27/02/2021
1971
Đức Cha Phêrô suy niệm CN II MC B: HIẾN TẾ TÌNH YÊU


 














 

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

St 22,1-2.9.10-18; Rm 8,31-34; Mc 9,2-10  


HIẾN TẾ TÌNH YÊU 

  


 

1. Trình thuật Tổ phụ Abraham sát tế con mình theo lệnh Chúa truyền là một trong những áng văn cảm động và nhức nhối nhất của Kinh Thánh, khơi nguồn sáng tạo cho nhiều tác phẩm văn chương và nghệ thuật. Trong khung cảnh Thánh Lễ Chúa nhật II Mùa Chay, Hội Thánh mời các tín hữu nghe lại câu chuyện này để làm nổi bật một câu chuyện khác ít được quan tâm, là chuyện Thiên Chúa hiến tế chính Con Một của Ngài, được vén mở trong trình thuật về cuộc biến hình của Chúa Giêsu (Mc 9,2-10). Hãy thử lưu ý đến những chi tiết trong hai trình thuật.

- Cả hai sự kiện đều diễn ra trên núi: Tổ phụ Abraham sát tế Isaac trên núi Môria (St 22,2); còn Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor và sau đó, chịu chết trên Núi Sọ (Mc 9,2).

- Nhân vật chính trong cả hai trình thuật là hai cha con: trên núi Môria, hai cha con là Tổ phụ Abraham và Isaac; trên núi Tabor là Chúa Giêsu và Chúa Cha với tiếng phán uy nghiêm từ đám mây, “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9, 7).

- Cả hai trình thuật đều nói đến những yếu tố khi dâng lễ tế là bàn thờ và của lễ: Tổ phụ Abraham lập bàn thờ trên núi Môria, của lễ là Isaac, và sau khi sứ thần ngăn cản, Abraham bắt một con cừu đực làm của lễ (St 22,13); trong trình thuật về cuộc biến hình, khi từ núi Tabor đi xuống, Chúa Giêsu “truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mc 9,9), nghĩa là Ngài nhắc đến hiến tế Ngài sẽ dâng trên bàn thờ thập giá ở Núi Sọ.

- Cả hai trình thuật đều nhắc đến củi và gỗ: trong trình thuật Tổ phụ Abraham sát tế con mình là Isaac, “Ông Abraham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai Isaac, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi” (St 22,6); còn trong trình thuật về cuộc thương khó, “Chúa Giêsu vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Do Thái là Golgotha” (Ga 19,17).

 

2. Như thế, sứ điệp chính của các bài đọc hôm nay là hiến tế của Thiên Chúa tình yêu. Nếu chỉ đọc trình thuật Tổ phụ Abraham sát tế Isaac thôi, người đọc không thể tránh khỏi những câu hỏi nhói lòng: Tại sao Thiên Chúa lại có thể độc ác như thế? Tổ phụ Abraham chỉ có Isaac là mụn con duy nhất để nối dõi, sao Chúa có thể tước đi cả niềm hi vọng cuối cùng của ông? Và trong những câu hỏi đau đớn ấy, nghe như cũng hàm chứa cả nỗi lòng của chính chúng ta, nhất là khi bị mất đi những gì là thân thương, gắn bó với mình.

 

Thế nhưng nếu liên kết trình thuật Tổ phụ Abraham sát tế Isaac với trình thuật Chúa Giêsu biến hình, chúng ta sẽ khám phá Thiên Chúa trong ánh sáng mới. Nếu Thiên Chúa truyền cho Tổ phụ braham sát tế Isaac thì cũng chỉ là để “thử lòng” ông thôi (St 22,1), và khi Tổ phụ Abraham vung dao sát tế con mình thì sứ thần Chúa đã cản lại và nói với ông những lời đầy an ủi: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc” (St 9,12). Còn trên núi Tabor, sau khi long trọng tuyên bố Chúa Giêsu là “Con Ta yêu dấu”, Thiên Chúa đã dẫn Con của Ngài lên Núi Sọ, ở đó Con của Ngài bị đóng đinh vào thập giá và chết trên thập giá. Giây phút đó, có bàn tay nào ngăn cản quân dữ đóng đinh Chúa Giêsu không? Có tiếng nói nào vang lên để át đi tiếng hò la của những kẻ đòi giết chết Chúa Giêsu không?

 

Thế nên, nếu ngày xưa sứ thần Chúa đã nói với Tổ phụ Abraham: “Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa; đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc”, thì ngày nay chúng ta phải làm gì nếu không phải là kêu lên như thánh Phaolô: “Đến như chính Con Một mà Thiên Chúa cũng chẳng tiếc nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta sao?” (Rm 8,32). Nghĩa là thay vì cứ giữ mãi trong lòng hình ảnh một Thiên Chúa độc ác, độc tài, độc đoán, thì phải tuyên xưng Thiên Chúa là Tình Yêu: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi hiến ban Con Một, để những ai tin vào Con của Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

 

 

3. Mùa Chay là mùa sám hối. Sám hối theo Kinh Thánh là sự thay đổi sâu xa trong cách nhìn, cách nghĩ, từ đó dẫn đến sự thay đổi đời sống. Với người tín hữu, sự thay đổi sâu xa nhất chính là thay đổi cách nhìn về Thiên Chúa, khám phá lại Thiên Chúa là Cha yêu thương, sẵn sàng hi sinh cho con cái được hạnh phúc, chứ không phải là vị thần thích trừng phạt và đầy đọa con người. Khi tin vào Thiên Chúa là Cha yêu thương như thế, dù cuộc đời có thế nào, chúng ta vẫn luôn đi trong tình yêu thương của Cha trên trời.

 

Cách cụ thể, hãy sống theo gương Chúa Giêsu, Người Con yêu dấu của Chúa Cha, như Ngài phán dạy: “Hãy nghe lời Người”. Nghe lời Chúa Giêsu không phải là chuyện dễ dàng vì Lời Chúa nhiều khi không hợp với suy nghĩ tính toán tự nhiên của loài người (x. Mt 16,21-23); vì Lời Chúa đòi phải từ bỏ những gì chúng ta gắn bó (x. Mt 19,16-25); vì Lời Chúa mời gọi vác thập giá (x. Mt 16,24). Thế nhưng điều chắc chắn là Lời Chúa muốn đem lại điều tốt lành nhất cho chúng ta: “Đến như chính Con Một mà Thiên Chúa cũng chẳng tiếc nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta sao?” (Rm 8,32).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm