06/06/2020
2680
Đức Cha Phêrô suy niệm CN Lễ Chúa Ba Ngôi : TÌNH YÊU HIỆP THÔNG


 














 

TÌNH YÊU HIỆP THÔNG

Lễ Chúa Ba Ngôi – Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18  

 

1. Đời sống Kitô hữu khởi đầu bằng Phép Rửa “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”(Mt 28,19). Ngày sống của Kitô hữu cũng được bắt đầu và kết thúc bằng Dấu Thánh Giá “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ngay cả những bữa cơm hằng ngày của người Công giáo cũng được bắt đầu và kết thúc bằng Dấu Thánh Giá “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Nghĩa là đời sống Kitô hữu gắn liền với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thế nhưng mầu nhiệm ấy xem ra lại rất xa lạ. Xa lạ vì những từ ngữ ‘bản tính, bản thể, ngôi vị’ là những từ triết học vừa lạ lẫm vừa khó hiểu đối với con người ngày nay, kể cả với giới trí thức. Cho nên thực tế là đọc thì vẫn đọc nhưng nếu phải giải thích thì ít người có thể làm được.

Nghịch lý này có thể hiểu được, vì Thiên Chúa là Đấng “ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, bất khả đạt thấu” (1Tm 6,16). Các nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo đều nhấn mạnh điều này : “Si comprehendis, non est Deus – Nếu bạn hiểu được Thiên Chúa thì đó không phải là Thiên Chúa” (Thánh Augustinô); “Yếu tính của chính Thiên Chúa mãi mãi là điều ẩn giấu đối với chúng ta. Trong cuộc sống hiện tại của mình, điều chúng ta biết rõ nhất về Thiên Chúa là Ngài siêu vượt trên tất cả những gì chúng ta có thể hình dung về Ngài” (Thánh Tôma Aquinô, De Veritate). Vì thế tốt nhất là hãy đến với Chúa Giêsu là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15; Ga 14,9) , và lắng nghe những gì Ngài mở ra cho chúng ta qua bài Tin Mừng.

 

2. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi hiến ban Con của Ngài, để ai tin vào Con của Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3,16). Lời này của Chúa Giêsu hàm chứa những chân lý quan trọng nhất về Thiên Chúa.

(1) “Thiên Chúa yêu thương thế gian” : nếu có một định nghĩa nào về Thiên Chúa thì định nghĩa đó chỉ có thể là “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8);

(2) “đến nỗi hiến ban Con của Ngài” : tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua sự trao ban chính Con của Ngài, chính sự sống của Ngài;

(3) “để ai tin vào Con của Ngài thì được sống muôn đời” : yêu thương là mong muốn đem đến điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu, và điều tốt đẹp nhất Thiên Chúa mang đến cho thế gian là ơn cứu độ, sự sống muôn đời.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian là tình yêu ad extra (ra bên ngoài), nhưng trước đó đã là tình yêu in se (nội tại) nơi cung lòng của Thiên Chúa. Đó là tình yêu giữa Cha và Con đến nỗi “mọi sự của Cha là của Con, và mọi sự của Con là của Cha”(Ga 17,9). Và mối hiệp thông yêu thương đó là Thánh Thần. Tình yêu nội tại nơi cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi trào vọt ra ngoài và trở thành tình yêu cứu độ thế giới. Vì thế thánh Phaolô “cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2Cr 13,13).

 

3. Vì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi khai mở đời sống Kitô hữu, nên chính trong ánh sáng mầu nhiệm Ba Ngôi mà các Kitô hữu khám phá ý nghĩa và giá trị ơn gọi làm người của mình. Nếu đặt câu hỏi “con người là gì? giá trị con người hệ tại điều gì?”, chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau, và những câu trả lời đó dẫn lối đời sống của người trả lời, vì nghĩ sao sống vậy.

Trong thời kinh tế thị trường, người ta thường đánh giá con người dựa vào sở hữu vật chất. Khi ý nghĩa và giá trị làm người được đo bằng của cải vật chất, người ta tìm mọi cách thu vén thật nhiều của cải để “là người” hơn, kể cả bằng những phương thế bất lương bất đức. Trong bối cảnh đó, không lạ gì khi đạo đức xã hội bị xuống cấp và người nghèo dễ bị gạt ra bên lề xã hội.

Kinh tế thị trường cũng đề cao năng lực sản xuất và tiêu thụ, vì thế đánh giá con người dựa trên hiệu năng. Trong bối cảnh đó, người khuyết tật, người cao tuổi, người đau yếu bệnh tật dễ bị coi thường vì không có hoặc không còn hiệu năng sản xuất.

Với các Kitô hữu thì sao? Ngay từ những trang đầu tiên, Sách Thánh đã dạy :  “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa”(St 1,27), và Thiên Chúa đó là Thiên Chúa Ba Ngôi, là Tình Yêu hiệp thông.

Nếu con người là hình ảnh Thiên Chúa thì điều làm nên ý nghĩa và giá trị đích thực của con người không phải là sở hữu vật chất hay tri thức hay bất cứ điều gì khác, nhưng là tình yêu hiệp thông. Càng sống tình yêu hiệp thông đó cách phong phú, tôi càng nên giống hình ảnh Thiên Chúa hơn, và “là người” hơn!

Đồng thời, vì con người là hình ảnh Thiên Chúa nên người Kitô hữu được mời gọi kính trọng và yêu thương mọi người, dù người đó giàu hay nghèo, trí thức hay bình dân, lành lặn hay khuyết tật. Đơn giản chỉ vì họ là hình ảnh của Chúa. Tầm nhìn đó cũng giúp người Kitô hữu góp phần xây dựng thế giới theo mô hình tình yêu hiệp thông, một thế giới có tình người hơn, thế giới của chia sẻ và tình liên đới nhân loại.

Ai sống lối sống đó thì ngay từ trần thế đã bước đi trong quỹ đạo của Thiên Chúa Ba Ngôi, và cuộc đời người đó trở thành lời tôn vinh Thiên Chúa : “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và đời đời chẳng cùng. Amen”.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm