24/04/2021
1201
Đức Cha Phêrô suy niệm CN IV PS B: CHÚA CHIÊN LÀNH


 














 

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18  


CHÚA CHIÊN LÀNH 



 

1. Khi ngỏ lời với con người, Thiên Chúa phải dùng ngôn ngữ của con người để nói với họ, và gắn với ngôn ngữ là những hình ảnh quen thuộc trong văn hóa thời đại họ sống. Cách cụ thể, Thánh Kinh được viết bằng tiếng Do Thái hay Hi Lạp, sau đó mới được dịch ra các ngôn ngữ khác. Trong đời sống văn hóa-xã hội của Do Thái thời xưa, chiên và mục tử là hình ảnh rất đỗi quen thuộc và thân thương, nên Thiên Chúa đã dùng những hình ảnh gần gũi ấy để bày tỏ tấm lòng của Ngài. Vì thế chúng ta mới có những Thánh vịnh nổi tiếng như Tv 22: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi…”. Các học giả cho biết trong toàn bộ Thánh Kinh, hình ảnh con chiên được nhắc đến 500 lần! Chúa Giêsu cũng thế, Ngài tiếp tục dùng những hình ảnh thân quen ấy để mặc khải căn tính và tấm lòng của Ngài với dân: “Ta là Mục tử nhân lành” (Ga 10,11).

Chắc chắn khi sử dụng ngôn ngữ của con người, Thiên Chúa cũng phải chấp nhận những giới hạn của ngôn ngữ nhân loại, vì ngôn ngữ đó có thể là thân quen với một dân tộc này nhưng lại xa lạ với những dân tộc khác. Chẳng hạn, chiên là hình ảnh cụ thể và gần gũi với người Do Thái nhưng với nhiều người Việt Nam có thể lại rất xa lạ, vì cả đời chưa một lần nhìn thấy con chiên. Chính vì thế, cần vượt lên trên hình ảnh để nắm bắt ý nghĩa bên trong khi Chúa Giêsu nói: “Ta là Mục tử nhân lành”. Khẳng định ấy muốn diễn tả tình thương của Thiên Chúa là tình thương đi đến cùng, đến nỗi chấp nhận hi sinh cả mạng sống cho đoàn chiên như Chúa Giêsu nói: “Ta là Mục tử nhân lành. Ta biết chiên của Ta và chiên của Ta biết Ta… và Ta hi sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. Đừng quên rằng chỉ trong một trích đoạn ngắn ngủi (Ga 1,11-18), Chúa Giêsu lặp lại đến 5 lần cụm từ “hi sinh mạng sống”.

2. “Hi sinh mạng sống cho đoàn chiên” cũng là dấu hiệu rõ nét nhất để nhận diện mục tử chân chính và mục tử giả hiệu. Trong bài đọc 1, tác giả sách Công Vụ kể lại việc thánh Phêrô và Gioan bị điệu ra trước Thượng hội đồng, sau khi các ngài nhân danh Chúa Giêsu chữa lành cho một người què ở cửa Đền thờ. Tại sao chữa lành cho một người tàn tật mà lại bị điệu ra tòa? Theo sách Công Vụ, những người lôi thánh Phêrô và Gioan ra tòa là “các thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và kinh sư… có cả thượng tế Khanan, các ông Caipha, Gioan, Alêxanđê và mọi người trong dòng họ thượng tế” (Cv 4,5-6), nghĩa là những mục tử của dân Do Thái lúc ấy. Các ông bàn tính với nhau thế này: “Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã làm một dấu lạ rành rành, điều đó hiển nhiên với mọi người cư ngụ tại Giêrusalem, và ta không thể chối được. Nhưng để cho việc đó không lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa” (4,16). Như thế đã rõ, họ là mục tử của dân, nhưng những mục tử này chỉ nghĩ đến quyền lợi, danh tiếng và địa vị của mình chứ không nghĩ đến sự sống và lợi ích của dân. Tiên tri Isaia từng gọi các mục tử thời của ngài là “chó câm” và “chó đói” (Is 56,10-11)!

Chỉ một mình Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, Mục tử mang lại sự sống thật cho đoàn chiên như thánh Phêrô đã tuyên bố trước Thượng hội đồng: chính nhờ Danh Chúa Giêsu Kitô mà người què (nay được lành mạnh) ra đứng trước mặt quý vị, rồi ngài khẳng định: “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

3. Chỉ một mình Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, nên là chiên của Chúa, bổn phận của Kitô hữu là phải biết Chúa và nghe theo tiếng Ngài: “Ta biết chiên của Ta và chiên của Ta biết Ta”. Đừng vội tin vào những mục tử giả hiệu với những lời hứa hẹn đẹp đẽ nhưng thực chất chỉ là hão huyền. Thánh Phaolô đã từng cảnh giác các tín hữu thời xưa: “Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những kẻ khéo nói, làm cho họ vui tai và thỏa mãn lòng tư dục. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe theo chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2Tm 4,3-4). Thiết nghĩ lời cảnh giác ấy vẫn cần thiết hơn cho thời đại ngày nay.

Chỉ một mình Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, tất cả chúng ta đều là chiên của Chúa, đồng thời qua bí tích Thánh tẩy, chúng ta được chia sẻ chức năng mục tử của Ngài. Cụ thể là các linh mục. Qua bí tích Truyền chức thánh, các linh mục “được xức dầu và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh mục, đến nỗi có quyền hành động với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô là Đầu” (GH 2). Tuy nhiên, không chỉ các linh mục mà thôi, mọi Kitô hữu đều được chia sẻ chức năng mục tử của Chúa Giêsu và thể hiện qua bậc sống của mình, qua trách nhiệm làm cha mẹ trong một gia đình, cũng như qua những nhiệm vụ khác trong xã hội.

Tất cả chúng ta được mời gọi sống tinh thần mục tử của Chúa Giêsu, thể hiện qua sự “hi sinh mạng sống”, nghĩa là biết nghĩ đến ích lợi của những người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, hơn là chỉ lo cho bản thân. Nhờ đó tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng Hội Thánh thành đoàn chiên đích thực của Mục tử Giêsu, và “ánh sáng cứu độ của Chúa ngày càng tỏa sáng trên toàn thể nhân loại” (GH 36).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm