18/04/2020
1733
Đức Cha Phêrô suy niệm Chúa nhật II Phục Sinh, Lòng Chúa Thương Xót
















 

NHỮNG THƯƠNG TÍCH TRÊN THÂN MÌNH ĐẤNG PHỤC SINH

Chúa nhật II Phục Sinh – Cv 2,42-27; 1Pr 1,3-9; Ga 20,19-31 

 

 

1. Chúa nhật II Phục sinh là cao điểm của Tuần Bát nhật Phục sinh, và bài Tin Mừng trong Thánh Lễ luôn luôn là Ga 20,19-31, kể chuyện hai lần hiện ra của Chúa Kitô Phục sinh với các môn đệ: “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần” (20,19) và “tám ngày sau” (Ga 20,26).

Điều đáng ghi nhận là bài Tin Mừng nói về sự phục sinh của Chúa Kitô nhưng lại nhiều lần nhắc tới những thương tích trên thân mình Người. Khi Chúa Giêsu hiện đến lần đầu với các môn đệ, “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn” (20,20); khi thánh Tôma được các môn đệ khác kể lại chuyện đã gặp Chúa Giêsu, ông không tin và phản ứng mạnh: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin” (20,25); rồi khi Chúa Giêsu hiện đến lần thứ hai, Người nói với Tôma: “Hãy đặt ngón tay anh vào đây, hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin” (20,27).

 

2. Chỉ trong một đoạn Tin Mừng ngắn mà ba lần nói tới những thương tích trên thân mình Đấng Phục sinh. Sự kiện này nói lên điều gì? Phải chăng là để chứng minh rằng Chúa Giêsu đã thực sự sống lại từ cõi chết, Đấng phục sinh chính là Đấng đã chịu đóng đinh thập giá?

Dấu chỉ đầu tiên về sự phục sinh của Chúa Giêsu là ngôi mộ trống, tảng đá đã được lăn ra khỏi mộ và xác Chúa Giêsu không còn ở đó (x. Ga 20,1-9). Thế nhưng mồ trống mới chỉ là dấu chỉ chứ chưa phải là bằng chứng thuyết phục về sự sống lại của Chúa Giêsu, và người ta có thể phi bác dễ dàng. Thánh Matthêu kể rằng các thượng tế đã cho quân lính một số tiền để phao tin rằng: “Ban đêm lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác” (Mt 28,12-13). Và còn nhiều giả thuyết khác có thể nêu lên.

Vì thế, ngoài sự kiện mồ trống, phải nói tới những lần hiện ra của Đấng Phục sinh sau khi Người sống lại từ cõi chết. Thế nhưng phải trả lời ra sao nếu những người ngoan cố tiếp tục phao tin rằng ông Giêsu mà các môn đệ bảo là sống lại từ cõi chết, thực ra không phải là ông Giêsu đã bị đóng đinh trên thập giá, đó là một người khác! Không, Đấng Phục sinh và Đấng chịu đóng đinh chỉ là một, vì trên thân mình của Đấng Phục sinh, vẫn còn đó những thương tích trong cuộc thương khó: “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn” (Ga 20,20). Một chi tiết quan trọng và đầy sức thuyết phục.

 

3. Những thương tích trên thân mình Chúa Kitô phục sinh là bằng chứng về sự sống lại của Người, nhưng phải chăng chỉ có thế? Tin Mừng thánh Gioan được gọi là “Sách của những dấu chỉ”, vì thế Tin Mừng này mời gọi chúng ta dừng lại chiêm ngắm, lắng nghe và đón nhận nhiều tầng sâu ý nghĩa hàm chứa bên trong.

Chúa Kitô Phục sinh vẫn mang thương tích trên mình: Phục sinh không có nghĩa là Chúa Kitô sống lại và rời xa chúng ta, không còn biết gì đến những đau khổ của nhân loại và từng người chúng ta. Không phải thế, Người vẫn mang nỗi đau của nhân loại để cảm thương, để băng bó và chữa lành. Trong Thứ Sáu Tuần thánh, lời tiên tri Isaia vang lên: “Chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta…Người bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm” (Is 53,4). Lời đó vẫn tiếp tục vang lên hôm nay, ngay giữa đại dịch Covid-19. Đất nước Braxil nổi tiếng với bức tượng Chúa Kitô Đấng Cứu chuộc (Cristo Redentor) trên đỉnh núi nhìn xuống thành phố Rio de Janeiro, và trong những ngày này, người ta dùng kỹ thuật ánh sáng để phủ lên bức tượng chiếc áo blouse trắng và ống tai nghe, biến Chúa Kitô thành bác sĩ chữa bệnh! Một hình ảnh tuyệt vời để diễn tả niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh vẫn đang ở bên nhân loại đau khổ để băng bó và chữa lành cho họ.

Chúa Kitô Phục sinh vẫn mang thương tích trên mình: liệu chúng ta có thể dự phần vào sự phục sinh của Người mà không cần phải dự phần vào cuộc thương khó của Người chăng? Liệu có thể có thứ mà nhà thần học Bonhoeffer gọi là “ân sủng rẻ tiền” (cheap grace), ân sủng mà không phải trả giá bằng sự sám hối, dấn thân và hi sinh chăng? Hay niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh chỉ thành hiện thực khi chúng ta chấp nhận từ bỏ bóng tối và những việc làm của thần tối tăm, dù phải hi sinh nhiều thứ?

Chúa Kitô Phục sinh vẫn mang thương tích trên mình: liệu chúng ta có thể tin vào Đấng Phục sinh mà không cùng với Ngài, vác lấy gánh nặng và nỗi đau của tha nhân? Chúa nhật II Phục sinh được chọn là Chúa nhật tôn vinh Lòng Chúa thương xót. Từ misericordia trong tiếng La tinh mà tiếng Việt dịch là lòng thương xót được ghép bởi hai từ La tinh có nghĩa là “khốn cùng” và “trái tim”: thương xót là con tim nhạy bén trước khốn cùng của tha nhân. Liệu chúng ta có thể chỉ nài xin và đón nhận lòng thương xót của Chúa mà không chia sẻ lòng thương xót cho người đau khổ, bằng sự đồng cảm, nâng đỡ, chữa lành?

Đại dịch Covid-19 bộc lộ khoảng cách giàu nghèo rõ nét: người thì có thể đi du lịch giải trí, tham dự sự kiện thời trang ở tận trời Âu, đang khi cả trăm người khác thì xếp hàng trước ATM gạo để mong nhận được 1,5 kg gạo cho bữa ăn gia đình; người thì có cả chuyên cơ đón về từ nước ngoài khi hữu sự, đang khi cả trăm người khác thì nghỉ bán vé số một ngày là thiếu gạo ăn một ngày! Có thể làm điều gì đó, dù rất nhỏ bé, cho anh chị em mình trong lúc này là dấu chỉ rõ nét của người tin vào Chúa Kitô Phục sinh, Đấng vẫn mang trên mình những thương tích trong cuộc thương khó.
 

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm