08/05/2021
2235
Đức Cha Phêrô suy niệm CN VI PS B: HIỆP THÔNG YÊU THƯƠNG


 














 

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17  


HIỆP THÔNG YÊU THƯƠNG 



 

1. Trong Chúa nhật VI Phục sinh, tác giả sách Công vụ tiếp tục kể lại một sự kiện quan trọng khác, mang tính bước ngoặt trong lịch sử Hội Thánh. Để hiểu được tầm quan trọng của sự kiện này, cần phải nhìn lại bối cảnh lịch sử.

Sự kiện hiển nhiên là Chúa Giêsu là người Do Thái, các tông đồ và các môn đệ đầu tiên của Chúa cũng đều là người Do Thái, và người Do Thái coi những dân khác là dân ngoại. Vì thế khi thi hành lệnh truyền của Chúa là loan báo Tin Mừng, các tông đồ chỉ nghĩ là loan báo Tin Mừng cho người Do Thái. Thế nhưng sự kiện được kể lại trong bài đọc 1 đã làm cho thánh Phêrô, vị Tông đồ cả, thay đổi tầm nhìn về sứ vụ.

Theo tác giả sách Công vụ, Chúa đã can thiệp bằng cách cho hai người có hai thị kiến cùng một lúc. Thứ nhất là ông Conêliô, sĩ quan trong đạo quân Italia và là người đạo đức, kính sợ Chúa (x. Cv 10,1-8). Trong một thị kiến, ông thấy thiên sứ truyền cho ông đi Giaphô, mời một người tên là Simon Phêrô đến nhà. Thị kiến thứ hai là của thánh Phêrô (x. Cv 10,10-16). Khi thánh nhân đang cầu nguyện thì thấy một tấm khăn lớn buộc bốn góc, từ trời sa xuống, trong đó có những con vật bốn chân và rắn rết, rồi có tiếng phán bảo ông: “Phêrô, hãy đứng dậy, làm thịt mà ăn”, và khi Phêrô không ăn vì cho là ô uế và không thanh sạch thì nghe tiếng phán: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch thì ngươi đừng cho là ô uế”.

Ngay sau đó, người nhà ông Conêliô đến tìm thánh Phêrô và kể lại lý do tại sao lại đến mời thánh Phêrô về nhà. Ngài hiểu ra ý muốn của Chúa nên đã đến nhà ông Conêliô, rao giảng Chúa Giêsu, làm phép Rửa cho ông và những người trong gia đình. Đó là những người ngoại đầu tiên được chịu Phép Rửa. Chính trong dịp này, thánh Phêrô tuyên bố: “Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào, nhưng bất cứ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc dân tộc nào, cũng đều được Chúa tiếp nhận” (Cv 10,43).

2. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt của Kitô giáo, vì chính sự kiện này đã mở ra một chương mới trong lịch sử của Đạo. Kitô giáo không chỉ là tôn giáo dành riêng cho người Do Thái (như Do Thái giáo), nhưng mở ra cho muôn dân. Giả như không có sự kiện này, có lẽ chúng ta cũng chẳng biết đến Chúa Giêsu, vì không phải là người Do Thái. Không phải vô tình khi chúng ta tuyên xưng 4 đặc tính của Hội Thánh: duy nhất, thánh thiện, công giáo (phổ quát), tông truyền.

Trong tầm nhìn đó, có thể đọc bài Tin Mừng với nhãn quan mới: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,9.12). Tình yêu của Chúa là tình yêu phổ quát, nên tình yêu thương ở đây cũng phải là tình thương phổ quát. Người Do Thái cũng nói đến yêu thương nhưng là yêu thương người lân cận, người cùng tôn giáo và dân tộc với mình. Còn Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài sống tình yêu phổ quát với hết mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, màu da. Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô viết thông điệp Fratelli tutti (Tất cả là anh em) là ngài muốn nhấn mạnh điều này.

3. Chính giáo huấn về Thiên Chúa Tình Yêu và việc sống điều răn yêu thương đã làm cho Kitô giáo phát triển rất nhanh. Trong tác phẩm nổi tiếng The Rise of Christianity (Sự trỗi dậy của Kitô giáo), sử gia Rodney Stark cho biết: vào năm 40 (khoảng 10 năm sau khi Chúa Giêsu về trời), chỉ có khoảng 1.000 người Công giáo trong đế quốc Rôma, tính theo tỉ lệ là 0.0017%. Nhưng đến năm 350 (sau 300 năm), đã có 33 triệu người Công giáo trên toàn đế quốc Rôma, chiếm 56,5%. Và 300 năm đó không phải là 3 thế kỉ yên hàn cho các Kitô hữu, trái lại là những thế kỉ chịu bách hại liên tục. Tại sao Kitô giáo lại phát triển mạnh như thế ngay giữa những bắt bớ và bách hại?

Chính là vì giáo huấn của Kitô giáo về Thiên Chúa là Tình Yêu và điều răn lớn nhất của Đạo là điều răn yêu thương. Giáo huấn đó đã tạo nên lối sống mới nơi cộng đoàn môn đệ Chúa, và lối sống đó đã thuyết phục và thu hút nhiều người tham gia. Sách Công Vụ cũng kể: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ”. Sau khi mô tả đời sống cộng đoàn hợp nhất yêu thương như thế, sách Công Vụ viết tiếp: “Họ được toàn dân thương mến, và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,44-47).

Mô hình đó không những không lỗi thời, trái lại còn rất cần thiết cho Hội Thánh ngày nay, để có thể loan báo và làm chứng cách thuyết phục về Thiên Chúa tình yêu.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm