11/12/2021
10618
Đức Cha Phêrô suy niệm CN III MV C 2021: NIỀM VUI CỨU ĐỘ


 














 


 

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Xp 3,14-18a; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18  


NIỀM VUI CỨU ĐỘ 

 

 

1. Cách đây ít hôm, nhìn thấy tựa đề một bài báo “Giải cứu Giáng Sinh” (vnexpress 6/12/2021), tôi lấy làm lạ và tự hỏi Giáng Sinh làm sao mà phải giải cứu nên đọc cho biết. Hóa ra người viết đồng hóa Giáng Sinh với mùa làm ăn kinh tế, hiện nay đang sa sút vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19: so với năm ngoái 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 của Thành phố Hồ Chí Minh giảm 15,5%; chỉ số lao động giảm 9,9%. Vì thế người viết kêu gọi “giải cứu Giáng Sinh” là kêu gọi hỗ trợ việc phục hồi sản xuất kinh doanh, cũng giống như “giải cứu nông sản, giải cứu sầu riêng, giải cứu vải thiều”! 

Bài báo đó phản ánh một cái nhìn thế tục về lễ Giáng Sinh, không nhìn Giáng Sinh như một ngày lễ tôn giáo nhưng như mùa làm ăn, gia tăng sản xuất và kích thích tiêu thụ. Cũng chẳng thể trách được vì người viết không phải là Kitô hữu, và có khi không chỉ một mình tác giả mà thôi, nhưng rất nhiều người trong xã hội hiện nay chỉ nhìn Giáng Sinh từ góc nhìn thuần túy kinh tế. 

Từ góc nhìn đức tin, thiết nghĩ chính tình hình dịch bệnh với những hạn chế về sinh hoạt kinh tế-xã hội cách nào đó lại “giải cứu” Giáng Sinh, theo nghĩa là tước đi những rườm rà hào nhoáng bên ngoài để các tín hữu tìm về ý nghĩa đích thực của niềm vui Giáng Sinh. Chúa nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa nhật của Niềm Vui vì lời đầu tiên của Ca nhập lễ là Gaudete (Hãy vui lên), các linh mục mặc áo lễ mầu hồng thay vì mầu tím quen thuộc của Mùa Vọng, và trong lời nguyện nhập lễ, Hội Thánh “xin Chúa hướng niềm vui của chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả”. 

2. Đúng thế, niềm vui là sứ điệp chính của ngày lễ hôm nay và sứ điệp ấy tràn ngập các bài đọc trong Thánh Lễ: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp 3,14);  “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Pl 4,4). 

Câu hỏi đặt ra là niềm vui nào? Để trả lời cho câu hỏi ấy, Hội Thánh giới thiệu một khuôn mặt nổi bật trong Mùa Vọng là thánh Gioan Tẩy Giả. Nơi vị thánh này xuất hiện một nghịch lý. Một đàng, hình ảnh thánh Gioan Tẩy Giả thường khắc họa chân dung một con người khắc khổ do cuộc sống khổ hạnh của ngài, “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3,4); đàng khác, sách Tin Mừng lại nhiều lần nói đến niềm vui của thánh nhân: ngay lúc còn trong lòng mẹ, Gioan đã “nhảy lên vui sướng” khi Đức Maria đến nhà bà Elisabeth (x. Lc 1,39-45); và khi các môn đệ phàn nàn vì thấy người ta chạy theo ông Giêsu mà bỏ quên thầy mình thì ngài nói: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải lớn lên, còn thầy phải nhỏ đi” (Ga 3, 29-30). 

Niềm vui ấy là niềm vui cứu độ vì quy về Chúa Kitô, Đấng Mêsia, Đấng Cứu độ. Niềm vui ấy là niềm vui hàm chứa sự từ bỏ và hi sinh: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Niềm vui ấy là niềm vui của người chu toàn đúng chức năng và nhiệm vụ của mình: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng”. 

3. Niềm vui ấy cũng là niềm vui thánh Gioan mời gọi mọi người mở lòng ra đón nhận. Người đời thường tìm kiếm niềm vui bằng cách chiếm hữu và tích lũy, còn thánh Gioan mời gọi cho đi và chia sẻ:“Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11). Người đời tìm kiếm niềm vui bằng sự thống trị của quyền lực, còn thánh Gioan kêu gọi tôn trọng và phục vụ tha nhân: “Đừng đòi hỏi điều gì quá mức đã ấn định cho các anh…Chớ hà hiếp ai, đừng tống tiền người ta” (Lc 3,13-14). 

Thế đấy, hãy “giải cứu” niềm vui Giáng Sinh bằng cách để cho Chúa lớn lên và cái tôi ích kỷ nhỏ đi, vì cái tôi của chúng ta lớn quá và ngày càng phình to ra nên Chúa lớn không nổi! Hãy “giải cứu” Giáng Sinh bằng cách để cho tình yêu lan tỏa và tràn đầy cuộc sống bằng sự chia sẻ và phục vụ. Hãy “giải cứu” Giáng Sinh bằng cách chu toàn bổn phận theo đúng chức năng của mình. Và khi ấy chúng ta sẽ cảm nhận niềm vui đích thực của lễ Giáng Sinh: niềm vui cứu độ.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm