền thờ rất nhiều. Vậy mà khi thấy một bà góa bỏ vào thùng tiền 2 đồng kẽm thôi, Chúa Giêsu lại nói với các môn đệ, “Bà góa nghèo này đã dâng cúng nhiều hơn ai hết, vì những người kia chỉ cho đi những của dư thừa, còn bà này đã dâng cúng tất cả những gì bà có để nuôi sống bản thân” (x. Lc 21,1-4). Vì Thiên Chúa đánh giá dựa vào tấm lòng và những giá trị tinh thần mà người ta không thấy, thế nên ngày nay nếu Chúa đến với dáng vẻ nghèo hèn, ai mà nhận ra được?

Cuối cùng, con người thường chỉ thấy hiện tại trước mắt, còn Thiên Chúa lại nhìn tới tương lai vĩnh cửu.  Cứ đọc thử Tám mối phúc thật xem, “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ…”. Tất cả các mối phúc đều không chỉ tập trung vào hiện tại nhưng hướng lòng người đến hạnh phúc vĩnh hằng, đang khi con người chỉ nhắm đến lợi lộc và khoái lạc trước mắt.

 

3. Như thế, để không quá ngỡ ngàng với “tính bất ngờ” của Thiên Chúa, chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn của mình và tập làm quen với cách nhìn, cách đánh giá của Thiên Chúa, là tập nhìn vào bên trong hơn chỉ là vẻ bên ngoài, trân trọng giá trị tinh thần hơn vật chất, và tập nhìn mọi sự trong viễn tượng vĩnh cửu.

Khi đó chúng ta có thể khám phá sự hiện diện của Chúa trong mọi hoàn cảnh, kể cả những hoàn cảnh khó khăn và thử thách nhất, để nghe được tiếng Chúa vẫn vang bên tai ta: “Cứ an tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm