10/04/2021
2067
Đức Cha Phêrô suy niệm CN II PS B: BÌNH AN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH


 














 

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20,19-31  


BÌNH AN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH 


 

1. Khi hiện đến với các Tông đồ, lời đầu tiên của Chúa Giêsu là “Bình an cho anh em”. Thông thường ai cũng nghĩ rằng đối nghịch với bình an là chiến tranh và ly loạn, nhưng theo chuyện kể của thánh Gioan thì đối nghịch với bình an là sự sợ hãi. Đấng Phục sinh ban bình an cho các môn đệ khi “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do Thái” (Ga 20,19). Ghi nhận này giúp chúng ta nhìn sâu hơn vào cội nguồn của chiến tranh và bạo lực; ở đó, sẽ thấy bóng dáng của sợ hãi: sợ mất quyền lực, sợ mất lợi nhuận, sợ mất địa vị. Chính vì thế, không chỉ người nghèo mới sợ nhưng người giàu còn sợ nhiều hơn. Không chỉ thường dân hãi sợ mà các quan lớn còn sợ nhiều hơn! Anthony de Mello đã nhận xét thật tinh tế rằng, “Sợ hãi là cội nguồn của bạo lực. Chỉ khi nào bạn sợ hãi, bạn mới nổi giận. Ngược lại, chỉ có những người vượt qua sự sợ hãi mới dám sống tinh thần bất bạo động”. Gandhi, Martin Luther King, Nelson Mandela là những chứng tá hùng hồn cho nhận xét này. Và trên hết là chính Chúa Giêsu khi đối diện với Philatô và những người hò la đóng đinh Người vào thập giá.

2. “Bình an cho anh em”. Cả Xavier Léon Dufour lẫn Raymond Brown đều khẳng định đây không chỉ là lời chúc shalom quen thuộc của người Do Thái, nhưng là một ơn ban, như lời Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Bình an là một ơn, chứ không phải là món hàng để mua bán, và chỉ có Đấng Phục Sinh mới có thể ban tặng.

Kinh nghiệm nói với chúng ta rằng sợ hãi gắn liền với ý chí muốn sống. Sợ luôn luôn là sợ mất sự sống. Dù là sợ đói khát hay sợ mất quyền lực, của cải… thì ẩn sâu bên trong vẫn là sợ mất sự sống. Vì thế, giây phút con người sợ hãi nhất là khi phải đối diện cái chết. Không có sự khôn ngoan hay quyền lực trần thế nào có thể chế ngự được cái chết, cho nên con người cảm thấy xao xuyến và sợ hãi tột cùng khi đối diện với cái chết. Càng bám víu vào quyền lực, của cải, địa vị bao nhiêu thì lại càng sợ hãi bấy nhiêu. Chỉ có Đấng Phục Sinh, Đấng đã chế ngự, vượt qua và thống trị cả quyền lực sự chết mới có thể ban tặng sự bình an đích thực. Người nào đón nhận ơn bình an ấy thì người đó mang tầm nhìn mới về sự sống, và với tầm nhìn ấy, mọi đe dọa của quyền lực thế gian trở thành vô nghĩa như thánh Basiliô diễn tả: “Tôi không sợ tịch thu tài sản vì gia nghiệp của tôi là chính Chúa. Tôi không sợ lưu đày vì nơi đâu có Chúa, nơi đó là quê hương của tôi. Tôi không sợ chết vì cái chết đưa tôi về với Chúa sớm hơn.”

3. Với ơn bình an của Đấng Phục Sinh, các môn đệ lên đường: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Trong Tin Mừng Gioan, Thiên Chúa sai Chúa Giêsu đến trần gian là để đem sự sống, ánh sáng, chân lý cho nhân loại. Cũng thế, môn đệ Chúa Giêsu phải đem sự sống, ánh sáng và chân lý đến những nơi họ được sai tới. Và cũng như dung nhan Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu đến nỗi ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha, thì cuộc đời người môn đệ cũng phải làm sáng lên dung nhan của Đấng Phục Sinh. Đây quả là một thách đố rất lớn: chúng ta phải công bố chân lý, giới thiệu ánh sáng và ban tặng sự sống của Chúa Kitô Phục Sinh cho anh chị em mình, chứ không phải chân lý và ánh sáng của bất kỳ lý thuyết hay nhân vật nào. Chúng ta phải làm sáng lên dung nhan của Chúa Kitô Phục Sinh chứ không phải dung nhan của chính mình.

Chính vì đây là thách đố rất lớn nên cùng với việc sai đi, Chúa Giêsu “thổi” Thánh Thần cho các môn đệ. Thánh Thần được ban xuống để trong tác động của Ngài, người môn đệ có thể biểu tỏ dung nhan Đấng Phục Sinh trong lời rao giảng và đời sống của mình. Đồng thời Thánh Thần được ban xuống để thừa tác viên của Chúa thông ban ơn tha thứ của Chúa: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23).

Sứ vụ thật cao cả, và vinh hạnh cho những ai được trao cho sứ vụ ấy. Thế nhưng, cũng đừng quên rằng Đấng ban bình an và Thánh Thần cũng là Đấng “cho các ông xem tay và cạnh sườn” (Ga 20,20), tay có lỗ đinh và cạnh sườn bị ngọn giáo đâm thâu! Không thể ban bình an và ơn tha tội cho người khác mà lại không chấp nhận hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa, qua những hi sinh và dâng hiến, mỗi ngày và mọi ngày suốt cuộc đời. Tomas Halik có lý khi nói rằng: “Điều then chốt trong đức tin của tôi là một cảnh đặc biệt trong Tin Mừng Gioan, là cuộc gặp gỡ giữa Tông đồ Tôma và Chúa Kitô Phục sinh. Trong lòng Tôma cũng như trong tâm trí nhiều người ngày nay, đức tin và nghi ngờ đang xung đột lẫn nhau. Chỉ khi Chúa Giêsu cho Tôma thấy vết thương của Ngài thì Tôma mới kêu lên: Lạy Chúa Con, lạy Thiên Chúa của con. Thế giới chúng ta đầy thương tích. Tôi xác tín rằng những ai khép mắt lại trước những vết thương của thế giới thì người ấy không có quyền nói rằng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con! Một tôn giáo mà không biết gì đến nỗi đau và bất hạnh của con người thì tôn giáo ấy chỉ là thuốc phiện của nhân dân. Một Thiên Chúa không mang thương tích là vị Thiên Chúa đã chết. Khi ai đó nói với tôi về Thiên Chúa của họ, tôi hỏi lại: Có phải là Thiên Chúa tình yêu, chịu thương tổn vì những khổ đau của nhân loại không? Tôi không muốn tin vào vị Thiên Chúa nào khác” (Templeton Lecture).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm