26/06/2021
4231
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XIII TN B 2021: VĂN HÓA SỰ SỐNG


 














 

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN

Kn 1,13-15. 2,23-24; 2Cr 8.7.9.13-15; Mc 5,21-43  


VĂN HÓA SỰ SỐNG   
 


 

1. “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thụ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh” (Kn 1,13-14). Đó là những lời trong phần mở đầu của sách Khôn Ngoan, và những lời ấy khẳng định chân lý nền tảng: Thiên Chúa là Chúa của sự sống.

Dung nhan Thiên Chúa sự sống được thể hiện rõ nét nơi Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng Mc 5, 21-34 gồm hai câu chuyện lồng vào nhau, với những nhân vật khác nhau: ông Giairô là trưởng hội đường đến xin Chúa Giêsu chữa lành cho con ông (Mc 5, 21-24), còn người phụ nữ bị băng huyết là người thấp kém trong xã hội (Mc 5, 25-34). Dù quyền thế hay bình dân, giàu sang hay nghèo khổ, họ đều chạy đến với Chúa Giêsu để xin Ngài ban sự sống: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”; “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa”.

Để đón nhận sự sống Chúa Giêsu ban tặng, thái độ cần có là lòng tin: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (5,36), “Lòng tin của con đã cứu chữa con, hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (5,34).

2. Chúa Giêsu không làm nghề thầy lang và sứ vụ của Ngài không phải là mở phòng mạch chữa bệnh, nhưng những việc chữa lành mà Người thực hiện là dấu chỉ về Chúa là Đấng ban sự sống. Vì thế Tin Mừng của Chúa là Tin Mừng ban sự sống: sự sống toàn diện, không chỉ về thể xác nhưng cả tâm hồn và tinh thần; sự sống bền vững, không chỉ ở đời này mà tồn tại đến muôn đời.

Đến với Chúa Giêsu và tin vào Ngài, các Kitô hữu đón nhận sự sống phong phú từ Ngài phát ra (x. Mc 5,30), đồng thời được mời gọi trở nên người phục vụ sự sống. Theo hướng đi đó, người môn đệ Chúa Giêsu có trách nhiệm xây dựng nền văn hóa sự sống, không chỉ là rao giảng một hệ tư tưởng trừu tượng nhưng còn thể hiện trong cách sống hằng ngày và góp phần xây dựng một xã hội biết tôn trọng và bảo vệ sự sống.

3. Có nhiều dấu hiệu cho thấy thời đại ngày nay mang nặng dấu ấn của “văn hóa sự chết”, theo cách nói của Thánh Gioan Phaolô II.

Nạn phá thai đang lan tràn khắp nơi và được hợp pháp hóa tại nhiều quốc gia. Luật pháp cho phép các bà mẹ giết chính đứa con bé bỏng của mình ngay khi còn trong lòng mẹ, và người ta gọi đó là nhân quyền, còn ai có ý kiến khác sẽ bị kết án là “phát biểu thù ghét” (hate speech)!

Rồi tự tử. Tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019 Suicide Worldwide in 2019 cho biết cứ 100 người trên thế giới qua đời thì có 1 người tự tử, số người tự tử cao hơn số người chết hằng năm vì HIV, sốt rét, ung thư vú, chiến tranh. Và nhiều người tự tử không phải vì nghèo khổ nhưng vì không tìm được ý nghĩa cuộc đời.

Ma túy ngày nay là cơn dịch lan tràn khắp các quốc gia, ở thành phố cũng như nông thôn, và tàn phá sự sống của bao con người cũng như gia đình họ. Đó là nỗi đau rất thật của rất nhiều gia đình tại Việt Nam ngày nay.

Phim ảnh khiêu dâm đã trở thành nền công nghiệp và kinh doanh hái ra tiền cho một số người, đang khi tàn phá sự sống tâm hồn của hằng triệu người trẻ trên thế giới.

Văn hóa sự chết đang thống trị thế giới! Trong bối cảnh đó, để sống và xây dựng văn hóa sự sống, các Kitô hữu phải đối diện với những thách đố rất lớn. Lời Chúa Giêsu nói với ông Giairô vừa nhắc nhở vừa thúc giục chúng ta: “Đừng sợ, con chỉ cần tin thôi”.

Người phụ nữ bị băng huyết tự nhủ: “Tôi mà sờ vào áo choàng của Ngài thôi, là sẽ được cứu chữa” (Mc  5,28), còn ông Giairô thưa với Chúa Giêsu: “Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống” (5,23). Khi rước Mình Thánh Chúa, chúng ta không chỉ được Chúa chạm đến nhưng là nên một với Ngài. Ước gì chúng ta rước lễ với tất cả lòng tin để đón nhận sự sống của Chúa và trở thành người phục vụ văn hóa sự sống.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm