15/05/2021
2755
Đức Cha Phêrô suy niệm CN LỄ CHÚA THĂNG THIÊN


 














 

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Cv 1,1-11; Eph 1,17-23; Mc 16,15-20  




 

1. Khi giải thích trình thuật Tin Mừng về việc Chúa Giêsu lên trời, một nhà chú giải Kinh Thánh đã cảnh giác các vị giảng thuyết rằng không nên sa vào khuynh hướng biến bài giảng thành bài văn tả cảnh. Chẳng hạn, có vị mô tả Chúa Giêsu trước khi lên trời đã “lượn” một vòng ghé chào các bạn hữu trong gia đình Lazarô, Martha và Maria; vị khác lại nói Chúa Giêsu bay qua để nhìn lại các nơi quan trọng trong đời Ngài, từ Bêlem đến Giêrusalem và Golgotha…rồi mới lên trời! Thật ra, khi sách Công Vụ mô tả Chúa Giêsu “được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1,9), thì nên hiểu “mây” ở đây như biểu tượng cho thế giới của Thiên Chúa: “Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm. Ông Môsê không thể vào Lều Hội Ngộ vì đám mây đậu trên đó, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 40,34-35) (x. Xavier Léon Dufour, Résurrection de Jésus et message pascal, Ed. du Seuil, Paris, 327-330). Chúa Giêsu lên trời là Ngài đi vào trong thế giới của Thiên Chúa: “Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16,28).

Cũng không nên đưa ra những quan điểm thần học mà bản văn Kinh Thánh không có ý đề cao, chẳng hạn nói rằng Chúa Giêsu về trời nên thế giới này trở thành “thung lũng nước mắt”, và các tín hữu phải mong thoát ly khỏi thế giới này để về trời. Đây không phải là quan điểm của Hội Thánh vì Hội Thánh dạy: “Sự trông đợi một thế giới mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một số hình ảnh nào đó của kỷ nguyên mới” (Gaudium et Spes, số 39).

2. Vậy đâu là những điểm nhấn cần quan tâm? Các bài đọc Kinh Thánh và cử hành phụng vụ lễ Thăng Thiên nêu cao những bài học căn bản cho đời sống và sứ vụ của Hội Thánh cũng như cho từng người tín hữu.

Chúa Giêsu lên trời để chỉ cho ta thấy đâu là mục đích tối hậu của cuộc đời, đồng thời Ngài dọn chỗ cho chúng ta: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước” (Kinh Tiền tụng Lễ Chúa thăng thiên).

Chúa Giêsu lên trời nhưng Ngài vẫn hiện diện, gọi là sự hiện diện-vắng mặt. Một đàng, sách Công Vụ kể Chúa Giêsu lên trời và các môn đệ không còn thấy Người nữa (x. Cv 1,9); đàng khác Tin Mừng Marcô cho biết “Chúa cùng hoạt động với các Tông đồ, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).

Chúa Giêsu lên trời và Ngài trao cho Hội Thánh sứ mạng hết sức quan trọng, sứ mạng làm nên lý do hiện hữu của Hội Thánh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Các Tông đồ đã thi hành lệnh truyền của Chúa với tất cả nhiệt tâm, vì thế theo cách trình bày của thánh Luca trong sách Công Vụ Tông Đồ, sau khi kể lại lệnh truyền của Chúa: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđa, Samari, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), toàn bộ sách Công Vụ ghi lại những hoạt động của các Tông đồ để loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu đến tận cùng trái đất.

3. Mỗi Kitô hữu đều có bổn phận thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, và chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng ấy với tâm tình khiêm tốn và cậy trông.

Cậy trông vì sứ mạng quá lớn lao, hầu như hoàn toàn ở ngoài khả năng của chúng ta, nhất là khi phải sống trong môi trường văn hóa-xã hội thù nghịch với những giá trị Tin Mừng, vì thế chỉ có thể chu toàn sứ mạng ấy nhờ quyền năng Chúa.

Khiêm tốn vì nếu có làm được điều gì tốt thì không phải chỉ do khả năng tự nhiên của mình, nhưng vì chính Chúa đang hoạt động nơi chúng ta.

Mẹ Têrêxa Calcutta được cả thế giới ngưỡng mộ vì những việc bác ái mẹ đã làm cho những người nghèo khổ nhất. Khi được mọi người ca tụng, mẹ nói: “Tôi chỉ là cây bút chì trong tay Chúa”. Chỉ là cây bút chì nhưng vì ở trong tay Chúa nên đã vẽ nên những họa phẩm tuyệt vời, viết ra những trang sách giàu ý nghĩa! Còn biết đâu chúng ta tự nhủ mình là bút Parker đắt tiền nhưng chẳng làm được gì hữu ích vì chỉ dựa vào sức riêng của mình.

Chúng ta cảm nhận sự hiện diện-vắng mặt của Chúa Giêsu cách cụ thể khi quy tụ cử hành Thánh Thể. Chúa Giêsu đang hiện diện ở đây nhưng Ngài hiện diện-vắng mặt vì chỉ hiện diện qua dấu chỉ bí tích. Hãy mở lòng đón nhận sự hiện diện ấy để như các Tông đồ xưa, chúng ta cảm nghiệm có Chúa cùng hoạt động và nâng đỡ chúng ta trong sứ mạng loan báo Tin Mừng (x. Mc 16,20).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm