12/12/2019
1239
Cùng Tweet Với Chúa 5


 

 

1. Điều gì xảy ra khi chúng ta chết?

Rất nhiều người sợ chết. Chúng ta luôn cô đơn một mình khi chết. Chúng ta để lại mọi thứ đã biết và đi vào một thực tại mới. Khi chết thân xác chúng ta vẫn ở lại trong thế gian và linh hồn chúng ta ra trình diện trước Thiên Chúa. Chúng ta sẽ đối diện với những gì mình đã sống ở đời này.

Nếu chúng ta đã nỗ lực yêu mến Chúa và những người xung quanh, chúng ta sẽ vào thiên đàng (đôi khi qua luyện ngục). Nơi thiên đàng chúng ta sẽ hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Chỉ những ai khước từ tình yêu Thiên Chúa một cách ý thức và vĩnh viễn mới vào hỏa ngục.

Khi chết, bạn bỏ lại mọi thứ và mọi người. Linh hồn của bạn tách lìa khỏi thân xác và trình diện trước mặt Thiên Chúa.

2. Chúng ta sẽ bị phán xét ngay lập tức sau khi chết phải không?

Trong cuộc sống tại thế chúng ta luôn có cơ hội để chọn Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Sau khi chết, ngay lập tức, mỗi người sẽ bị phán xét dựa trên những điều chúng ta đã làm hoặc đã không làm.

Nếu chúng ta chọn Thiên Chúa trong suốt cuộc đời thì chúng ta vào thiên đàng, đôi khi qua luyện ngục. Những người cố tình và ý thức từ chối tình yêu của Thiên Chúa trong suốt cuộc đời, tự họ, chọn lựa hỏa ngục. Những người làm hết sức để sống như những người Kitô hữu đạo đức, yêu mến Thiên Chúa và người thân cận thì không cần phải sợ phán xét. Thiên Chúa muốn tất cả mọi người vào thiên đàng.

Sau khi chết, Thiên Chúa đối diện với chúng ta về những chọn lựa của mình. Những người từ chối tình yêu và lòng thương xót của Chúa sẽ sa hỏa ngục. Những người đón nhận Thiên Chúa sẽ vào thiên đàng.

3. Thiên đàng! Có điều gì trên trái đất giống sự sống đời đời chăng?

Không một ai ở trên trái đất này biết chính xác thiên đàng trông giống thứ gì (1Cr 2,9). Theo những gì chúng ta biết thì thiên đàng là “nơi” Thiên Chúa đang sống. Chúa Giêsu dành một nơi trên thiên đàng cho từng người.

Thiên đàng tràn ngập sự sống, ánh sáng và bình an. Chúng ta sẽ có thể nhìn thấy Thiên Chúa mãi mãi. Đây là sự viên mãn của chúng ta với Chúa sau hành trình trần thế. Chúng ta cũng sẽ gặp tất cả những người đã vào thiên đàng trước chúng ta.

Sự sống đời đời là sống mãi với Chúa trong niềm vui, bình an và hạnh phúc cùng với các thánh và các thiên thần.

4. Hỏa ngục trông thế nào?

Nếu một người có thể tự do chọn Chúa thì họ cũng có khả năng để chối từ Ngài, bằng ngược lại sự chọn lựa không còn là tự do. Những ai ý thức và dứt khoát từ chối Thiên Chúa và tình yêu của Ngài thì tự chọn hỏa ngục. Trên thực tế, chúng ta không biết chính xác hỏa ngục trông thế nào.

Chúng ta biết đó là nơi không có niềm vui, vì hạnh phúc thực sự chỉ có thể được tìm thấy nơi Thiên Chúa. Hỏa ngục tràn ngập đau đớn và đau khổ. Tệ hơn nữa, nơi đó con người mãi mãi cô đơn vì tính ích kỷ chiếm ưu thế. Hỏa ngục tương phản với thiên đàng đến mức không thể tưởng tượng nổi! May thay, trong khi chúng ta còn ở trên trái đất này, chúng ta vẫn có thể chọn cách bày tỏ sự sám hối về tội lỗi của mình, đón nhận tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Hỏa ngục là tình trạng tách biệt đời đời với tình yêu Thiên Chúa, nơi con người chịu đau đớn và bất hạnh vì tự cao và ích kỷ.

5. Tôi có nên sợ luyện ngục không?

Thiên Chúa tạo nên luyện ngục vì Ngài có lòng thương xót và tình yêu vô hạn. Ngài muốn mọi người được cứu độ và ở với Ngài nơi thiên đàng. Vì thế, chúng ta vào luyện ngục nếu linh hồn vẫn còn mang tội lỗi, hoặc vết tích của tội lỗi, ngay lúc chúng ta chết.

Nơi luyện ngục, sau khi trải nghiệm sự thiêu đốt của xấu hổ và hối hận về những tội lỗi đã phạm, chúng ta được thanh luyện và chuẩn bị vào thiên đàng. Luyện ngục chỉ là tạm thời. Những người đau khổ trên trái đất do chiến tranh, đau đớn, tra tấn, hoặc hành hạ thì đã được thanh luyện cho thiên đàng (Mt 5,4-10). Thời gian của chúng ta nơi luyện ngục có thể được giảm bớt nhờ lời cầu nguyện, hy tế Thánh lễ và những hoạt động có ý nghĩa khác.

Đừng sợ! Chúa muốn bạn vào thiên đàng. Nơi luyện ngục, những bất toàn còn lại của bạn được loại bỏ để chuẩn bị cho bạn sống mãi với Chúa.

6. Có phải chúng ta sẽ gặp lại thú cưng trên thiên đàng không?

Thiên Chúa đã trao các loài động vật cho con người chăm sóc (St 2,19-20). Thánh Phanxicô là một ví dụ điển hình tuyệt vời về cách chúng ta yêu thương loài vật, không lạm dụng chúng. Đôi khi chúng ta có mối liên kết mật thiết với động vật.

Có nhiều điểm khác biệt giữa loài người và loài vật. Chẳng hạn, trong thực tế các loài động vật hành động theo bản năng trong khi con người có thể suy nghĩ bằng lý trí. Kinh Thánh nhắc đến các loài động vật như những chủng loại, nhưng Kinh Thánh nhắc đến con người như hữu thể độc nhất. Thiên Chúa cố ý tạo ra từng người chúng ta. Các loài động vật không có mục đích gì ngoài sự sống trần thế của chúng. Nơi thiên đàng, chúng ta sẽ hoàn toàn hạnh phúc vì chúng ta sẽ tôn thờ Thiên Chúa mãi mãi. Do đó, trên thiên đàng, chúng ta sẽ không còn nhớ thú cưng nữa.

Không như con người, động vật không có linh hồn bất tử. Cái chết là chung cuộc của động vật.

7. Ngày tận cùng của thời gian sẽ xảy đến khi nào?

Chúa Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết và sau đó đã lên trời (thăng thiên). Kể từ đó, trách nhiệm của chúng ta là sống như các Kitô hữu tốt lành và loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới.

Việc này sẽ tiếp diễn cho đến khi Chúa Giêsu trở lại thế gian (giáng lâm lần thứ hai). Đây là lúc “kết thúc của thời gian”. Không ai biết điều này sẽ xảy đến khi nào (Mc 13,31-32) và không ai dự đoán được điều đó. Điều đó có thể xảy đến bất cứ lúc nào (Kh 22,20). Chúa Giêsu mời gọi tất cả mọi người hãy tỉnh thức để bảo đảm rằng chúng ta sẵn sàng diện kiến Người khi ngày tận cùng xảy đến.

Trong ngày tận cùng của thời gian, kẻ chết sẽ chỗi dậy và Chúa Giêsu sẽ trở lại. Không ai biết khi nào ngày đó xảy đến. Thế nên, hãy chuẩn bị sẵn sàng và chọn theo Chúa!

8. Mầu nhiệm Phục sinh có tầm quan trọng thế nào?

Chúa Giêsu đã chết và đã được phục sinh. Người đã trỗi dậy từ cõi chết và hứa rằng chúng ta cũng sẽ trỗi dậy như thế. Mầu nhiệm Phục sinh là cốt lõi của đức tin (1Cr 15,14). Ngay trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã hứa với dân Người về sự sống đời đời (Ed 37,5).

Sau khi chết chúng ta vẫn tiếp tục sống, hy vọng là với Thiên Chúa. Vào lúc tận cùng thời gian chúng ta được kếp hợp trở lại với thân xác. Sau đó sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa sẽ thực sự bắt đầu. Ngoại trừ những người cố ý và dứt khoát chống lại Thiên Chúa, chúng ta sẽ hoàn toàn hạnh phúc mãi với Thiên Chúa nơi thiên đàng sau khi phục sinh.

Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là nền tảng cho đức tin của chúng ta. Vì Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết, chúng ta cũng có thể trỗi dậy để sống mãi với Chúa.

Nhóm dịch Gioan XXIII

Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets