03/07/2021
4085
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XIV TN B 2021: LÒNG TIN


 














 

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN

Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6  


LÒNG TIN   



 

1. Trong các Chúa nhật vừa qua, Hội Thánh mời các tín hữu nghe những trình thuật trong Tin Mừng Marcô về một số phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Những phép lạ đó thể hiện quyền năng của Chúa trên thiên nhiên cũng như bệnh tật, vốn được người xưa nhìn như những biểu hiện của quyền lực sự dữ và ma quỷ.

Điều đặc biệt là khi viết những trình thuật đó, thánh Marcô luôn nhấn mạnh đến đức tin. Chẳng hạn, sau khi Chúa Giêsu xua tan sóng gió (Mc 4,35-41), Ngài nói với các môn đệ: “Sao nhát thế? Các con vẫn chưa có lòng tin sao?” (4,40). Khi ông Giairô đến xin Chúa Giêsu cứu sống con ông vì nó sắp chết, Ngài bảo: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36); và khi chữa lành người phụ nữ bị bệnh băng huyết, Chúa nói với bà: “Lòng tin của con đã cứu chữa con, hãy về bình an” (Mc 5, 34). Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay cũng thế, Chúa Giêsu về Nadarét và giảng dạy cho người dân quê nhà quy tụ trong hội đường. Theo thánh Marcô, dân Nadarét thắc mắc: bởi đâu ông ta được như thế, bởi đâu ông ta có sự khôn ngoan và quyền năng như thế? Ông ta không phải là bác thợ con bà Maria sao? Và thánh Marcô ghi nhận: Chúa Giêsu “lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6,6).

Lời Chúa được viết ra trong một thời điểm thuộc quá khứ nhưng đồng thời là Lời cho con người hôm nay trong từng hoàn cảnh sống. Vì thế, nếu chủ đề tin được lặp đi lặp lại nhiều lần, đây cũng là điều chúng ta cần quan tâm.

2. Nói đến niềm tin, người ta thường nghĩ đến tôn giáo, nhưng trước hết, theo nghĩa tổng quát, niềm tin là một hành động hoặc thái độ thường xuyên có mặt trong đời sống con người, đến nỗi có thể nói rằng không thể sống mà không có niềm tin: Bà nội trợ đi chợ mua thực phẩm có tin vào người bán hàng không? Bước lên xe đò hay máy bay, bạn có tin vào tài xế và phi công không khi trao mạng sống cho họ? Gửi tiền ở ngân hàng, bạn có tin vào ngân hàng không? Tại sao lại gọi là ‘thẻ tín dụng’ (credit card), từ ‘tín dụng’ có liên quan gì đến Kinh Tin Kính (Credo) không? Ấy là chưa nói đến những chọn lựa quan trọng trong đời như kết hôn hoặc khấn dòng: bạn có tin vào người bạn đời không, có tin vào lý tưởng mình muốn hiến thân không? Hóa ra niềm tin là điều gì đó gắn liền với đời sống chứ không xa xôi trừu tượng như nhiều người nghĩ.

Tương tự như thế và xa hơn thế, đức tin tôn giáo là sự tin tưởng, tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng toàn năng, toàn tri và toàn ái. Vì tin vào Chúa nên tôi tin vào Lời của Ngài, Lời chỉ đường đi, đường sự thật và đường sự sống. Chính vì thế, đức tin ban tặng một tầm nhìn mới về cuộc đời như một tác giả diễn tả: “Tôi tin vào Đạo Kitô giống như tôi tin mặt trời mọc: không chỉ vì tôi thấy mặt trời nhưng còn vì nhờ mặt trời, tôi nhìn thấy mọi sự khác” (C.S. Lewis). Đúng vậy, nhờ ánh sáng mặt trời, tôi nhìn thấy sự vật đúng như nó là, thay vì chỉ đoán mò trong đêm tối. Nhờ tin vào Lời Chúa, tôi nhìn thấy đâu là ý nghĩa cuộc đời, đâu là cùng đích cuộc sống. Có ai hỏi cái bàn, cái ghế rằng ‘mục đích hiện hữu của mày là gì?’ nhưng muốn biết thì phải hỏi người làm ra nó; cũng thế, để hiểu ý nghĩa và mục đích đời sống con người, phải hỏi Đấng làm ra con người (x. The Purpose Driven Life). Tầm nhìn mới ấy sẽ hướng dẫn cách sống, cách ứng xử và giải quyết vấn đề trong đời sống.

Niềm tin ấy là một hành trình, nghĩa là con đường chúng ta bước đi. Cũng như bao cung đường tuyệt đẹp trên đất nước, đường đức tin có lúc bằng phẳng dễ đi, lại có lúc lên xuống bất ngờ, thêm vào đó là những quanh co uốn lượn. Thánh Phaolô diễn tả rất sống động những cung bậc trong hành trình đức tin của ngài: hạnh phúc “vì nhận được những mặc khải phi thường”; đau khổ vì “bị Satan vả vào mặt…rồi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo”, nhưng vẫn rất vui vì cảm nhận Chúa ở với mình, “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (Bài đọc 2).

3. Nếu tin là tin tưởng, tín thác nơi Chúa thì sống đức tin là gắn bó với Chúa trong mọi hoàn cảnh, không chỉ khi bình an và thịnh vượng nhưng cả khi sóng gió và thử thách. Cầu nguyện là sự diễn tả cụ thể nhất của niềm tín thác, vì khi cầu nguyện, chúng ta không chỉ nhìn nhận Thiên Chúa hiện hữu nhưng còn bước vào mối tương quan thân thiết, cá vị với Ngài.

Nếu đức tin ban tặng tầm nhìn mới thì cùng với việc cầu nguyện, người tín hữu phải thường xuyên lắng nghe Lời Chúa để Lời trở thành đèn soi bước chân, chỉ đường con đi.

Nếu tin là một hành trình thì không nên thất vọng khi có những lúc lên xuống, kể cả có khi lạc đường. Điều quan trọng là vững tin rằng “Không có người lữ hành nào là cô đơn vì có Chúa cùng đi với họ” (V. Georghiu). Không chỉ trong cuộc đời này mà cả bên kia biên cương sự chết!.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm