05/03/2021
2592
Đức Cha Phêrô suy niệm CN III MC B: GIAO ƯỚC


 














 

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Xh 20,1-17; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25  


GIAO ƯỚC 





 

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được khai triển theo 4 phần chính, dựa trên 4 kinh quan trọng là Kinh Tin Kính, Kinh Mười Điều Răn, Kinh Bảy Bí tích, Kinh Lạy Cha. Như thế, Mười Điều Răn vẫn là trụ cột cho đời sống Công giáo, không người Công giáo nào không thuộc Kinh này, nhưng nếu hỏi thêm về nguồn gốc, bối cảnh và mục đích của Kinh ấy thì không phải ai cũng biết. Bài đọc 1 (Kinh Mười Điều Răn) kết hợp với bài Tin Mừng về việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem là cơ hội giúp khám phá ý nghĩa và tầm quan trọng của lời kinh này trong đời sống đức tin Công giáo.

1. Mười Điều Răn là những điều khoản của Giao ước. Đọc Kinh Mười Điều Răn (Mười lời) trong bối cảnh sách Xuất Hành, các Kitô hữu sẽ thấy Mười Điều Răn là những điều khoản của Giao ước giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài: “Chúa phán với ông Môsê: Hãy ghi chép những lời này, vì dựa trên chính những lời này mà Ta đã lập giao ước với ngươi và Israel…Ông Môsê đã viết trên những bia các điều khoản của Giao ước, tức là Mười Điều Răn” (Xh 34,27-28; 23,14-19).

Như thế, Mười Điều Răn không phải là những lề luật áp đặt từ trên xuống nhưng là sự thể hiện mối tương quan tự nguyện giữa Thiên Chúa và Dân của Chúa: “Nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu của riêng Ta, vì toàn cõi đất là của Ta…Toàn dân nhất trí đáp lại: Mọi điều Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo” (Xh 19,5). Cũng giống như lời cam kết đôi hôn phối trao cho nhau khi cử hành lễ cưới: “hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh (em), lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc yếu đau, để yêu thương và tôn trọng anh (em) suốt đời”. Nền tảng là tình yêu của đôi bạn, và sự chung thủy, tôn trọng nhau là sự thể hiện ra bên ngoài tình yêu bên trong, đồng thời giúp tình yêu ấy được bền vững. Cũng thế, khi chịu Phép Rửa, chúng ta đã ký kết giao ước với Chúa qua việc tuyên xưng đức tin, và việc tuân giữ Mười Điều Răn là cách thể hiện sự trung thành của mình với giao ước đã ký kết.

2. Mười Điều Răn là nẻo đường của tự do. Mười Điều Răn là những điều khoản của giao ước và cũng là nẻo đường tự do. Giao ước Sinai được thiết lập sau khi dân Israel thoát khỏi đất nô lệ Ai Cập, và trước khi ban bố Mười Điều Răn, Thiên Chúa nhắc lại điều đó: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Đấng thiết lập giao ước với dân Israel là Đấng đã giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ, vì thế Mười Điều Răn là nẻo đường của của tự do, thể hiện lối sống của con người tự do. Cũng vì thế, khi có người hỏi “Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Nếu anh muốn vào cõi sống, hãy giữ các điều răn” (x. Mt 19,16-22).

Thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó. Dân Israel thoát khỏi nô lệ Ai Cập nhưng rồi lại sa vào những thứ nô lệ khác: nô lệ các ngẫu tượng, nô lệ quyền lực, nô lệ của cải, xác thịt. Tất cả là vì họ đã không trung thành với giao ước đã ký kết với Chúa qua việc tuân giữ các điều răn. Khẳng định này quan trọng vì nhiều người cho rằng Mười Điều Răn và lề luật nói chung trói buộc và kềm hãm tự do của con người. Thực ra chính khi tuân giữ các điều răn, chúng ta mới thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, thế gian, xác thịt, và bước đi trên nẻo đường của tự do đích thực.

3. Mười Điều Răn và việc thanh tẩy Đền thờ. Kiến trúc của Đền thờ Giêrusalem diễn tả mối liên hệ mất thiết giữa Mười Điều Răn và Đền thờ. Phần quan trọng nhất của Đền thờ được gọi là gian cực thánh, ở đó đặt Hòm bia giao ước là cái hòm trong đó đặt tấm bia ông Môsê đã ghi các điều khoản của giao ước: “Chúa phán với ông Môsê: Hãy ghi chép những lời này, vì dựa trên chính những lời này mà Ta đã lập giao ước với ngươi và Israel…Ông Môsê đã viết trên những bia các điều khoản của Giao ước, tức là Mười Điều Răn” (Xh 34,27-28; 23,14-19).

Đền thờ là Nhà của Chúa và mỗi khi đến Đền thờ, dân Israel được nhắc nhớ về giao ước đã ký kết với Chúa, cụ thể là tuân giữ Mười Điều Răn là những điều khoản của giao ước. Trong thực tế, người ta đã biến nhà Chúa thành nơi buôn bán. Sự phản bội này rất tinh tế vì ẩn dưới vẻ ngoài tốt lành thánh thiện của các nghi lễ tôn giáo lại là sự lạm dụng bên trong. Thay vì tôn vinh Thiên Chúa, người ta đã biến Ngài thành công cụ để kinh doanh buôn bán. Vì thế Chúa Giêsu phản ứng quyết liệt, Ngài xua đuổi những người buôn bán và đổi tiền khỏi Đền thờ và tuyên bố: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Liệu sự phản bội tinh vi này có diễn ra trong các tôn giáo cũng như trong Kitô giáo ngày nay chăng? Thiết nghĩ đây là câu hỏi rất đáng quan tâm.

Cùng với câu hỏi trên ở tầm vĩ mô, mỗi Kitô hữu cũng nên tự hỏi: Thiên Chúa có thực sự được tôn vinh trong đền thờ tâm hồn tôi không? Có ngẫu tượng nào đang chiếm chỗ của Thiên Chúa trong cuộc đời tôi không? Tôi có trung thành với giao ước đã ký kết với Chúa qua việc tuân giữ Mười Điều Răn không? Khi đó chúng ta sẽ thấy không chỉ đền thờ Giêrusalem cần được thanh tẩy nhưng chính mình cần cộng tác với ơn Chúa để thanh tẩy tâm hồn và cuộc đời, đó cũng là điều Thiên Chúa mong chờ nơi chúng ta, cách riêng trong Mùa Chay thánh.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm