20/03/2021
2353
Đức Cha Phêrô suy niệm CN V MC B: CÓ THỂ CÓ KITÔ GIÁO KHÔNG THẬP GIÁ?


 














 

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Gr 31,31-34; Hr 5,7-9; Ga 12,20-33  


CÓ THỂ CÓ KITÔ GIÁO KHÔNG THẬP GIÁ? 

  

 

 

1. “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Câu nói nổi tiếng này của Chúa Giêsu được Hội Thánh công bố vào Chúa nhật V Mùa Chay, ngay trước Tuần thánh tưởng niệm cuộc thương khó và tử nạn của Chúa. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đưa ra lời tuyên bố này vào những ngày cuối cùng, trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Như thế, hiển nhiên là phải liên kết lời tuyên bố này với cuộc thương khó của Chúa, để có thể khám phá ý nghĩa mầu nhiệm cứu độ và đón nhận bài học cần thiết cho đời sống Kitô hữu.

Vậy, nhìn từ bình diện lịch sử, đâu là những tác nhân chính dẫn đến cuộc thương khó của Chúa Giêsu? Trước hết là các thượng tế và người Pharisêu, những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó, họ họp nhau và đưa ra quyết định phải giết Chúa Giêsu (x. Ga 11,45-53), tuy nhiên vì không có quyền tử hình ai nên họ tố cáo Chúa Giêsu với tổng trấn Philatô và gây sức ép để Philatô phải ra án tử cho Chúa (x. Ga 18,28-32). Kế đến là tổng trấn Philatô, dù bản thân không thấy lý do chính đáng để kết tội Chúa Giêsu và đã tìm cách tha Chúa Giêsu, ông vẫn phải chịu trách nhiệm vì là người đưa ra phán quyết cuối cùng, “trao Chúa Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá” (Ga 19,16). Ngoài ra, không thể không nói đến vai trò của các môn đệ Chúa, chính Giuđa “dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế đến bắt Chúa Giêsu” (Ga 18,2), còn Phêrô thì chối Thầy (x. Ga 18,15-27), nhiều môn đệ khác chạy trốn vì quá sợ hãi.

2. Trong bối cảnh đó, liệu Chúa Giêsu có thể tránh được cuộc thương khó và cái chết bi thảm trên thập giá không? Liệu Chúa Giêsu có thể là ”hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi” chăng? Thiết nghĩ là hoàn toàn có thể. Chúa Giêsu sẽ không phải chết nếu ngài thỏa hiệp với những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó để làm theo yêu cầu của họ; nếu Chúa chịu khuất phục trước cường quyền (x. Lc 23,8-11); nếu Chúa chiều theo ý của các môn đệ ngăn cản Ngài lên Giêrusalem (x. Mt 16,21-23). Vâng, Chúa Giêsu sẽ không phải chết, sẽ là “hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi”, thế nhưng hạt lúa ấy chỉ trơ trọi một mình!

Trong thực tế, Chúa Giêsu đã chấp nhận chịu chết dù về mặt con người tự nhiên, Ngài cảm thấy sợ hãi: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27); và trong vườn Cây Dầu, Ngài cầu xin tha thiết đến nỗi “mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Tác giả Thư Do Thái đã diễn tả cách sống động: “Chúa Giêsu lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khấn nguyện nài xin lên Đấng có quyền cứu Ngài khỏi chết….Dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Hr 5,7-8). Quả thật, Chúa Giêsu đã chịu chết, một cái chết bi thảm vì là hình khổ dành cho những kẻ phản loạn, một cái chết cô đơn vì ngay cả các môn đệ thân tín cũng bỏ chạy hết, một cái chết thất bại vì sau 3 năm trời rao giảng và làm biết bao dấu lạ, chẳng ai tin vào Ngài (x. Ga 12,37).

Chúa Giêsu thực sự là “hạt lúa gieo vào lòng đất đã chết đi”, thế nhưng chính vì thế, “nó mới sinh nhiều hạt khác”. Hãy nhìn lại đồi Canvê lúc đó và sự phát triển của Hội Thánh Chúa trong suốt lịch sử cho đến ngày nay. Đúng là “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Khi vừa nghe Danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phil 2,9-11).

3. Nếu Chúa Giêsu đã chọn lối sống của hạt lúa gieo vào lòng đất và chấp nhận chết đi, thì câu hỏi lớn nhất được đặt ra các môn đệ Chúa ở mọi thời mọi nơi là: có thể có một Kitô giáo chân chính mà không chấp nhận thập giá chăng? Câu hỏi ấy được đặt ra cho Hội Thánh cũng như cho mỗi người trong Hội Thánh.

Nếu Hội Thánh chỉ tìm cách thích nghi với thế gian để được thế gian ca tụng và nhìn nhận, thì Hội Thánh sẽ là “hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi”, nhưng sẽ “chỉ trơ trọi một minh”. Còn nếu Hội Thánh can đảm sống và làm chứng cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh, thì có thể Hội Thánh sẽ bị chống đối, bắt bớ và bách hại, nhưng khi đó Hội Thánh sẽ là “hạt lúa gieo vào lòng đất, chết đi” và sinh nhiều hạt khác.

Đời sống của mỗi tín hữu trong Hội Thánh cũng thế. Thập giá không chỉ là dấu Thánh Giá ta ghi trên mình mỗi ngày, cũng không chỉ là Thánh Giá ta đeo trên người, nhưng còn là những hi sinh và từ bỏ hằng ngày, tuy nhỏ bé nhưng liên lỉ suốt cuộc đời, để dám sống yêu thương giữa hận thù, trung thực giữa gian dối, thanh khiết giữa phàm tục. Dù phải chịu thiệt thòi và mất mát, hãy tin rằng đó là lộ trình đúng đắn của niềm vui và sự sống: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm