27/11/2021
9300
Đức Cha Phêrô suy niệm CN I MV C 2021: TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN


 














 


NĂM PHỤNG VỤ 2022 – NĂM C


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Gr 33,14-16; 1Tx 3,12-4,2; Lc 21,25-28.34-36  


TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
 

 

1. Các bài đọc trong Thánh Lễ làm nổi bật hai đặc tính chính yếu của Mùa Vọng: trước hết là chuẩn bị kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người: “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công chính để nối nghiệp Đavít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33,15); sau là hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 27-28). Thế nhưng Mùa Vọng không chỉ là nhìn về quá khứ và nhìn tới tương lai mà còn là nhìn vào hiện tại vì Chúa đang đến: “Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

2. Dù nhìn về quá khứ hoặc nhìn tới tương lai hay nhìn vào hiện tại, nội dung chính vẫn là Chúa đến, như tên gọi của Mùa Vọng, Adventus. Đặc tính nổi bật của việc Chúa đến là sự bất ngờ: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34). Vì Chúa đến bất ngờ nên tỉnh thức và cầu nguyện là lời mời gọi đầu tiên của Mùa Vọng: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

Việc Chúa đến lần thứ nhất và thái độ của Đức Maria và Thánh Giuse là minh họa cụ thể cho giáo huấn Tin Mừng. Chúa đến rất bất ngờ, vượt trên mọi suy nghĩ và tưởng tượng của con người, thế nên Đức Maria hết sức ngỡ ngàng: “Việc ấy xảy đến thế nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Thánh Giuse cũng thế, là người đạo đức và khôn ngoan, khi biết Đức Maria có thai, ngài chỉ có thể nghĩ cách tốt nhất là “bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Dù rất bất ngờ nhưng các ngài đã nhận ra và làm theo thánh ý Chúa nhờ tỉnh thức và cầu nguyện.

3. Tại sao tỉnh thức và cầu nguyện lại có thể giúp chúng ta dễ nhận ra Chúa đang đến? Hãy thử nhìn lại một kinh nghiệm ai cũng có. Cùng đọc một cuốn tiểu thuyết, nghe một bản nhạc, ngắm một bức tranh, nhưng không phải ai cũng có cảm nhận như nhau. Hơn thế nữa, cũng quyển sách ấy, bản nhạc và bức tranh ấy, nhưng ở những độ tuổi khác nhau và tâm trạng khác nhau, chúng ta lại có cảm nhận khác. Hóa ra vấn đề không chỉ là nội dung khách quan mà tác giả muốn chuyển tải, nhưng nội dung ấy được đón nhận hay không và đón nhận thế nào là còn tùy vào trạng thái của người thưởng ngoạn. Xin gọi đó là dự trạng, trạng thái chuẩn bị, không phải là kiến thức cho bằng trạng thái tâm hồn.

Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Cầu nguyện là đi vào mối quan hệ cá vị và gắn kết thường xuyên với Thiên Chúa. Trong sự gắn kết ấy, chúng ta sẽ dễ nhạy bén, tỉnh thức trước những gì thuộc về Chúa, trước những tín hiệu của Ngài. Đó là sự tỉnh thức của đức tin và tình yêu, giống như bà mẹ yêu thương con nên dù đang ngủ, bà vẫn nghe được tiếng khóc của đứa con thơ giữa đêm khuya. Cũng vì vậy, cùng với lời mời gọi tỉnh thức và cầu nguyện, Chúa Giêsu cảnh cáo: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34). Bởi lẽ chè chén say sưa và lo lắng sự đời cách quá đáng thì làm sao có thể tỉnh thức và nghe được tiếng gõ cửa của Chúa?

Sự tỉnh thức của tình yêu, nếu có thật, phải được cụ thể hóa qua thái độ sống yêu thương của chúng ta với người chung quanh, vì vậy khi thánh Phaolô mong cho các tín hữu của ngài “không có điều gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Ngài”, thì đồng thời ngài nhắn nhủ: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy” (1Tx 3,12). Lại chẳng phải là lời nhắn nhủ cần thiết cho mỗi Kitô hữu trong Mùa Vọng sao?
 

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm