25/04/2020
2877
Đức Cha Phêrô suy niệm Chúa Nhật III Phục Sinh
















 

ĐẤNG PHỤC SINH, BẠN ĐỒNG HÀNH

Chúa nhật III Phục sinh - Cv 2,14-22b-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35 

  

 

“Chúa Kitô đã sống lại thật, Alleluia”. Đây là điệp ngữ quen thuộc trong mùa Phục sinh. Phải chăng tin vào Chúa Kitô phục sinh chỉ là reo lên như thế? Chúa Kitô sống lại để làm gì, và khi tôi tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh, niềm tin đó tác động gì đến cuộc đời tôi? Câu trả lời của Thánh Luca là: Người trở thành bạn đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường đời.

 

1. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, câu chuyện hai môn đệ Emmaus là “đặc sản” của thánh Luca vì trong 4 tác giả Tin Mừng, chỉ có thánh Luca thuật lại câu chuyện nổi tiếng này. Theo nghiên cứu của một nhà chú giải, sở dĩ thánh Luca thuật lại câu chuyện này là vì trong cộng đoàn của ngài, nhiều người nói với nhau: Giá mà mình được sống vào thời đó, được Chúa Giêsu đi bên cạnh và giải thích Kinh Thánh cho nghe, được đồng bàn với Chúa và được Chúa bẻ bánh cho ăn! Tiếc quá! Có lẽ chính chúng ta ngày nay cũng có tâm trạng và những câu hỏi tương tự.

Thánh Luca kể lại câu chuyện Emmaus để nói với các tín hữu trong cộng đoàn của ngài và cũng nói cho chúng ta : Đừng tiếc rẻ, Chúa Kitô phục sinh vẫn đang đồng hành với anh chị em như đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus.

Hãy đọc kỹ lại câu chuyện. Khi Chúa Giêsu tiến đến gần và cùng đi với hai môn đệ, họ có nhận ra Chúa không? Thưa không, vì thế hai ông mới dám nói với Chúa Giêsu: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay” (24,18). Chúa Giêsu là nhân vật chính trong cuộc thương khó mà hai ông lại dám nói với Người như thế! Là vì hai ông chưa nhận ra Chúa. Thế rồi khi ngồi vào bàn, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (24,30) thì họ nhận ra Chúa nhưng Chúa biến mất rồi! Trước mặt hai ông chỉ là khoảng không, cho nên hai ông không thấy Chúa theo nghĩa thể lý nhưng chính lúc ấy lại là lúc các ông “thấy” Chúa rõ nhất, đến độ ngay lập tức, “đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem” (24,33).

Ngày nay cũng vậy, dù cặp mắt tự nhiên của chúng ta không thấy Chúa nhưng Chúa đang hiện diện giữa chúng ta qua Lời Chúa, qua việc bẻ bánh Thánh Thể: “Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn”. Chúa Kitô Phục sinh vẫn đang đồng hành với chúng ta trong Thánh Lễ và trên mọi nẻo đường đời.

 

2. Làm thế nào để có thể cảm nhận cách sống động hơn sự hiện diện và đồng hành của Chúa trong đời? Hãy nghe hai môn đệ Emmaus nói với nhau: “Phải chăng lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta nghe” (24,32).  Hai ông không nói “tai nghe rõ” hay “trí mở ra” nhưng là “lòng bừng cháy”. Đây là điều đáng quan tâm vì nhiều khi chúng ta chỉ nghe bằng tai như nghe bao tiếng động ồn ào chung quanh, thành ra nghe mà không nghe. Có khi chúng ta chỉ nghe bằng trí để phân tích, lý luận, thành ra nghe mà không cảm. Còn hai môn đệ Emmaus nghe bằng trái tim nên “lòng bừng cháy”. Thử hình dung một bà mẹ đem đứa con nhỏ đau ốm đến gặp bác sĩ. Bác sĩ lấy ống nghe rà trên người cháu bé để chẩn bệnh và cho thuốc. Xong rồi thôi, ông cũng chẳng nhớ cháu bé tên là gì, ở đâu, hoàn cảnh thế nào. Còn bà mẹ, bà không nghe bằng ống nghe nhưng bà nghe bằng trái tim nên bà thổn thức, đau nỗi đau của con, vui niềm vui của con! Vua Salomon hoàn toàn có lý khi cầu xin Chúa “cho con một tâm hồn biết lắng nghe”(1V 3,9).

 

3. Trong mùa dịch bệnh Covid-10, bên cạnh những buồn phiền và sợ hãi trước sự lan rộng và nguy hiểm của virus chết người, vẫn sáng lên những hình ảnh thật đẹp về tình người. Một trong những hình ảnh tuyệt vời đó là buổi hòa nhạc trực tuyến kéo dài 8 tiếng One World: Together at Home, quy tụ 100 nghệ sĩ và những người nổi tiếng, thu hút hơn 18 triệu khán giả, đón nhận sự quyên góp 128 triệu USD ngay trong ngày 19/4/2020 cho việc phòng chống Covid-19.

Trong phần kết thúc buổi hòa nhạc, Andrea Bocelli, Celine Dion, John Legend, Lady Gaga cùng hát bài The Prayer (Lời nguyện cầu) với tiếng đàn của danh cầm Lang Lang: “I pray you’ll be our eyes, and watches us where we go…Xin Chúa nên như đôi mắt con, canh chừng bước con đi khi lạc lối. Trong ân sủng Người, xin dẫn con đến chốn bình an… để con được sống trong thế giới không còn bạo lực, thế giới công bằng và hi vọng, ở đó mỗi người là cánh tay của người bên cạnh, biểu tượng của tình huynh đệ và hòa bình”.

Những ca sĩ nổi tiếng đó đang hát thay cho cả nhân loại và đang thưa với Chúa những tâm tình của hai môn đệ Emmaus ngày xưa: “Xin Chúa ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn” (24,29). Xin Chúa ở lại với chúng con trong đêm tối của bệnh tật và chết chóc, hoang mang và sợ hãi. Chắc chắn Chúa vẫn ở lại và đồng hành với chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có lắng nghe tiếng Chúa không, để không chỉ xin cho dịch bệnh mau qua, nhưng sau dịch bệnh này, còn biết cùng nhau xây dựng “một thế giới không còn bạo lực, một thế giới công bằng và hi vọng, mỗi người là cánh tay của người bên cạnh, biểu tượng của tình huynh đệ và hòa bình” (The Prayer).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm