31/12/2021
13373
Đức Cha Phêrô suy niệm Chúa Nhật lễ Chúa Hiển Linh năm C 2021


 














 


 

LỄ HIỂN LINH

Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
 

DẤU CHỈ MÂU THUẪN


 

1. Khởi đầu Tin Mừng thứ tư là một suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể và thánh Gioan viết: “Người đã đến trong nhà mình nhưng người nhà không đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,11-12). Thế rồi, trong trình thuật Dâng Hài Nhi Giêsu vào Đền thánh, thánh Luca kể ông Simeon nói về Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2,34). Như thế, thánh Gioan và thánh Luca không chỉ trình bày mầu nhiệm Nhập Thể như một sự kiện lịch sử, nhưng còn nói đến thái độ của con người trước mầu nhiệm ấy. Còn thánh Matthêu thì sao? Trình thuật các nhà chiêm tinh tìm đến Bêlem dưới ánh sao dẫn đường quả là câu chuyện đẹp và thơ mộng, nhưng thiết nghĩ cũng là cách tác giả trình bày những thái độ khác nhau của con người đối với mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể cứu độ. Theo ý hướng đó, trình thuật Mt 2,1-12 không chỉ là câu chuyện về ba nhà chiêm tinh mà còn là chuyện của thế giới ngày nay và của mỗi tâm hồn.

2. Trong câu chuyện của thánh Matthêu, các nhân vật chính là vua Hêrôđê, các thượng tế và kinh sư, và ba nhà chiêm tinh. Về Hêrôđê, các sử gia cho biết ông là người bị ám ảnh về quyền lực, luôn nghi ngờ có người ám hại mình và vì thế không ngần ngại hủy diệt những ai ông nghi ngờ. Ông đã từng giết vợ, giết con, và trong câu chuyện của Matthêu, ông không ngần ngại “sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh” (Mt 2,16). Các thượng tế và kinh sư là những người chuyên nghiên cứu Kinh Thánh, vì thế khi được vua Hêrôđê triệu tập để hỏi xem Đức Kitô phải sinh ra ở đâu, họ đã trích dẫn lời Kinh Thánh để trả lời ngay: “tại Bêlem” (Mt 2,5). Điều đáng tiếc là họ chỉ trích dẫn Kinh Thánh mà không lên đường đi Bêlem. Còn các nhà chiêm tinh là những người tha thiết tìm kiếm chân lý, chấp nhận bỏ lại đằng sau cuộc sống sung túc đầy đủ, dấn thân vào hành trình xa xôi đầy gian khó và hiểm nguy, và cuối cùng đạt đến mục đích là gặp được Hài Nhi Giêsu, “sấp mình thờ lạy Người, rồi mở bảo tráp ra, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).

Chuyện của Bêlem cũng là chuyện của thế giới. Tin Mừng Matthêu được biên soạn khoảng năm 80-85 trong bối cảnh các môn đệ Chúa Giêsu phải đối diện với sự bách hại nặng nề của đế quốc Rôma và sự thù nghịch của Do Thái giáo. Câu chuyện ba nhà chiêm tinh cũng phản ánh bối cảnh đó, đồng thời có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến chính thế giới ngày nay.

Liệu có thể thấy hình ảnh Hêrôđê nơi những chế độ toàn trị trong lịch sử và cả ngày nay chăng? Các chế độ toàn trị muốn kiểm soát tất cả, kể cả tư tưởng và suy nghĩ của con người, và chế độ ấy không chấp nhận đối thủ nào, kể cả Thiên Chúa, đe dọa vị trí độc tôn của họ. Ở một bình diện khác, ngày nay Đức Bênêđitô XVI nói đến “sự độc tài của chủ nghĩa tương đối”; người ta cho rằng mọi sự đều là tương đối, chỉ có chủ nghĩa tương đối là tuyệt đối, và nhân danh sự tuyệt đối tự phong ấy, nó không chấp nhận chân lý nào là tuyệt đối, cũng không chấp nhận Đấng được gọi là Tuyệt Đối.

Liệu có thể thấy hình ảnh các thượng tế và kinh sư ngày xưa nơi những tôn giáo bị tha hóa trong lịch sử và cả ngày nay chăng? Ấy là khi tôn giáo không còn giữ được bản sắc của mình, để cho thói thế gian len lỏi vào trong suy nghĩ và hoạt động của mình, biến mình thành công cụ của các thế lực kinh tế, chính trị, chạy theo những mục tiêu xa lạ với tôn giáo đích thực. Kitô giáo trong lịch sử đã chẳng có những giai đoạn như thế sao, và ngay hôm nay, liệu chúng ta có thoát được cơn cám dỗ đầy sức cuốn hút đó chăng?

Nhưng vẫn còn đó những tâm hồn tha thiết với chân lý, không chỉ là những người công khai tin nhận Chúa Giêsu là Chúa mà còn là tất cả mọi người thiện chí, những người mà “chỉ một mình Chúa mới biết được lòng tin của họ” (Kinh nguyện Thánh Thể IV).

3. Chuyện của thế giới được bắt đầu từ chuyện của mỗi tâm hồn. Mỗi Kitô hữu đều có thể rơi vào một trong ba trường hợp: hủy diệt mầm sống Giêsu nơi mình; giữ đạo hình thức; sống đạo thực sự. Ước gì hình ảnh ba nhà chiêm tinh được phản chiếu nơi chúng ta: theo sự thôi thúc của Thánh Thần là ánh sáng nội tâm, dấn thân đường xa, dù có khi bị chìm trong tăm tối vì ánh sao biến mất, vẫn kiên trì đi tới, để cuối cùng đạt đến mục đích là Chúa Giêsu. Đó chẳng phải là quà tặng quý giá nhất mà Chúa mong chờ nơi chúng ta sao?.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm