19/09/2020
4266
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXV TN A: CÔNG BẰNG VÀ THƯƠNG XÓT


 














 

CÔNG BẰNG VÀ THƯƠNG XÓT

Chúa nhật XXV thường niên – Is 55,6-9; Pl 1,20-24.27; Mt 20,1-16



 

1. Trong dụ ngôn Thợ làm vườn nho, Chúa Giêsu kể có người đi làm từ 6 giờ sáng, có người từ 12 giờ trưa, có người mãi 5 giờ chiều mới vào làm; đến lúc lĩnh lương, những người đi làm muộn lĩnh lương trước, còn những người đi làm sớm phải xếp hàng chờ, cứ tưởng sẽ được lĩnh nhiều hơn, hóa ra ai cũng như nhau, mỗi người một quan tiền. Thế nên những người làm từ sáng sớm mới phàn nàn ông chủ.

Giả như chỉ thay đổi một chi tiết thôi trong dụ ngôn thì sao: ai làm sớm thì lĩnh lương sớm rồi về, ai làm sau thì lĩnh lương sau? Có lẽ sẽ không có chuyện tranh cãi gì, hoặc nếu có thì cũng không đến nỗi gay gắt! Đằng này, những người mới vào làm từ 5 giờ chiều, nghĩa là mới làm được một giờ, thì lĩnh lương trước, mỗi người được một quan tiền. Còn những người làm từ sáng sớm lại phải xếp hàng lĩnh lương sau, đương nhiên họ nghĩ là mình sẽ được lĩnh nhiều hơn, không ngờ cũng chỉ được một quan tiền! Thế nên mới tức, mới cự nự ông chủ!

Đó là lý do dụ ngôn này được gọi là “dụ ngôn gây sốc”! Và cũng chính ở đó mới thấy tài kể chuyện của Chúa Giêsu. Ngài đẩy sự mâu thuẫn lên cao độ để chuyển tải giáo huấn về Thiên Chúa và Nước Trời: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi chừng ấy” (Bài đọc 1); và “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20,16).

 

2. Đường lối của Thiên Chúa ở đây là đường lối của tình yêu và lòng thương xót. Hỏi rằng ông chủ có công bằng không khi trả lương một quan tiền cho những người chỉ làm việc một giờ, rồi cũng chỉ trả một quan tiền cho những người làm từ sáng sớm? Thoáng nghe thì có vẻ không công bằng nhưng thực sự là ông chủ không lỗi đức công bằng, vì đã thỏa thuận từ trước: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao?” (20,13). Nhưng ngoài công bằng ra, ở đây còn điều gì lớn hơn thế, đó là lòng thương xót.

Ông chủ thương xót những người đến làm muộn. Họ không lười biếng nhưng chỉ vì không ai thuê họ cả (x. 20,7). Nếu chỉ tính theo giờ mà trả lương, những người mới làm được một giờ sẽ chỉ được 1/10 quan tiền, thay vì 100 ngàn đồng thì chỉ được 10 ngàn, họ lấy gì để lo cho bản thân và cho vợ con ngày hôm đó? Cho nên chỉ làm một giờ mà được hưởng lương một ngày, hiển nhiên là do lòng thương xót của ông chủ.

Không những người đến làm muộn mà ngay cả những người làm từ sáng sớm cũng là nhờ lòng thương xót. Hãy hình dung những người thợ làm vườn nho trong bối cảnh thời đại lúc đó : không giống các công nhân ngày nay, có hợp đồng làm việc, có bảo hiểm xã hội; những người thợ trong dụ ngôn là những người làm nghề tự do, ai gọi đi làm việc gì thì làm việc đó, rồi lĩnh lương theo ngày. Vì thế được gọi đi làm đã là một hồng phúc rồi vì biết rằng ngày hôm đó cả nhà được ăn no. Đứng ngồi không yên ngoài đường, mong có người gọi đi làm, có lẽ còn khổ hơn.

 

3. Chúng ta có cần được thương xót không hay chỉ cần công bằng?

Về sự sống tự nhiên, thỉnh thoảng lại nghe tin những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, để ở cổng chùa hay nhà thờ hay nơi nào khác. Giả như cha mẹ chúng ta cũng hành xử như thế, liệu chúng ta có thể tồn tại không? Cuộc sống mỗi người ngay từ khi chào đời đã được bao bọc bằng tình yêu và lòng thương xót, và chỉ tồn tại được nhờ lòng thương xót. Đó là sự thật hiển nhiên nhưng nhiều khi bị lãng quên.

Về sự sống siêu nhiên, có ai trong chúng ta muốn ra trước mặt Chúa và yêu cầu Chúa phải xử công bằng mà không cần đến lòng thương xót? Trong lịch sử Hội Thánh từng có thuyết Pêlagiô chủ trương rằng, “bằng sức mạnh tự nhiên của ý chí tự do, không cần sự trợ giúp của ân sủng, con người vẫn có thể sống tốt lành về mặt luân lý” (SGLHTCG số 406), và thuyết Pêlagiô vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay, cho nên Đức Giáo hoàng Phanxicô gần đây đã nhắc lại để cảnh giác các tín hữu “mang não trạng Pêlagiô, chỉ tin tưởng vào sức mạnh của chính mình, và cho rằng mọi sự đều có thể do ý chí của con người”. Không, ơn cứu độ hoàn toàn là quà tặng của lòng thương xót chứ không do công khó của con người, vì thế chúng ta phải đến trước nhan Chúa với lòng khiêm tốn và tín thác chứ không phải với sự kiêu căng hợm hĩnh.

Nếu ý thức rằng bản thân mình, phần xác cũng như phần hồn, sống được không chỉ nhờ sự công bằng mà còn nhờ lòng thương xót, thì chúng ta cũng được kêu gọi cư xử với nhau như thế trong đời sống hằng ngày, cách riêng là với những anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn, cần được nâng đỡ và trợ giúp. “Phúc cho ai biết xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm