26/03/2021
1684
Đức Cha Phêrô suy niệm Chúa Nhật Lễ Lá


 














 

CHÚA NHẬT LỄ LÁ




 

1. Trình thuật Thương Khó và Phục Sinh chiếm 1/3 các sách Tin Mừng, điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của trình thuật này trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu. Phụng Vụ phản ánh tầm quan trọng đó khi dành hẳn một tuần lễ, gọi là Tuần Thánh, để tưởng niệm và cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, khởi đầu với Chúa nhật Lễ Lá đỉnh cao là Tam Nhật Thánh (Triduum).

Phụng Vụ Chúa nhật Lễ Lá cử hành hai sự kiện dường như đối nghịch nhau: một đàng là sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong vinh quang, được mọi người tung hô chúc tụng: “Hosanna, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Mc 11,9); đàng khác, bài Tin Mừng trong Thánh Lễ lại kể về cuộc thương khó và tử nạn của Chúa. Đúng là nghịch lý, nhưng cái nghịch lý theo tầm nhìn của con người lại là thuận lý theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, làm sáng lên nẻo đường cứu độ mà Chúa Giêsu đã chọn theo thánh ý Chúa Cha, và mời gọi những ai tin vào Ngài cùng bước đi.

2. Khi vào thành Giêrusalem, thánh Marcô kể lại: “Hai môn đệ đem con lừa về cho Chúa Giêsu, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Chúa Giêsu cỡi lên” (Mc 11,7). Chúa Giêsu đã không cỡi ngựa chiến để vào thành, nhưng là cỡi lừa! Hình ảnh ấy làm nhớ lại lời Kinh Thánh: “Hãy bảo thiếu nữ Sion: Kìa, Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” (Zacaria 9,9). Từ hình ảnh đó, Đức Bênêđictô XVI giải thích: “Chúa Giêsu là vị vua tiêu hủy vũ khí chiến tranh, vị vua hòa bình, vua đơn sơ, vua của người nghèo. Cuối cùng chúng ta thấy Ngài ngự trị trên vương quốc trải dài từ biển này tới biển kia, ôm trọn thế giới; chúng ta được nhắc nhở rằng vương quốc mới này của Chúa Giêsu đang hiện diện nơi các cộng đoàn cử hành lễ bẻ bánh trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, như là vương quốc hòa bình” (Jesus of Nazareth, Holy Week, 4).

Hình ảnh vị vua hòa bình và khiêm tốn ấy cũng được thánh Marcô làm nổi bật trong trình thuật về cuộc thương khó của Chúa, đặc biệt nơi chi tiết về Baraba. Theo thánh Marcô, Philatô biết chỉ vì ghen tị mà các thượng tế nộp Chúa Giêsu nên ông hỏi dân chúng: “Các ông có muốn ta phóng thích Vua dân Do Thái cho các ông không?” Dân chúng trả lời là không, họ đòi ông tha Baraba và thánh Marcô ghi nhận: “Baraba đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy” (15,7). Trong bối cảnh chính trị đất nước Do Thái nằm dưới sự thống trị của đế quốc Rôma, Baraba và những người “phiến loạn” khác là những người chủ trương sử dụng bạo lực để lật đổ đế quốc Rôma. Khi dân đòi tha Baraba và đóng đinh Chúa Giêsu, sự kiện đó cho thấy Chúa Giêsu không phải là nhà lãnh đạo chính trị và quân sự mà họ mong muốn. Theo Đức Bênêđictô XVI, “Nhân loại luôn phải đối diện với chọn lựa tương tự: hoặc thưa “vâng” với Thiên Chúa là Đấng chỉ làm việc bằng nẻo đường chân lý và tình yêu, hoặc xây dựng trên bạo lực là điều gì đó người ta thấy là cụ thể và thực tiễn hơn” (Ibid., 197). Phần chúng ta, các Kitô hữu, chúng ta mong đợi điều gì nơi Chúa Giêsu?

3. Để đồng hành với Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, các Kitô hữu được mời gọi hãy nội tâm hóa cuộc thương khó, nghĩa là thay vì chỉ nhìn cuộc thương khó của Chúa như câu chuyện lịch sử đã qua, thì hãy coi đó như những gì đang diễn ra trong chính tâm hồn và cuộc đời mình. Nội tâm hóa như thế sẽ dẫn chúng ta đến tâm tình sám hối, đền tội, và hiệp thông hy tế của Chúa.

Sám hối vì trong tâm hồn và cuộc sống, nhiều lần chúng ta không chọn lối sống của Chúa Giêsu hòa bình, hiền lành và khiêm tốn, nhưng chọn cách hành xử của Giuđa tham lam và phản bội hoặc của các môn đệ hèn nhát và chạy trốn, của các thượng tế mưu mô độc ác hại người hoặc của Philatô tính toán vì quyền lợi riêng.

Đền tội vì ý thức rằng chính vì tội lỗi của chúng ta mà Chúa Giêsu phải chịu thương khó: “Bởi lẽ tội lỗi của chúng ta đã làm cho Chúa Kitô phải chịu khổ hình thập giá, nên chắc chắn chính những ai chìm đắm trong gian tà và tội ác, là những người tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa và đã công khai sỉ nhục Ngài” (SGLHTCG 598). “Và ma quỷ cũng không đóng đinh Người vào thập giá, nhưng chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Người, và bạn còn đóng đinh Người bằng cách hưởng lạc thú trong các nết xấu và tội lỗi” (Thánh Phanxicô Assisi).

Hiệp thông với hy tế thập giá của Chúa bằng cách dâng những đau khổ thể xác và tinh thần cho Chúa, hiệp thông với đau khổ của Chúa, để cầu nguyện cho Hội Thánh và những ai chúng ta muốn cầu nguyện cho họ: “Trong Bí tích Thánh Thể, hy tế của Chúa Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể trong Thân Thể Người. Đời sống của các tín hữu, lời ca ngợi, sự đau khổ, lời cầu nguyện, việc lao động của họ, được kết hợp với cùng những khía cạnh đó trong đời sống Chúa Kitô và với toàn bộ lễ tế của Người, và như vậy chúng có giá trị mới. Hy tế của Chúa Kitô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho mọi thế hệ Kitô hữu khả năng được kết hợp với lễ tế của Người” (SGLHTCG 1368).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm