29/02/2016
2121
5 phút lời Chúa Tháng 03.2016





















01.03.16

THỨ BA TUẦN 3 MC

Mt 18,21-35

ĐỘ LỚN CỦA TÂM HỒN

 

Ông Phê-rô hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21-22)

Suy niệm: Trước tình trạng bạo lực đang ngày càng gia tăng tới mức “kịch trần,” người ta truy tìm nguyên nhân của nó và càng lo lắng hơn, vì bạo lực phát xuất từ tâm hồn con người. Người ta chế tạo được những thứ vũ khí chui vào mọi ngõ ngách hang ổ để hủy diệt kẻ thù, nhưng chưa có thứ vũ khí nào có thể vào tận sâu tâm hồn con người để hủy diệt mọi nguyên cớ bạo lực. Vì thế, xúc phạm tiếp nối xúc phạm, báo thù tiếp nối báo thù. Một người xúc phạm, người kia báo thù; thế là cả hai trở thành người kẻ thù, và cứ thế bạo lực ngày càng gia tăng. Bấy giờ, người ta còn tệ hơn loài cầm thú khi giết chóc, báo thù nhau, không còn là anh em con một Cha trên trời nữa. Phê-rô cho rằng phải tha thứ đến “bảy lần,” tưởng thế đã là nhiều; nhưng đối với Chúa Giê-su như thế vẫn chưa đủ. Là con cái Chúa thì phải nên giống Ngài, trước tiên ở nết biết tha thứ cho nhau như Ngài tha thứ cho chúng ta. Đó là tha thứ đến “bảy mươi lần bảy” nghĩa là tha thứ vô điều kiện, là tha thứ đến vô cùng.

Mời Bạn: Bạn đang hằn học với ai? Bạn đang nghỉ chơi với ai? Chẳng lẽ bạn cứ muốn sống trong sự “chật hẹp” mãi sao? Tầm vóc tâm hồn của bạn lớn hơn bạn tưởng, bởi nó có khả năng tha thứ và vươn đến mọi người, vì Chúa tạo dựng nên nó như thế.

Sống Lời Chúa: Nhẩm đi nhẩm lại lời Chúa dạy: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tha thứ, như Chúa tha thứ cho con.

 

 

 

 

 

02.03.16

THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC

Mt 5,17-19

ĐỨC TIN HỘI NHẬP VĂN HOÁ

 

“Ta không đến để huỷ bỏ nhưng để kiện toàn…” (Mt 5,17)

Suy niệm: Người Việt Nam có lý do rất chính đáng để tự hào về 4.000 năm văn hiến của dân tộc mình. Đó là di sản vô cùng quí giá mà cha ông để lại, và chúng ta được kế thừa và phát huy. Với cái nhìn siêu nhiên, đó là công trình mà Chúa Thánh Thần âm thầm xây dựng qua dòng lịch sử nhân loại, để mạc khải tình yêu Thiên Chúa và từng bước “đổi mới bộ mặt địa cầu.” Nếu Đức Ki-tô không đến để huỷ bỏ nhưng để kiện tòan lề luật, truyền thống đạo đức Do Thái, thì Ki-tô hữu Việt Nam hôm nay cũng đón nhận nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình với lòng tri ân, và cố gắng sống đức tin của mình trong cung cách Việt Nam.

Mời Bạn: Còn gì đau đớn cho bằng khi thấy một dân tộc đánh mất các giá trị tích cực trong truyền thống đạo đức và văn hoá của mình? Còn gì đáng thất vọng hơn khi thấy một lớp trẻ đang cuồng nhiệt chạy theo những trào lưu vong bản, vọng ngọai, bỏ mất cội nguồn? Chúng ta không được quên rằng: Ơn Chúa thường đến với ta qua khung cảnh văn hoá chúng ta đang sống và cũng qua đó, chúng ta thể hiện và làm chứng cho những giá trị vỉnh cửu của Nước Thiên Chúa.

Chia sẻ: Tại địa phương bạn, có tập tục tốt đẹp nào đó đã bị mai một đi không? Có biểu hiệu suy đồi do du nhập từ nền văn hoá ngoại lai đồi truỵ không (trong phim ảnh, sách báo, cách ăn mặc…)?

Sống Lời Chúa: Không phải mọi yếu tố trong văn hoá đều trong sáng, đều lành mạnh dưới cái nhìn của người Kitô. Do đó tôi cần luôn tỉnh thức và biết nhận định dưới ánh sáng Lời Chúa.

Cầu nguyện: Hát “Hãy chiếu sáng tâm hồn con.”

 

 

 

 

 

03.03.16

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC

Lc 11,14-23

THUẬN HAY NGHỊCH Ý TRỜI?

 

“Ai không thuận với Tôi là chống lại Tôi và ai không cùng Tôi thu góp là phân tán.” (Lc 11,23)

Suy niệm: Sách chữ nho có câu: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, nghĩa là người sống thuận ý trời thì sống, kẻ sống ngược với ý trời thì chết. Trước những phép lạ của Chúa Giê-su làm, đáng lý ra những người biệt phái phải nhận rằng do quyền năng Thiên Chúa. Nhưng họ lại cho rằng đó là do quyền năng ma quỷ. Và họ đã chọn thái độ thù nghịch với Chúa Giê-su. Sống hay chết, tồn hay vong là tuỳ ở sự lựa chọn thuận hay nghịch này.

Mời Bạn: Chúng ta thường gọi đó là khả năng nhận định mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta: hiểu biết ý Chúa và chọn lựa sống thuận theo ý Ngài. Không nhận biết sự thật, chọn thái độ thù nghịch với Thiên Chúa, tội đó phạm đến Chúa Thánh Thần, và không thể có ơn tha thứ là vì thế. Thánh Thần luôn hoạt động trong chúng ta. Đừng quên Ngài. Hãy xin ơn Ngài soi sáng và nhất là sống dưới sự hướng dẫn của Ngài để ta khỏi lầm lạc.

Chia sẻ: Ngụy biện là “một lập luận hoặc một lời giải thích, bề ngoài có vẻ thông minh và tinh tế nhưng thực ra có nhiều lỗ hổng, dẫn đến sai lạc và có ý lừa dối” (x. Sophism, trong http:..encarta. msn.com. encnet.features.dictionar) Thảo luận: Vì sao nguỵ biện có thể dẫn đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần?

Sống Lời Chúa: Dành ít phút để nhìn lại một thái độ, một hành động của mình xem mình đã thuận hay nghịch với Chúa.

Cầu nguyện: Xin Chúa Giê-su, xin cho con luôn xác tín rằng: Chúa là Đấng cứu độ con và xin cho con luôn tôn trọng sự thật vì chỉ có sự thật mới giải phóng chúng con.

 

 

 

 

 

04.03.16

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC

Thánh Ca-xi-mia

Mc 12,28b-34

YÊU ĐẾN MỨC TỐI ĐA

 

“Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mc 12,30)

Suy niệm: Tình yêu không phải là của cải vật chất để con người có thể cân, đo, đong, đếm được. Không ai có thể nói với người mình yêu rằng anh (em) yêu em (anh) như thế là đủ rồi! Khi nhận thấy người mình yêu là đáng yêu thì người ta tìm mọi cách để yêu và yêu hết mức có thể. Chúa là Đấng chân thiện mỹ, Đấng đáng yêu hơn bất cứ thụ tạo nào. Do đó, tình yêu dành cho Chúa là tình yêu tuyệt đối. Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Yêu Chúa tới mức “hết” là yêu bằng tất cả con người của mình và không giới hạn, hay nói như thánh Bê-na-đô: “mức độ của tình yêu Thiên Chúa là tình yêu không mức độ.”

Mời Bạn: Thiên Chúa đã yêu ta bởi lòng thương xót của Người. Tình yêu của Chúa quá bao la hải hà như nắng, như mưa. Con người nhận được tình yêu của Chúa thì cần tỏ lòng biết ơn, bằng cách yêu lại Chúa. Nhưng trái tim con người quá nhỏ bé, không thể yêu Chúa cho xứng. Để chứng minh tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, con người chỉ còn cách yêu Ngài đến cùng.

Sống Lời Chúa: Tình yêu đáp đền tình yêu. Nhớ tới tình yêu lớn lao Chúa dành cho mình, để đáp lại bằng một tình yêu hết mức có thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự con có đều do lòng thương xót của Chúa. Con xin dâng tất cả con người con như của lễ toàn thiêu để nói lên lòng yêu mến hết mức độ của con dành cho Chúa.

 

 

 

 

 

05.03.16

THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 3 MC

Lc 18,9-14

ÂN SỦNG TỪ LÒNG CHÚA BAN

 

Người thu thuế thì đứng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,13)

Suy niệm: Vì sao người Pha-ri-sêu kể lể công trạng của mình, nào là ăn chay mỗi tuần hai lần, nào là nộp phần thu nhập, nào là không tham lam, ngoại tình…? Vì sao người thu thuế chỉ biết đấm ngực và nhận mình là người tội lỗi? Tất cả thái độ của họ là kết quả từ nhận thức họ có về ân sủng. Hiểu sao, sống vậy. Người Pha-ri-sêu hiểu rằng Thiên Chúa phải ban ơn cho ông, vì ông làm những việc theo Luật dạy, nên đã kể lại một cách chính xác và tỉ mỉ những gì ông làm, không thêm thắt điều gì. Đối với ông, ân sủng ông nhận được là do công trạng của ông. Còn người thu thuế hiểu rằng, ân sủng không đến từ tội lỗi, nhưng là hồng ân của Thiên Chúa ban cách vô điều kiện. Ông không làm được việc gì đáng được hưởng ân sủng. Ông chỉ còn lòng tin vào Chúa, nhờ đó ông được hưởng ân sủng Chúa ban, như lời thánh Phao-lô đã nói: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa” (Rm 5,2). Quả thật, Chúa ban ân sủng của Ngài cho chúng ta theo lòng thương xót của Ngài, vượt xa mọi công trạng của chúng ta.

Mời Bạn: Bạn rút tỉa được gì từ thái độ hai nhân vật trong dụ ngôn trên? Bạn trở nên khiêm tốn và nài xin ơn Chúa hay tự phụ những việc mình làm, những gì mình có để bắt bẻ, xét đoán anh em?

Sống Lời Chúa: Xếp lại thời khóa biểu mỗi ngày, trong đó có giờ tạ ơn Chúa.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Xin cho con nghiệm thấy lòng thương xót của Chúa và vui mừng vì được Chúa thứ tha.

 

 

 

 

 

06.03.16

CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – C

Lc 15,1-3.11-32

THEO LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG

 

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để… Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu” (Lc 15,20-22)

Suy niệm: Dụ ngôn Người cha nhân hậu cho thấy lòng Chúa thương xót không mệt mỏi, dẫu trong thinh lặng đợi chờ. Thiên Chúa chạnh lòng trong im lặng khi thấy đứa con lên tiếng cướp quyền của mình, đòi chia gia tài. Thiên Chúa chạnh lòng trong im lặng, như người cha ngày ngày trông chờ con trở về, dõi mắt đăm đăm trông ngóng, nên thấy con trước từ xa, chạy đến ôm lấy con, hôn lấy hôn để như con đã mất nay lại tìm thấy. Sau thời gian đi hoang, đứa con trở về trắng tay! Tài sản đã hết sạch, nhân phẩm cũng mất đến nỗi ăn đồ thừa của heo. Có còn chăng là mùi tanh hôi của một thời khờ dại. Mặc cảm đè nặng khiến nó cũng không thể ngước cao lên nhìn vào mặt cha để nhận ra gương mặt xót thương của cha mình. Nhưng lòng thương của người cha làm cho nó quá bất ngờ, tha thứ cho nó như thể nó không có quá khứ đáng quên, nâng nó dậy và truyền mặc áo đẹp để phục hồi phẩm giá làm con cho nó và vì cho nó làm con, nó được hưởng lại tức khắc gia tài của người con trong nhà. Thiên Chúa xót thương chúng ta như thế đó. Tin Mừng không cho biết người con đáp trả lại tình yêu của cha thế nào, dường như để cho chúng ta thay thế và đáp lại tình Chúa xót thương.

Mời Bạn: Chúng ta hãy bắt chước Chúa diễn tả lòng xót thương cho con cái, bạn hữu, xóm làng của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Đến với một người không thích, nở nụ cười thân ái với họ.

Cầu nguyện: Chúa đã thứ tha và đón nhận con, cho con được lại làm con của Chúa. Con xin cám ơn Chúa.

 

 

 

 

 

07.03.16

THỨ HAI TUẦN 4 MC

Thánh Pe-pê-tu-a và Phê-li-xi-ta, tử đạo

Ga 4,43-54

ĐỂ LỚN LÊN TRONG ĐỨC TIN

 

Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Chúa nói với mình, và ra về. (Ga 4,50)

Suy niệm: Thoạt đầu, có lẽ viên sĩ quan này chỉ xin cầu may. Có lẽ ông đã tìm thầy chạy thuốc nhưng tất cả đều đã bó tay. “Hữu sự vái tứ phương”, nghe nói về Chúa Giê-su và những “điềm thiêng dấu lạ” Ngài thực hiện, ông đánh liều đến xin. Biết đâu, may mà được. Ít ra, ông cũng đặt một niềm tin nào đó vào Đức Giê-su, dù đó mới chỉ là ‘một thoáng đức tin’. Chúa Giê-su chấp nhận đức tin còn non yếu của ông, để nâng cấp thành niềm tin đích thực: Ngài không đến Ca-phác-na-um để chữa con ông theo như ông yêu cầu, nhưng đã thanh luyện đức tin của ông chỉ bằng vỏn vẹn một lời, Lời có sức cứu sống, Lời có quyền năng sáng tạo: “Ông cứ về đi, con ông sống”. Ông đã tin không phải vì thấy những “điềm thiêng dấu lạ” nữa, nhưng chỉ dựa vào Lời Chúa mà thôi.

Mời Bạn: Đức Giê-su mời gọi chúng ta ngày càng trưởng thành hơn trong đức tin, để chúng ta có thể ra Chúa một cách nhanh chóng và rõ ràng dù những dấu chỉ khả giác được tinh giản đến mức tối thiểu: qua Lời Chúa trong Thánh Kinh và qua hình Bánh-Rượu nơi Bí tích Thánh Thể.

Chia sẻ: Người ta không thể dùng phương pháp thực nghiệm để phân tích các mầu nhiệm, đối tượng của đức tin. Có phải vì thế mà đức tin trở nên mơ hồ, vô lý và không đáng tin hay không?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy làm một cử chỉ diễn tả niềm tin của mình: hôn kính sách Lời Chúa hoặc bái chào Mình Thánh Chúa một cách thật cung kính.

Cầu nguyện: Lặp lại nhiều lần lời nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin củng cố niềm tin còn yếu kém của chúng con.”

 

 

 

 

 

08.03.16

THỨ BA TUẦN 4 MC

Thánh Gio-an Thiên Chúa, tu sĩ

Ga 5,1-16

SỐNG SAO CHO RA SỐNG!

 

“Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Anh ta đi nói với người Do Thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh ta khỏi bệnh. Do đó, người Do Thái chống đối Chúa Giê-su. (Ga 5,14-15)

Suy niệm: Người đàn ông này bị đau ốm suốt 38 năm, nay được Chúa chữa lành cho. Khi đi bộ mang chõng về nhằm ngày sa-bát, bị người Do Thái qui tội vi phạm luật, ông đổ lỗi cho Chúa Giê-su, người chữa lành cho ông. Người Do Thái muốn biết người chữa lành cho ông là ai, còn ông không biết, cho đến khi Chúa tìm đến ông lần thứ hai tại đền thờ. Ông vội vàng đi báo tin cho người Do Thái biết nơi Chúa Giê-su hiện diện để tìm bắt Chúa. Do đó, không phải hễ có mặt ở đền thờ là thờ phượng Thiên Chúa. Nhiều người đến nhà thờ với những động cơ lệch lạc, chẳng khác gì những người buôn bán trong đền thờ vậy. Chúa Giê-su tìm đến ông để cảnh báo cho ông biết tình trạng sẽ khốn hơn trước, nếu ông cứ phạm tội. Chúa kêu gọi ông không chỉ hưởng niềm vui được chữa bệnh phần xác, mà còn phải ý thức sống sao cho phù hợp với ơn thánh đã lãnh nhận.

Mời Bạn: Mùa Chay thôi thúc bạn nhìn đi nhìn lại không chỉ thái độ, mà còn tâm tình của bạn đối với Chúa. Những việc đạo đức bên ngoài sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, nếu ý hướng của bạn đối với Chúa tệ hại như ý hướng của người được chữa lành hôm nay.

Sống Lời Chúa: Chuyên cần xét mình hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con chân thành ca tụng Chúa hằng ngày và luôn luôn chia sẻ với mọi người con gặp gỡ về những ơn lành Chúa đã ban cho con. Xin đừng để con bội phản Chúa bao giờ, nhưng mến yêu Chúa luôn mãi.

 

 

 

 

 

09.03.16

THỨ TƯ TUẦN 4 MC

Thánh Phan-xi-ca Rô-ma, nữ tu

Ga 5,17-30

YÊU CHÚA LÀ VÂNG Ý CHÚA

 

Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm.” (Ga 5,19)

Suy niệm: Ngày nay, đa số các gia đình có ít con, nhiều cha mẹ tưởng rằng con cái muốn gì thì cho nấy mới là thương con, nên có những trẻ nhỏ được nuông chiều thái quá, lâu dần trở thành thói quen và rồi chúng mắc phải hội chứng “con vua”, còn cha mẹ tự nguyện trở thành “ô-sin” lúc nào không hay! Ma quỷ cũng rành rẽ xu hướng đó, nên trong sa mạc, chúng cám dỗ Chúa Giê-su cứ làm theo sở thích của mình để đòi hỏi Chúa Cha phải chiều theo. Nhưng đối với Chúa Giê-su, yêu mến Chúa Cha là tuân phục thánh ý của Chúa Cha. Chúa Cha yêu Con Một của mình là Chúa Giê-su, mọi sự Chúa Cha có đều là của Chúa Giê-su. Về phần Chúa Giê-su, Ngài biết rõ Chúa Cha yêu thương Ngài và không giữ riêng gì cho mình, nên Ngài không thể hành động nghịch lại hay khác với ý Chúa Cha. Chúa Cha yêu thương Chúa Con và bày tỏ tình yêu qua những gì Ngài hành động; cũng vậy, Chúa Con yêu thương Chúa Cha và bày tỏ tình yêu như cách Chúa Cha làm. Ngài không làm điều gì ngoài những việc Chúa Cha muốn.

Mời Bạn: Với lòng yêu mến Chúa, mùa Chay này bạn quyết tâm từ bỏ ý riêng của mình và thay vì muốn gì cho mình, bạn xin Chúa muốn thay cho bạn

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dâng lên Chúa một việc thực hành theo lời Chúa hằng ngày bạn suy niệm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con mến yêu Chúa và quyết tâm theo gương Chúa mỗi ngày, bằng việc thực hành lời Chúa dạy. Con không dám ước mơ gì hơn, chỉ một điều làm đẹp lòng Chúa hằng ngày.

 

 

 

 

 

10.03.16

THỨ NĂM TUẦN 4 MC

Ga 5,31-47

CHỨNG NHÂN ĐÍCH THỰC

 

“Phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.” (Ga 5,36)

Suy niệm: Không ít người giải thích lòng Chúa thương xót cách tùy tiện, như thể không cần một tấm lòng thành sám hối và khát khao nên thánh nào của tội nhân. Họ làm ra vẻ từ tâm và làm cho người nghe hiểu lệch lạc rằng, ơn thánh quí báu từ giá máu của Chúa trên thánh giá là thứ “ân sủng rẻ tiền”, nghĩa là được tha thứ mà không cần lòng thống hối, được rước lễ mà không cần xưng tội, được giải tội mà không cần đích thân đến tòa giải tội. Thật là lệch lạc và quá nguy hiểm! Trái lại, làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là muốn làm gì thì làm, hoặc nói hay làm những điều thỏa mãn thị hiếu của đám đông, mà là nói những điều Thiên Chúa muốn nói và làm những việc Thiên Chúa muốn thực hiện. Chúa Giê-su khẳng định, những việc Ngài làm theo ý của Chúa Cha chứng minh Ngài được Chúa Cha sai đến.

Mời Bạn: Bạn hiểu thế nào về lòng Chúa thương xót? Bạn sống và giải thích lòng Chúa thương xót có đúng với ý của Giáo Hội khi loan báo lòng Chúa thương xót không?

Sống Lời Chúa: Xét mình, thống hối và can đảm tiến đến tòa giải tội.

Cầu nguyện: Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Da-kêu và thánh Mát-thêu khỏi ách nô lệ bạc tiền; làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Ma-đa-lê-na không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo; cho thánh Phê-rô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng thống hối.

 

 

 

 

 

11.03.16

THỨ SÁU TUẦN 4 MC

Ga 7,1-2.10.25-30

ĐỂ HIỂU VÀ YÊU CHÚA HƠN

 

Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông đã không biết Người. Còn tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7,28-29)

Suy niệm: Ngày nay, một em học sinh tiểu học cũng biết muốn thấy được vi trùng, vi khuẩn thì phải dùng một công cụ đặc biệt là kính hiển vi. Cũng thế, muốn dự báo động đất, sóng thần phải có những dụng cụ thăm dò tinh vi và mắc tiền mà những nước nghèo, chậm tiến không dễ gì sắm được. Người Do thái ‘bị trật đường rầy’ ở chỗ này vì họ tưởng rằng chỉ cần biết lý lịch Đức Giê-su là con bác thợ mộc làng Na-da-rét là đã nắm rõ được gốc gác của Ngài. Chúa Giê-su chỉnh lại cái nhìn đó: Ngài từ Thiên Chúa mà đến; mà muốn lãnh hội được những gì thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là những mầu nhiệm, thì phải có công cụ thích hợp đó là cặp mắt đức tin.

Mời Bạn: Sự hiểu biết về Đức Ki-tô không phải là quá trình cân đong đo đếm trong phòng thí nghiệm, mà là một cảm nghiệm trong sự hiệp thông, là mở lòng đón nhận Ngài với niềm tin và tình yêu mến, để sẵn sàng chia sẻ với Ngài, đi theo Ngài trên con đường khổ giá. Lời Chúa hôm nay là dịp để bạn kiểm tra mình đã có công cụ đức tin để nhìn thấy mầu nhiệm Thiên Chúa chưa.

Chia sẻ: Đối với bạn, Đức Ki-tô là ai? Với tâm tình chân thành và đơn sơ, mời bạn chia sẻ điều đó.

Sống Lời Chúa: Bạn nán lại thêm ít phút nữa trong giờ cầu nguyện của bạn để chiêm ngắm Chúa Giê-su chịu đóng đinh thập giá và xin ơn được hiểu Chúa hơn và yêu Chúa hơn.

Cầu nguyện: Tâm sự với Chúa bằng tâm tình riêng của bạn.

 

 

 

 

 

12.03.16

THỨ BẢY TUẦN 4 MC

Ga 7,40-53

PHÂN ĐỊNH VÀ LÀM CHỨNG

 

“Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. ” (Ga 7,43)

Suy niệm: Đúng như lời Chúa Giê-su nói, Ngài đến “không phải để đem bình an,” mà là “gươm giáo và chia rẽ” (x. Mt 10,34; Lc 12,51). Quả vậy, khi bình luận về Đức Giê-su trong những lúc “trà dư tửu hậu, người ta có đủ mọi thứ ý kiến trái chiều: có kẻ coi Ngài như một vị tiên tri, hoặc hơn thế, là Đấng Ki-tô; kẻ khác lại hoài nghi vì xuất thân dân dã của Ngài. Thế nhưng họ lại im lặng vì sợ hãi trước quyền thế của “các thượng tế và người Pha-ri-sêu,” “cả vú lấp miệng em”, thẳng tay “trù dập” bất cứ ai dám lên tiếng bênh vực Đức Giê-su. Đi ngược với số đông đó, các vệ binh dù bị mạt sát là “bọn dân đen, quân bị nguyền rủa, đui mù về Lề Luật, bị mê hoặc” họ vẫn dám làm chứng cho sự thật mà họ nhận được từ Chúa Giê-su. Cũng thế, ông Ni-cô-đê-mô, một người thông luật, trưng dẫn Lề Luật để biện hộ cho Đức Giê-su dù phải hứng chịu những lời mỉa mai của những người đồng sự: “Hãy về nghiên cứu Thánh Kinh.” Không chỉ nói, ông còn xuất đầu lộ diện là môn đệ Chúa Ki-tô trong cuộc khổ nạn và mai táng của Ngài.

Mời Bạn: Bạn có sẵn sàng nói về Đức Ki-tô, và nhất là làm chứng rằng Ngài thật là Đấng Cứu Thế, cho dù vì thế bạn chịu thiệt thòi, bị chế giễu, bị “trù dập” không? Đức Giê-su có bao giờ là đề tài cho chúng ta thảo luận để sống giống như Người chưa?

Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm và suy niệm Lời Chúa hằng ngày để sẵn sàng làm chứng cho Ngài trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa muôn vàn biến cố xảy đến trong ngày, xin cho con cặp mắt đức tin tinh tường để phân định và nhận ra sự hiện diện của Chúa và sẵn sàng làm chứng cho Ngài.

 

 

 

 

 

13.03.16

CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – C

Ga 8,1-11

“TÔI CŨNG VẬY”

 

Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11)

Suy niệm: Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rằng tha thứ không phải là việc dễ dàng, nhất là khi chính mình là người bị xúc phạm nặng nề đến danh dự, đến nhân phẩm, và khi sự xúc phạm đó cứ tái đi tái lại. Những kinh sư và Pha-ri-sêu toan tính “ném một hòn đá trúng hai con chim” khi gài bẫy Chúa Giê-su kết án người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Thế nhưng họ lại rút lui hết khi nghe Chúa bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá chị này đi.” Điều này không có nghĩa là họ thật lòng tha thứ cho chị. Trong khi đó, Chúa Giê-su nói với chị ta: “Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị.” Chúa nói vậy, nhưng không chỉ có vậy: Ngài tha thứ thật tình và muốn chị làm lại cuộc đời của mình. Ngài rao giảng và thực thi quyền năng của Thiên Chúa “trước hết bằng lòng thương xót và thứ tha” khi chính Ngài gánh lấy tội lỗi nhân loại và chịu chết trên thập giá để đền bù và để tội nhân được nên công chính.

Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta nói mình “tha thứ”, nhưng vẫn nhớ hoài sự lỗi của người khác. Chúa muốn chúng ta tha thứ cho nhau vô điều kiện, và đó là điều kiện để Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

Sống Lời Chúa: Xét mình mỗi ngày để nhận ra lỗi lầm của mình, nhờ đó cảm nhận tình yêu tha thứ của Chúa và biết bao dung đối với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con phải nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ. Xin Chúa ngự trị tâm hồn con và làm cho trái tim con tràn đầy tâm tình khoan nhân ái của Chúa, không còn chỗ cho những ghen ghét nhỏ nhen, những oán thù ti tiện.

 

 

 

 

 

14.03.16

THỨ HAI TUẦN 5 MC

Ga 8,12-20

ÁNH SÁNG LÒNG THƯƠNG XÓT

 

“Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12)

Suy niệm: Có đặt mình vào vị trí của người thợ mỏ bị kẹt trong hầm sâu dưới lòng đất, khi bốn bề chung quanh đều chìm trong màn tối dầy đặc, mới thấy rằng chỉ cần một tia sáng le lói loé lên ở cuối đường hầm cũng có nghĩa là được sống, được giải cứu. Chúa Ki-tô tuyên bố Ngài là ánh sáng đó, ánh sáng phát xuất từ nguồn sáng là lòng thương xót của Chúa Cha, ánh sáng duy nhất có khả năng cứu độ con người. Quả thật, trong Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Đối với nhân loại ngày nay, không còn niềm hy vọng được cứu rỗi nào khác, ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa.” Và cũng từ niềm xác tín mãnh liệt vào mầu nhiệm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót (x. Tông sắc Dung nhan Lòng Thương Xót, số 11).

Mời Bạn: Giữa bến mê cuộc sống hôm nay, đâu là ánh sáng đích thực cho đời ta? Tôi có ý thức mình đang bước đi trong bóng tối không? Ai và cái gì có thể giải thoát tôi? Bạn ơi, “việc tái chiêm ngưỡng mầu nhiệm Lòng Thương xót… là nguồn cội của niềm vui, của sự thanh thản và bình an…, cũng chính là điều kiện đối với ơn cứu độ của chúng ta” (số 02). Vậy, còn chần chừ gì nữa! Hãy để cho Chúa thương xót và cứu độ ta…!

Sống Lời Chúa: Sốt sắng tham dự các cử hành sám hối và lãnh nhận bí tích Giao hòa Trong Mùa Chay của Năm Thánh này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con là những người  tội lỗi. Chúng con tín thác vào Chúa.

 

 

 

 

 

15.03.16

THỨ BA TUẦN 5 MC

Ga 8,21-30

BẠN ƠI! ĐỪNG CHẾT TRONG TỘI!

 

“Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội mình mà chết.” (Ga 8,24)

Suy niệm: Những người Pha-ri-sêu đang tức lồng lộn lên vì bẽ mặt sau khi thất bại trong vụ xử người phụ nữ ngoại tình để gài bẫy Chúa Giê-su. Giờ đây, họ xoay ra tố cáo Chúa đã đưa ra một lời chứng không thật. Chúa cho biết Chúa Cha đã sai Ngài và làm chứng cho Ngài. “Thuộc về thượng giới,” nhưng Chúa đã mang thân phận con người hạ giới để nâng nhân loại lên thượng giới. Thế nhưng lời Chúa nói với người Pha-ri-sêu chẳng khác nào nước đổ lá môn. Họ không hiểu, không tin vì họ đã tự hạn chế tầm nhìn nơi hạ giới, giải thích mọi sự theo cái nhìn hạ giới đó. Chúa nói: muốn hiểu và tin lời Chúa thì phải ngước tầm nhìn lên cao: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông mới biết là Tôi Hằng Hữu.” Và chỉ khi nào tin Chúa Giêsu Hằng Hữu, lúc đó mới khỏi “mang tội lỗi mình mà chết.”

Mời Bạn: Nhiều lúc cuộc đời chúng ta giống như chiếc xe bị lún xuống vũng lầy: càng gầm rú lại càng bị lún sâu. Mải mê làm ăn, mong có một cuộc sống thoải mái. Nhưng khổ nỗi, đã có rồi lại muốn hưởng thụ thêm, có khi lại vướng mắc vào những đam mê tội lỗi, muốn tháo gỡ ra thì lại bị đắm sâu hơn. Bạn ơi, nếu cứ để mình bị sa đà trong việc hưởng thụ, thì không bao giờ bạn thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những sự hạ giới. Đừng để mình phải chết trong tội như thế, nhưng hãy ngước nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh thập giá để Chúa nâng bạn lên với Ngài.

Sống Lời Chúa: Xét mình về một tội hay tái phạm, chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh và xin ơn ăn năn chừa tội.

Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn năn tội một cách chậm rãi và sốt sắng

 

 

 

 

 

16.03.16

THỨ TƯ TUẦN 5 MC

Ga 8,31-42

TỰ DO ĐÍCH THỰC

 

Chúa Giê-su nói: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội thì nô lệ cho tội, còn tên nô lệ không ở mãi trong nhà, người con mới ở vĩnh viễn trong nhà.” (Ga 8,34-35)

Suy niệm: Nhiều người quan niệm tự do là phóng túng, muốn làm gì thì làm. Người không thể kiềm chế lòng tham lam, tính nóng giận của mình, là mất làm chủ bản thân, và trên thực tế, họ đang nô lệ cho lòng tham và tính nóng giận đó. Kinh nghiệm của những người nghiện xì ke ma tuý cho thấy họ càng lúc càng trở nên nô lệ cho chất bột trắng này thế nào. Họ tưởng mình đang tự do trong khi họ càng ngày càng trở thành nô lệ. Chúa Giê-su bị bắt, bị sỉ nhục, chịu treo trên thập giá và chịu chết, nhưng Ngài hoàn toàn tự do: Ngài chấp nhận cuộc khổ nạn một cách tự nguyện vì yêu mến. Tự do của Ngài là tự do tuân hành thánh ý Chúa Cha.

Mời Bạn: Thánh Phao-lô tông đồ đã có một cảm nghiệm sâu sắc về sự nô lệ tội lỗi: “Điều tôi muốn thì tôi không làm. Điều tôi không muốn thì tôi lại làm.” Bạn nghĩ sao, có đúng với bạn không?

Chia sẻ: Khi con người đang sống buông thả để hưởng thụ thì lúc đó con người đang bị lôi cuốn vào sự lệ thuộc. Để được hoàn toàn tự do, chỉ có một cách duy nhất là tỉnh thức và tìm ý Chúa và tuân hành.

Sống Lời Chúa: Là con người, không ai không có tội. Bạn cũng như tôi, mỗi người đều có thể có một thói quen xấu và một đam mê không tốt nào đó. Bạn hãy gọi rõ tên nó và tìm cách loại trừ nó ra khỏi đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, để được ở trong nhà Chúa mãi mãi, xin Chúa cho chúng con luôn biết thắng vượt tội lỗi, giải thoát con khỏi tất cả mọi ràng buộc hay lệ thuộc ngoài Chúa.

 

 

 

 

 

17.03.16

THỨ NĂM TUẦN 5 MC

Thánh Pát-rích, giám mục

Ga 8,51-59

LỜI CHÚA LÀ SỨC SỐNG

 

“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51)

Suy niệm: Đã đến lúc Đức Giê-su nói rõ sự thật về Người, dù sự thật này có dẫn đến thập giá. Thật vậy, người Do thái thấy những lời Đức Giê-su nói chứa đầy nghịch lý: - chưa được năm mươi tuổi mà lại “có trước Áp-ra-ham”; - ai tuân giữ Lời Chúa thì được sống thế mà “Áp-ra-ham đã chết, và các ngôn sứ cũng vậy”; - và còn cả gan xưng mình là “Đấng Hằng Hữu” nữa chứ! Đúng là ‘cái miệng hại cái thân!’: tuyên bố mình có Lời ban sự sống mà chính mình lại bị đóng đinh thập giá! Thế nhưng nghịch lý của thập giá chỉ được giải mã khi được đẩy đến tận cùng: khi chính Đấng chịu đóng đinh đã từ cõi chết sống lại.

Mời Bạn: “Cánh cửa để đi vào hạnh phúc không chỉ là những suy nghĩ tích cực, mà phải là năng lực chấp nhận thực tế” (J.Cazapinxki). Thiên Chúa mời gọi chúng ta giũ bỏ các định kiến để mở lòng đón nhận thực tế của Ngài, một thực tế bất ngờ thậm chí còn phi lý nữa. Ta cần trở nên khác – suy nghĩ khác, hành động khác. Chỉ khi chiêm ngắm Đức Giê-su chịu đóng đinh, ta mới cảm nghiệm được Lời Chúa là sức sống cho mình.

Mời bạn chia sẻ một lần cảm nghiệm Lời Chúa đem lại sức sống cho bạn.

Sống Lời Chúa: Trong những ngày chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, ta dành thêm thời giờ cho việc hồi tâm, tĩnh tâm; bớt những cuộc vui chơi giải trí sa đà, để hiệp thông với Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn và để cảm nghiệm hơn tình Chúa yêu ta.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết đón nhận thập giá trong đời con để nhờ đó con cũng nhận được sức sống của Ngài.”

 

 

 

 

 

18.03.16

THỨ SÁU TUẦN 5 MC

Thánh Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, tiến sĩ HT

Ga 10,32-42

DẤU CHỨNG ĐÁNG TIN

“Nếu Tôi không làm các việc của Cha Tôi, thì các ông đừng tin Tôi. Còn nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.” (Ga 10,37-38)

Suy niệm: Ngày 25.02.2006, việc phục vụ của các nữ tu Công giáo – cụ thể là các chị em tu hội Nữ Tử Bác Ái – tại trại phong Di Linh đã được xã hội tuyên dương qua việc trao tặng huân chương cho nữ tu Mai Thị Mậu. Việc tuyên dương đó không chỉ có ý nghĩa công nhận sự hiện diện của các nữ tu, và xác nhận tính chất “tử tế” của công việc họ làm hằng ngày giữa những anh chị em bệnh phong. Họ đã âm thầm phục vụ như thế từ lâu vì họ được thôi thúc bởi tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân, cách riêng với những anh chị em bất hạnh nhất. Họ đang lặp lại sự chọn lựa của Chúa Giê-su nơi cuộc đời mình: Cùng với Đức Giê-su “làm các việc của Thiên Chúa” để nếu như người đời chưa tin thì ít ra cũng cảm nhận được Ngài qua những “việc-của-Thiên-Chúa” đó.

Mời Bạn: Hẳn bạn đang tự hỏi đâu là tiêu chí xác định một việc là việc của Thiên Chúa. Gương sống của các nữ tu trên đây minh hoạ cho Lời Chúa và trả lời cho bạn câu hỏi đó: Tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân đến độ “hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”. Bạn chỉ trở thành một chứng nhân đáng tin cậy khi bạn làm “việc-của-Thiên-Chúa” theo cũng một tiêu chí đó.

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ mà bạn thấy giúp bạn nên giống Chúa Giê-su nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Cha; bởi đó là tình yêu và lẽ sống của Ngài. Xin cho con cũng biết luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, dù phải đi vào con đường thập giá. Amen.

 

 

 

 

 

19.03.16

THỨ BẢY TUẦN 5 MC

Thánh Giu-se, bạn trăm năm Đức Ma-ri-a

Mt 1,16.18-21.24a

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

 

“Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.” (Mt 1,24a)

Suy niệm: Từ khi được chọn làm cha nuôi Đấng Cứu Thế, thánh Giu-se bước vào cuộc hành trình mịt mù của đức tin. Một hài nhi nhỏ bé mong manh chạy trốn vua Hê-rô-đê lại là một vị Thiên Chúa tối cao. Một phụ nữ đơn sơ nghèo hèn lại là Mẹ của Đấng Cứu Thế. Chúa làm người trọn vẹn quá đến nỗi Giu-se không thể hiểu điều gì đang diễn ra. Nhưng thay vì nghi ngờ, hoang mang, Giu-se chọn thái độ thinh lặng chiêm ngắm mầu nhiệm của Thiên Chúa. Giu-se tiếp tục “xin vâng,” mặc dù thánh ý Chúa không luôn luôn rõ ràng mà nhiều khi chỉ là những tiếng vọng mơ hồ giữa giấc chiêm bao.

Mời Bạn: Hành trình bước theo Chúa Ki-tô của chúng ta nhiều khi cũng tăm tối mịt mù như những gì thánh Giu-se đã trải nghiệm. Trong gia đình và ngoài xã hội, nhiều khi chúng ta cố gắng sống tốt và làm điều tốt nhưng lại phải đối diện với những ganh tỵ, hiểu lầm, gièm pha, vu khống và chống đối. Nhiều khi chúng ta bước đi trong bóng đêm của đức tin với nhiều suy nghĩ hoang mang: Đâu là sự thật, đâu là chân lý và công bằng, Thiên Chúa ở đâu?

Chia sẻ: Khi gặp thử thách trong đời: Bạn đã ứng xử ra sao? Bạn có lấy đức tin làm ánh sáng dẫn đường không?

Sống Lời Chúa: Không suy diễn và quyết định theo ý mình, nhưng luôn tìm kiếm và làm theo thánh ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy thánh Giu-se, xin giúp con học lấy đời sống thinh lặng và đức tin kiên vững như ngài, để giữa những bóng đêm thử thách trong đời, con luôn bình tĩnh đón nhận ý Chúa với niềm xác tín rằng có Chúa luôn đồng hành với con. Amen.

 

 

 

 

 

20.03.16

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa

Lc 22,14-23,56

ĐỪNG KẾT ÁN

 

Họ hô lên: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (Lc 19,38)

Suy niệm: Dân chúng Giê-ru-sa-lem vừa reo hò tung hô Đức Giê-su: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!” trong ngày Ngài vào thành thánh cách trọng thể, thì ít ngày sau, cũng chính họ lại nhao nhao tố cáo và đòi lên án tử cho Ngài. Nghi thức kiệu lá và bài Thương Khó trong phụng vụ thánh lễ ngày Lễ Lá nêu bật tính cách mâu thuẫn ấy. Lòng người thay đổi thật nhanh nhưng đồng thời cũng thật dễ bị giật dây, bị tác động. Họ dễ dàng hoà mình vào cái hào khí của đám đông để hoan hô, chúc tụng Đức Giê-su như Đấng Mê-si-a mà họ đang đợi trông. Trái lại họ cũng thật vô ý thức và hèn nhát hùa theo đám đông để đả đảo, đòi lên án tử hình cho người vô tội.

Mời Bạn: Chúng ta vừa chứng kiến một sự sai lầm ghê gớm dẫn đến hậu quả là kết án và giết chết Đấng Cứu Thế. Lắm khi chúng ta cũng áp dụng cung cách sống đó như khuôn vàng thước ngọc để khỏi chuốc lấy bao sự rắc rối: Phán đoán theo chiều gió của dư luận, hành xử theo kiểu ‘ai sao tôi vậy, ai làm bậy tôi làm theo’. Chính vì vậy mà chúng ta không dám tuyên xưng đức tin, không dám bênh vực cho lẽ phải, trái lại, về hùa với số đông, kết án đối xử tệ bạc với những anh chị em thấp bé, nghèo hèn.

Sống Lời Chúa: Đừng kết án để khỏi bị kết án. Không vô cảm, không a dua nhưng có hành động để đồng cảm và bênh vực người chịu cảnh bất công.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, bản tính con người yếu đuối của con hay xúi giục con lên án, đổ lỗi cho người khác. Xin đừng để con lên án một ai nữa, để ngay bây giờ con đáng được Chúa thứ tha. Amen.

 

 

 

 

 

21.03.16

THỨ HAI TUẦN THÁNH

Ga 12,1-11

HÀNH ĐỘNG NGÔN SỨ

 

“Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy.”  (Ga 12,7)

Suy niệm: Ngày ba nhà đạo sĩ Đông Phương đến thờ lạy Chúa Hài Đồng, ba lễ vật vàng, nhũ hương, mộc dược mà họ dâng lên, đã ngầm nói lên phẩm tính hoàng vương của Hài Nhi mới sinh, đồng thời tiên báo cái chết của Ngài. Ngày hôm nay, hành động của cô Ma-ri-a lấy dầu thơm xức chân Chúa Giê-su, được chính Ngài công nhận là một hành động mang tính ngôn sứ: “Dầu thơm này có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” Dù trước mặt mọi người, hành động của Ma-ri-a có vẻ khó hiểu, nhưng đối với cô điều đó không quan trọng, bởi vì cô đã hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu dành cho Đức Ki-tô. Chính tình yêu giúp cô đồng cảm sâu xa với Ngài; và ngay từ lúc này, cô đã cùng Đức Ki-tô đi vào cuộc khổ nạn với Ngài.

Mời Bạn: Albert Nolan viết: “Ta sẽ không thể nào đánh giá cách đầy đủ về Chúa Giê-su trong những lao lung của đời sống hiện tại nếu ta không đi sâu vào linh đạo của Ngài”, nói cách khác, ta phải ngụm lặn vào tâm trạng của Chúa trong những giây phút cận kề với cái chết, ta mới hiểu được Ngài muốn điều gì nơi ta. Hành động của chúng ta sẽ mang tính ngôn sứ khi chúng được thúc đẩy bởi động lực tình yêu.

Sống Lời Chúa: Dành những phút thinh lặng, đặt mình vào vị trí của Mác-ta, Ma-ri-a, La-da-rô, Giu-đa… để chiêm ngắm Chúa Giê-su những ngày trước lúc Ngài chịu khổ hình… và xin ơn được đồng cảm với Chúa để biết hành động sao cho đẹp lòng Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được những ưu tư khắc khoải của Chúa và của anh chị em để con biết an ủi, giúp đỡ.

 

 

 

 

 

22.03.16

THỨ BA TUẦN THÁNH

Ga 13,21-33.36-38

TỈNH THỨC ĐỂ NHẬN RA

 

Đức Giê-su nói với Phê-rô: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” (Mt 16,15)

Suy niệm: Thật đúng như lời Chúa Giê-su đã nói: “Tinh thần thì mau mắn, còn xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26,41). Phê-rô đã không bao giờ nghĩ rằng mình trở thành kẻ phản bội cho đến ‘đêm hôm ấy’ ông nghe được tiếng gà gáy. Đối với nhiều người, tiếng gà gáy chẳng mấy liên hệ, nhưng với Phê-rô, tiếng gà trở nên tiếng gọi để thức tỉnh. Nếu trước đó ông vênh vang, tự đắc, hăm hở tìm xem ai là kẻ phản bội (c.24) thì sau khi chối Thầy, Phê-rô đã khiêm tốn khóc lóc ăn năn trước cái nhìn yêu thương và cảnh tỉnh của Chúa Giê-su.

Mời Bạn: Thói thường, truy tìm và hạch tội người khác thì dễ hơn nhận biết tội lỗi của chính mình. Vì thế, vấn đề nơi mỗi chúng ta không cần phải tìm xem ai là kẻ có tội, mà cần sự thức tỉnh để nhận ra mình chính là tội nhân. Để giúp chúng ta làm được công việc khẩn thiết đó, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta phương thế: đó là “tỉnh thức và cầu nguyện” để khỏi sa chước cám dỗ.

Chia sẻ kinh nghiệm về một lần bạn được thức tỉnh bởi Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trong Tuần Thánh này, bạn dành thời gian tạo bầu khí lắng đọng, bình tâm để lắng nghe tiếng Chúa vang vọng từ đáy lòng, có thể một tiếng gà gáy không đụng đến ai nhưng nó lại làm ta thức tỉnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa dạy chúng con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, bởi tinh thần thường mau mắn, còn xác thịt thì yếu đuối. Xin cho chúng con học được bài học thất bại của các Tông Đồ trong cuộc Vượt Qua với Chúa, để không ai chểnh mảng vì tưởng rằng mình đứng vững.

 

 

 

 

 

23.03.16

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Mt 26,14-25

TRẢ GIÁ CHO TÌNH YÊU

 

 “Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quý vị.” (Mt 26,15)

Suy niệm: Vào tháng 3.2011, một thảm họa kép động đất và sóng thần đã tàn phá một vùng rộng lớn tại vùng đông bắc Nhật Bản. Khi đội cứu hộ tiếp cận đống đổ nát của một ngôi nhà, họ phát hiện một người phụ nữ trẻ đã chết cơ thể cúi gập nghiêng về phía trước như đang cầu nguyện. Căn nhà đổ sập trên lưng chị, cơ thể đã cứng đờ của chị đang che chở cho một đứa bé ba tháng tuổi được quấn trong một chiếc chăn bông nằm trong lòng chị. Đứa bé được cứu sống. Khi mở chiếc chăn quấn đứa bé, người ta tìm thấy chiếc điện thoại, trong đó có dòng tin nhắn “Nếu con có thể sống sót, con phải biết rằng mẹ rất yêu con”. Người mẹ trẻ đã trả giá cho tình yêu dành cho con bằng chính mạng sống của mình.

Mời Bạn: Đức Giê-su đã phải trả giá cho Tình Yêu dành cho con người bằng chính mạng sống của mình, dù Ngài biết rằng Tình Yêu ấy đang bị phản bội bởi chính tội lỗi, bởi sự thờ ơ và vô tâm của chúng ta. Hôm nay, bạn được mời gọi biết ăn năn hối lỗi vì đã phản bội Tình Yêu ấy, để nhận ra mình luôn được yêu thương và để biết sống thế nào cho xứng đáng với Tình Yêu ấy.

Chia sẻ: Bạn sẽ làm gì để hối lỗi về những tội lỗi mình đã xúc phạm đến Tình yêu của Chúa dành cho mình?

Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm câu này “Ngài đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20) để cảm nhận Tình Yêu Chúa dành cho tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin tha thứ những tội lỗi con đã xúc phạm đến Tình yêu lớn lao Chúa dành cho con. Xin ban cho con sức mạnh để quyết tâm không phạm tội và biết sống quảng đại với Tình yêu của Chúa hơn. Amen.

 

 

 

 

 

24.03.16

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Lễ Tiệc Ly

Ga 13,1-15

YÊU ĐẾN CÙNG

 

“Và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1)

Suy niệm: Tam Nhật Thánh là những ngày cao điểm và trung tâm của Năm Phụng Vụ. Đó chính là những ngày Thiên Chúa thể hiện tột đỉnh tình yêu của Ngài dành cho nhân loại. Thiên Chúa yêu thương là yêu đến cùng, là cho đi tất cả cách dứt khoát và vĩnh viễn. Đức Ki-tô khởi đầu cho thời khắc cao trào của Tình Yêu tự huỷ mình ra không (x. Pl 2,7) bằng hành động quỳ gối rửa chân cho các tông đồ. Việc Chúa lập bí tích Thánh Thể tiếp theo – dù Phúc Âm theo thánh Gio-an không minh nhiên nhắc tới, – là sáng kiến tuyệt đỉnh của Tình Yêu để trao ban chính Thân Mình Ngài cho nhân loại. Hành động Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ và việc Ngài tự hiến trong Bí tích Thánh Thể được gói trọn trong mệnh lệnh “hãy làm như Thầy đã làm” (x. Ga 13,15), là “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương” (Ga 13,34).

Mời Bạn đọc kỹ bài Tin Mừng hôm nay, và dừng lại thật lâu ở câu: “Và Người yêu thương họ đến cùng” để cảm nhận tình yêu của Đức Giê-su với nhân loại và với mình, đồng thời, để yêu thương anh em “như Thầy đã yêu”.

Chia sẻ: cảm nhận mình thật hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương và cho làm bạn hữu của Người.

Sống Lời Chúa: Tham dự cách tích cực vào các cử hành phụng vụ của Tam Nhật Thánh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã yêu thương chúng con đến cùng, đến độ Chúa ban tặng cho chúng con chính Thân Mình Chúa. Xin cho chúng con, trong những ngày này, cảm nghiệm được tình yêu của Chúa, và cũng hiến dâng cho Chúa tất cả con người và cuộc sống của chúng con.

 

 

 

 

 

25.03.16

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa

Ga 18,1-19,42

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

 

“Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18,37)

Suy niệm: Đoạn Tin Mừng rất dài này có thể làm nhiều người bắt hụt hai từ rất quan trọng: “sự thật”! Chính vì sự thật này mà có ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Nhiều người trong chúng ta hôm nay cũng đã hỏi câu hỏi của Phi-la-tô: “Sự thật là gì?” Và cũng có nhiều người trong chúng ta hỏi mà không dám dấn thân tìm kiếm và sống cho tới cùng câu trả lời cho vấn nạn đó. Sự thật mà Thiên Chúa mạc khải không phải là một chân lý theo kiểu toán học như ‘hai với hai là bốn’. Không ai cần liều chết để làm chứng cho những chân lý kiểu này. Sự thật của Ki-tô giáo trước hết là một con người: Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Sự thật này mời gọi lòng tin và thúc đẩy chứng tá. Tin để mình được sống và trao chứng tá để người cũng tin và được sống. Như thánh Gio-an, “biết mình nói sự thật để cả anh em nữa cũng tin.” Trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thi hành sứ mạng thừa sai để làm chứng cho Sự Thật.

Mời Bạn: Ý thức rằng Đức Ki-tô không phải là sự thật để ta nhìn một cách bàng quan, nhưng là Sự Thật mời gọi ta dấn thân và khám phá.

Chia sẻ: Đâu là những biểu hiện cho thấy ta có thể chưa hoàn toàn ở trong Sự Thật?

Sống Lời Chúa: Tham dự thật sốt sắng các nghi thức của ngày thứ Sáu Thánh – và mời một người khác cùng làm như vậy với bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho con để con dám đứng về phía Chúa, để lắng nghe tiếng Chúa và làm chứng cho chính Chúa là Sự Thật.

 

 

 

 

 

26.03.16

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

Canh Thức Vượt Qua

Lc 24,1-12

TIN MỪNG LÒNG THƯƠNG XÓT

 

“Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi.” (Lc 24,5-6)

Suy niệm: Tảng đá lấp ngôi mộ Đức Ki-tô đã là dấu chấm hết của mọi niềm hy vọng, nếu như đến ngày thứ ba không mở ra một ngôi mộ trống với lời loan báo tin mừng rằng “Ngài đã trỗi dậy và không còn ở đây nữa.” Thánh Phao-lô nói: “Gieo xuống thì hư nát, trỗi dậy thì bất diệt” (1Cr 15,42). Quả thế, ngôi mộ trống là vật chất, nhưng nội dung nó chuyển tải là mầu nhiệm; ngôi mộ đóng lại là chấm hết cho tội lỗi và sự chết, nay mở ra là ngưỡng cửa đi vào cuộc sống hạnh phúc bất diệt. Vì thế, nếu Chúa Ki-tô không sống lại, thì thập giá chỉ là dấu hiệu của ô nhục, đau khổ của con người không có lối thoát và cái chết của con người là ngõ cụt, và chúng ta sẽ là những người vô phúc nhất. Nhưng Chúa Ki-tô đã sống lại và nhờ tin vào Ngài, chúng ta cũng được sống lại. Đó là tin mừng của hy vọng, tin mừng của lòng Chúa thương xót.

Mời Bạn: Nhờ phép Rửa, chúng ta được cùng chết và sống lại với Đức Ki-tô, được mang trong mình mầm sống của lòng thương xót, mầm sống ấy phải lớn lên trong cuộc sống mỗi ngày và đưa chúng ta vượt qua cuộc sống này để vào cuộc sống vinh quang với Chúa Ki-tô. Bạn có vui mừng vì được tham dự vào sự sống vĩnh cửu đó không?

Sống Lời Chúa: Tin vào Chúa phục sinh, cuộc sống của tôi phải phản chiếu niềm vui được cứu độ và phải mở ra để đón mời nhiều người cũng được vào tham dự sự sống vĩnh cửu này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa phục sinh, xin cho con biết sống như Chúa là yêu thương mọi người cho đến hết hơi cho đến trọn đời hầu mai sau sẽ được phục sinh với Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

27.03.16

CHÚA NHẬT PHỤC SINH – C

Ga 20,1-9

PHỤC SINH: TIN MỪNG ĐÁNG TIN

 

Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mồ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,8)

Suy niệm: Thi sĩ John Irving viết rằng: “Có người hoài cảm đến lễ Giáng Sinh, có kẻ điên điên lại thích Ki-tô hữu vào dịp Sinh Nhật Chúa. Nhưng Phục Sinh mới là biến cố nền tảng; vì nếu bạn không tin Chúa sống lại, bạn không phải là tín hữu” (A Prayer for Owen Meany). Chúng ta thường gọi những kẻ chịu tang người thân là người có vẻ mặt đưa đám. Nhưng trong biến cố Phục Sinh ít thấy khuôn mặt nào như thế sau khi chôn cất Ngài. Tuy có đôi chút hốt hoảng, hoài nghi nhưng các phụ nữ lại hăng hái chạy về báo tin cho Phê-rô và Gio-an. Hai môn đệ Em-mau sửng sốt khi nhận ra Thầy mình làm nghi thức bẻ bánh rồi vui mừng trở lại Giê-ru-sa-lem. Tất cả đều nhờ niềm tin và niềm vui Chúa sống lại như lời Ngài báo trước.

Mời Bạn: Bạn có thể mỏi mệt khi minh chứng niềm tin Chúa sống lại. Nhưng bạn không thể bỏ cuộc một khi đã tin vì biết bao nhân chứng đã và đang rao giảng mầu nhiệm đáng tin này và sẵn lòng trả giá bằng sự sống của họ.

Chia sẻ: Cần nắm vững giáo lý của Đấng Phục Sinh để có thể nói về Ngài cho những người muốn biết hay còn nghi ngại. Đời sống đạo đức: đi lễ, cầu nguyện, làm gương sáng… cũng là những lời minh giải có sức thuyết phục về niềm tin Chúa sống lại.

Sống Lời Chúa: Bắt chước thánh Phê-rô và thánh Gio-an: “Chúng tôi không thể nào không nói ra những gì tai đã nghe, mắt đã thấy” (Cv 4,20).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa đã sống lại và sẽ làm cho mọi người được sống lại với Chúa. Xin củng cố niềm tin ấy cho con luôn mãi. Amen.

 

 

 

 

 

28.03.16

THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS

Mt 28,8-15

ĐIỂM HẸN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

 

Và kìa Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người. Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)

Mời Bạn: Đọc kỹ… để thấm thía lời Tin Mừng hôm nay. Hãy để cho trí khôn, tâm tình và trí tưởng tuợng bạn sống sâu trong bối cảnh này. Cùng với các phụ nữ, bạn hãy đi tìm Đấng Phục sinh! Cùng với họ, bạn khao khát tìm Chúa!… Rồi bỡ ngỡ, ngạc nhiên vì được Gặp Chúa! Vui mừng… chạy đến ôm chân Chúa… bái lạy Người. Rồi quan trọng hơn nữa, mời bạn lắng nghe tiếng Chúa nói: “Chào chị em”… “Chị em đừng sợ!” Ôi thật là an ủi đến chừng nào! Lời chào và lời hẹn của Đấng Phục sinh hôm nay đem lại phấn khởi, thân thương và hoan lạc đến chừng nào, sau  BA NGÀY bi đát đau thương thất vọng! Và nhất là sau cuộc khổ nạn có một không hai đó! Sau cái chết tức tưởi trên Thập Giá!

Bạn Chia sẻ: Sứ Điệp của Đấng Phục sinh là sứ điệp nào?- “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”! Niềm Vui Phục sinh có phải là đặc ân để chúng ta ôm giữ lấy mà vui sướng cho mình không? Hay Tin Mừng Phục sinh phải được chia sẻ, loan báo cho anh em, chỉ vẽ...? Theo bạn, “điểm hẹn Ga-li-lê” ở đâu? Bạn có đến đó theo lời hẹn của Ngài không? Và bạn sẽ giới thiệu cho anh chị em và mời họ tới “Điểm Hẹn Ga-li-lê” để chính họ cũng sẽ được gặp và thấy Đấng Phục Sinh chứ!

Cầu nguyện: Xin cho con ơn trung thành tìm gặp Chúa, Đấng Phục sinh nơi bí tích Thánh Thể, nơi Lời Chúa và nơi những người anh em, để con có thể giới thiệu “Điểm hẹn đó” cho nhiều người đến gặp Chúa! Allêluia!

 

 

 

 

 

29.03.16

THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS

Ga 20,11-18

SỐNG ĐẠO HAI CHIỀU

 

Đức Giê-su bảo Ma-ri-a: “Thôi đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha Thầy, cũng là Cha của anh em...” (Ga 20,17)

Suy niệm: Khi nói “sống đạo hai chiều”, không có ý nói “bắt cá hai tay”. Hai chiều ở đây là chiều dọc và chiều ngang. Chiều dọc là tương quan giữa ta với Chúa; chiều ngang là mối liên hệ với anh chị em. Đạo Công giáo vừa dạy ta mến Chúa, vừa dạy ta yêu người. Mến Chúa mà không yêu người thì chưa đủ; ngược lại, yêu người mà quên mến Chúa thì cũng không xong. Chị Ma-ri-a Mác-đa-la yêu Chúa lắm. Vừa nhận ra Chúa phục sinh, chị vui mừng, muốn ôm chân Chúa, giữ  Chúa lại cho mình. Mối tương quan hàng dọc của chị thật là tuyệt vời. Nhưng Chúa muốn chị quay sang mối tương quan hàng ngang. Đã gặp được Chúa, bây giờ chị phải đến với anh em để báo tin vui Chúa đã phục sinh và “lên cùng Cha của Thầy (hàng dọc), cũng là Cha của anh em (hàng ngang)”. Chị đã làm như vậy, và người ta gọi chị là “Tông đồ của các tông đồ”.

Mời Bạn: Khi làm dấu Thánh Giá ta vẽ trên mình hai vạch dọc và ngang, nhắc ta sống đạo phải có hai chiều, không thể thiếu mất một, nếu vậy chưa thành dấu Thánh Giá, chưa là sống đạo. Tôi đã ý thức hai chiều kích căn bản này của việc sống đạo chưa?

Chia sẻ: Người ta thường bảo người tín hữu Việt Nam sống đạo với Chúa (hàng dọc) rất tốt, nhưng sống đạo với anh em (hàng ngang) chưa tốt: đi lễ đông, đọc kinh, xưng tội, rước lễ nhiều, nhưng thiếu đức bác ái với người khác... Bạn nghĩ thế nào?

Cầu nguyện: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người...”

 

 

 

 

 

30.03.16

THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS

Lc 24,13-35

CÙNG ĐI VỚI ĐẤNG PHỤC SINH

 

“Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32)

Suy niệm: Từ Giê-ru-sa-lem đi Em-mau đường chim bay dài khoảng gần 12km, một con đường khá dài với khách bộ hành. Con đường ấy lại càng như dài vô tận với hai môn đệ mệt mỏi, rã rời bỏ cuộc, về lại quê cũ. Cùng với người bạn đồng hành Giê-su, những cây số đường dài ấy rồi cũng kết thúc. Thế nhưng quan trọng hơn, nỗi buồn, lòng tuyệt vọng của hai môn đệ cũng tan biến theo từng cây số. Điều gì đã tạo nên sự kỳ diệu này? Thưa, nhờ người bạn đồng hành Giê-su: lời gợi ý để họ thổ lộ, tâm tình lắng nghe, lời giải thích ý nghĩa đau khổ trong chương trình cứu độ. Nhờ đó, "lòng họ bừng cháy lên," ý nghĩa đời sống trở nên rõ nét hơn, đêm đen trở thành ánh sáng ban ngày.

Mời Bạn: Em-mau nằm ở phía tây Giê-ru-sa-lem, hướng mặt trời lặn. Vì thế, con đường Em-mau cũng có thể được coi như hành trình của cuộc đời bạn, hành trình đi đến chỗ kết thúc cuộc sống thể lý. Bạn không cô đơn, vì có Đức Giê-su đồng hành với bạn, trò chuyện với bạn, giải thích Kinh Thánh cho bạn, và bẻ Bánh Sự Sống trao cho bạn mỗi ngày.

Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay vẫn có nhiều người như đang lê gót về Em-mau trong buồn chán, mất hết hy vọng. Tôi sẽ tập “đồng hành” với họ qua thái độ quan tâm, lắng nghe, giải thích Lời Chúa cho họ trong khả năng của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con ngắm nhìn Chúa cùng bước với hai môn đệ Em-mau trên con đường dài. Ngày hôm nay, con tin rằng Chúa cũng đang đồng hành với con trên hành trình về quê trời. Xin cho con luôn hy vọng vì có Chúa hiện diện với con. Amen.

 

 

 

 

 

31.03.16

THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS

Lc 24,35-48

“BÌNH AN CHO ANH EM”

 

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36)

Suy niệm: Thấy người chết hiện về là một hiện tượng khủng khiếp, có thể làm ta sợ chết ngất đi được. Vì thế, Đức Giê-su phục sinh đã tìm mọi cách giúp các môn đệ vượt khỏi nỗi sợ này. Ngài chúc bình an cho các ông, Ngài cho các ông xem thấy những vết thương ở chân và tay, Ngài ăn miếng cá nướng trước mặt các ông. Ngài cho thấy thân xác ấy không phải là của một hồn ma, nhưng là thân xác vinh hiển của Đấng Phục Sinh. Thân xác phục sinh ấy vẫn còn mang những vết thương ở tay, chân và cạnh sườn, chứng tích của tình yêu thương mà Ngài đã trải qua. Thân xác phục sinh ấy ngày nay vẫn còn tiếp tục hiện diện với thế giới, đặc biệt trở thành lương thực nuôi sống con người trần thế trong tư thế Bánh ban sự sống.

Mời Bạn: Hãy tin tưởng rằng thân xác vinh hiển của Đấng đang ngự bên hữu Chúa Cha mãi mãi mang những vết thương của cuộc Khổ Nạn ngày xưa. Bạn hãy vượt qua những nỗi sợ trong cuộc sống vì xác tín Đấng Phục Sinh ấy đang ở với mình, đồng hành với mình, luôn yêu thương chăm sóc bạn. Hiện nay bạn đang có những nỗi sợ nào (dư luận, bệnh tật, áp lực công việc, tương lai...)?

Sống Lời Chúa: Sau khi gặp gỡ, đón nhận Mình Máu của Đấng Phục Sinh trong thánh lễ, tôi ý thức mình được mời gọi trở thành chứng nhân cho Ngài bằng một đời sống tích cực, nhiệt thành hơn trong đời sống đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Đấng Phục Sinh, Chúa tiếp tục ban bình an cho con qua các bí tích, sự hiện diện của Chúa. Xin giúp con không còn nô lệ cho các nỗi sợ, can đảm làm chứng tá cho niềm tin vào sự phục sinh của Chúa. Amen.