21/05/2021
3805
Đức Cha Phêrô suy niệm CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG


 














 

LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Ed 37,1-14; Rm 8,22-27; Ga 7, 37-39  

THÁNH THẦN, NGUỒN NƯỚC THANH KHIẾT



 

1. Kinh Thánh không nói về Chúa Thánh Thần bằng những định nghĩa nhưng bằng hình ảnh và biểu tượng, đơn sơ mà sâu sắc, bình dị mà vô cùng phong phú. Các bài đọc trong Thánh Lễ cung cấp nhiều biểu tượng như thế. Do giới hạn của bài viết, hãy tạm chấp nhận tập trung vào bài Tin Mừng.

Thánh Gioan mở đầu trích đoạn Tin Mừng bằng việc xác định: “Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều và là ngày long trọng nhất” (Ga 7,37). Lễ Lều (sukkot) là một trong những ngày lễ lớn của Dân Chúa thời Cựu Ước, được cử hành vào tháng Tishri theo lịch Do Thái, tức khoảng tháng 9 hay 10 dương lịch, và kéo dài trong 1 tuần. Mục đích là để nhớ lại hành trình 40 năm trong hoang địa, cũng là thời gian cảm nghiệm ơn giải thoát, sự che chở và chăm sóc Chúa dành cho dân Ngài.

Vì để nhớ lại hành trình trong hoang địa nên trong tuần lễ Lều, người ta dựng các lều tạm, đồng thời có hai cử hành quan trọng: một là rước đuốc quanh Đền thờ, diễn tả ý nghĩa Đấng Mêsia là ánh sáng muôn dân; hai là kiệu nước, thầy tư tế kín nước ở hồ Siloam, đổ vào chậu bằng bạc, rồi kiệu về Đền thờ, đặt bên cạnh Bàn thờ. Chính trong dịp kiệu nước đó, Chúa Giêsu đứng trong Đền thờ và lớn tiếng nói rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống”. Và Thánh Gioan nói: “Chúa Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7,39). Như thế, Thánh Thần được diễn tả bằng hình ảnh Nước, trong bối cảnh hành trình tiến về Đất Hứa.

2. Nhớ lại hành trình của Dân Chúa trong hoang địa không chỉ là nhớ về chuyện quá khứ nhưng còn là dịp ý thức hơn về hành trình cuộc đời mỗi người. Dân Israel được giải thoát khỏi miền đất nô lệ bên Ai Cập, nhưng họ phải mất 40 năm mới vào được Đất Hứa. Cũng thế, dù đã được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi nhờ Bí tích Thánh Tẩy, đích điểm cuộc đời chúng ta là Trời cao, nơi Chúa Giêsu đã đi trước và dọn chỗ cho chúng ta, còn hiện nay chúng ta vẫn đang trên đường đi. Hội Thánh là một cộng đoàn lữ hành và mỗi Kitô hữu là một khách hành hương.

Trong hành trình sa mạc của Dân Chúa xưa, nhu cầu tối cần thiết là nước. Cũng vì thiếu nước uống nên họ đã từng nổi loạn với ông Môsê (x. Xh 17,1-10). Không chỉ trong sa mạc, ngay đời sống hiện nay cũng cho thấy sự cần thiết của nước sạch thay vì nước ô nhiễm, nước ao tù, nước phèn, nước mặn!

Nước cần cho đời sống thể xác nhưng con người không chỉ có thể xác mà còn có đời sống tinh thần, và đời sống tinh thần cũng cần nước như thế, nhất là nước sạch, thứ nước nuôi dưỡng chứ không hủy hoại tinh thần. Hơn bao giờ hết, ngày nay đời sống tinh thần bị nhiễm độc nặng nề vì thứ văn hóa đồi trụy, bạo lực, gian dối, ích kỷ…

3. Thánh Thần chính là nguồn nước thanh khiết, trong lành cho đời sống Kitô hữu và Ngài vẫn luôn hoạt động để ban cho chúng ta dòng nước trong lành ấy.

Đời sống Kitô hữu được nuôi dưỡng bằng các Bí tích, và chính Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong các Bí tích. Khi cử hành Thánh Lễ, trước khi đọc lời truyền phép, linh mục đặt hai tay trên lễ vật và “nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Khi ban ơn tha tội cho hối nhân, linh mục đọc: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà ban ơn Thánh Thần để tha tội..”.

Đời sống Kitô hữu còn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh, nhưng làm sao có Thánh Kinh nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần? Chính Chúa Thánh Thần là Đấng linh hứng các tác giả để họ viết ra những điều Chúa muốn và chỉ những điều đó mà thôi (x. Dei Verbum, 11). Đồng thời khi đọc Kinh Thánh, chúng ta cần xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để có thể hiểu cho đúng những gì Chúa dạy.

Chúa Thánh Thần cũng là Đấng hiện diện nơi tiếng lương tâm là “nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm họ” (Gaudium et Spes, 16).

Trong cuộc sống, có những điều mà mọi người coi như lẽ đương nhiên, nên không quan tâm tới, ví dụ không khí để thở, nước để uống. Đến lúc nào đó mới chợt nhận ra những điều mình coi thường lại là những điều tối quan trọng! Hãy nghĩ đến bình thở oxy cho bệnh nhân Covid-19! Hãy nhớ lại mùa nước mặn ở đồng bằng Cửu Long!

Cũng thế trong đời sống đức tin, nhiều người nói rằng Chúa Thánh Thần là Ngôi vị Thiên Chúa bị lãng quên, đang khi Ngài không ngừng hoạt động để nuôi sống chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy đến mà uống”; chúng ta hãy đón nhận Thánh Thần bằng cách lắng nghe và hành động theo sự hướng dẫn của Thánh Thần qua tiếng lương tâm, qua Lời Chúa, và qua các bí tích. Được bổ dưỡng bằng nguồn nước trong lành như thế, Kitô hữu sẽ có khả năng “là chứng nhân của Thầy Giêsu tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđa, Samari, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm